A- Nội dung kiến thức cơ bản miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự
– Miêu tả và biểu cảm là hai yếu tố quan trọng trong văn bản tự sự. Nhờ những yếu tố đó mà câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn và có sức truyền cảm mạnh mẽ.
– Muốn miêu tả và biểu cảm thành công, người viết cần phải quan tâm tìm hiểu cuộc sống, con người và bản thân, đồng thời chú ý quan sát, liên tưởng, tưởng tượng và lắng nghe những lay động mà sự vật, sự việc khách quan gieo vào trong tâm trí của mình.
Bạn đang xem: Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự
– Ôn lại những kiến thức đã học trong chương trình Ngữ văn THCS: khái niệm, vai trò, hiệu quả nghệ thuật … của miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự. (Tham khảo lại bài soạn Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự lớp 8)
B- Soạn bài miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự
Soạn bài miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự ngắn gọn nhất
I. Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự
Câu 1 trang 73 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Thế nào là miêu tả, biểu cảm?
Trả lời
– Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật khác làm cho người nghe, người đọc, người xem thấy sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ra trước mắt.
– Biểu cảm là bộc lộ tình cảm chủ quan của bản thân trước sự vật, sự việc, con người trong đời sống.
Câu 2 trang 73 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Điểm giống và khác nhau của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự?
Trả lời
Miêu tả trong văn tự sự là phương tiện để làm cho sự vật, con người, sự việc trở nên rõ ràng sinh động. Miêu tả trong văn miêu tả là phương thức chính để biểu hiện sự vật, hiện tượng, con người…
– Biểu cảm trong văn tự sự cũng là phương tiện để bộc lộ cảm xúc trước nhân vật, hiện tượng, sự vật. Biểu cảm trong văn biểu cảm với mục đích chính thể hiện tình cảm, cảm xúc trước sự vật, hiện tượng.
– Biểu cảm và miêu tả trong văn tự sự chỉ là một yếu tố, còn biểu cảm trong văn biểu cảm và miêu tả trong văn miêu tả lại là phương thức.
Câu 3 trang 73 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Căn cứ để đánh giá hiệu quả của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự
Trả lời
Hiệu quả của miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự:
– Nhờ vào sự hấp dẫn của hình ảnh miêu tả để liên tưởng tới yếu tố bất ngờ trong truyện.
– Sự truyền cảm mạnh mẽ tư tưởng, tình yêu của tác giả.
Câu 4 trang 73 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Giải thích vì sao đoạn trích dưới đây đã rất thành công trong việc sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm.
Trả lời:
– Đoạn trích trên là văn bản tự sự vì có các yếu tố: nhân vật, sự việc, người dẫn chuyện.
– Yếu tố miêu tả: hiện thực cảnh ban đêm, tả trời ngàn sao.
– Yếu tố biểu cảm: diễn tả cảm xúc của nhân vật tôi khi ngồi cạnh Xtê – pha – nét.
– Các yếu tố miêu tả và biểu cảm giúp người đọc hình dung một cách sinh động về cảnh đêm sao thơ mộng, thể hiện tình cảm của chàng chăn cừu bên cô gái ngây thơ và thúc đẩy diễn biến cốt truyện.
II. Quan sát, liên tưởng, tưởng tượng trong miêu tả và biểu cảm của văn bản tự sự
Câu 1 trang 75 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Chọn điền các từ vào các câu tương ứng.
Chọn và điền từ (quan sát, liên tưởng, tưởng tượng) thích hợp với mỗi chỗ trống:
a) /…/: từ sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ đến sự việc, hiện tượng có liên quan.
b) /…/: xem xét để nhìn rõ, biết rõ sự vật hay hiện tượng
c) /…/: tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề có ở trước mắt, hoặc còn chưa hề gặp.
Trả lời:
a. Liên tưởng
b. Quan sát
c. Tưởng tượng
Câu 2 trang 75 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Có thể cho rằng để làm tốt việc miêu tả trong văn tự sự, người làm văn và chỉ cần quan sát đối tượng một cách kĩ càng mà không cần liên tưởng không? Vì sao?
Trả lời:
Miêu tả được hay, tốt cần quan sát đối tượng một cách kĩ càng, phát huy tích cực khả năng tưởng tượng và liên tưởng.
Câu 3 trang 75 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Những cảm xúc, những rung động được nảy sinh từ đâu?
Trả lời:
Ý (d) không chính xác, vì khi sử dụng biểu cảm trong văn tự sự không thể chỉ tìm cảm xúc, rung động trong tâm hồn người kể.
III. Luyện tập
Câu 1 trang 76 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong các đoạn trích:
a. Một đoạn trích tự sự đã học ở lớp 10.
b. Đoạn trích từ truyện ngắn Lẵng quả thông của nhà văn C. Pau-tốp-xki.
Trả lời:
a. Sử dụng ngữ liệu: đoạn trích kể lại cuộc chiến giữa Đăm Săn với Mtao Mxây
– Yếu tố miêu tả khung cảnh cuộc chiến hiện ra chân thật, sinh động
– Yếu tố biểu cảm thể hiện cảm xúc của các nhân vật, cộng đồng, cuộc chiến trở nên hoành tráng, dữ dội hơn.
b.
– Nhà văn không miêu tả trực tiếp mà tưởng tượng “nếu như ta…tinh xảo” và suy ngẫm “những chiếc lá…thô kệch).
– Những câu văn miêu tả khắc họa vẻ đẹp tự nhiên của mùa thu.
– Những câu văn biểu cảm mang đến cho người đọc những cảm nhận lã lẫm, lí thú.
Câu 2 trang 76 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Viết đoạn văn tự sự kể về một chuyến đi trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm.
Trả lời
Gợi ý làm bài:
– Sử dụng yếu tố miêu tả:
+ Tả về cảnh vật, sự vật trong chuyến đi.
+ Tả người bạn đồng hành.
+ Tả con đường.
– Sử dụng yếu tố biểu cảm để thể hiện tình cảm:
+ Tình cảm chung về chuyến đi.
+ Tình cảm về con người.
+ Tình cảm thiên nhiên.
Lưu ý: không được sa vào kể cuyện “suông” hoặc lạc sang kiểu bài thuần biểu cảm.
Soạn bài miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự hay nhất
I. Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự
Bài 1 trang 73 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Thế nào là miêu tả, biểu cảm?
Trả lời
а. Miêu tả: là tái hiện sự vật, làm cho sự vật hiện lên sinh động vối những chi tiết về hình dáng, kích thước, khối lượng, màu sắc, âm thanh… như nó vốn có trong cuộc sông, người đọc (người nghe) như được nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy… đối tượng miêu tả một cách cụ thể, sinh động.
b. Biểu cảm: Là biểu lộ cảm xúc, tư tưởng, tình cảm, thái độ… của mình trước một đối tượng nhất định (như cảnh vật, con người, những vấn đề trong cuộc sống hay những hình tượng nghệ thuật).
Bài 2 trang 73 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Điểm giống và khác nhau của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự1/
Trả lời
– Miêu tả trong văn miêu tả, biểu cảm trong văn biểu cảm so với miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự không phải khác nhau ở số lượng câu văn mà là ở mục đích sử dụng. Yếu tố miêu tả trong văn miêu tả và trong văn tự sự tuy đều có tác dụng làm cho sự vật, sự việc, con người… trở nên rõ ràng sinh động.
– Miêu tả trong văn bản tự sự chỉ là yếu tố phụ, là phương tiện giúp cho câu chuyện diễn ra được sinh động, miêu tả không phải là mục đích chính của văn bản tự sự.
– Biểu cảm trong văn tự sự cũng chính là yếu tố phụ, không phải mục đích chính, tuy nhiên nó cũng là phương tiện giúp cho văn bản tự sự có được chiều sâu của cảm xúc, tránh được khô khan.
Bài 3 trang 73 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Căn cứ để đánh giá hiệu quả của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự
Trả lời
a. Để đánh giá hiệu quả của yếu tố miêu tả trong văn tự sự, có thể dựa trên những tiêu chuẩn sau đây:
– Yếu tố đó có miêu tả được sinh động các đối tượng (nhân vật, cảnh vật, tâm trạng…) hay không?
– Yếu tố đó có giúp cho việc kể chuyện được hấp dẫn hay không?
b. Để đánh giá hiệu quả của yếu tố biểu cảm trong văn bản tự sự, có thể dựa trên những tiêu chuẩn sau đây:
– Yếu tố biểu cảm có gây xúc động, gợi suy nghĩ đối với bạn đọc hay không?
– Yếu tố biểu cảm đó có giúp cho việc kể chuyện thêm sinh động và có hồn hay không?
Bài 4 trang 73 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Giải thích vì sao đoạn trích dưới đây đã rất thành công trong việc sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm.
Trả lời:
Đoạn trích văn bản trong SGK được coi là đã sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm rất thành công, vì: Đây là văn bản tự sự: đoạn câu chuyện của chàng chăn cừu (nhân vật “tôi”) với cô chủ nhiệm xinh đẹp trong một đêm trời đầy sao.
a. Các yếu tố miêu tả gồm:
– Suối reo rõ hơn, đầm ao nhen lên những đốm lửa nhỏ và văng vẳng trong không gian những tiếng sột soạt, những tiếng rung khe khẽ tưởng đâu cành cây đang vươn dài và cỏ non đang mọc.
– Một lần từ phía mặt đầm lấp lánh dưới kia nổi lên một tiếng kêu dài, não ruột ngân vang rền rền. Cũng vừa lúc một vì sao rực rỡ đối ngôi lướt trên đầu chúng tôi về cùng một hướng đó, dường như tiếng than vãn mà chúng tôi vừa nghe thây kia đã mang theo một luồng ánh sáng.
– Nàng vẫn ngước mắt lên cao, tay đỡ lấy đầu, vai khoác tấm da cừu non, nàng như chú mục đồng của nhà trời.
b. Các yếu tố biểu cảm gồm
– Tôi cảm thấy có cái gì mát rượi và mịn màng tựa nhè nhẹ xuống vai tôi.
– Còn tôi, tôi nhìn nàng ngủ, đáy lòng hơi xao xuyến nhưng vẫn giữ được mình vì đêm sao sáng kia bao giờ cũng đem lại cho tôi những ý nghĩ cao đẹp.
– Tôi tưởng đâu một trong những ngôi sao kia, ngôi sao tinh tú nhất, ngời sáng nhất lạc mất đi đã đậu xuống vai tôi mà thiêm thiếp ngủ.
Rõ ràng yếu tố miêu tả và biểu cảm tăng thêm vẻ đẹp hồn nhiên của cảnh vật, của lòng người. Ta như chứng kiến cảnh đêm sao thơ mộng trên núi cao ở Prô – văng – xơ miền Nam nước Pháp cùng những rung động khẽ khàng, say sưa mà thanh khiết trong tâm hồn chàng chăn cừu bên cô gái ngây thơ xinh đẹp. Nếu thiếu những yếu tố này, chúng ta không cảm thấy hết những gì tốt đẹp đó và câu chuyện này sẽ trở nên khô khan hơn.
II. Quan sát, liên tưởng, tưởng tượng trong miêu tả và biểu cảm của văn bản tự sự
Bài 1 trang 75 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Trả lời:
a) Liên tưởng: từ sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ đến sự việc, hiện tượng có liên quan.
b) Quan sát: xem xét để nhìn rõ, biết rõ sự vật hay hiện tượng.
c) Tưởng tượng: tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề có ở trước mắt, hoặc còn chưa hề gặp.
Bài 2 trang 75 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Có thể cho rằng để làm tốt việc miêu tả trong văn tự sự, người làm văn và chỉ cần quan sát đối tượng một cách kĩ càng mà không cần liên tưởng không? Vì sao?
Trả lời:
– Miêu tả cần đến quan sát, nhưng cũng rất cần đến liên tưởng, tưởng tượng, vì liên tưởng giúp cho việc so sánh, lựa chọn các chi tiết quan sát được, còn tưởng tượng giúp ta hình dung ra sản phẩm (hình tượng) một cách hoàn chỉnh và sáng tạo.
– Quan sát chỉ có tác dụng giúp ta có được các chi tiết, sự kiện, làm chất liệu cho hoạt động sáng tạo; liên tưởng giúp ta so sánh, phát hiện ra cái riêng, cái chung, nét độc đáo của đối tượng, còn tưởng tượng mới là khâu quyết định chất lượng của hoạt động sáng tạo trong miêu tả.
– Chứng minh: Trong đoạn văn mục 1. 4 (SGK) để miêu tả đêm sao sáng và cô gái, tác giả đã quan sát bằng mắt (thị giác), bằng tai (thính giác), bằng da thịt (xúc giác)… ; liên tưởng cô chủ nhỏ như chú mục đồng (cậu bé chăn cừu) của nhà trời; tưởng tượng ra cuộc hành trình thầm lặng của các vì sao như một đàn cừu lớn.
Bài 3 trang 75 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Những cảm xúc, những rung động được nảy sinh từ đâu?
Trả lời:
Để câu chuyện không gây cảm giác khô khan, người kể phải:
– Tìm xúc cảm, rung động từ sự quan sát, (ý a), liên tưởng, tưởng tượng, hồi ức (b), từ những sự vật, sự việc đã và đang lay động trái tim người kể (c).
– Trong các ý trên, (d) không chính xác, vì cảm xúc vốn là sự lay động của trái tim, không thể đi tìm cảm xúc từ trong cảm xúc.
– Chứng minh qua đoạn trích: cảm xúc, suy nghĩ của chàng chăn cừu (nhân vật “tôi”) được rút ra từ:
+ Các hình ảnh quan sát được từ trời sao và cô bé.
+ Những liên tưởng của nhân vật “tôi”.
+ Những sự vật, sự việc gây cảm xúc mạnh: cô chủ nhỏ ngả đầu lên vai.
III. Luyện tập
Bài 1 trang 76 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong các đoạn trích:
a. Một đoạn trích tự sự đã học ở lớp 10.
b. Đoạn trích từ truyện ngắn Lẵng quả thông của nhà văn C. Pau-tốp-xki.
Trả lời:
a. Ví dụ: Đoạn trích trong Ra-ma buộc tội, từ “Nói dứt lời, Gia-na-ki òa khóc” đến hết đoạn trích.
– Nội dung đoạn văn kể lại việc Gia-na-ki bước lên giàn hoả trước sự chứng kiến của mọi người.
– Các yếu tố miêu tả gồm: gương mặt, thái độ, việc làm của các nhân vật Lắc-ma-na, Ra-ma, Gia-na-ki và những người khác. Đặc biệt nổi bật là hình ảnh Gia-na-ki bước lên giàn hoả.
– Các yếu tố biểu cảm là tình cảm, thái độ của người kể thể hiện trong cách kể, nhất là trọng đoạn cuối: “Ai nấy, già cũng như trẻ đau lòng đứt ruột xem nàng Gia-na-ki đứng trong giàn hoả”, “các phụ nữ bật ra tiếng khóc thảm thương, cả loài quỷ Rắc-sa-xa, lẫn loài khỉ Va-na-ra cũng cùng kêu khóc vang trời”. Đây là cách biểu cảm gián tiếp thông qua hình ảnh và lời kể.
– Các yếu tố miêu tả và biểu cảm có vai trò hết sức quan trọng trong đoạn trích, làm cho câu chuyện có được những chi tiết sinh động hấp dẫn và gây xúc động người đọc.
b. Đoạn trích từ truyện ngắn “Lẵng quả thông” của Pau-xtốp-xki:
– Nội dung đoạn trích kể về việc nhân vật Gri-gơ bắt gặp cô bé con ông gác rừng đang nhặt những quả thông bỏ vào trong lẵng.
– Trong đoạn văn trích từ truyện ngắn Lẵng quả thông của C. Pau-tôp-xki, người kể đã “kể chuyện” bằng quan sát, tưởng tượng và suy ngẫm. Để giúp người đọc hình dung rõ rệt hơn, cảm nhận thích thú hơn vẻ đẹp của mùa thu, nhà văn đã không miêu tả trực tiếp mà tưởng tượng “nếu như có thể lấy hết đồng và vàng trên trái đất đem đánh thành muôn vàn lá cây rất mực tinh xảo”; và suy ngẫm “những chiếc lá nhân tạo nọ sẽ rất thô kệch…”. Những câu văn ấy cũng là nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên của mùa thu nhưng yếu tố miêu tả và biểu cảm đã mang đến cho chúng ta một cách cảm nhận khác lạ lẫm và lí thú hơn.
Bài 2 trang 76 SGK Ngữ văn 10 tập 1
Viết đoạn văn tự sự kể về một chuyến đi trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm.
Trả lời:
Học sinh tự chọn một trong các nội dung tự sự: một chuyến về thăm quê, một lần đi du lịch, tham quan…
Có thể dựa theo bố cục sau:
+ Hoàn cảnh chuyến đi (thời gian, không gian, mục đích…)
+ Công tác chuẩn bị khởi hành.
+ Các sự vật diễn ra trong chuyến đi (Phương tiện đi? Những ai cùng đi? Hoạt động của từng người thế nào? Qua những chặng đường nào? Khung cảnh thiên nhiên thế nào… ) Chú ý nhấn mạnh các sự việc tiêu biểu: dùng các yếu tố miêu tả để cảnh vật, con người và dùng biểu cảm để tỏ thái độ.
+ Cảm nhận của anh (chị) sau chuyến đi (biểu cảm).
TỔNG KẾT
Sau khi chuẩn bị xong phần soạn bài Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự lớp 10, các em cần hiểu được vai trò, tác dụng của các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong bài văn tự sự, biết sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự.
Xem thêm nhiều bài soạn văn đầy đủ đặc sắc tại Văn mẫu