Tiểu sử nhà thơ Đào Duy Từ (1572 – 1634)
Đào Duy Từ là nhà thơ, đồng thời là một võ quan. Quê gốc : làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, nay thuộc xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình làm nghề hát xướng, cha ông là Đào Tá Hán đứng đầu quản lý trong quản đội nữ nhạc trong Đại nội dưới triều Lê Anh Tông.
Đào Duy Từ là người thông minh, học rộng, biết nhiều, nhưng vì là con nhà xướng ca nên không được đi thi. Bất mãn vì luật lệ thi cử, lại tự thấy mình có tài mà không được trọng dụng, ông bỏ quê vào Đàng Trong (thuộc địa vực chúa Nguyễn) tìm đường tiến thân. Lúc đầu làm thuê cho một điền chủ làng Hoài Nhơn, nay thuộc TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tương truyền ông đã dạy nghề hát bội cho người địa phương và sáng tác kịch bản tuồng Sơn Hậu (vở cũ hiện không còn). Sau ông được Trần Đức Hoài, một trọng thần của chúa Nguyễn, gả con gái cho, rồi tiến cử với chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Đào Duy Từ được chúa trọng dụng, cử coi việc quân cơ, tham mưu chính sự và được tước phong Lộc Khê hầu. Trong 8 năm làm quan, Đào Duy Từ đã góp phần đắc lực vào việc xây dựng cơ nghiệp chúa Nguyễn và phát triển văn hóa, văn học ở Đàng Trong. Chính ông đã cho đắp lũy Trường Dục (Quảng Ninh, Quảng Bình) và Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) để ngăn cản đường Nam tiến của quân Trịnh. Đào Duy Từ được coi là “Khai quốc công thần đệ nhất” của chúa Nguyễn. Khi chết, ông được truy tặng Quận công và được thờ ở Thái miếu. Ông là một nhà thơ, nhà văn, nhà quân sự và nhà kiến trúc giỏi.
Tác phẩm của nhà thơ Đào Duy Từ
Ông còn để lại sách Hổ trướng khu cơ bàn về binh pháp, gồm các phép hỏa công, thủy chiến, các thế trận, cách tổ chức quân đội… Về văn học, Đào Duy Từ có nhiều sáng tác bằng chữ Nôm, hiện còn lại 2 bài Ngọa Long cương vãn và Tư Dung vãn , đều được viết trước 1627.
Ngọa Long cương vãn (Bài ca núi Ngọa Long) gồm I36 câu lục bát mượn câu chuyện sử Trung Quốc. Cuối đời Đông Hán, Khổng Minh Gia Cát Lượng ẩn cư ở núi Ngọa Long (đất Nam Dương, nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) nên người đời gọi là Ngọa Long tiên sinh. Lưu Bị ba lần đến tận lều cỏ mời, Khổng Minh mới chịu ra giúp họ Lưu, lập nên cơ nghiệp nhà Thục Hán, chia ba thiên hạ. Đó là thời Tam quốc. Tác phẩm vừa ca tụng phong thái thanh cao của một bậc ẩn sĩ, không màng danh lợi, vừa thể hiện tài cao chí cả và bản lĩnh vững vàng của một con người có hoài bão lớn. Đào Duy Từ ngầm ví mình như Gia Cát Lượng đang ẩn cư, ôm ấp một lý tưởng hành đạo, đang chờ đời thánh chúa biết dùng tài của mình. Ông hy vọng được giúp chúa Nguyễn xây dựng vương nghiệp, thống nhất đất nước. Tư Dung vãn gồm 332 câu lục bátvà 7 bài thơ ca, ngâm khúc. Tư Dung là tên một cửa biển phía nam Thuận Hóa, là một nơi có cảnh tượng hùng vĩ, đã được nhiều nhà thơ đề vịnh. Đây cũng là nơi chúa Nguyễn đã từng đặt thủ phủ, là vùng cứ điểm quan trọng của xứ Đàng Trong. Bài thơ đã miêu tả một vùng cửa biển đẹp với phong cảnh non nước, thuyền bến, đến chùa êm đềm, quyến rũ, với sản vật phong phú tốt tươi, với cuộc sống nhộn nhịp, với con người xứ Thuận Hóa thanh tâm. Bài thơ còn ta ngợi thú yên hà của bậc cao sĩ. Toàn bộ bài thơ thể hiện một niềm yêu mến, tự hào về một vùng non nước thái bình, thịnh trị.
Thơ Nôm lục bát trong hai bài vấn của Đào Duy Từ tương đối hoàn chỉnh, âm điệu hài hòa, ngôn ngữ bình dị, trong sáng tự nhiên; tuy còn sử dụng khá nhiều từ ngữ, điển cố Hán học. Sáng tác của Đào Duy Từ là những tác phẩm Nôm xuất hiện vào loại sớm ở khu vực Đàng Trong. Ông là một tác giả có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của văn học tiếng Việt.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác