The Pocket Notebook - Wanderings - Journals and Journeys

Giới thiệu nhà thơ Hồ Xuân Hương

The Pocket Notebook - Wanderings - Journals and Journeys

Tiểu sử nhà thơ Hồ Xuân Hương (1772–1822)

Nhà thơ Hồ Xuân Hương và tác phẩm của nữ sĩ đang là một nghi án văn học. Có một tác giả họ Hồ hay còn có nhiều nữ sĩ mang tên Hồ Xuân Hương ? Nhà thơ được tôn vinh là “Bà chúa thơ Nôm” xuất hiện lúc nào : Cuối TK XVIII ? Đầu TK XIX hay nửa cuối TK XIX ? Có phải Xuân Hương thi tập chữ Nôm hiện được lưu hành rộng rãi và Lưu hương ký chữ Hán (có phụ lục một số bài thơ Nôm) là cùng chung một tác giả ? Gần đây, có người lại cho rằng : Lưu hương ký mới là tác phẩm đích thực của Hồ Xuân Hương, còn Xuân Hương thi tập chỉ là một tập hợp những bài thơ Nôm mang tính truyền khẩu ?

Cần lưu ý thêm rằng : đánh giá về Xuân Hương thi tập các ý kiến khá phân tán khi bàn về nội dung tác phẩm. Người thì cho “thi trung hữu quỷ” (trong thơ có quỷ – Tản Đà), người lại cho đó là thơ đâm, nữ sĩ là “thiên tài hiếu dâm”! Ngay thời đương đại vẫn còn có người dè dặt trước một số bài thơ nửa thanh, nửa tục…. Ngược lại, có người coi nữ sĩ là “nhà đại tư tưởng đại cách mệnh” (Hoa Bằng), hết lời xưng tụng Hồ Xuân Hương là “Bà chúa thơ Nôm” cả về hình thức lẫn nội dung… (Xuân Diệu).

Sự thực hiển nhiên : có một nữ tài họ Hồ, tên là Xuân Hương. Bấy lâu nay bà được coi là con gái ông đồ Hồ Phi Diễn. Quê gốc : làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà sinh ra trên đất Bắc, lớn lên ở Thăng Long và có nhà riêng ở gần Hồ Tây. Tại đây là nơi tụ hội nhiều văn nhân nổi tiếng đương thời như Chiêu Hổ (Phạm Đình Hổ ?), Nguyễn hầu (Nguyễn Du, tác giả ‘Truyện Kiều ?), nên cũng gọi là Cổ Nguyệt Đường . Nữ sĩ có một tập thơ Nôm tứ tuyệt, bát cú Đường luật là Xuân Hương thi tập khá độc đáo về nội dung và phong cách nghệ thuật, chỉ có thể là sản phẩm của thời Lê mạc – Nguyễn sơ, lúc chế độ phong kiến đang suy thoái nghiêm trọng.

Chúng ta hãy đặt giả định : Sẽ không có giá trị thuyết phục nếu cho rằng tập thơ Nôm này ra đời trước TK XVIII hoặc cuối TK XIX, bởi lẽ trước TK XVIII thì điều kiện xã hội chưa chín muồi và cuối TK XIX thì văn học viết đã chuyển sang một bước ngoặt mới, đáp ứng kịp thời cuộc kháng Pháp của toàn dân tộc đang khởi động.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Hoàng Lộc

Tác phẩm của nhà thơ Hồ Xuân Hương

Còn dung lượng tác phẩm ? Cho dù số bài trong Xuân Hương thi tập có sự xuất nhập nào đó do không hiếm kẻ hiếu sự đưa thêm vào bài này hay bài nọ, nhưng nhìn chung cảm hứng chủ đạo của tập thơ khá nhất quán. Chủ nghĩa nhân văn của thời đại trong tập thơ tạo nên âm hưởng mới mẻ, phóng khoáng và hấp dẫn. Cũng có lúc lời thơ toát lên âm điệu tiêu tao sầu muộn khi đề cập đến thân phận hẩm hiu của người phụ nữ đương thời, nhưng âm điệu chủ đạo của tập thơ là tươi trẻ, tự tin, lạc quan, đậm đà tính hài hước, trào lộng.

Sự hấp dẫn đầu tiên của Xuân Hương thi tập là thơ của một người phụ nữ viết về giới phụ nữ dưới thời phong kiến.

Không phải nữ sĩ họ Hồ là người đầu tiên đạt được nhiều thành công khi viết về người phụ nữ Việt Nam. Nhiều văn thi gia trung đại như các tác giả của nhiều khúc ngâm và truyện thơ, trong số đó có thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều nổi tiếng, đã thể hiện đề tài này khá sắc sảo. Có điều là Xuân Hương thi tập có thêm những nét độc đáo và đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.

Thơ bà vừa có những khúc tình ca réo rắt, não nuột về thân phận hẩm hiu của người phụ nữ (Mời trầu, Bánh trôi nước, Tự tình 1, 2, 3…) có thể gọi đó là những khúc bị ca truyền thống ; đồng thời vừa có những khúc tráng ca mang tính phê phán mạnh mẽ và tính trào lộng nhạy bén, khá hiểm mà sảng khoái (Lấy lẽ, Không chồng mà chửa, Khuyên người đàn bà khóc chồng, Tố nữ, Mắng văn nhân (1 và 2), Quan thị, Chế sư, Chùa Quán Sứ, Sư bị làng đuổi, Đá ông chồng bà chồng, Cái giếng thơi, Thiếu Nữ ngủ ngày…). Chùm thơ tràn đầy tinh thần nhân văn chủ nghĩa của thời đại này thể hiện sinh động nhân sinh quan tiến bộ, cũng có thể nói là vượt trước thời đại của nữ sĩ. Một mặt, bà phê phán, đả kích kịch liệt, thậm chí phủ định cái chế độ đa thê ác nghiệt, cái dư luận và chế độ xã hội cực kỳ bất công đối với người đàn bà lỡ duyên.

Đọc thêm  Giới thiệu tác phẩm Hoàng Lê Nhất thống Chí

Bà cũng không buông tha hay gượng nhẹ đối với những thói hư, tật xấu, đối với nhiều nghịch cảnh của tình trạng xã hội lúc bấy giờ. Đó là những “chàng công tử bột” tập tễnh làm thơ, hau háu ghẹo gái và hợm hĩnh khoe chữ” (Xuân Diệu), nào là những sư, vãi, tiểu…. sống như những thằng lười, nào là những quan thị (cũng gọi là quan hoạn) cam chịu cuộc sống phản tự nhiên để được vinh thân phì gia… và bao nhiêu kẻ thuộc xã hội thượng lưu khác như hiển nhân, quân tử, văn quan, võ tướng, kể cả vua chúa… đều trong cuộc sống bê tha, vô tích sự. Cái xã hội này được nữ sĩ họ Hồ phác thảo thành những bức biếm họa khá sống và khá thực. Mặt khác, với ngòi bút sảng khoái đầy tự tin, nữ sĩ khẳng định vị trí, vai trò và quyển sống của người phụ nữ trong xã hội. Người phụ nữ không khuất phục trước mọi cảnh bất công, mọi sự vùi dập, hơn nữa người tài nữ còn vượt lên cả những văn nhân, võ tướng, hiển nhân, quân tử, cũng có thể vươn lên ngang tầm với thời đại.

Hồ Xuân Hương còn dùng những nét bút tươi tắn, sinh động mà táo bạo để tạo nên những bức họa về phái đẹp. Đặc biệt bài Thiếu nữ ngủ ngày là bức tranh khỏa thân, trinh nguyên, trẻ trung, tràn đầy sức sống, có thể xếp vào loại tranh Hứng dừa dân gian. Nó vừa độc đáo, vừa mang tính thời đại có một không hai trong thơ ca trung đại.

Về mặt nghệ thuật, từ lời thơ, hình ảnh, âm điệu đến việc vận dụng đây – sáng tạo ngôn ngữ thơ ca dân gian và ‘ ngôn ngữ giao tế đều đạt đến đỉnh cao – mẫu mực. Hồ Xuân Hương viết thơ Nôm theo thể thất ngôn luật Đường, nhưng nhờ kỳ tài kể trên, mà không gây ấn tượng đó là một thể thơ đến từ nước ngoài. Có thể khẳng định, thể thơ nhập nội đến Hồ Xuân Hương, đã được Việt hóa hoàn toàn. Từ ngữ trong thơ bà bình dị, trong trẻo mà chính xác đến kinh ngạc, có rất ít điển cố, không nhiều từ Hán Việt. Tác giả chỉ dùng những lời nói thường, thậm chí lời nói tục mà vẫn rất nên thơ, tính hình tượng của ngôn ngữ thơ được kết tỉnh bởi âm thanh, màu sắc, đường nét, hình khối, nhạc điệu. Về phương diện này nữ Sĩ có thể sánh ngang hàng với Ôn Như Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc, sống gần thời với bà.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Kim Lân

Cuối cùng, một điều khá đặc biệt – đang gây tranh luận trong khi đánh giá: nội dung Xuân Hương thi tập : việc vận dụng yếu tố thanh và tục của tác giả trong tập thơ. Không ai chối cãi là yêu tố tục được nữ sĩ sử dụng rộng rãi, kể cả ở nhiều bài thơ rất đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, yếu tố tục vẫn được đắc dụng để giúp tác giả thể hiện quan niệm sống tích cực, dồi dào tinh thần nhân văn chủ nghĩa. Có không ít người ca thẹn và bất bình trước sự đòi hỏi về lạc thú đời thường trong Xuân Hương thi tập. Dường như họ kiêng kỵ khi nói đến một cuộc sống như vậy. Có điều thơ Hồ Xuân Hương vẫn chưa vượt qua được thơ ca và truyện kể dân gian Việt Nam về phương diện thể hiện thứ lạc thú trần tục này. Chắc không mấy ai dè bỉu một cách vô duyên khi tiếp cận với lối sống cởi mở phóng khoáng như vậy trong một bộ phận của văn học dân. Gian truyền thống. Thơ Hồ Xuân Hương có sử dụng yếu tố tục nhưng không chỉ nhằm nêu lên một quan niệm lành mạnh của quần chúng xưa và nay : chuyện ái ân nam nữ là tự nhiên, không chỉ là một nhu cầu, mà còn là một quyền lợi của tuổi trẻ, của tất cả mọi người.

Là độc giả, chúng ta đều muốn đòi hỏi cao với nghệ sĩ. Nhưng thiên tài bao ‘giờ cũng là của hiếm ! Thơ của nữ sĩ họ Hồ có một số hạn chế là khó tránh khỏi và cũng dễ hiểu khi nhà thơ có một số thiên lệch nào đó. Tuy vậy, trước sau

Hồ Xuân Hương vẫn là nhà thơ của một thời. Xuân Hương thi tập là một tập thơ rất đáng quý bởi nó hay, đẹp và đầy phong vị dân tộc.

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top