Tiểu sử nhà thơ Hoàng Trung Thông
Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh ngày 05.05.1925, .mất năm 1993 tại Hà Nội. Quê gốc: xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trong kháng chiến chống Pháp, lúc đầu ông hoạt động văn nghệ ở Liên khu IV,sau ra công tác ở Hội văn nghệ TƯ. Ông từng là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên huấn TƯ, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ, Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ, Viện trưởng Viện Văn học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn học, Ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam các khóa I, và II.
Tác phẩm của nhà thơ Hoàng Trung Thông
Tác phẩm : Quê hương chiến đấu (thơ – 1055), Đường chúng ta đi (thơ – 1960), Những cánh buồm (thơ – 1964), Đầu sóng (thơ – 1968), Trong gió lửa (thơ – 1971), Như đi trong mơ (thơ – 1977), Chiến công tuốt thơ (thơ – 1983), Những ngày thu ở Liên Xô (bút ký – 1983), Chặng đường mới của văn học chúng ta (phê bình tiểu luận – 1961), Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống (phê bình tiểu luận – 1979).
Hoàng Trung Thông thuộc lớp các nhà thơ xuất hiện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Ông tiếp tục làm thơ và xuất bản thơ trong và sau những năm chống Mỹ cứu nước, nhưng ấn tượng về thơ ông sau nửa thế kỷ nhìn lại vẫn thuộc về những bài thơ mùa đầu kháng chiến khi ông ra mắt với bạn đọc, cùng thời với Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Tân Sắc, Tham Tâm… Người đọc yêu và thuộc hai bài thơ nổi tiếng trong thơ ông Bài ca vỡ đất và Bao giờ trở lại (in trong tập Quê hương chiến đấu, 1955) không chỉ vì cả hai bài thơ đó đều được phổ nhạc và giảng dạy trong nhà trường phổ thông, mà còn vì sự trình làng mới lạ cả về nội dung và nghệ thuật trong trong bài thơ đó cho đến nay vẫn rất ấn tượng. Giữa những ngày gian khổ của cuộc trường kỳ kháng chiến, tứ thơ của Bài ca vỡ đất và Bao giờ trở lại cất lên như một nét hồn hậu, đằm thắm, hết sức tự nhiên và cũng hết sức trữ tình. Bài thơ viết về “đoàn áo vải” có thể là đoàn bộ đội nông bình, đoàn cán bộ kháng chiến thoát ly quê hương, lên chiến khu, sản xuất tự túc và sẵn sàng đánh giặc. Chỉ là những câu thơ tự do, dài ngắn không nhất định, thỉnh thoảng có chen đôi câu lục bát có vần như những lời cửa miệng : “Chúng ta đoàn áo vải, Sống cuộc đời rừng núi bấy nay, Đồng Kinh ta thiếu đất cày, Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng” nhưng lại ánh lên một vẻ đẹp cộng đồng mộc mạc dân dã. Cái tự hào phơi phới của cả một lớp người đi tạo lập cuộc sống kháng chiến hết sức gian nan, song lại hết sức lạc quan không phải thời điểm nào cũng có thể có được. Dòng thơ ngắn đồn đập, nhịp thở nhanh, mạnh liền chuỗi, làm bật nổi những hình tượng thơ khỏe khoắn lần đầu có mặt trong thơ : “Khoai trồng thắm rẫy, Lúa cấy xanh rừng, Hết khoai ta lại gieo vừng, Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta” không chỉ dừng ở phạm vi hình tượng mà đã ngả sang phạm trù triết lý cuộc sống. Bài thơ toát lên một nghị lực lớn, một bài ca lạc quan lao động nên hai câu kết của bài thơ đến với người đọc như một sự tiếp nối của quy luật cuộc sống : “Bàn tay ta làm nên tất cả, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Hai câu thơ cuối đã vượt rào cản trở thành tục ngữ, thành ngữ của người lao động. Nó chắc nịch như là một tổng kết chân xác của lao động và sáng tạo.
Bài thơ Bao giờ trở lại đặc biệt hấp dẫn người đọc bởi tình người, ở đây nó là tình cảm đoàn kết quân dân, tình yêu quê hương đất nước. Tình cảm ấy được thể hiện một cách mộc mạc, hồn nhiên qua lời tâm tình nhắn hỏi của một cô thôn nữ với các anh bộ đội cụ Hồ đã từng đóng quân nơi quê hương cô : “Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi, Xóm làng tôi còn nhớ mãi, Các anh đi bao giờ trở lại, Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong”. Chỉ là một lời nhắn hỏi kể chuyện nhớ nhung chung chung vì không rõ các anh ở đây là cụ thể những ai, và trai gái chờ mong cũng là cụ thể những ai, nhưng mới đọc lên thôi nghe đã thật đằm thắm, thấm thía. Người nhấn hỏi nhắc lại những hình ảnh : “Các anh về mái ấm nhà vui,… Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau, Mẹ già bịn rịn áo nâu, Vui đàn con ở rừng sâu mới về”, kể về những nỗi nhớ của người già, người trẻ của cái xóm nhỏ bên sông có cây đa, bờ đê, bến nước, sân đình như vẫn còn lưu giữ hình ảnh đoàn quân đã lâu rồi ấy. Bài thơ cho thấy nhân dân trân trọng, chờ mong, tình cảm sâu nặng đến như thế nào đối với các anh bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu vì hạnh phúc
và cuộc sống hòa bình của nhân dân. Với hai bài thơ bật nổi này, ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, thơ ông đã có được một chỗ đứng bền vững trong lòng người đọc. Tuy nhiên, những tập thơ tiếp theo của ông, đặc biệt là tập Những cánh buồm (1964) vẫn tiếp nối được vẻ đằm thắm trữ tình mà còn bồi thêm chất suy tư về sự tiếp nối thế hệ, vươn tới những ước mơ xa.
Bên cạnh thơ trữ tình, Hoàng Trung Thông còn là một nhà phê bình văn học có uy tín. Những bài viết của ông về Chặng đường mới của văn học chúng ta (1961), Bác Hồ làm thơ và thơ của Bác (1977) thật sự có những phát hiện và đóng góp trong việc tìm hiểu, thưởng thức nền văn học Việt Nam hiện đại.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác