Viếng Lăng Bác

Phân tích bài thơ Viếng Lăng Bác

Viếng Lăng Bác – Phân tích bài thơ viếng lăng bác

“Viễn Phương”

Bác Hồ ,vị lãnh tụ vĩ đại ,Người Cha già kính yêu của dân tộc. Bác ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào đặc biệt là đồng bào miền Nam. Sinh thời Hồ Chủ Tịch luôn dành tình cảm đặc biệt cho khúc ruột miền Nam –thành đồng Tổ Quốc.

Bác đã từng nói rằng“Miền Nam luôn trong trái tim tôi”.Nhưng vì hoàn cảnh đất nước,Người chưa được một lần vào nơi đây thăm đồng bào và chiến sĩ. Hiểu được tấm lòng của vị Cha già, những người con Miền Nam cũng yêu thương và nhớ thương Người da diết. Để rồi khi hòa bình lập lại,non sông thu về một dải.

Viếng Lăng Bác
Viếng Lăng Bác

Tháng 4 /1976 ,đoàn người miền Nam ra thủ đô viếng thăm lăng Người. Trong dòng người thành kính vào lăng hôm  đó, nhà thơ Viễn Phương một người con của vùng đất An Giang cũng chung những tâm trạng háo hức ,mong chờ,những xúc động  khi được lần đầu tiên về lăng thăm Bác và ông đã viết bài thơ “Viếng lăng Bác “. Một bài thơ trào dâng tình cảm kính yêu  của người con miền Nam đối  với Bác Hồ.

Mở đầu bài thơ,ông viết:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi !Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

“Con ở miền Nam” câu thơ cất lên sao mà gần gũi,thân thương biết bao.Danh xưng “con “ nghe rất Nam Bộ. Vừa thể hiện sự thành kính với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc,lại vừa thể hiện sự thân thiết tình cảm đối với vị Cha già kính yêu .

”Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác”,mối tình đó vừa thủy chung ,vừa son sắt và lớn lao. Ngay cả khi cuối đời nằm trên giường bệnh,câu hỏi đầu tiên khi Bác Hồ tỉnh giấc là hôm nay miền Nam như thế nào.Không có ngôn từ nào để diễn tả hết tình cảm Người dành cho đồng bào Nam bộ.

Trong trái tim Người luôn day dứt về miền Nam .Bác mong ngày đất nước thống nhất. Để việc đầu tiên Bác làm là thăm đồng bào nơi đây. Ước nguyện chưa thành nhưng Bác ơi nay đất nước đã thống nhất. Những người con từ tận miền Nam xa xôi hôm nay đây đã đến thăm Người.

Hình ảnh cây tre trong bài thơ viếng lăng bác có ý nghĩa gì

Giữa khung cảnh  bao la và rộng lớn của lăng Bác,nhìn từ xa trong màn sương sớm của buổi ban mai. Hình ảnh hàng tre đã hiện lên sừng sững và uy nghi. Tre từ lâu đã trở thành một biểu tượng của người dân Việt Nam .Hình ảnh ẩn dụ này thể hiện cho những phẩm chất  cần cù,chịu khó, hiên ngang và bất khuất của con người

Dù trong bão táp mưa sa,tre vẫn hiên ngang cùng đất nước vượt qua bao nhiêu thăng trầm của những cuộc kháng chiến. Để giờ đây hòa bình lập lại ,tre lại trở về nhiệm vụ tỏa bóng mát ,che chở và canh giữ cho giấc ngủ của Bác Hồ. Những câu thơ tiếp theo,chúng ta cùng theo chân dòng người tiến vào lăng viếng Bác:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”

Ngày ngày nơi quảng trưởng Ba Đình lịch sử mặt trời vẫn chiếu rọi trên lăng Bác uy nghi. Nhưng có một mặt trời còn cao cả và thiêng liêng hơn hết đó chính là Hồ Chủ tịch. Là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Mặt trời của tạo hóa là bất diệt là rực rỡ nhất thì mặt trời trong trái tim của nhân dân Việt Nam là vĩ đại và trường tồn tới muôn đời.

Hình ảnh của Người như mặt trời đỏ thắm,rực rỡ chiếu rọi lên dân tộc ta. Là  mặt trời chân lý soi rọi lên bước đường chúng ta đi ,soi rọi lên con đường đi của dân tộc. Dân tộc ta ,nhân dân ta ,non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch – vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc.Và chính Người đã là rạng rỡ dân tộc ta,nhân dân ta,non sông đất nước ta.

Chúng ta biết ơn Người sâu sắc, luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Hình ảnh ẩn dụ được nhà thơ Viễn Phương sử dụng vô cùng sâu sắc, thể hiện sự quan sát tinh tế của ông .Trong dòng người nườm nượp vào lăng viếng Bác, ai cũng chung một tâm trạng nhớ thương và biết ơn vô hạn đối với Bác.

Đọc thêm  Lẽ ghét - thương trong Lục Vân Tiên và tình yêu trong cuộc sống

Để rồi họ cùng kết những tràng hoa dâng lên tưởng nhớ Người. Bảy chín mùa xuân ,bảy chín năm –một cuộc đời ý nghĩa và vĩ đại .Cả một cuộc đời ấy ,Bác chỉ một lòng lo cho nước cho dân ,chưa bao giờ suy nghĩ cho riêng mình. Là “ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ Quốc”,là “sữa để em thơ lụa tặng già”.

Tất cả những điều đó chính là sự yêu thương vô bờ bến Bác dành cho dân tộc ,trái tim Bác mênh mông và vô tận như chính những câu thơ của Tố Hữu đã từng viết về Người :

“Bác ơi! tim Bác mênh mông thế.

Ôm cả non  sông mọi kiếp người”.

Thật xúc động và trào dâng cảm xúc ,khổ thơ tiếp theo nhà thơ dẫn chúng ta vào bên trong lăng để cùng nhìn tận mắt thi hài của Bác.Nhịp thơ bỗng sâu lắng:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Dẫu rằng trời xanh biết là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Trong lòng mỗi người dân Việt Nam,Bác mãi mãi bất diệt. Nên hôm nay nhìn thấy thi hài Người, nhà thơ cảm nhận đó chỉ là Bác đang ngủ mà thôi. Hình ảnh “giấc ngủ ngàn thu yên bình đó” sao bỗng dưng làm chúng ta cay xè nơi khóe mắt. Phải chăng chúng con tin rằng Người đang ngủ,lặng lẽ và yên bình. Ngày ngày mặt trời vẫn đi qua, đêm đêm ánh trăng vẫn chiếu rọi dịu hiền  và thanh mát.

Dẫu rằng Người vẫn luôn sống trong trái tim,khối óc của chúng ta nhưng nỗi xúc động vẫn trào dâng. Dẫu biết rằng trời xanh bao la trên kia là bất diệt. Mặt trời đỏ chói là trường tồn nhưng nỗi nhớ thương vô hạn về Người vẫn cuộn trào trong tim.

Bác đã đi xa thật rồi .Dù muốn hay không nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận quy luật khắc nghiệt của tạo hóa. Tính từ “nhói” được sử dụng đắt giá và đặc biệt vô cùng .Nỗi đau đó đã lên đến tột cùng ,là nhức nhối tận sâu trái tim,khối óc. Đất nước đã hoàn toàn độc lập ,non sông thu về một dải, miền Nam không còn xa xôi ngăn sông cách biển như ngày trước nữa. Nhưng trong niềm vui hân hoan to lớn của dân tộc,chúng con lại thiếu vắng Người. Còn nỗi mát mát ,đau thương nào lớn hơn nữa.

Khổ thơ cuối bài ,như là lời chào tạm biệt của nhà thơ trước lúc về lại miền Nam:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm  cây tre trung hiếu chốn này.”

Ngày mai chúng con phải về lại miền Nam xa xôi. Nghĩ tới đây thôi mà chân như chùn bước,nước mắt trào dâng. Tạm biệt Người ở lại với giấc ngủ ngàn thu  mà bước chân của những người con miền Nam như nặng trĩu

Nếu được lựa chọn ,chúng con muốn làm những cánh  chim bay lượn hót ca bên lăng của Người. Muốn làm những đóa hoa rực rỡ khoe sắc tỏa ngát hương thơm. Và muốn làm cây tre để được đời đời gắn bó bên lăng Bác,che chở cho Người có giấc ngủ bình yên.

Ở khổ thơ này việc sử dụng điệp ngữ “muốn làm” và những hình ảnh ẩn dụ,càng làm tăng thêm nỗi khát khao và lòng biết ơn vô hạn của tác giả đối với Bác Hồ.

“Viếng lăng Bác” một bài thơ đẹp ,nhẹ nhàng và sâu lắng.Thể hiện những tình cảm thành kính ,biết ơn với công lao như trời biển của Bác Hồ kính yêu. Là nỗi nhớ thương vô hạn của đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Nhớ tới Người là làm theo những lời Người dạy bảo,lấy tấm gương đạo đức của Người làm kim chỉ nam cho hành động .Người sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

Phân tích bài thơ viếng lăng Bác 2

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

Đọc thêm  Vẻ đẹp ngôn từ và tài năng ngôn ngữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…

Phân tích bài thơ “Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương.

“ Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha .”

Lời thơ của Tố Hữu vẫn còn vang động trong trái tim của nhân dân miền Nam.  Nhà thơ Viễn Phương ra Hà Nội viếng lăng Bác, cảm xúc trào dâng trong lòng và ông đã sáng tác  bài thơ “ Viếng lăng bác “ .

Đây là bài thơ đặc sắc  nhất trong những bài viết về Bác ,diễn tả niềm kính yêu xót thương và biết ơn vô hạn của tác giả. Bài thơ được viết năm 1976, cuộc kháng chiến chống Mĩ vừa kết thúc, lăng chủ tịch vừa khánh thành , Viễn Phương ra thăm lăng Bác và bài thơ được sáng tác trong dịp đó, trích trong tập “ Như mây mùa xuân”Ngay từ câu mở đầu của khổ thơ một

“ Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác “

Ta đã cảm nhận được một không khí thật  thương , gần gũi trong cách xưng hô với đại từ “ con – Bác”vừa biểu lộ sự ngưỡng mộ thành kính vừa tha thiết thương nhớ, gợi nên bao niềm háo hức chất chứa từ lâu, thể hiện tình cảm kính trọng của nhân dân miền Nam đối với Bác.  Tác giả sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” mong sao giảm nhẹ được nỗi đau thương, mất mát. Hình ảnh “hàng tre” xuất hiện tạo nên một ấn tượng khó quên :

“  Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi ! hàng tre xanh xanh Việt Nam .”

Hàng tre là hình ảnh hết sức thân thuộc của làng quê, của đất nước Việt Nam. Nó còn mang ý nghĩa tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Tre gần gũi với người trong đấu tranh chống giặc và bảo vệ xây dựng đất nước.Từ cảm thán “ ôi”mang bao niềm cảm xúc tự hào bởi tre mang phẩm chất cao quý của con người Việt Nam “ ngay thẳng, bất khuất” dù trải qua bao “ bão táp , mưa sa”.

“ Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Biện pháp tu từ nhân hóa hàng tre “ đứng thẳng hàng” đã làm ta càng tự hào về dáng đứng của co người Việt Nam luôn kiên cường, bất khuất.
Trong khổ 2 của bài thơ Viếng lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương đã tập trung thể hiện kính yêu và niềm thương xót khôn nguôi của tác giả cũng như hàng triệu con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”

Trong nền của hàng tre ẩn hiện trong sương nhà thơ không quên tả hình ảnh của đoàn người Việt Nam ngưỡng mộ , thương tiếc Bác. Âm điệu bài thơ kéo ra với thời gian liên tục không dứt. Diễn tả sự tuần hoàn và trôi chảy của thời gian trong điệp từ “ ngày ngày”.Cảm xúc càng lúc càng trào dâng , tình cảm của nhà thơ của mọi người đối với Bác qua việc kết hợp hai hình ảnh thực và ẩn dụ đặc sắc đầy ý nghĩa.

Hình ảnh“mặt trời”đã được nhân hóa gợi tả sự rực rỡ của thiên nhiên, là nguồn sáng sưởi ấm cho nhân loại.  Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng” thể hiện sự tôn kính biết ơn của nhân dân đối với Bác. Bác Hồ cũng như một mặt trời , đem lại ánh sáng độc lập tự do cho dân tộc, xua tan bóng đêm nô lệ. Nói lên sự vĩ đại của Bác , sự cần thiết của Bác đối với cách mạng Việt Nam không khác nào trái đất cần đến ánh sáng mặt trời.

Màu sắc mặt trời đỏ lại càng khiến ta liên tưởng đến trái tim nhiệt huyết, chân thành , một trái tim thương nước, thương dân.

Công ơn của Người được nhân dân ngưỡng mộ tôn vinh . Nhà thơ tưởng tưởng đoàn người nối tiếp nhau liên tục bằng từ “ dòng người” kết thành tràng hoa để dâng lên Bác : “ kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.Đây là một hình ảnh ẩn dụ đẹp đầy sáng tạo của nhà thơ từng đoàn người đi viếng , nhà thơ nhìn vào và liên tưởng đến một tràng hoa. Từ “ dâng” chứa đựng bao nhiêu tình nghĩa. “ Bảy mươi chín mùa xuân” là cách nói đẹp , rất thú vị cuộc đời Bác như những mùa xuân. Viễn Phương chọn từ khá tinh tế nên câu thơ mang giá trị biểu cảm và tính hình tượng cao.

Đọc thêm  Cảm nhận hình tượng người anh hùng thời Trần qua Thuật hòai và Cảm hoài

Ở khổ thơ thứ ba tác giả thể hiện niềm xúc động tha thiết ,nghẹn ngào khi tác giả vào lăng viếng Bác.Vào trong lăng , khung cảnh và không khí trong lành yên tĩnh như làm ngưng đọng lại thời gian trong hai câu thơ tiếp theo:

“ Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Với sự liên tưởng phong phú , dưới ánh sáng của những ngọn đèn mờ ảo dịu nhẹ, với không gian yên tĩnh trang nghiêm trong lăng , nhà thơ tưởng tượng ánh sáng đang tỏa xung quanh như ánh sáng của “ vầng trăng” . Một thứ ánh sáng dịu hiền  gợi ta nhớ đến tâm hồn cao đẹp, trong sáng của Bác. Lời thơ êm ái, nhẹ nhàng,giọng thơ gợi niềm xúc động chân thành.Tâ m trạng xúc động của Viễn Phương như được nhân lên bằng hình ảnh ẩn dụ sâu xa:

“ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Vẫn biết và tin rằng Bác vẫn còn sống mãi với non sông đất nước như trời xanh mãi mãi vĩnh hằng tồn tại. Người đã hóa thân thành thiên nhiên, đất nước vĩnh hằng nhưng trong tim vẫn đau nhói vì sự ra đi của NGười là sự mất mát quá  to lớn của cách mạng, của dân tộc.

Khổ  thơ cuối cùng chính là cảm xúc khi tác giả từ biệt lăng Bác ra về .

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt.

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác.

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây.

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Khổ thơ như một lời chào thành kính của người con với vị lãnh tụ kính yêu.Niềm xúc động của tác giả cũng là tình cảm tha thiết của nhân dân miền Nam trước sự ra đi vĩnh viễn của Bác. Cụm từ “ thương trào nước mắt” nghe sao quá xót xa  và gợi tâm trạng lưu luyến, vương vấn của nhà thơ.Điệp  từ “ muốn làm” được lặp lại thể hiện cảm xúc chân thành của tác giả.Biết rằng đến lúc phải về miền Nam và chỉ có thể gửi tấm lòng mình bằng cách ước muốn, hóa thân hòa nhập vào cảnh vật quanh lăng Bác.

Nhà thơ muốn nguyện ước hóa thành chim để cất tiếng hát vui vẻ, lạc quan. Muốn làm bông hoa để tỏa hương sắc cho đời. Muốn làm cây tre trung hiếu để nhập cùng hàng tre bát ngát bên lăng Bác. Hình ảnh hàng tre kết thúc bài thơ như để bổ sung  trọn vẹn ý nghĩa cho bài thơ. Gợi lên phẩm chất con người Việt Nam trọn trung, trọn hiếu.

Cách lặp lại như vậy tạo cho bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng. Nhằm tô đậm thêm hình ảnh, gây ấn tượng mạnh và mạch cảm xúc cũng được trọn vẹn. Đây cũng chính là nét đặc sắc của bài thơ. Những cảm xúc thiêng liêng của nhà thơ về Bác. Những cảm xúc chân thành, tha thiết ấy nâng lên thành ước muốn sống đẹp. Những cảm xúc của nhà thơ về Bác cũng là cảm xúc của mỗi người dân miền Nam.

Với thể thơ tự do có bố cục tự  nhiên, đơn giản Viễn Phương đã viết ra những vần thơ đầy cảm xúc. Ý thơ sâu lắng, bài thơ được phổ nhạc lưu truyền rộng rãi trong nhân dân.

Cả bài thơ chính là tiếng long của người con ra thăm lăng Bác. Bác Hồ vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc. Dù Bác đã ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng Bác trong trái trim Viễn Phương và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Scroll to Top