Tiểu sử tác giả Hồ Quý Ly (1336 – 1407)
Hồ Quý Ly tự Lý Nguyên, tổ 15 đời ở tỉnh Chiết Giang đến làm quan và nhập cư tại Việt Nam. Quê gốc : hương Bào Đột, đất Diễn Châu, sau dời đến làng Đại Lại, huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), bốn đời trước có Hồ Liêm nhận làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn nên cải theo họ Lê, do đó sử cũ còn chép Hồ Nguyên Trừng là Lê Trừng.
Nhờ có cô ruột là mẹ vua Trần Nghệ Tông (1321-1395), làm vua những năm 1370-1372 nên được Nghệ Tông trọng dụng, phong tước Trung Tuyên hầu và gả em gái cho. Năm Đinh Mão (1387) giữ chức Đồng bình chương sự, được tặng thanh gươm và lá cờ để dòng chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”. Đương thời hai lần cầm quân chống Chiêm Thành, lần đầu chiến thắng (1380), lần sau thua trận (1388). Khi vua Trần Nghệ Tông mất (1395), được phong chức Phụ chính thái quốc đại vương. Năm 1397, ép vua Trần Thuận: Tông dời đô về Tây Đô (Thanh Hóa), sau ép vua tu tiên, nhường ngôi cho con là Trần Thiếu Đế (làm vua 1398-1400). Năm 1400, ép Thiếu Đế nhường ngôi cho mình, lấy niên hiệu Thánh Nguyên, đổi lại gốc họ Hồ. Năm sau, nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, còn mình lên ngôi Thượng hoàng. Trong khoảng vài năm thực hiện một số cải cách hành chính, ruộng đất, tiền tệ, tổ chức thi Thái học sinh và tích cực chuẩn bị chống xâm lược Minh. Năm 1406, quân Minh đánh sang. Năm 1407 Hồ Quý Ly và Hán Thương bị quân Minh bắt ở cửa biển Kỳ La (Hà Tĩnh), đưa vẻ Kim Lăng, Yên Kinh (Trung Quốc) “xử tội”. Riêng người con trưởng là Hồ Nguyên Trừng được trọng dụng. Hồ Quý Ly được đánh giá là nhà cải cách tiến bộ trên nhiều lĩnh vực : kinh tế, chính trị, quân sự, hành chính, giáo dục, văn hoá, xã hội…, song thành công thì còn rất hạn chế.
Tác phẩm của tác giả Hồ Quý Ly
Tác phẩm của Hồ Quý Ly khá phong phú song hầu hết đã thất truyền. Năm 1392 soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên, dâng Trần Nghệ Tông được khen ngợi. Đại lược sách nêu những điểm nghi vấn trong sách Luận ngữ, tỏ ý nghỉ ngờ cả tài năng và nhân cách Khổng Tử cũng như nhiều nhà nho danh vọng đời Tống khác. Tư tưởng của ông thật táo bạo, thể hiện tinh thần hoài nghi, ý thức tìm tòi sáng tạo khác xa bọn hủ nho. Năm 1396, soạn sách Thi nghĩa và viết tựa bằng chữ Nôm, chỉ còn lại một số đoạn trích và nhận xét của người đời sau. Sáng tác thơ chữ Hán còn lại 5 bài, trong đó 4 bài hướng về đề tài thế sự, đối đáp việc quân quan và ngoại giao, chỉ có một vài bài mang phong cách cảm hoài làm ra khi bị nhà Minh cầm tù, được tự dịch ra quốc âm và truyền lại trong Thiên Nam ngữ lục. Về sáng tác Nôm, Hồ Quý Ly còn có thơ Nôm tạ ân Thượng hoàng Nghệ Tông và vua Phế Đế đã ban cho ông chức tước, cờ, biển năm 1397, nay đã mất. Khoảng vài chục bài thơ Nôm của ông sau này được Nguyễn Trãi thu thập dâng lên Lê Thái Tông năm Định Ty (1437) việc dùng chữ Nôm để dịch các sách kinh, truyện (đều đã thất truyền) chứng tỏ bản lĩnh văn hóa cao ở nhà cải cách Hồ Quý Ly.
Hồ Quý Ly thuộc vào số những nhà văn đặt nền móng và có tâm huyết nhất với chữ Nôm, vừa làm thơ vừa dịch, chú giải kinh truyện bằng chữ Nôm. Hồ Quý Ly thực sự đã có những cống hiến tích cực vào quá trình “Nôm hóa” nền văn học thành văn của dân tộc, trước hết là ngôn ngữ văn học thuần Việt.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác