Tiểu sử tác giả Đàm Văn Lễ (1452 – 1505)
Đàm Văn Lễ, tự Hoằng Kính, hiệu Chân Trai, là quan chức, soạn giả, nhà thơ. Quê gốc : làng Lãm Sơn, huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc, nay là xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Thuở nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, thi hương đỗ Giải nguyên. Khoa thi năm Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông, ông đỗ đồng Tiến sĩ, được bổ chức Hàn lâm hiệu lý. Năm 1483, thăng chức Thị thư Viện hàn lâm, cùng với Thân Nhân. Trung và một số văn thần vâng mệnh Lê Thánh Tông, biên soạn bộ sách Thiên Nam dư hạ tập và Thân chinh kỷ sự. Năm 1484, tham gia soạn thảo một số bài ký đề vào các bia tiến sĩ tại Văn Miếu, nhân dịp triều đình cho dựng bia ghi tên những người đỗ đại khoa từ khoa thi 1442. Năm Mậu Thân 1488, ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, lúc trở về được thăng Phó đô ngự sử, rồi được thăng dần lên đến Thượng thư bộ Lễ, Đông các đại học sĩ. Sau khi Lê Thánh Tông mất, ông tham gia soạn Chiêu Lăng thần đạo bi (Văn bia Chiêu Lăng) năm 1498. Sau đó, năm 1499, ông được cử tiếp sứ nhà Minh sang sách phong. Năm 1504, Lê Hiến Tông bệnh nặng. bà Kính phi họ Nguyễn mưu đưa con nuôi là Lê Tuấn lên làm vua, đã đem vàng bạc đến hối lộ ông, nhưng ông từ chối. Khi Hiến Tông mất, Đàm Văn Lễ cùng Nguyễn Quang Bật theo di chiếu, phù lập Lê Thuần (tức Lê Túc Tông) lên ngôi. Năm 1505, Túc Tông mất, Lê Tuấn lên làm vua tức Lê Ủy Mục. Vua Uy Mục căm giận việc trước, giáng ông làm Thừa tuyên sứ Quảng Nam. Trên đường đi nhậm chức, ông cùng Nguyễn Quang Bật bị Ủy Mục sai người đuổi theo bức tử ở bến An Lạc, sông Lam, huyện Chân Phúc (nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Tác phẩm của tác giả Đàm Văn Lễ
Tác phẩm : gồm Văn bia Chiêu Lăng (soạn chung với Thân Nhân Trung và Lương Hưng Hiếu). Thơ văn của ông thất lạc nhiều, chỉ còn 35 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục. Tương truyền, trước khi chết, ông còn kịp ngâm một bài thơ quốc ngữ.
Thơ Đàm Văn Lễ có một số bài làm trong nước, còn phần lớn là thơ đi sứ. Qua những vần thơ này, có thể thấy được tấm lòng của ông đối với thiên nhiên, đất nước, những suy ngẫm, bình luận của tác giả về một số sự kiện và con người trong lịch sử Trung Quốc.
Thơ thiên nhiên của Đàm Văn Lễ không có những sáng tạo tân kỳ về tứ thơ như Thái Thuận, cũng không mang nét bình dị, mộc mạc, đặc sắc như thơ Nguyễn Bảo, nhưng cũng không rơi vào công thức khuôn sáo của lối thơ xướng họa, thù tạc đang rất thịnh đương thời. Ông viết về cây trúc, bên cạnh nét giống các nhà thơ khác là ca ngợi phẩm chất kẻ sĩ, thể hiện cái chí của mình, bài thơ vẫn có,những nét riêng. Mối tình gắn bó giữa người và trúc không chỉ vì sự tương đồng về phẩm chất cứng cỏi, chịu đựng gió sương, mà còn vì vẻ đẹp của thiên nhiên, vì tình yêu thiên nhiên : “Ngọn trúc phơn phớt làn khói, sắc biếc đượm đà, Khoảng sân vắng, trúc đem lại cho ta làn gió mát” (Đối trúc). Trong thơ Đàm Văn Lễ không có những cảnh lộng lẫy, rực rỡ, mà thường đẹp một cách đơn sơ, kín đáo, nhưng vẫn mang được vẻ phong phú, đa dạng của đời sống : một bóng trăng trên cành hoa mai (Vịnh mai), những cánh bướm bay đi tìm hương nhầm lối đến trước cửa sổ (Lạc hoa – Kỳ nhị), những tiếng ve ran mùa hạ (Hạ nhật tức sự), một bóng nhạn trắng trên bãi sông bay ngược hướng thuyền đi (Thủy biên bạch nhạn), một tiếng chuông chùa vang trong sương (Trung thu thưởng nguyệt), v.v.. Cảnh trong thơ ông nhiều khi mang những nét buồn. Không khí mùa xuân mà vắng lặng như đang tàn tạ với cánh hoa rơi (Lạc hoa – kỳ nhất, kỳ nhị). Ánh trăng thu thì thấm lạnh trong sương (Trung thu thưởng nguyệt). Ông đến với thiên nhiên để ký thác nỗi buồn biệt ly, để gửi gắm tâm sự u hoài nhớ nước. Chính vì vậy qua những vần thơ thiên nhiên có thể thấy được tấm lòng yêu quê hương đất nước của tác giả.
Tâm sự cá nhân và tâm sự nhân thế của Đàm Văn Lễ thường được gửi gắm qua những vần thơ viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử Trung Quốc. Trong bài Phiếu mẫu từ (Đền bà Phiếu mẫu), ông đã phê phán một cách thâm thúy và sắc sảo hành động vong ân bội nghĩa của Hán Cao Tổ khi sát hại Hàn Tín: “Giúp một bữa cơm là cái ơn nhỏ, mà còn báo đền công đức. Huống chi hai lần được phong ở nước lớn, há lại không có lòng báo ơn hay sao ?”. Cái tâm sự bất như ý trong chốn hoạn đồ, cái nguyện ước xa lánh dặm thanh vân, bỏ ra ngoài danh vọng để vui thú tiêu dao ẩn dật của ông được thể hiện kín đáo qua bài Phạm Lãi du Ngũ Hồ, Trùng cửu ngũ tác…
Nhìn chung thơ Đàm Văn Lễ không thật đặc sắc, nhưng cũng không rơi vào dễ dãi, không gò gẫm theo lối thơ xướng họa. Nhà thơ đã vượt lên trên công thức, khuôn sáo bằng những xúc động chân thành, bằng sự thể hiện tỉnh tế những tình cảm suy tư của mình một cách chân thật.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác