Tiểu sử nhà văn Chu Văn
Nhà văn Chu Văn sinh ngày 22.12.1922, mất ngày 17.7.1994, có tên khai sinh : Nguyễn Văn Chử. Quê gốc: xã Trực Nội, huyện Thái Ninh, nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cha ông là một thầy đồ nên ông được học chữ nho từ nhỏ. Năm 12 tuổi, cha mất, Chu Văn phải nghỉ học, về nhà làm ruộng. Từ 1940 đến 1941, ông tham gia phong trào thanh niên cứu quốc ở Nam Định, Hải Phòng. Sau đó, ông tham gia Cách mạng tháng Tám ở quê, làm cán bộ tuyên truyền xã. Trong kháng chiến chống Pháp. ông làm công tác tuyên huấn, địch vận ở Thái Bình và Liên khu III. Từ 1950, ông phụ trách tòa soạn báo Cứu quốc Liên khu II Năm 1957, chuyển về công tác tại Nam Định, ông làm Trưởng ty văn hóa Nam Định. Năm 1959, ông tình nguyện đi chiến trường B. Từ 1977 đến 1979, ông là Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nam Ninh và từng là Ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa III.
Tác phẩm của nhà văn Chu Văn
Tác phẩm đã xuất bản : Ai qua Phát Diệm (truyện thơ – 1955), Con đường lầy (tập truyện ngắn – 1957), Cô lái đò sông Ninh (tập truyện ngắn – 1960), Ánh sáng bên hàng xóm (tập truyện ngắn – 1964), Bão biển (tiểu thuyết 2 tập – 1969), Đất mặn (tiểu thuyết 2 tập – 1975), Hương cau – Hoa lim (tập truyện ngắn – 1976), Bông hoa trắng (tập truyện ngắn – 1977), Sao đổi ngôi (tiểu thuyết – 1984)…
Chu Văn khởi đầu văn nghiệp bằng thơ. Tập truyện thơ đầu tay có nhan đề Ai qua Phát Diệm (1955). Sau đó cho in các tập truyện ngắn: Con đường lầy (1957), Cô lái đò sông Ninh (1960), Ánh sáng bên hàng xóm (1964). Tuy nhiên, tài năng của ông thực sự được khẳng định qua tiểu thuyết Bão biển (2 tập – 1969). Là một nhà văn sống nhiều năm ở vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ, Chu Văn đã tích lũy được vốn sống khá phong phú. Bộ tiểu thuyết Bão biển viết về một vùng nông thôn công giáo ven biển Bắc Bộ trong những ngày đầu xây dựng hợp tác được coi là một thành công nổi trội của văn xuôi Việt Nam thời kỳ này.
Năm 1975, Chu Văn xuất bản bộ tiểu thuyết Đất mặn (2 tập). Vẫn kiên trì theo đuổi để tài nông thôn với tất cả sự phức tạp và sôi động của nó, Chu Văn muốn nêu bật và khẳng định vai trò tích cực của tuổi trẻ, sự trưởng thành của họ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn sau, Chu Văn vẫn viết đều: Hương cau – Hoa lim (truyện ngắn – 1976), Bông hoa trắng (truyện ngắn – 1977), Sao đổi ngôi (tiểu thuyết – 1984)…
Có một điều lạ là những trang viết về sau của Chu Văn khá mới mẻ về cách thức trần thuật, giọng văn biến hóa hơn. Những câu chuyện tình yêu, tình đời đằm lắng hơn, “nỗi niềm” hơn, đa đoan hơn nhiều so với những đoạn viết về tình yêu trong hai tập sách nổi tiếng trước đây là Bão biển và Đất mặn. Có lẽ đó là do sự gặp gỡ của hai nguồn: sự đổi mới trong đời sống văn học và ý thức bứt phá, nỗ lực cách tân của chính nhà văn để “thấu nhân tình” hơn khi soi ngắm, lật xới và phơi tỏ những quan hệ phức tạp, đa chiều của cuộc sống. Đúng như thi sĩ Nguyễn Bính nhận xét, những gì Chu Văn đã trải nếm, nghĩ suy và thể hiện điều chứng tỏ “ông là một cây bút có bản lĩnh”.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác