Tiểu sử nhà thơ Thanh Hải
Nhà thơ Thanh Hải, sinh ngày 4.11.1930, mất ngày 15.12.1980, tên thật là Phạm Bá Ngoãn. Quê gốc : Xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cha ông làm nghề dạy học, trực tiếp dạy dỗ và kèm cặp cho con trai. Trong thời gian này, một số văn thân cũ trong phong trào Cần Vương thường lui tới gia đình ông ngâm vịnh những vần thơ yêu nước. Tư tưởng chính trị và năng khiếu văn học của Thanh Hải đã được khơi dậy trong ảnh hưởng của hoàn cảnh trên. Năm 17 tuổi, Thanh Hải tham gia kháng chiến (làm chính trị viên Đoàn văn công tỉnh Thừa Thiên – Huế). Sau 1954, cũng như Giang Nam, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại hoạt động trong vùng địch chiếm. Năm 1967, thành lập chiến khu Trị – Thiên, ông về phụ trách công tác văn hóa tuyên huấn ở chiến khu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau 1975, ông là Tổng thư ký Hội văn nghệ Bình – Trị – Thiên. Ông cũng từng là Ủy viên thường vụ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1978), Ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam. Thanh Hải mất tại Huế khi tuổi mới 50.
Tác phẩm của nhà thơ Thanh Hải
Tác phẩm chính : Những đồng chí trung kiên (1962), Huế mùa xuân (tập 1 ~ 1970, tập 2 – 1975), Dấu võng Trường Sơn (1977), Mùa xuân đất này (1982), – Thanh Hải thơ tuyển (1982).
Những đồng chí trung kiên là tập thơ đầu tay của Thanh Hải và cũng chính là tập thơ được đông đảo bạn đọc yêu thích, mến mộ nhất. Hàng loạt bài thơ của ông lúc đó được phổ biến rộng rãi : Mồ anh hoa nở, A Vầu không chết, Núi vẫn nhớ người vẫn thương, Cháu nhớ Bác Hồ, Miền Nam... Đó là những bài thơ phản ánh một cách xúc động cuộc đấu tranh thầm lặng, gian khổ và quyết liệt của đồng bào miền Nam trong thời kỳ đen tối nhất (1954 – 1959). Thơ Thanh Hải tập trung tố cáo sự tàn bạo và man rợ của kẻ thù, đồng thời ca ngợi những tấm gương hy sinh anh dũng của “các đồng chí trung kiên”, tấm lòng sắt son chung thủy của nhân dân đối với Bác Hồ… Mồ anh hoa nở là bài thơ xuất sắc của tập thơ này. Bài thơ làm theo lối 5 chữ, bằng một số chỉ tiết vừa cụ thể vừa khái quát, tác giả vừa tả, vừa kể một cách xúc động và sinh động về cái chết của người cộng sản, sự tàn bạo của kẻ thù và tấm lòng kiên trung không gì lay chuyển nổi của đồng bào miền Nam đối với cách mạng.
Nhìn chung thơ Thanh Hải chân chất, bình dị và đôn hậu. Cùng với Giang Nam, Thu Bồn, Viễn Phương…thơ Thanh Hải là tiếng thơ tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho thơ ca miền Nam trong những năm đầu Mỹ Diệm cắt chia Nam – Bắc (1954 – 1962). Do những đóng góp đầy ý nghĩa ấy, ông đã được trao Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1965). Những năm 70, Thanh Hải cho ra đời tác phẩm Huế mùa xuân (2 tập) và Dấu võng Trường Sơn nhưng không có gì nổi trội. Những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh (1980), ông đã gửi gắm tất cả tấm lòng, tình cảm và những nghĩ suy sâu lắng của đời mình vào bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Bài thơ làm theo thể thơ 5 chữ với những hình ảnh tươi sáng, vừa cụ thể, vừa mang tầm khái quát rất cao. Nhịp thơ khi thì náo nức, tự hào, sảng khoái, lúc lại trầm lắng, xúc động, sâu xa… Đó chính là hơi thở và nhịp đập của một trái tim tha thiết tin yêu cuộc sống, tin yêu đất nước ì và con người. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc thành một bài hát khá quen thuộc và nổi tiếng một thời. Đó là một bài thơ hay.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác