Giới thiệu tác phẩm Lâm Tuyền Kỳ Ngộ
Lâm Tuyền Kỳ Ngộ là một truyện thơ Nôm, còn có tên là Bạch Viên – Tôn Các, gồm 146 bài thơ thất ngôn bát cú, cuối truyện có một bài thất ngôn tứ tuyệt và Thạch Tuyển ca khúc gần 11 câu gần với điệu hát nói. Chưa rõ tác giả là ai nhưng một số nhà nghiên cứu đoán định tác phẩm ra đời khoảng TK XVI, XVII.
Cốt truyện Lâm tuyền Kỳ Ngộ tất gần với một truyện của Trung Quốc. Theo tác giả Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San (bám tuyển kỳ ngộ, NXB Văn học, Hà Nội – 1964), tác phẩm bắt nguồn từ truyện Viên thị do Cố Quỳnh, đời Đường biên soạn lại từ một truyện cổ tích. Theo tác giả Hoa Bằng (tạp chí Văn học tháng II -1968), tác phẩm bắt nguồn từ truyện Tôn Các rút trong tập truyền kỳ của Bùi Xuyến, một tác giả đời Đường. So với câu chuyện vốn ly kỳ, quái đản về cuộc tình duyên giữa một nho sinh với con vượn trắng đã hóa thành người của Trung Quốc, Lâm tuyền kỳ ngộ đã thay đổi. chủ đề, tình tiết, trở thành câu chuyện về mối tình chung thủy, diễm lệ. Lâm tuyền kỳ ngộ kể về một tiên nữ ở cung Quảng Hàn bị đày xuống trần gian với lốt con vượn trắng, tên là Bạch Viên. Bạch Viên đến tu ở chùa Phi Lai được nhà sư Huyền Trang dung nạp. Được ít lâu, Bạch Viên bỏ chùa ra đi, biến thành một cô gái xinh đẹp, rồi hóa phép dựng lâu đài ở chốn suối rừng. Nàng mong mỏi tìm bạn trăm năm. Tôn Sinh thi trượt, trên đường về nhà, qua cung Thạch Tuyền đã gặp Bạch Viên. Chàng lưu lại đó, gắn bó và kết duyên với Bạch Viên. Vợ chồng sinh được hai con trai. Một lần, Tôn Sinh có bạn cũ là Nhàn Vân đến chơi. Nghe bạn, chàng nhận gươm thiêng để thử xem Bạch Viên có phải là yêu nữ không. Bạch Viên biết, tức giận bỏ đi. Sau vì nhớ chồng con, nàng trở về, gia đình sum họp. Vào năm vua mở khoa thi, Tôn Sinh lên kinh đô dự thi hội, đem theo vợ con. Khi qua chùa Phi Lai, Bạch Viên gặp lại sư Huyền Trang. Nàng kể lại lai lịch của mình, để lại cho chồng đôi vòng ngọc, rồi từ biệt mọi người, trở lại cõi tiên. Tôn Sinh rất đau khổ, nhưng chàng vẫn dự ti. Đỗ Trạng nguyên, chàng đưa hai con về thăm cha. mẹ, rồi trở lại kinh đô nhậm chức. Nhờ đôi vòng ngọc tiến vua, hai con của chàng đều được phong quan tước. Bạch Viên tuy ở cung tiên nhưng luôn nhớ tiếc cuộc sống nơi trần thế. Nàng đã tâu trình lên Thiên đình nỗi thương nhớ chồng con và niềm khao khát hạnh – phúc của mình. Thượng đế cho phép nàng trở lại cõi trần. Bạch Viên đoàn tụ với chồng con. Gia đình hạnh phúc vẹn toàn, vinh hiển.
Lâm Tuyền Kỳ Ngộ là bài ca về tình yêu tự do, hạnh phúc gia đình cơ hồ vượt ra khỏi khuôn khổ lễ giáo phong kiến. Khẳng định hạnh phúc thực sự của con người nơi trần thế, phủ định quan niệm hạnh phúc siêu hình của tôn giáo, để cao vai trò tích cực của người phụ nữ trong việc kiếm tìm và bảo vệ hạnh phúc… là ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Lâm tuyền kỳ ngộ cũng như một số tác phẩm khác đã tập hợp hàng loạt bài thơ thất ngôn bát cú để tự sự hóa thơ Đường là nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu phản ánh cuộc sống bằng phương thức tự sự. Tuy nhiên tác phẩm xâu chuỗi nhiều bài thơ hoàn chỉnh, có cấu trúc khép kín đã làm cho cốt truyện trở nên rời rạc, không thích hợp với việc kể chuyện một cách liền mạch. Có lẽ vì thế mà sau này Lâm tuyền kỳ ngộ đã được viết lại bằng thể thơ lục bát với tên là Bạch Viên – Tôn Các. Trong khuôn khổ chặt chẽ của thơ luật Đường, tác giả sử dụng điển cố, thành ngữ Hán Việt khá linh hoạt, ngôn ngữ dân tộc đạt tới mức thành thục, thanh thoát, thơ điêu luyện, tinh tế và giàu chất trữ tình. Lâm tuyền kỳ ngộ là truyện thơ Nôm Đường luật có dung lượng lớn nhất, tiêu biểu nhất trong số những tác phẩm cùng thể loại.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác