Nghị luận Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới | Văn mẫu 12

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận câu nói: Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 12

Sách là thứ quý giá, chỉ những điều tinh túy đã được con người chọn lọc, phân tích mới có trong sách. Nói chung sách là phương tiện để con người tìm tòi, học hỏi thế giới tự nhiên và xã hội.

Bài nghị luận Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới gồm dàn ý chi tiết và 5 bài văn mẫu hay nhất. Qua bài văn mẫu này sẽ giúp các em lớp 12 hiểu được ý nghĩa, vai trò của sách đối nhân loại. Từ đó biết làm thế nào để đọc sách hiệu quả và hợp lí nhất. Vậy sau đây là 5 bài nghị luận Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới hay nhất Do Văn mẫu biên soạn, mời các bạn đón đọc.

Sơ đồ nghị luận sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới

Dàn ý Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới

Nghị luận Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới | Văn mẫu 12

a) Mở bài

– Giới thiệu vấn đề: Vai trò, tác dụng của sách.

– Trích dẫn câu nói của Macxim Gorki.

b) Thân bài

* Giải thích

– Giải thích ý nghĩa của từng cụm từ quan trọng

+ Sách: là một sản phẩm xã hội, là một công cụ để tích lũy, truyền bá tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sách chứa đựng các giá trị văn hóa tinh thần (các tác phẩm sáng tác hoặc tài liệu biên soạn) thuộc các hình thái ý thức xã hội và nghệ thuật khác nhau, được ghi lại dưới các dạng ngôn ngữ khác nhau (chữ viết, hình ảnh, âm thanh, ký hiệu,…) của các dân tộc khác nhau nhằm để lưu trữ, tích lũy, truyền bá trong xã hội.

+ “Chân trời mới”:

  • Nghĩa đen: đường giới hạn giữa bầu trời và mặt đất (hay mặt biển).
  • Nghĩa bóng: những giá trị mới mẻ, tích cực mà con người có thể chạm tới. Chân trời mới có thể là chân trời trí thức, là chân trời cảm xúc, chân trời nhân cách.

– Giải thích ý nghĩa cả câu: Lời nhận định của M.Gorki đề cập đến tầm quan trọng của sách trong đời sống tinh thần của con người. Sách giúp con người ta trau dồi tri thức, rèn luyện tình cảm, từ đó hình thành nhân cách tốt đẹp.

* Bàn luận, chứng minh: Vì sao “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”?

– Sách là phương tiện chuyên chở của kho tàng tri thức vô tận mà nhân loại sở hữu: sách cung cấp cho con người tri thức, hiểu biết, giúp con người nhận thức và chiếm lĩnh thế giới.

+ Dẫn chứng: Maxim Gorki, tác giả câu nói, vốn không học qua trường đại học nào, nhưng lại trở thành nhà văn vĩ đại, “cánh chim báo bão” của cách mạng Nga, chính bởi ông đã tôi luyện bản thân qua cuộc sống, “trường đại học của những thiên tài”. Quá trình tự học của ông đã giúp ông tích lũy vốn sống, tri thức, và quá trình ấy không thể thành công nếu thiếu đi những cuốn sách.

– Sách là tâm huyết, trái tim, tình cảm của người viết -> Mỗi cuốn sách hay như một người bạn tốt, giúp chúng ta giãi bày cảm xúc, tâm tư; khơi gợi trong ta nhiều cảm xúc mới mẻ, giúp ta đồng cảm với người khác.

+ Dẫn chứng: Đỗ Phủ, nhà thơ nổi tiếng đời Đường cũng tâm niệm: “Đọc nát vạn quyển sách/ Hạ bút như có thần”, chính bởi qua sách mỗi nhà thơ mới tích lũy được vốn sống, mới mở rộng trái tim để đón nhận những vang vọng của cuộc đời, làm ra những vần thơ làm lay động lòng người.

– Sách dạy cho ta những bài học cuộc sống tốt đẹp, những bài học đạo đức, đối nhân xử thế, những tư tưởng triết học dẫn đường cho từng thời đại.

=> Đọc sách giúp ta “người hơn”. “Mỗi cuốn sách là một nấc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để tới gần con người hơn.” (Maxim Gorki)

+ Dẫn chứng:

Chủ tịch facebook Mark Zuckerberg lập trang “A book a year” để kêu gọi mọi người đọc sách.Cựu chiến binh Phạm Thế Cường (Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh) với niềm đam mê đọc sách lập ra thư viện tư nhân để các em thiếu nhi đến trau dồi kiến thức.=> Niềm đam mê đọc sách thôi thúc tinh thần vì cộng đồng của mỗi người.

* Bàn luận mở rộng

– Không phải cuốn sách nào cũng có ích, có những cuốn sách được làm ra thiếu trách nhiệm, thiếu chất lượng, sẽ có hại cho người đọc. Ví dụ: Từ điển Vũ Chất.

– Không phải mọi cuốn sách đều có lợi cho tất cả mọi người, mỗi độ tuổi, mỗi trình độ khác nhau sẽ có những cuốn sách phù hợp với mình. Nếu đọc những cuốn sách quá khó, dẫn đến hiểu sai và hành động sai, cũng thật tai hại.

– Hiện nay, bùng nổ thông tin, văn hóa đọc không được coi trọng như xưa, nhưng sách không bao giờ có thể chết đi, vì qua sách người ta có thời gian để chiêm nghiệm chính bản thân mình, rút ra những bài học cho bản thân.

– Đọc sách hiệu quả: Đọc rộng và đọc sâu, đọc nhiều sách kết hợp với nghiền ngẫm kĩ càng, tỉ mỉ, để rút ra những bài học cho bản thân. Kết hợp nhiều kĩ năng đọc: đọc lướt, đọc sâu, đọc quét tìm ý…

– Trong cuộc sống, đọc sách không không đủ, mà ta còn phải sống, phải trải nghiệm cuộc sống

=> Việc đọc sách giúp chúng ta có kĩ năng để sống tốt cho cuộc đời của mình, chứ không phải một cách thoát ly cuộc sống.

– Phê phán:

  • Phê phán những bạn trẻ lười đọc sách.
  • Phê phán những người đọc sách thiếu chọn lọc, đọc các văn hóa phẩm không phù hợp.

* Bài học nhận thức và hành động

– Hiểu được tầm quan trọng của sách trong cuộc sống.

– Lên kế hoạch đọc sách

– Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền văn hóa đọc: triển lãm sách…

– Góp sách xây dựng thư viện cộng đồng

– Phong trào Book box nơi mọi người có thể trao đổi sách với nhau…

c) Kết bài:

– Khẳng định ý nghĩa đúng đắn của câu nói.

– Liên hệ bản thân.

Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới – Mẫu 1

Bàn về giá trị của sách, nhà văn Maxim Gorki có viết: Sách mở rộng ra trước  mắt tôi những chân trời mới. Hãy viêt một đoạn văn khoảng 200 từ thể

Đối với nhân loại, sách có giá trị phi thường. Sách đã ghi lại kiến thức, mở ra những trang sử hào hùng của một quốc gia hoặc những điều bí ẩn về thiên nhiên… Từ xa xưa, sách đã là sản vật, mọi giá trị văn hóa sâu sắc với những thần thoại Hy Lạp, Truyện Kiều của Việt Nam đến những giá trị mang tính chất nhân loại như Chiến tranh và hòa bình của L.Tônxtôi. Và đúng như nhà văn M. Gorki đã nói: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Câu nói ấy hàm chứa một ý nghĩa phong phú và một chân lý, một lời khuyên.

Từ hàng ngàn năm về trước, con người đã sử dụng tới sách. Sách là kiến thức của con người đã được tích lũy, chọn lọc, tổng hợp. Rất xa xưa về trước, kể cả việc in ấn chưa phát triển, chưa được sáng tạo, sách đã là giá trị, đời sống văn hóa không thể thiếu của con người. Sách là cái cần có để con người lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau những kiến thức, sự hiểu biết về thiên nhiên, về thế giới xung quanh.

Sách là tài sản quý giá của nhân loại. Chỉ những điều tinh túy đã được con người chọn lọc, phân tích mới có trong sách. Nói chung sách là phương tiện để con người tìm tòi, học hỏi thế giới tự nhiên và xã hội. Sách truyền bá tri thức đến mọi người bất kể tầng lớp, giai cấp nào. Chính vì thế mà sách luôn được mọi người gìn giữ và phát triển.

Sách đưa con người vượt qua cả thời gian và không gian. Con người ngày nay vẫn rất quan tâm và chú ý tới sách vở hàng ngàn năm trước, từ những trang sách bí hiểm trên các vách đá, những hình vẽ, chữ cổ đại trên đất sét của nền văn minh Ai Cập, Ba-by-lôn cổ, những sách bằng đất, vỏ cây của nền văn minh Lưỡng Hà, rồi những trang sách bằng da cừu của người Châu Âu đã góp phần không nhỏ vào kho tàng tri thức to lớn của thế giới.

Ngày nay, những cuốn sách được in hàng loạt, được mang đến tận tay con người ở những vùng xa xôi nhất. Một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam cũng có thể đọc Chiến tranh và hòa bình, Ba chị em gái, Rô -bin-xơn… biết được những gì đã và đang diễn ra trên khắp thế giới. Sách là sản phẩm sáng tạo kỳ diệu của con người, một giá trị phi thường có tác động đến mọi cá nhân.

Sách đưa chúng ta tới những điều mới mẻ về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về các nước xa xôi nhất. Nào ai không đọc sách lại có thể biết tới Mê-hi-cô có hang động sâu nhất thế giới? Có biết một nước chỉ có hơn 300 dân, vẫn tồn tại một quốc gia phong kiến? Có những quyển sách có thể giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những quy luật của nó như quyển Vũ trụ – điều kỳ lạ của An-tô-me, có sách lại giúp chúng ta biết trái đất còn quay quanh mặt trời, những sự lạ kỳ về thủy triều, nhật thực lại có liên quan đến mặt trăng…

Sách mở ra trước mắt ta những chân trời mới. Những quyển sách xã hội giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các nước khác nhau, hiểu biết về đời sống văn hóa các dân tộc, tâm tư, tình cảm, khát vọng con người. Và có quyền như Các triều đại phong kiến Việt Nam ghi lại đời sông trong hơn một nghìn năm phong kiến Việt Nam. Đó thật sự là những trang sử về một nước. Hay như Châu Á – văn minh và cổ đại lại kể về sự phát triển, tập tục của cả một châu lục rộng lớn. Thật không có gì mà sách không đề cập. Từ cái nhỏ bé nhất như đời sông của một con kiến đến cái to lớn nhất như sự hình thành trái đất do vụ nổ Big Bang.

Đọc thêm  Thuyết minh về Văn Miếu Quốc Tử Giám Bài văn mẫu thuyết minh lớp 8 hay nhất

Sách còn giúp tự khám phá ra dân tộc mình, bản thân mình. Đó là sự nhìn nhận tổng quát cái đúng, cái sai, cái hay, cái dở của một cá nhân hay của tập thể. Con người còn có những ước mơ, những khát vọng cao cả. Sách đã giúp con người nuôi dưỡng ấp ủ điều ấy. Một cậu bé mê khảo cổ thì những sách về khảo cổ, di tích, sẽ đi theo cậu bé nuôi dưỡng ước mơ để cậu trở thành một nhà khảo cổ.

Hay như Newton, nhà bác học vĩ đại cũng đã từng ôm khư khư quyển sách để trở thành một người thiên tài. Sách đã giúp cho người đọc hiểu được đâu là hạnh phúc, đâu là nỗi khổ của người phải làm gì để sống cho đúng và để đi tới một cuộc đời thật sự. Sách mở rộng những chân trời mới với ước mơ và khát vọng.

Đã từng có nhiều cuốn sách không chỉ mở rộng kiến thức, mở ra những chân trời mới cho mọi người, một cá nhân mà còn mở ra tri thức cho cả nhân loại. Đọc Ga-li-lê, Medoman hay Nanomen ta hiểu về vũ trụ, không gian huyền bí. Đọc Ê-đi-xơn, Niu-tơn… ta hiểu về sự kỳ diệu của khoa học, sự học tập không ngừng, tính kiên nhẫn và sự nghiên cứu của những con người tài ba.

Đọc sách làm cho cuộc đời con người thêm ý nghĩa. Đọc thơ Tago, Lí Bạch, Đỗ Phủ là để bồi dưỡng một tâm hồn yêu quê hương đất nước, cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh sắc đất nước hay vẻ đẹp dịu dàng nơi thiên nhiên con người. Đọc Đác-uyn ta biết tới quá trình tiến hóa của muôn loài, sự lạ kỳ của sinh vật hay những điều về chính con người. Đọc thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… ta hiểu xưa kia cha ông chúng ta đau khổ và mơ ước những gì… có thể nói tóm tắt rằng lợi ích, giá trị của sách là vô tận.

Đọc sách cần phải lựa những quyển sách tốt để đọc. Đó là những cuốn sách phản ánh đúng những quy luật tự nhiên, những sự thật chính xác về con người và lịch sử con người. Sách tốt là những quyển sách mang lại tri thức cho mọi người, mang lại sự học hỏi, tìm tòi những đức tính quý cho mọi người. Đó là những điều giúp cho con người gần gũi, thân thiết nhau hơn, sông hòa bình, không chiến tranh, không chia rẽ giữa các tôn giáo, bộ tộc…

Sách tốt còn nuôi dưỡng, khích lệ những khát vọng cao thượng của con người… Đọc sách còn giúp chúng ta tự bảo vệ mình vì dân tộc mình, nuôi dưỡng thêm tâm hồn trong sáng, tấm lòng độ lượng khoan dung của mình. Đọc những cuốn sách như thế, đúng là chân trời mở rộng không chỉ trước mắt ta mà trong cả con người ta, tâm hồn ta.

Chớ đọc sách xấu chỉ vì ham thích nhất thời mà làm tổn hại nhân cách, cách sống. Sách xấu là những cuốn sách gây ra những hiểu lầm tai hại trong cuộc sống, trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người. Nó còn gây ra sự mất đoàn kết, làm mất đi sự gắn bó hòa hợp giữa các tập thể, đề cao dân tộc này mà bôi nhọ dân tộc khác, gây sự căm ghét nhau dẫn đến xung đột, chiến tranh.

Sách xấu kích động những thị hiếu thấp hèn, đề cao lối sống bản năng, hạ thấp lòng tự trọng của con người, gây những tác hại nghiêm trọng vào tầng lớp trẻ, thanh thiếu niên. Chính vì thế mà chúng ta phải cực lực phê phán những cuốn sách xấu cũng như lên án những kẻ đã làm ra, đã phổ biến chúng nhằm mục đích gây hại cho xã hội.

Đọc sách là một cách tự bồi dưỡng kiến thức một thú vui tinh thần. Ham đọc sách sẽ có lợi ích cho ta nhưng ta cũng phải lựa chọn sách để đọc. Ta đọc sách để hiểu về cuộc sống, từ đó vận dụng những điều hay từ sách vào cuộc sống. Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống. Ta đọc sách thì phải biết cách đọc sách làm cho cuộc sống của mình phong phú hơn, góp phần làm cho cuộc sống của đất nước mình, nhân dân mình đẹp hơn. ngày nay, có nhiều cách để tiếp cận tri thức, thế nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng nhất. Đọc sách là con đường ngắn nhất đưa ta đến thành công.

Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới – Mẫu 2

Sách Mở Rộng Trước Mắt Tôi Những Chân Trời Mới

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển của loài người, kho tàng tri thức được tích lũy là vô cùng vô tận. Muốn tìm hiểu hết những tinh hoa đó, có rất nhiều phương pháp khác nhau. Song phương pháp hiệu quả nhất là đọc sách. Sách có vai trò vô cùng quan trọng, như nhà văn M. Gorki nhận định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Sách là một dạng văn bản hay tài liệu có ghi lại những kiến thức tri thức liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Con người luôn luôn có ý thức học tập, tìm hiểu khám phá thế giới tự nhiên và xã hội. Những kinh nghiệm, tri thức mà thế hệ trước tìm được sẽ được ghi chép, lưu giữ lại để truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Sách ra đời từ đó và trở thành con đường đưa con người đến với tri thức. Có rất nhiều loại sách khác nhau. Tuỳ vào loại tri thức con người lưu giữ mà sách có nhiều loại: sách khoa học, sách nghệ thuật, sách đời sống,…

Vì sao M.Gorki nói “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”? Sách trước hết là nơi ghi chép lưu trữ kho tàng tri thức của nhân loại.

Sách sẽ cung cấp tri thức về mọi lĩnh vực cho con người, từ mọi khu vực, từ vũ trụ xa vời đến lòng đất sâu thẳm. Sách lịch sử giống như cỗ máy thần kì giúp chúng ta vượt thời gian quay trở lại quá khứ hào hùng đã qua. Sách địa lí giống như cánh cửa thần kỳ giúp ta vượt thời gian, đưa chúng ta vi vu đến những vùng đất xa xôi, bay đến những vì sao, thám hiểm trong lòng biển. Kì diệu hơn, ta còn có thể thâm nhập vào thế giới vi mô của sự vật hiện tượng để biết về nguồn gốc chung của cả vũ trụ…

Mỗi trang sách không chỉ chứa đựng tri thức cần tiếp thu nâng cao vốn hiểu biết của com người mà qua đó sách còn giúp chúng ta có thể giao lưu với thế giới bên ngoài. Sách khoa học đem đến cho chúng ta những tri thức bổ ích song khi đọc sách, đặc biệt là sách văn học xã hội, người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Giống như nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng khẳng định: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm sẵn có, tâm hồn nhỏ bé vì thế mà trở nên rộng lớn hơn gấp trăm nghìn lần…” tác phẩm văn học có sức mạnh lan tỏa và giáo dục vô cùng cao. Nó gây cho ta những tình cảm ta chưa có, và bồi đắp cho ta những tình cảm ta sẵn có. Sách lịch sử địa lý cũng có thể khiến người đọc thêm yêu quý và trân trọng lịch sử dân tộc, tự hào về vẻ đẹp Tổ quốc ta.

Đó là những triết lí cuộc sống mà chúng ta tìm được khi đọc một câu chuyện, một lời tâm sự trên trang sách. Khi đọc sách ta có thể nhận ra cuộc sống muôn màu muôn vẻ, và chứa trong đó nhiều giá trị cao đẹp, giúp ta nhìn nhận chính mình cũng như người xung quanh chính xác hơn. Từ đó có thể nói, “chân trời mới” trong câu nói của Gorki được hiểu là những chân trời tri thức mới, những chân trời cảm xúc mới.

Sách có những tác dụng to lớn như vậy, vậy làm thế nào để đọc sách hiệu quả và hợp lí nhất? Trước tiên chúng ta cần lựa chọn thời điểm thuận lợi để đọc sách 1 cách tốt nhất. Hãy đọc sách ngay khi còn trẻ vì khi đó trí nhớ và khả năng tiếp thu tốt hơn. Tri thức cũng có nhiều loại khác nhau, tri thức phù hợp mới thực sự có giá trị. Khi đọc sách cũng cần có sự lựa chọn cẩn thận tránh những loại sách chứa đựng giá trị tiêu cực, không phù hợp cho quá trình nâng cao vốn hiểu biết của bản thân.

Cuộc sống thay đổi, xã hội ngày càng đi lên, di sản tinh thần của nhân loại càng phong phú thì lượng kiến thức tích lũy trong sách vở ngày càng đồ sộ, việc đọc sách ngày càng trở nên quan trọng. Sách thực sự mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới. Chính vì thế hãy luyện cho mình thói quen đọc sách để phù hợp với bước phát triển của thời đại.

Đọc thêm  Văn mẫu lớp 7: Giải thích bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen Dàn ý & 11 bài văn mẫu lớp 7

Sách mở ra trước mắt tôi một chân trời mới – Mẫu 3

Đời sống xã hội càng hiện đại, nhu cầu đọc sách càng phát triển. Thực tế ấy đã được lịch sử chứng minh quá nhiều thiên niên kỷ. Tại sao vậy? Nhà văn M. Gorki từng nhận định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Trong cuộc sống của mình, con người luôn luôn có ý thức học tập, tìm hiểu khám phá thế giới tự nhiên và xã hội. Những kinh nghiệm, suy nghĩ của con người được ghi chép, lưu giữ lại để truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Và vì vậy, sách trở thành một con đường quan trọng để con người đến với tri thức. Con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống,… Tuỳ vào loại tri thức con người lưu giữ mà sách có nhiều loại: sách khoa học, sách nghệ thuật, sách đời sống,…

Do những điều trên mà khi con người đọc sách, sách sẽ cung cấp tri thức cho con người, con người biết được mọi chuyện Đông, Tây, kim cổ, trên vũ trụ xa vời hay dưới lòng đất thẳm sâu. Đến với sách, ta sẽ được “du lịch miễn phí” đến những quốc gia xa xôi, bay đến những vì sao, thám hiểm trong lòng biển. Không chỉ thế, ta còn có thể ngược dòng lịch sử trở về quá khứ thậm chí bay vào thế giới viễn tưởng để hình dung về cuộc sống trong tương lai. Kì diệu hơn, ta còn có thể thâm nhập vào thế giới vi mô của sự vật hiện tượng để biết về nguồn gốc chung của cả vũ trụ…

Mỗi trang sách không những chứa đựng những thông tin mà qua đó sách còn giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài. Khi đọc sách, người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Nếu Hoài Thanh viết trong “Ý nghĩa văn chương”: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm sẵn có…”, thì ta cũng có thể nói rằng: sách đã cho ta những tình cảm ta chưa có, còn bồi đắp cho ta những tình cảm ta sẵn có. Khi đọc sách sử, người ta có thể thêm yêu nước, thêm yêu đồng loại. Sách có thể cho ta một cách sống thế nào cho ý nghĩa mà có thể trường học, đường đời chưa dạy ta. Đó là những triết lí cuộc sống mà chúng ta tìm được khi đọc một câu chuyện, một lời tâm sự trên trang sách. Khi đọc sách ta có thể nhận ra cuộc sống muôn màu muôn vẻ, và chứa trong đó nhiều giá trị cao đẹp, giúp ta nhìn nhận chính mình cũng như người xung quanh chính xác hơn.

Như vậy, trong câu nói của nhà văn Nga, “chân trời mới” có thể được hiểu là những chân trời tri thức mới, những chân trời cảm xúc mới. Tất cả đã giúp con người đẹp thêm, có văn hóa hơn, nhân ái hơn…

Vậy vấn đề đặt ra là đọc sách thế nào để có hiệu quả, làm thế nào để sách thật sự là người bạn thân thiết của mỗi người? Khi còn trẻ nên đọc sách để tiếp thu những tri thức nhân loại, để tôn trọng những thế hệ trước. Còn những người có tuổi, bản thân họ đã là một quyển sách, một bộ tiểu thuyết nhưng không vì thế mà họ không cần đọc sách. Những người đã già cũng cần đọc sách để giải trí, để suy ngẫm, để thấy cuộc sống có ý nghĩa ngay cả khi ta sắp lìa đời. Nói như Đác-uyn: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Nói rằng sách là sự thu nhỏ của biển trời tri thức nhưng không phải lúc nào sách cũng làm được điều như vậy, vì có người tạo ra sách không vì mục đích trong sáng, không hướng tới mục tiêu giáo dục. Lịch sử càng tiến lên, di sản tinh thần của nhân loại càng phong phú thì sách vở tích lũy những điều đó càng đồ sộ, việc đọc lại trở nên quan trọng. Khi đọc sách phải có phương pháp thích hợp, có mục đích rõ ràng. Khi đọc không chỉ bằng mắt, mà phải tư duy theo sách, phải nhập tâm, và nên kết hợp với ghi chép. Bởi những điều trong sách là những điều có ích cho cuộc sống mà tác giả đã chứng kiến hoặc đã trải nghiệm sau đó viết ra để là bài học kinh nghiệm cho đọc giả.

“Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Câu nói của M.Gorki luôn là một tiếng kèn hiệu thúc giục mỗi người chăm chỉ đọc sách để khám phá những chân trời tươi đẹp của nhân loại.

Sách mở ra trước mắt tôi một chân trời mới – Mẫu 4

Nói tới sách là nói tới trí khôn của loài người. Bởi sách là nơi chứa những thành tựu văn minh mà hàng bao thế hệ tích luỹ truyền lại cho mai sau. Từ một cậu bé mồ côi, thất học, Alecxây Pêscôp đã vươn lên trở thành M. Gorki – nhà văn nổi tiếng thế giới, nhà văn bậc thầy của giai cấp vô sản – người được nhân dân thế giới kính trọng vì một vốn hiểu biết văn hoá vừa rộng lớn vừa sâu sắc. Từ trải nghiệm của bản thân ham học hỏi, M.Gorki đã có một tổng kết như một chân lí về việc trau, dồi tri thức: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Nhờ nghị lực sống phi thường, M.Gorki đã tìm gặp một thứ tài sản phi thường: sách. Nói đến M.Gorki, không thể không nói đến tinh thần tự học, do đó không thể không nói đến sách. Chính ông đã nói đến tác động tuyệt diệu của sách đối với mình trong một lời phát biểu giản dị: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.

Câu nói ấy hàm chứa một ý nghĩa phong phú và một chân lí, một lời khuyên. Từ lâu con người đã biết sự kì diệu của sách. Sách, đó là cái thần kì trong những cái thần kì mà nhân loại đã sáng tạo nên. Thật không thể hình dung một nền văn minh mà không có sách. Từ hàng nghìn năm trước, khi chưa có chữ in, chưa có máy in, chưa có cả giấy bút nữa, thì nhân loại đã nghĩ đến sách rồi, đã có những hình thức đầu tiên của sách rồi. Sách là cái cần có để con người lưu trữ và truyền lại cho người khác, cho thế hệ khác, những hiểu biết của mình về thế giới xung quanh, những khám phá về vũ trụ và con người, cả những ý nghĩ, những quan niệm, những mong muốn về cuộc sống cần gửi đến cho mọi người và trao gửi đến đời sau. Sách, đó là kho tàng chứa đựng những hiểu biết về con người đã được khám phá, chọn lọc, thử thách, tổng hợp. Sách là nơi kết tinh những tư tưởng tiên tiến nhất của các thời đại, những hoài bão mạnh mẽ nhất, những tình cảm tha thiết nhất của con người. Chỉ có những gì mà con người cảm thấy bức xúc cần nói lên, cần truyền lại, mới đi vào sách.

Tác động của sách không hề bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người ngày nay vẫn không hề giảm sút hứng thú tìm lại những trang sách đã có hàng mấy nghìn năm nay, từ những hình vẽ bí hiểm trên những phiến đất sét, những chữ cái từ lâu đã trở nên lạ lùng trên các tấm da cừu,… cho đến hôm nay, những cuốn sách được in hàng loạt bằng những máy in điện tử hiện đại. Một người sống ở một làng hẻo lánh ở châu Á cũng có thể đọc được của một người viết từ một đất nước xa xôi ở châu Mĩ. Thật có thể nói rằng: có sách các thế kỉ và các dân tộc xích lại gần nhau. Sách đưa đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về những đất nước và những dân tộc xa xôi. Những quyển sách khoa học có thể giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những quy luật của nó, hiểu được trái đất tròn trên mình nó có bao nhiêu đất nước khác nhau với những thiên nhiên khác nhau. Những quyển sách xã hội lại giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế, lịch sử, văn hoá, những truyền thống, những khát vọng. Sách, đặc biệt là những cuốn sách văn học giúp ta hiểu biết về đời sống bên trong của con người, qua các thời kì khác nhau, ở những dân tộc khác nhau, những niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ, những khát vọng và đấu tranh của họ.

Sách còn giúp người đọc phát hiện ra chính mình, hiểu rõ mình là ai giữa vũ trụ bao la này, hiểu mỗi người có mối quan hệ như thế nào với người khác, với tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại này. Sách giúp cho người đọc hiểu được đâu là hạnh phúc, đâu là nỗi khổ của con người và phải làm gì để sống cho đúng và để đi tới một cuộc đời thực sự. Sách mở rộng những chân trời ước mơ và khát vọng.

Đọc thêm  Bài viết số 3 lớp 8 đề 3: Giới thiệu đôi dép lốp trong kháng chiến Dàn ý & 12 mẫu bài viết số 3 lớp 8 đề 3

Đã từng có những cuốn sách không chỉ “mở rộng những chân trời mới” cho một người, “trăm người, triệu người, mà còn cho cả nhân loại. Những trang sách của Brunô, Galile về Trái Đất và Thái Dương hệ đã mở ra cho loài người một thời kì mới trên con đường chinh phục các vì sao trên thiên hà. Những trang sách của Đác-uyn về các giống loài không chỉ giúp con người hiểu rõ về các giống loài sinh vật mà còn hiểu rõ hơn về chính con người. Sách của Điđơrô, Môngtexkiơ rồi của Mác, Ăngghen… thực sự đã giúp con người triển khai những cuộc cách mạng to lớn. Đọc Bandắc ta hiểu về thế giới tư bản với sức mạnh lạnh lùng của đồng tiền, đọc thơ Tago, thơ Lí Bạch, Đỗ Phủ, ta hiểu đời sống và tâm hồn của cả các dân tộc. Đọc sách viết về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát… ta hiểu xưa kia cha ông ta từng đau khổ và mơ ước những gì… Thật không sao kể hết “những chân trời” mà những trang sách đã mở rộng ra trước mắt ta. Có thể nói một cách tóm tắt rằng: lợi ích của sách là vô tận. Ta đồng ý với lời nhận xét của M. Gorki cũng là tiếp nhận lời khuyên bao hàm chứa trong câu nói ấy: Hãy đọc sách, cố gắng đọc sách càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, chẳng lẽ dó là một lời khuyên vô điều kiện? Ngẫm cho kĩ, ta vẫn thấy một khoảng trống cần cân nhắc trong lời khuyên ấy. Vì sao? Vì không phải mọi quyển sách đều là “nguồn kiến thức”, là nơi dẫn chúng ta đi vào con đường đúng đắn. Thế nào là sách tốt? Đó là những cuốn sách phản ánh chính xác quy luật tự nhiên và đời sống xã hội. Chúng giúp con người hiểu rõ về số phận để có ý thức đúng về nghĩa vụ của mình trong đời sống. Một cuốn sách tốt phải khiến cho mọi người thêm tự hào về mình, thêm vững tin ở cuộc sống để chiến đấu cho cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Nó phải khiến cho tâm hồn con người trở nên phong phú hơn, độ lượng hơn, trong sáng hơn.

Còn thế nào là sách xấu? Đó là những cuốn sách xuyên tạc đời sống đưa đến cho người đọc những kiến thức dối trá về thế giới xung quanh. Chúng đề cao dân tộc này mà bôi nhọ dân tộc kia, chúng gây thù hằn và ngờ vực giữa các dân tộc, đề cao bạo lực và chiến tranh.

Đọc những cuốn sách như thế, người đọc không những không tăng thêm hiểu biết mà còn trở nên dốt nát, ngu muội hơn. Đọc những cuốn sách như thế, tâm hồn người đọc không những không hề mở rộng mà còn thêm khô cằn.

Sách tốt được coi như là một thứ thuốc bồi dưỡng cực kì công hỉệu. Ngược lại, sách xấu như là một thứ thuốc cực kì nguy hiểm. Không còn sách, nền văn minh nhân loại cũng sẽ không còn. Vì thế: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống” như M.Gorki đã nói: “Sách là một phần quan trọng và tất yếu của cuộc sống”. Không có nó, thì văn minh nhân loại rất khó được lưu giữ trường cửu với thời gian.

Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới – Mẫu 5

Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới - Macxim Gorki

Sách có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Ngày nay xã hội đã phát triển, con người đã có những cách tiếp cận khác nhau để đến với tri thức nhưng sách vẫn vô cùng quan trọng, chính vì những ý nghĩa đó của sách, nhà văn M. Gorki từng nhận định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”

Sách chứa đựng tri thức loài người, được chọn lọc, tích lũy từ ngàn xưa, là công cụ truyền lưu văn hóa nhân loại. Còn “sách mở rộng những chân trời mới” cho thấy vai trò của sách là mở rộng hiểu biết về thế giới tự nhiên và vũ trụ. Đồng thời nó cũng mở rộng hiểu biết về loài người, các dân tộc xa lạ: đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm, văn hóa của họ. Không chỉ vậy, sách còn rèn luyện nhân cách, nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ của ta.

Đầu tiên, sách đưa đến cho chúng ta nguồn tri thức vô tận, giúp chúng ta mở mang kiến thức và vốn hiểu biết theo từng ngày. Trong cuộc sống của mình, con người luôn luôn có ý thức học tập, tìm hiểu khám phá thế giới tự nhiên và xã hội. Những kinh nghiệm, suy nghĩ của con người được ghi chép, lưu giữ lại để truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Và vì vậy, sách trở thành một con đường quan trọng để con người đến với tri thức. Con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống… Tùy vào loại tri thức con người lưu giữ mà sách có nhiều loại: sách khoa học, sách nghệ thuật, sách đời sống… Khi tìm đến với sách, chúng ta giống như được đi “du lịch miễn phí” đến những quốc gia xa xôi, bay đến những vì sao, thám hiểm trong lòng biển. Không chỉ thế, ta còn có thể ngược dòng lịch sử trở về quá khứ thậm chí bay vào thế giới viễn tưởng để hình dung về cuộc sống trong tương lai. Kì diệu hơn, ta còn có thể thâm nhập vào thế giới vi mô của sự vật hiện tượng để biết về nguồn gốc chung của cả vũ trụ..

Khi đọc sách, người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Nếu Hoài Thanh viết trong Ý nghĩa văn chương: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm sẵn có…”, thì ta cũng có thể nói rằng: sách đã cho ta những tình cảm ta chưa có, còn bồi đắp cho ta những tình cảm ta sẵn có. Khi đọc sách sử, người ta có thể thêm yêu nước, thêm yêu đồng loại. Sách có thể cho ta một cách sống thế nào cho ý nghĩa mà có thể trường học, đường đời chưa dạy ta. Đó là những triết lý cuộc sống mà chúng ta tìm được khi đọc một câu chuyện, một lời tâm sự trên trang sách. Khi đọc sách ta có thể nhận ra cuộc sống muôn màu muôn vẻ, và chứa trong đó nhiều giá trị cao đẹp, giúp ta nhìn nhận chính mình cũng như người xung quanh chính xác hơn. Như vậy, trong câu nói của nhà văn Nga, “chân trời mới” có thể được hiểu là những chân trời tri thức mới, những chân trời cảm xúc mới. Tất cả đã giúp con người đẹp thêm, có văn hóa hơn, nhân ái hơn…

Câu nói của nhà văn đã cho ta hiểu thêm về giá trị của việc đọc sách và tầm quan trọng của sách đối với đời sống như thế nào. Vấn đề quan trọng là đọc sách thế nào để có hiệu quả? Chúng ta cần phải xác định được mục đích của việc đọc sách để lựa chọn ra một cuốn sách phù hợp. Đọc sách phải chú trọng đến chất lượng, chứ không chỉ đọc lấy số lượng cho nhiều. Dù là ở độ tuổi nào cũng có thể đọc sách. Bởi như Đacuyn từng khẳng định: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”.

Nói rằng sách là sự thu nhỏ của biển trời tri thức nhưng không phải lúc nào sách cũng làm được điều như vậy. Vì có người tạo ra sách không vì mục đích trong sáng, không hướng tới mục tiêu giáo dục. Lịch sử càng tiến lên, di sản tinh thần của nhân loại càng phong phú thì sách vở tích lũy những điều đó càng đồ sộ, việc đọc lại trở nên quan trọng. Khi đọc sách phải có phương pháp thích hợp, có mục đích rõ ràng. Khi đọc không chỉ bằng mắt, mà phải tư duy theo sách, phải nhập tâm, và nên kết hợp với ghi chép. Bởi những điều trong sách là những điều có ích cho cuộc sống mà tác giả đã chứng kiến hoặc đã trải nghiệm sau đó viết ra để là bài học kinh nghiệm cho đọc giả.

Câu nói của M.Goóc-ki như một lời khẳng định về giá trị của việc đọc sách và cũng là lời khuyên con người nên chăm chỉ đọc sách hơn, đọc những điều có giá trị hơn để làm chủ vũ trụ rộng lớn bao la này.

Bên cạnh đó để củng cố kỹ năng viết văn nghị luận ngày một tiến bộ hơn các bạn xem thêm bài văn mẫu: nghị luận về hiện tượng lãng phí trong cuộc sống hiện nay, nghị luận xã hội về lối sống khép kín.

Scroll to Top