Tư liệu nhà văn Hà Khánh Linh
Nhà văn Hà Khánh Linh, sinh ngày 25.7.1953 tên khai sinh: Nguyễn Khoa Như Ý. Quê gốc: thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đã từng dạy học, làm báo và viết văn. Trong chiến tranh, làm phóng viên Đài phát thanh giải phóng, Đài phát thanh Bình Trị Thiên. Từ 1980, làm biên tập viên rồi Phó tổng biên tập, Thư ký tòa soạn tạp chí Sông Hương. Hiện sống ở Huế.
Tác phẩm của nhà văn Hà Khánh Linh
Tác phẩm chính : Thúy (tiểu thuyết – 1973), Nụ cười Apuxara (tập truyện – 1983), Là bóng hay là hình (tập truyện – 1986), Chiến tranh và sau chiến tranh (tiểu thuyết – 1989), Rừng và cái chết con thiên nga (tiểu thuyết – 1992), Góa phụ Pari (tập truyện – 1993), Trăng cứu rỗi (thơ – 1995).
Trong đội ngũ các nhà văn trưởng thành sau 1975 ở các tỉnh phía Nam, Hà Khánh Linh là một trong những cây bút văn xuôi nữ khá tiêu biểu. Bà mở đầu văn nghiệp của mình bằng tác phẩm Thúy, cuốn tiểu thuyết phản ánh phong trào đấu tranh của đồng bào các đô thị miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Tuy chưa thật đặc sắc, nhưng đã bắt đầu thể hiện cái nhìn tính tế đối với hiện thực. Những năm 80 là thời kỳ sung sức nhất của bà. Cứ ba năm bà lại cho ra đời một tập truyện. Tiểu thuyết Chiến tranh và sưu chiến tranh đã được nhận giải thưởng “Cố Đô” của tỉnh Thừa Thiên Huế, và là cuốn tiểu thuyết tâm đắc nhất của bà. Bà là người viết khá đều và phát huy được thế mạnh của mình ở cả hai thể loại : tiểu thuyết và truyện ngắn. Vào thời điểm xã hội và đời sống văn học có nhiều biến động, Hà Khánh Linh đã có hai tập truyện (Nụ cười Apxara, Là bóng hay là hình) phản ánh những suy tư, trăn trở của mình trước thời cuộc. Bà đặc biệt quan tâm đến số phận của từng con người, đến sự đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, giữa cái sống và cái chết, cái có thật và cái không có thật, quan tâm đến hạnh phúc và tình yêu, cũng như những trạng thái tinh thần, tình cảm khác của con người. Nhân vật của chị luôn được đặt vào những tình huống éo le, phức tạp, buộc phải có sự giải quyết, lựa chọn (ni cô Tuệ Giác trong Hoa phong lan, Cô giáo Bích Thảo trong Là bóng hay là hình, những cô gái Camphuchia trong Nụ cười Apaara …), ở chừng mực nào đó, những vấn để Hà Khánh Linh đề cập trong truyện, đều mang một ý nghĩa xã hội nhân sinh rộng lớn.
Thành công và tâm huyết của Hà Khánh Linh thể hiện ở mảng đề tài về vùng đô thị tạm chiếm miền Nam (Thúy, Chiến tranh và sau chiến tranh). Bên cạnh đó, điều đáng ghi nhận ở Hà Khánh Linh là khả năng phát hiện vấn đề một cách nhanh nhạy, cũng như khả năng thể hiện ý tưởng, quan niệm của mình vừa ý nhị, trầm tĩnh lại vừa sáng rõ đến mức lạnh lùng thông qua các nhân vật (Xóm nhà bên kia sông, Thằng ễnh ương).
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác