Giới thiệu tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca
Đại Nam quốc sử diễn ca là tác phẩm diễn ca lịch sử do Lê Ngô Cát soạn dưới thời Tự Đức, Phạm Đình Toái nhuận sắc.
Lê Ngô Cát, chưa rõ năm sinh và năm mất, Quê gốc : làng Hương Lang, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Năm Tự Đức thứ nhất (1848), ông dự thi hương, đậu Cử nhân, được vào Quốc sử quán làm việc, dưới quyền của Tổng tài Phan Thanh Giản. Cuối đời, ông được bổ nhậm Án sát, tỉnh Cao Bằng, không bao lâu, bị cách chức. Tác phẩm duy nhất được biết của Lê Ngô Cát là Đại Nam quốc sử diễn ca (cùng chung với Phạm Đình Toái).
Nguồn gốc tác phẩm : một nho sinh Kinh Bắc dâng lên vua một cuốn lịch sử có tên Sử ký quốc ngữ ca, diễn ca lịch sử từ đời Hồng Bàng đến lúc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Tuy nhiên bản Sử ký quốc ngữ ca này còn rất sơ lược và non yếu về nghệ thuật diễn ca. Được nhà vua giao trách nhiệm, Lê Ngô Cát đã dày công sửa chữa, thêm bớt và kéo dài bản diễn ca đến hết đời Lê Chiêu Thống, gồm 3774 câu lục bát và đổi tên là Đại Nam quốc sử diễn ca. Khi hoàn thành, tương truyền ông được nhà vua hen thưởng một tấm lụa và hai đồng tiền và ông nói vui với chúng bạn. Rằng “Vua khen thằng Cát có tài, Thưởng cho cái khố với hai đồng tiền” !
Phạm Đình Toái, chưa rõ năm sinh và năm mất, tự Thiếu Du, hiệu Song Quỳnh. Quê gốc : làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), ông dự thì vương, đậu Cử nhân, sau đó, nhậm chức Hồng lô tự khanh.
Tác phẩm gồm có : Quỳnh Lưu tiết phụ truyện. Ông đã từng dịch thơ ca cổ điển Trung Quốc ra quốc âm, gồm Tấn, Đường, Tống thì ca diễn ca và Quy khứ lai từ diễn ca. Tác phẩm xuất sắc nhất của ông là Đại Nam quốc sử diễn ca (cùng chung với Lê Ngô Cát).
Ông đã nhuận sắc góp phần nâng cao nội dung và nghệ thuật của Đại Nam quốc sử diễn ca, từ 3774 cầu rút xuống còn 2054 câu lục bát. Ngoài việc bớt đi non một nửa, họ Phạm không bổ sung sự kiện, mà chủ yếu là sắp xếp lại sao cho gọn và mạch lạc, thông suốt. Bản diễn ca hiện nay lời chải chuốt, ý súc tích, hình ảnh chọn lọc, tiêu biểu… đạt giá trị văn học cao, phần lớn do tài năng của người nhuận sắc.
Sau khi hoàn thành, Đại Nam quốc sử diễn ca còn được một số danh nho khác như Phan Huy Thực nhuận sắc thêm, nhưng không nhiều. Đặng Huy Trứ đã đưa đến Trí Trung đường khắc mộc bản và ấn hành vào các năm 1870 – 1871 tại Hà Nội.
Đại Nam quốc sử diễn ca có nhiều điểm nổi bật. Các tác giả đã cố gắng để có cái nhìn khái quát và khách quan về nhiều giai đoạn lịch sử, về nhiều biến cố vốn rất phức tạp, rườm rà nhằm nắm bắt chính xác nguồn mạch và sự diễn biến hợp lý, rồi truyền vào đó cảm hứng của người nghệ sĩ, tạo nên cái chất văn hấp dẫn. Do đó, tác phẩm đã vượt cao hơn nhiều bản diễn ca lịch sử khác. Những đoạn diễn ca về Thần Phù Đổng, Hai Bà Trưng, Phá giặc Mông Cổ, Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi súc tích mà phấn chấn hào hứng, thực sự là những bản tráng ca bất hủ. Các tác giả đã tuyên dương đại nghĩa dân tộc, ngợi ca các anh hùng giữ nước và dựng nước, đồng thời phê phán không khoan nhượng bè lũ cướp nước và bán nước. Một số bi kịch lịch sử như cảnh ngộ Mỵ Châu – Trọng Thủy cũng được lý giải phân minh, nêu lên bài học cảnh giác cho hậu thế nhớ mãi.
Về mặt nghệ thuật, Đại Nam quốc sử diễn ca đã rất nhuần nhuyễn khi sử dụng thể thơ lục bát dân tộc và ngôn ngữ văn chương tiếng Việt.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác