Tiểu sử nhà văn Dương Hướng
Nhà văn Dương Hướng. Sinh ngày 7.7.1949. Quê gốc : xã Thụy An, huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình. Hiện ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ông là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1991).
Dương Hướng từng qua trường kỹ thuật đóng tàu thủy, đi thanh niên xung phong, đi bộ đội, công tác và chiến đấu ở chiến trường khu IV, chiến trường miền Nam trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Sau đó, ông làm việc trong ngành đường sông. Hiện ông công tác ở Cục hải quan tỉnh Quảng Ninh.
Tác phẩm nhà văn Dương Hướng
Tác phẩm chính : Gót son (truyện ngắn – I980), Bến không chồng (tiểu thuyết – 1990), Trần gian người đời (tiểu thuyết – 1991), Người đàn bà trên bãi tắm (truyện ngắn – 1995), Tác phẩm tuyển chọn (truyện ngắn và tiểu thuyết – 997),
Giải thưởng văn học :
Dương Hướng đã được nhận Giải thưởng truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (1990) với truyện Đêm trăng, Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam (1991) với tiểu thuyết Bến không chồng. Dương Hướng là cây bút văn xuôi xuất hiện từ sau 1975. Ngay sau tập truyện Gót son, tiểu thuyết Bến không chồng, tên tuổi của Dương Hướng nhanh chóng trở nên quen thuộc với bạn đọc.
Tiểu thuyết Bến không chồng tuy nghệ thuật chưa có gì độc đáo nhưng nó đã vượt qua được sự phản ánh hiện thực thông thường, trở thành câu chuyện cảm động về số phận con người. Đó là số phận người lính trở về, số phận của người phụ nữ trải qua bao thử thách của thời gian, của lịch sử, của chiến tranh, của thời bình với bao nhiêu bất trắc, đau thương và bất hạnh. Những con người mang trong mình các yếu tố đối cực, mâu thuẫn : quả cảm, quyết liệt trong cái chung, nhưng lại hoang mang, bế tắc trong cái riêng, chưa bao giờ dám sống vì cái riêng, vì tình yêu cá nhân, để cuối cùng tự phán quyết mình bằng cái chết. Vấn đề mà Bến không chồng đặt ra có ý nghĩa thời sự và cập nhật không chỉ ở một làng quê cụ thể trong tiểu thuyết, mà là của cả nông thôn Việt Nam nói chung. ,
Với những sáng tác tiếp theo, Dương Hướng vẫn giữ được phong độ riêng của mình. Xuyên suốt trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn vẫn là số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trải qua những buồn vui, ấm lạnh của nhân tình thế thái: từ chiến tranh đến hòa bình, và nhất là ở giai đoạn hậu chiến. Họ trải qua tất cả và vượt lên tất cả, để trở về với chính mình, với tình yêu, với gia đình và cội nguồn quê hương (Khoảng trời riêng, Đêm trăng, Người đàn bà trên bãi tắm, Giếng trong...). Trong các sáng tác của Dương Hướng, dường như tác giả có ý thức kết thúc câu chuyện không hoàn tất, có hậu mà để ngỏ, chừa khoảng trống cho người đọc liên tưởng và đồng sáng tạo với nhà văn.
- Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác