Bạn đang gặp khó khăn trong việc viết bài văn Kể lại một chuyện lạ mà em nhớ mãi? Bạn chưa biết viết như thế nào cho hay?
Thấu hiểu được điều đó, vanmau.com xin giới thiệu đến các bạn Tuyển tập 4 bài văn mẫu Kể lại một chuyện lạ mà em nhớ mãi được chúng tôi tổng hợp chi tiết, hay nhất. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn học sinh lớp 9 cùng tham khảo.
Kể lại một câu chuyện lạ mà em nhớ mãi – Mẫu 1
Những ngày đầu tiên mới bước chân vào lớp, tôi đã bị ấn tượng bởi hai người bạn đặc biệt: Duyên, một bạn nữ tội nghiệp với đôi chân tật nguyền do ảnh hưởng của chất độc màu da cam và Tiến, cậu bạn vốn nổi danh về tài quậy phá mà tôi đã hân hạnh được một vài người bạn chỉ cho biết mặt từ những ngày còn học trung học cơ sở. Không ai có thể nghĩ rằng chỉ sau một thời gian ngắn họ lại có thể trở thành một cặp bài trùng thân thiết. Đó là đôi bạn cùng tiến để lại trong tôi cũng như tất cả mọi người trong lớp nhiều ấn tượng sâu đậm.
Vừa mới xuất hiện ở lớp, lực học trung bình, nếu không muốn nói là kém, nhưng Tiến lại nhanh chóng tỏ rõ vai trò bá chủ của mình bằng những trò nghịch ngợm. Cậu ta kéo tóc người này, giật áo người kia, dán cao su lên ghế, treo bọc nước ở giữa cửa để ai đi qua vô tình không để ý là bị nó đổ ụp vào người…Mới có mấy ngày thôi mà đã không ít kẻ dở khóc dở cười với những trò quậy phá của người ta. Nhưng có một điều đặc biệt là tất cả những trò quậy phá đó, không bao giờ đả động đến Duyên cả – người mà theo suy đoán của chúng tôi lẽ ra phải là đối tượng đầu tiên lọt vào tầm ngắm của Tiến. Hàng ngày, Duyên đến lớp trên chiếc xe đạp cà tàng của bố. Chiếc xe được đặc cách đi vào tận trong cửa lớp rồi bố bạn ấy bế bạn ấy vào chỗ ngồi. Xong xuôi đâu đấy, Bác đi về rồi lại sẽ quay lại quay lại đón bạn sau khi tan giờ học. Và Duyên cứ ngồi nguyên chỗ đó, chăm chỉ ghi chép bài, rất ít khi nói một câu nào, cho đến khi tan trường.
Thời gian gần đây, tự dưng chúng tôi thấy Tiến trầm hẳn. Mọi người ai cũng tò mò nhưng không ai biết lí do tại sao cả. Rồi một ngày, cả lũ mắt tròn mắt dẹt khi người đưa Duyên đến lớp, không phải người bố khắc khổ mà chính là…Tiến. Nhìn thấy từ xa, cả lớp đã đổ xô ra bàn tán. Nhưng dường như không ai thèm để tâm đến điều đó, cũng một cách rất thản nhiên, Tiến bế Duyên vào chỗ ngồi rồi mới cất xe vào lán xe. Một vài đứa đang định chỉ trỏ, cười cợt chợt bắt gặp cái lừ mắt của Tiến nên đành im lặng. Từ đó, ngày qua ngày họ trở thành một cặp đôi quen thuộc. Mọi người nhìn thấy cũng không xì xào bàn tán nữa nhưng vẫn không ai biết được lí do tại sao. Tiến vẫn là bá chủ của những trò nghịch ngợm vô hại nhưng cũng trở thành chàng “hiệp sĩ” khi các bạn trong lớp cần sự trợ giúp. Điều đáng nói hơn nữa là lực học của cậu ta ngày càng tiến bộ. Trong giờ học Tiến hăng hái tham gia phát biểu bài và còn rất hay đưa ra những cách giải thông minh được các thầy cô khen ngợi. Duyên cũng trở lên vui vẻ, cởi mở hơn với mọi người. Duyên không còn ngần ngại phát biểu ý kiến hay nói chuyện với những người xung quanh. Cũng từ khi ấy, chúng tôi mới phát hiện ra đó là một cô bạn có cách nói chuyện dí dỏm và một nụ cười rất duyên.
Mọi chuyện sẽ là một ẩn số nếu không có một ngày…Hôm đó trường chúng tôi tổ chức cắm trại chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3. Buổi tối, một số cậu con trai được cắt cử ở lại trông trại trong đó có tôi và Tiến. Cả ngày mệt lử, những đứa xung quanh đã ngủ chỉ còn tôi với Tiến thức. Tự dưng nhớ đến câu chuyện của “cặp bài trùng” đó tôi hỏi Tiến. Cậu ta trầm ngâm một chút rồi cũng trả lời. Thì ra, có sự thay đổi đó vì một ngày, Tiến có việc đi qua nhà Duyên và vô tình bắt gặp cảnh Duyên vừa học bài vừa phụ giúp bố đan lát để kiếm thêm thu nhập, nụ cười rạng rỡ nở trên môi. Điều ấy đã tác động to lớn đến cậu ta. Nó khiến cho Tiến bắt đầu suy nghĩ. Tiến còn kể tỉ mỉ cho tôi sau lần vô tình gặp ấy, những lần khác Tiến đã chủ động đến nhà Duyên, nói chuyện, giúp đỡ Duyên như thế nào, cho đến cái ngày đặc biệt, khi cậu ấy nhận nhiệm vụ sẽ ngày ngày đưa Duyên đến trường. Cậu ta kết luận:
“Cậu đừng cho những sự ấy là vô lí mà cố gắng cắt nghĩa nó làm gì. Đơn giản chỉ vì tớ cảm thấy mình không làm được những điều ấy thì mình làm một người lành lặn, một thằng đàn ông cũng thật đáng hổ thẹn. Thế thôi!”.
Nói những lời những ấy xong Tiến giục tôi đi ngủ rồi ngủ ngon lành ngay sau đó. Chỉ có tôi là còn trằn trọc suy nghĩ mãi mà chưa ngủ được? Ừ có lẽ Tiến trở thành một người lớn thực sự rồi. Còn tôi thì sao?
Kể lại một câu chuyện lạ mà em nhớ mãi – Mẫu 2
Vua là người như thế nào
Ngày xưa vua Hen-ri IV nước Pháp hay cưỡi ngựa đi săn trong rừng. Có một lần nhà vua mải miết theo dấu chân thú đi sâu vào rừng xa. Đến cạnh con suối, Hen-ri gặp một người tiều phu đang ngồi nghỉ. Vua thân mật hỏi:
– Anh đang làm gì đó? Ngồi chơi hay ngồi chờ đợi ai?
– Thưa ông, tôi đang chờ xem vua Hen-ri đi qua.
Người cưỡi ngựa, cặp mắt nheo lại, nhẹ bảo:
– Tôi cũng muốn được xem Vua đây. Anh hãy cùng tôi đi tìm nhà Vua may ra mới được gặp.
Tiều phu vui vẻ leo lên ngựa ngồi sau lưng người lạ mặt. Hai người trò chuyện thân mật lắm. Gã tiều phu băn khoăn hỏi:
– Nhưng làm sao để biết rõ ai là vua Hen-ri?
– Ồ, dễ thôi mà. Anh hãy để ý, trước đám đông, người đội mũ chính là nhà Vua đó.
Chỉ một lát sau, hàng trăm kị mã kéo đến. Họ xuống ngựa, tất cả đều ngả mũ, cúi đầu. Bấy giờ, người lạ mặt ngoảnh lại, hỏi nhỏ gã tiều phu:
– Thế nào? Anh đã biết ai là Vua chưa?
Tiều phu thật thà nói:
– Đúng là ông hay tôi là vua. Vì ở đây chỉ còn hai chúng ta còn đội mũ mà thôi.
– Đúng là cả anh và tôi đều đội mũ.
(Trích Chuyện vui văn học gần xa)
Kể lại một câu chuyện lạ mà em nhớ mãi – Mẫu 3
Hùng được mệnh danh là “thám tử” của lớp 6C vì đã khám phá được hai vụ án từ hồi còn học lớp 5 ở trường Đồng Cận. Có lẽ vì thừa hưởng gen công an của bố mà Hùng phán đoán, nhận định tình hình rất nhanh. Cậu đã từng tuyên bố với hai “đệ tử” là Hòa béo và Thắng “Đôn-ki” là lớn lên cậu sẽ làm nghề thám tử tư và chắc chắn tên tuổi của cậu lẫy lừng chẳng kém gì Sê-lốc- hôm của thế giới.
Sáng nay Hùng đến trường sớm hơn thường lệ, đứng ở cửa lớp mãi. Cậu ra tận cổng trường ngóng hai đệ tử. Vừa trông thấy cái dáng lêu nghêu của Thắng Đôn-ki đi bên cạnh khổ người thừa mỡ của Hòa béo, Thắng đã nhảy bổ ra kéo hai cậu bạn vào góc sân trường thì thầm to nhỏ. Ba đứa hoa chân múa tay, trợn mắt trợn mũi bàn tính rất căng thẳng. Thắng lắc đầu quầy quậy:
– Nếu thế thì phải giàu chứ, sao đi học nó mặc áo vá?
Hùng gật gù cái đầu cắt “đinh” lởm chởm:
– Cậu đúng là không có tí năng khiếu thám tử nào, nó phải giả nghèo giả khổ chứ, nó tỏ ra giàu có thì khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, Tớ đã theo dõi đúng một tuần nay rồi mới nói với các cậu. Y xi, cứ đúng đầu giờ tiết 2. Nếu sai tớ xin từ chức thám tử
Thắng vẫn chưa tin:
– Hôm qua tớ còn nhìn thấy mẹ nó đi chợ bán rau lang, cô ấy gầy, xanh lắm. Có lần nó đã nói với tớ là mẹ nó bị bệnh phổi nhưng không có tiền mua thuốc.
– Nhưng dì nó rất giàu – Hòa lập luận – có thể tạm thời gửi của ở nhà dì nó chứ, người ta dễ nghĩ dì nó giàu vì có chồng làm giám đốc.
– Ấy đấy – Hùng vỗ đùi đánh đét – thằng này khá, xứng danh đệ tử.
Vừa lúc tiếng trống trường vang lên, cả bọn kéo nhau vào lớp. Trước khi ngồi vào chỗ Hùng còn giơ ngón tay lên dứ trước mặt Thắng và Hòa, đó là tín hiệu “bí mật nhé”.
Vinh không hề biết mình đã lọt vào “tầm ngắm” của thám tử, nó cố gắng nhét cái cặp to đùng đã vá vài chỗ vào ngăn bàn. Thu hai tay dính đầy nhựa khoai lang vào vạt áo, nó lí nhí giải thích với cái Hoa tổ trưởng đang đi kiểm tra tay là nhựa khoai lang rửa không sạch chứ không phải tay nó bẩn. Hùng hất hàm ra hiệu cho Thắng và Hòa, ý bảo: ghê chưa, thằng này đóng kịch giỏi thật.
Vừa dứt hai tiếng trống giờ học đầụ tiên, Hùng đã vọt qua cửa sổ kéo hai đệ tử, chúng đến vị trí quan sát Hùng đã chuẩn bị trước, từ đó nhìn rất rõ cổng trường. Ngồi sụp xuống, Hùng vừa thở vừa chỉ cho hai bạn thấy cái lưng áo bạc màu của Vinh:
– Thấy chưa, nó đấy, bây giờ các cậu đã hiểu tại sao nó mang cái cặp to đi học, thế mà cứ dài mồm nói là của anh cậu ta để lại, thì ra là để đựng thuốc phiện. Nguy hiểm thật, không biết hắn đã gieo rắc “cái chết trắng” cho bao nhiêu người?
Hòa bàn:
– Hay ta báo công an….
– Không cần – Hùng gạt đi – chúng ta sẽ bắt quả tang, rồi giải ra đồn công an với đầy đủ nhân chứng vật chứng. Phen này bố tớ tha hồ mà lác mắt nhé. Kia kìa, đấy, dì nó đến rồi đấy, thấy chưa, đưa cho nó một gói bọc giấy báo, nó đút ngay vào cặp kìa. Bọn mình ra bắt quả tang đi.
Vinh tròn mắt nhìn Hùng, Thắng, Hòa đứng chặn trước mặt, nó ôm chặt cái cặp vào ngực lắp bắp:
– Các cậu, các cậu đi đâu mà chạy ghê thế?
Hùng gườm gườm, giọng đanh lại:
– Vinh, trong cặp sách kia có gì, cậu mở ra.
– Không, tớ không mở.
Vinh càng ôm cái cặp chặt hơn. Hùng bước tới, giằng cái cặp trong tay Vinh, lôi gói giấy trong cặp ra, gí sát mặt Vinh:
– Cái gì đây?
Mặt Vinh tái nhợt, ấp úng:
– Đừng, đừng, tớ xin các cậu, các cậu đừng mở.
– Hừ – Hùng gằn giọng – bây giờ mới lộ chân tướng nhé, mở ra cho mọi người chứng kiến rồi theo chúng tôi về đồn công an.
Vừa nói Hùng vừa xé toạc lớp bọc. Từ trong gói giấy, những hạt cơm đã bốc mùi chua rơi tung trên cát. Vinh khóc:
– Các cậu thật quá dáng, dì tớ mang cơm nguội đến cho tớ mang về nuôi lợn, mẹ tớ ốm, chỉ trông vào con lợn này để mua thuốc…
Cả bọn sững người đứng như trời trồng giữa sân trường. Mắt Thắng bỗng đỏ hoe, nó chạy vụt đi.
Kể lại một câu chuyện lạ mà em nhớ mãi – Mẫu 4
Con ngựa là một trong những loài vật nuôi trong nhà của những người dân Việt Nam, đặc biệt là những người dân miền núi. Ngựa được thuần dưỡng và nuôi trong các gia đình nhằm lấy sức kéo, phục vụ cho sản xuất và cho cuộc sống sinh hoạt. Chúng ta thường nghe đến những câu chuyện nói về sự tinh khôn của các loài vật như: chó, mèo…có rất ít những câu chuyện nói về trí khôn của loài ngựa, nhưng ít không phải là không có. Dưới đây là một câu chuyện nói về sự thông minh của loài ngựa.
Đây là một câu chuyện có thật của một người nông dân miền núi, anh ta làm nghề buôn bán hàng hóa. Ở miền núi thông thường một tuần thường mở hai phiên chợ để những người dân có thể thuận lợi trao đổi, mua bán hàng hóa cho nhau. Người bán hàng nọ cũng vậy, một tuần hai lần anh ta sẽ mang theo hàng hóa lên chợ để bán.
Vì hàng nặng và cồng kềnh nên anh ta sử dụng ngựa, anh ta treo đồ đạc, hàng hóa hai bên sườn của con ngựa, còn trước cổ của ngựa lại treo một cái giỏ nhỏ dùng để đựng tiền. Như thường lệ, trong một phiên chợ, anh ta cùng ngựa lên đường buôn bán. Có một lần anh chàng bán được hai đồng tiền mộc nhĩ, khi lên ngựa để tiếp tục cuộc mua bán thì ngựa nhất quyết không chịu đi.
Anh ta xuống ngựa và kiểm tra xem ngựa có bị thương ở đâu không thì thấy thật kì lạ, con ngựa hoàn toàn bình thường nhưng giục sao cũng không chịu đi. Cuối cùng anh ta sực nhớ ra rằng mình chưa lấy tiền mộc nhĩ từ người mua nọ. Có lẽ con ngựa nhận thức được sự khác biệt so với mọi lần, hoặc nó chưa nghe được tiếng tiền bỏ vào chiếc giỏ nên cố tình đứng yên không chịu đi như một lời nhắc nhở với người chủ của mình.
Như vậy, qua câu chuyện ta có thể thấy được sự thông minh ở loài ngựa, nó không chỉ là một loài vật nuôi, giúp con người vận chuyển hàng hóa mà còn là một người bạn thực thụ của con người.