Tiểu sử nhà văn Vũ Tú Nam
Nhà văn Vũ Tú Nam sinh tại huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Quê gốc: xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Cha là Vũ Duyệt Lễ, một công chức nhỏ thời Pháp, mất năm 1956. Ông là em ruột của nhà văn Vũ Cao và nhà văn Vũ Ngọc Bình. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Vũ Tú Nam lên Hà Nội học ở Trường tư thục Thăng Long. Năm 1947, ông vào bộ đội, ít lâu sau được điều động làm báo Chiến sĩ của bộ đội Liên khu IV. Cũng vào thời điểm này. ông bắt đầu viết báo, viết văn. Hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), ông trở về thủ đô, công tác ở cơ quan văn nghệ quân đội. Từ năm 1958 – 1995, ông công tác ở Hội nhà văn Việt Nam, từng giữ chức vụ Ủy viên BCH Hội các khóa I„II, IH, Thư ký tòa soạn báo Văn học (1959-1964), Phó tổng biên tập báo Văn nghệ (1968-1976), Giám đốc, kiêm Tổng biên tập NXB Tác phẩm mới (1976-1989), Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam khóa IV (1989-1995). Ông từng là đại biểu Quốc hội khóa IX, đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1996). Từ sau Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ V (1996), ông là chuyên viên cao cấp của Hội và nghỉ hưu tháng 1-1998 tại quận Ba Đình, TP Hà Nội. Vũ Tú Nam là một nhà văn sáng tác kiên trì, đều đặn, ngay cả trong thời gian bận công tác quản lý.
Tác phẩm nhà văn Vũ Tú Nam
Có thể kể tên một số tác phẩm chính của Vũ Tú Nam : Bên đường 12 (truyện – 1950), Quê hương (truyện: – 1960), Sống với thời gian hai chiều (tập truyện – 1983), Ma xuân – tiếng chim (truyện ngắn – 1985), Đêm khó ngủ (tập truyện – 1989), 20 truyện ngắn (1994), Tuyển tập Vũ Tú Nam (I và II – 1997), Mây hồng (tập truyện ngắn và bút ký – 1998). Về sáng tác cho thiếu nhi, đáng chú ý là những tác phẩm : Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công (truyện đồng thoại – 1963), Con chuột Láu (truyện đồng thoại’ – 1988), Tiếng ve ran (tuyển tập truyện cho thiếu nhi – 1994).
Bằng bút pháp điểm tĩnh, trầm lắng, mỗi một truyện ngắn, truyện vừa của nhà văn đều nêu được một cảnh đời, để lại một ấn tượng cho người đọc. Những tác phẩm miêu tả cuộc kháng chiến và những con người kháng chiến thường rất chân thật, thể hiện được cuộc sống và chiến đấu của những người lính cụ Hồ trong chiến trận như Bên đường 12 (truyện – 1950), hoặc trong khai hoang phục hóa xây dựng hòa bình như Quê hương (truyện – 1960). Đến truyện ngắn Sống với thời gian hai chiều (1983), nhìn lại cái hiện thực đời thường mà mình đã xa cách nhiều năm vì bận bịu với những công việc “quốc gia đại sự”, nhìn lại năng lực của một cán bộ “có trình độ”, nhân vật trong truyện bỗng cảm thấy lúng túng, cảm thấy kém cỏi trước trí tuệ và tấm lòng của một người dân thường. Đó là một phát hiện chân thật. Với truyện ngắn này, Vũ Tú Nam – đã đổi mới cách viết của mình : không đi sâu vào những vấn đề to tát, nhưng lại gợi được những mảnh đời, những tâm trạng, những mưu toan có thực của nhiều lớp người trong cuộc sống đời thường. Nhìn chung, truyện của Vũ Tú Nam thường ngắn, ít chữ, kiệm lời, song hóm hỉnh và thú vị.
Sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi cũng là một mảng quan trọng trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn. Về hình thức, vẫn là những mẩu đồng thoại hay truyện sinh hoạt ngăn ngắn nhưng ý vị, giúp cho lứa tuổi nhỏ hiểu biết và khám phá những điều mới lạ của các hiện tượng tự nhiên và cuộc sống quanh ta, mở ra những chân trời đầy mơ ước. Một sẽ truyện tuy dành cho lứa tuổi thiếu nhi, song lại gợi cho người lớn những suy tư sâu sắc. Đặc biệt, Chuyện phiêu lưu của Văn Ngan tướng công với hàm ý phê phán những kẻ cơ hội, lười biếng, dối trá, hám danh lợi đầy rẫy trong xã hội mà ngay ở thời điểm năm 1963 nhà văn đã sớm nhận ra.
- Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác