Tiểu sử tác giả Nguyễn Duy
Nhà thơ Nguyễn Duy, sinh ngày 7.12.1948, tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ. Quê gốc: làng Quảng Xá, xã Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Thuở nhỏ, Nguyễn Duy sống và học ở nông thôn (có thời gian sống ở quê ngoại Đò Lèn, Hà Trung, Thanh Hóa). Lên cấp 3, ông học ở trường THPT Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Năm 1965, tham gia dân quân tự vệ, chiến đấu tại Hàm Rồng. Năm 1966, ông nhập ngũ vào bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu ở các chiến trường : Khe Sanh, Đường 2 – Nam Lào, mặt trận phía Nam và phía Bắc (1979). Sau 1975, ông chuyển khỏi quân đội về làm báo Văn nghệ giải phóng. Từ 1977 đến nay, là đại diện thường trú báo Văn nghệ tại các tỉnh phía Nam ở TP Hồ Chí Minh.
Tác phẩm của tác giả Nguyễn Duy
Tác phẩm : Cát trắng (thơ – 1973), Phóng sự 30-4-1975 (1981), Em Sóng (thơ – 1983), Ánh trăng (thơ – 1984), Nhìn ra bể rộng trời cao (bút ký – 1085), Khoảng cách (tiểu thuyết – 1985), Mẹ và em (thơ – 1985), Đãi cát tìm vàng (1987), Đường xa (thơ – 1989), Quà tặng (thơ – 1990), Sáu và Tám (thơ – 1994), Về (thơ – 1994), Vợ ơi (thơ – 1995), Tình tang (thơ – 1995).
Xuất hiện vào chặng cuối của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, từ khoảng 1972 trở đi, Nguyễn Duy đã trở thành một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ. Cho đến nay, Nguyễn Duy vẫn là một trong số không . nhiều các nhà thơ “thời ấy” còn sung sức và được bạn đọc yêu thích. Có thể thấy tài năng và con đường thơ của ông được phát triển và khẳng định gắn chặt với những năm tháng đầy biến động của lịch sử dân tộc. Những năm cuối của cuộc chiến tranh, với chùm thơ đăng trên báo Văn nghệ 1972, Nguyễn Duy đã chiếm được lòng mến mộ của độc giả. Nhà phê bình Hoài Thanh đã có công phát hiện và giới thiệu Nguyễn Duy. Ông khẳng định ở thơ Nguyễn Duy có một vẻ đẹp “không gì so sánh được”, “quen thuộc mà không nhàm chán”, “Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù, gian khổ, không tuổi, không tên”, chất thơ của Nguyễn Duy chính là “cái hiền hậu, một cái gì rất Việt Nam”. Cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972 – 1973 tiếp tục khẳng định tài năng của nhà thơ trẻ này bằng việc trao Giải nhất (đồng giải với Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm và Lâm Thị Mỹ Dạ) cho chùm thơ 4 bài của Nguyễn Duy (Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Giọt nước mắt và nụ cười, Bầu trời vuông). Năm 1973, tập thơ đầu tay của ông ra đời, tập Cát trắng. Tập thơ tuy không phải bài nào cũng đạt, nhưng người đọc đều thấy có nét đặc sắc riêng dễ nhận ra. Đó là sự dung dị, đằm thắm chất dân gian mà vẫn mới lạ, là cái chân chất, chắc bền sâu kín. Nguyễn Duy thường hướng nhiều về đất, ca ngợi cái sức mạnh âm thầm lặng lẽ, cái cần cù bền bí và chịu đựng hy sinh. Những bài như Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Giọt nước mắt và nụ cười, Em bé lạc mẹ… là những bài thơ như thế.
Sau chiến thắng 1975, Nguyễn Duy vẫn say sưa và tiếp tục con đường thơ của mình. Tiếng thơ của ông ngày càng đậm đà, ổn định một phong cách, một giọng điệu quen thuộc, mà vẫn rất hấp dẫn đối với người đọc. Tập thơ nổi bật của Nguyễn Duy thời gian này là tập Ánh trăng (1984). Tập thơ được coi là một bước tiến trong thơ Nguyễn Duy. Nó đã được tặng Giải A của Hội nhà văn Việt Nam 1984 (cùng với tập thơ Hoa trên đá của Chế Lan Viên). Ánh trăng tiếp tục viết về bộ đội, về cuộc đời người lính sau chiến tranh với những vần thơ tha thiết và thấm thía, những trăn trở băn khoăn (Ánh trăng, Nghe tắc kè kêu trong thành phố…). Cũng ở tập thơ này Nguyễn Duy còn dành nhiều bài viết về tuổi thơ, ruộng đồng, cây cỏ, những vùng quê với những con người thân thuộc bằng một tình cảm thiết tha, nặng tình, nặng nghĩa (Đò Lèn, Tuổi thơ, Cầu Bố, Ông già sông Hậu, Gửi Huế, Lời của cây, Sông Thao, Đà Lạt một lần trăng…). Vẫn tiếp tục chất giọng ca dao đậm đà, thân thuộc, nhiều bài trong Ánh trăng viết theo thể lục bát hết sức nhuần nhị, ngọt ngào, nhiều khi khó mà phân biệt được với những bài ca dao.
Những năm gần đây, người đọc dường như lại bắt gặp một Nguyễn Duy “khác”, một Nguyễn Duy thích bông lơn đùa cợt, đùa cợt ngay cả những lúc cần “trữ tình” trang nghiêm nhất. Cái chất nồng hậu, rưng rưng cảm động trong thơ ông trong những năm trước đây dường như đang nhạt dần. Có thể sự thay đổi này tạo nên màu sắc đa dạng trong giọng điệu trữ tình và phong cách thể hiện của Nguyễn Duy. Tuy nhiên nếu tiếp tục đi quá xa, “quá đà”, kiểu viết này dễ dẫn đến một sự lặp lại nhàm chán, thiếu nghiêm túc.
Được chú ý và khẳng định ngay từ khi mới xuất hiện, hơn 20 năm qua, Nguyễn Duy vẫn không ngừng tìm tòi sáng tạo để tự hoàn thiện và làm phong phú thêm thế giới nghệ thuật thơ mình.
Nguyễn Duy có thử bút ở lĩnh vực văn xuôi (bút ký, tiểu thuyết), nhưng có lẽ thơ mới là sở trường của cây bút này. Năm 1998, Nguyễn Duy tổ chức một cuộc “chơi thơ” ở TP Hồ Chí Minh, và sau đó là Hà Nội bằng cách viết các câu thơ của mình lên các đồ đựng tre đan, rồi đem triển lãm. Nói chung, cuộc “chơi thơ” của ông được dư luận xem như một sáng kiến cũng vui, và đây cũng là một phương thức mới của thơ Nguyễn Duy đến với bạn đọc.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác