Đề bài: Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
I. Dàn ý Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Chuẩn)
II. Bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
1. Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, mẫu số 1 (Chuẩn)
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiên phong trong thời kì đổi mới với nhiều truyện ngắn xuất sắc như Bến quê, Mảnh trăng cuối rừng, Chiếc thuyền ngoài xa, … Các tác phẩm của ông luôn chứa đựng những triết lý, những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng là một trong những tác phẩm mang đậm phong cách tự sự – triết lý của ông.
Chiếc thuyền ngoài xa được viết năm 1983 kể về một người nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng. Để hoàn thành nhiệm vụ chụp một bộ ảnh về cảnh biển, anh đã thực hiện chuyến đi thực tế ở một vùng biển – nơi từng là chiến trường cũ của mình để kiếm tìm một bức ảnh cho bộ lịch mới. Và tại đây, anh đã có được hai phát hiện to lớn, một là một bức ảnh “đắt giá trời cho” khiến anh phải say mê, ngây ngất vì đẹp, hai là phát hiện về một sự thật trần trụi ngay đằng sau vẻ đẹp hoàn mỹ anh vừa tìm ra.
Sau vài ngày “phục kích” mà vẫn chưa ưng ý, cuối cùng Phùng cũng “bắt gặp” một khung cảnh “trời cho”, đó là bức ảnh với những nét đẹp “đắt giá” nhất: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Khung cảnh ấy đẹp quá đỗi và với Phùng, đó là một “bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ” vừa đẹp đẽ vừa quý giá vô cùng. Vẻ đẹp của bức tranh “đơn giản và toàn bích”, một vẻ đẹp hoàn hảo, một khung cảnh diệu kì.
Phùng cho rằng “có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy”. Trước khung cảnh ấy, anh cảm thấy sự bồi hồi và có chút bối rối bởi cái đẹp kia toàn mỹ quá, huyền diệu quá, cái đẹp ấy dường như chỉ có trong những bức hoạ xa xưa, nó khiến Phùng cảm thấy “trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Và chính trong lúc ấy, Phùng cảm thấy dường như “chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, và anh cho rằng phải chăng “cái đẹp chính là đạo đức”. Bởi cái đẹp không chỉ mang đến những rung động mà còn thanh lọc tâm hồn, mang đến “hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình”.
Phải nói rằng, Phùng là người nghệ sĩ có đam mê, trách nhiệm với nghề, bởi để có được bức ảnh ưng ý nhất, anh sẵn sàng “phục kích” hàng tuần trên biển, dù chụp được rất nhiều ảnh về cảnh biển nhưng anh đều không lòng mà tiếp tục tác nghiệp. Hơn thế, anh cũng rất nhạy cảm với cái đẹp để có thể phát hiện ra một bức tranh hoàn mỹ để mà thu lấy, mà cái đẹp ấy chỉ diễn ra trong tích tắc.
Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa để thấy được triết lí nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu
Thế nhưng, ít ai để ý rằng, nơi Phùng gác chiếc máy ảnh của mình để thu trọn cái cảnh đẹp kia chẳng phải là một nơi có thể bao quát toàn cảnh mà lại chỉ là bên một “bánh xích của chiếc xe tăng” – tàn tích của chiến tranh để lại. Có lẽ chính vì thế mà trong lần đầu tiên nhìn thấy cảnh đẹp ấy, Phùng mới chỉ có thể nhìn thấy vẻ ngoài của khung cảnh mà không phải là toàn bộ bức ảnh. Và những phát hiện phía sau bức ảnh “toàn bích” kia đã khiến anh phải hụt hẫng vô cùng. Đó là khi Phùng phải chứng kiến một cảnh đời vừa tàn nhẫn, vừa ngang trái và bi kịch, từ một trong những con thuyền bước ra một người đàn ông thô lỗ và một người đàn bà tội nghiệp. Lão đàn ông “hùng hổ, mặt đỏ gay”, rút chiếc thắt lưng “quật tới tấp vào lưng người đàn bà” lão vừa đánh nói những lời nguyền rủa độc ác “chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”. Và thật kì lạ làm sao, người đàn bà ấy chẳng chút phản kháng, cũng chẳng kêu một tiếng mà “cam chịu đầy nhẫn nhục” hứng chịu từng trận đòn roi.
Chứng kiến cảnh đó, Phùng “kinh ngạc đến mức” chỉ biết “đứng há mồm ra mà nhìn”. Bởi anh không thể hiểu được điều đang diễn ra trước mắt mình. Anh từng là người lính ở chiến trường khói lửa, những sự dã man, tàn bạo nhất cũng đã từng chứng kiến, thế nhưng cảnh tượng vô lí trước mặt vẫn khiến anh khó lòng mà chấp nhận. Càng kinh ngạc hơn khi hình ảnh của một đứa bé con lao vút qua người anh, “giằng lấy chiếc thắt lưng” và “dướn thẳng người vung chiếc khoá sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng” của người đàn ông. Đứa bé đó là Phác, đứa con trai của hai vợ chồng người đàn bà nọ. Và đáp lại hành động của thằng bé là hai cái tát “nảy lửa” từ người đàn ông khiến nó “ngã dúi xuống cát”. Khi ấy, người đàn bà hàng chài mới bật khóc, ôm lấy đứa con và rồi lại vội vã “đuổi theo lão đàn ông” và trở lại con thuyền.
Tất cả những sự việc diễn ra trước mắt khiến Phùng “ngơ ngác”, sự việc quái đản diễn ra bất ngờ khiến anh chẳng thể nào hiểu nổi. Chiếc thuyền vó đã biến mất “như trong câu chuyện cổ quái đản”, nhưng lại để lại trong Phùng nhiều điều băn khoăn, nhiều điều bối rối. Cái hình ảnh trần trụi mà anh vừa chứng kiến dường như đã thay đổi cảm quan bên trong con người anh. Anh phát hiện ra rằng: ranh giới giữa cái đẹp và cái xấu, cái hoàn mỹ đạo đức và dã man chỉ cách nhau một tấm màn mỏng. Một bức tranh tuyệt mỹ nhưng ẩn chứa trong nó là bao nhiêu cái dã man, tàn nhẫn và xấu xa vô cùng. Nó cũng là những điều mà nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm, ông cho rằng nghệ thuật tuy hướng về cái đẹp thế nhưng cũng phải gắn liền với hiện thực và không thể lừa đối. Không thể lấy cái đẹp mà che giấu đi những điều xấu xí, tàn ác bên trong được. Và người nghệ sĩ chân chính, phải là người có cái nhìn đa nhiệm, đa chiều, nhìn thấu cả cái đẹp bên ngoài và cả nội dung phía trong nữa.
Sau khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình dã man, vô lí, để giúp đỡ người đàn bà, Phùng đã ở lại bãi biển vài ngày để cùng Đẩu giúp người đàn bà thoát khỏi cuộc hôn nhân “địa ngục”. Thế nhưng người đàn bà ấy đến tòa án huyện bằng khuôn mặt “sợ sệt, lúng túng”, dù rằng đây là lần thứ hai bà ta đến đây để giải quyết công chuyện gia đình. Người đàn bà ấy “rón rén đến ngồi vào mép chiếc ghế và cố thu người lại”.
Phải sống trong địa ngục trần gian với những trận đòn roi liên tục “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, thế nhưng chị ta lại cam chịu những tổn thương về cả thể xác và tinh thần chứ không chịu bỏ chồng, thậm chí chị ta còn quỳ lạy để cầu xin Đẩu và Phùng để không bắt mình bỏ chồng “Quý tòa bắt tội con cũng được , phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”. Trước thái độ cam chịu và hành động không sao hiểu nổi của người đàn bà, Phùng và Đẩu cảm thấy bất bình, khó hiểu thế nhưng lắng nghe câu chuyện của chị ta, hai người bỗng hiểu ra tất cả.
Khi kể về câu chuyện cuộc đời mình, người đàn bà ấy đổi các xưng hô từ con- quý tòa sang chị-các chú. Chị ta chấp nhận sống cùng người chồng vũ phu, cam chịu những trận đòn roi vô lí bởi chị ta biết ơn và cũng hiểu được tâm tính của người chồng. Trước kia người đàn ông ấy cũng đã từng là “một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm”, ông ta cũng là người duy nhất chấp nhận cưu mang người phụ nữ xấu xí, lỡ thì là chị ta. Bởi vậy với người chồng bạo tàn hiện tại, người đàn bà không chỉ có sự thấu hiểu, tình nghĩa mà còn là sự biết ơn sâu sắc.
Những lời kể chân thật của người đàn bà đã khiến hai người đàn ông sững sờ. Họ chợt hiểu ra tấm lòng của một người phụ nữ, nó bao dung và đầy hi sinh đến nhường nào! Người đàn bà ấy thấu hiểu bản chất và sự thay đổi của người chồng, cũng chỉ vì khổ quá mà chị lại đẻ nhiều con nên người chồng mới trở nên cục cằn, bạo lực. Chị cũng hiểu về cuộc sống trên biển, một con thuyền lênh đênh trên biển không thể thiếu bàn tay chèo lái của người đàn ông, nhất là khi biển động, bão bùng. Và sự cam chịu của chị ta càng trở nên ý nghĩa hơn khi giúp cho những đứa con của mình có một gia đình hoàn chỉnh, có đủ bố mẹ.
Câu chuyện của người đàn bà giúp Phùng và Đẩu hiểu rõ rằng cái căn nguyên của bạo lực gia đình là cái nghèo, là cái đói. Phùng ngỡ ngàng nhận ra bản chất xù xì của hiện thực, đó có thể là những nghịch lí, những sự thật xấu xí vẫn tồn tại trong cuộc sống mà nếu chỉ nhìn bề ngoài, quan sát bằng đôi mắt hời hợt, khách quan thì không thể nhận ra. Hiện thực ấy cũng giúp Phùng chiêm nghiệm: nghệ thuật không thể chỉ có lãng mạn và thi vị hoá, nó đôi khi còn lại sự thật, là ngang trái.
Sau khi trở về toà soạn và bức ảnh kia được chọn thì trong lòng Phùng lại luôn canh cánh những điều mà ít ai có thể thấu hiểu. Bức ảnh ấy đã diễn tả một cảnh đẹp tinh khôi và trở thành bức ảnh nghệ thuật “được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”. Thế nhưng, chỉ riêng Phùng có thể nhìn thấy bước ra từ sâu bức tranh ấy bước ra “một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch”.Ở đây, Nguyễn Minh Châu đã cố ý lồng vào đó những hình ảnh mang tính biểu tượng. Một là “màu hồng hồng của ánh sương mai”, đó là biểu tượng cho cái đẹp, cái thơ mộng, cho vẻ đẹp toàn mỹ mà con người ta luôn tìm kiếm. Hai là hình ảnh người đàn bà vùng biển với dáng vẻ mệt mỏi, tiều tụy, đó là hiện thực, đó là cái nhìn có chiều sâu vào sự vật, hiện tượng, để thấy được những nội dung phía sâu bên trong cái đẹp và có đôi khi, cái chiều sâu ấy trái ngược hoàn toàn với vẻ đẹp bên ngoài.
Qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm là nghệ thuật phải gắn liền với hiện thực, không được tách rời với hiện thực và người nghệ sĩ phải là người có cái nhìn đa chiều để phát hiện ra bản chất bên trong về đẹp bề ngoài rực rỡ, hào nhoáng.
-HẾT BÀI 1-
Bài Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đã cùng các em phân tích những nội dung cơ bản của tác phẩm, bên cạnh đó để tìm hiểu chi tiết về biểu tượng Chiếc thuyền ngoài xa cũng như những triết lí về cuộc đời, quan niệm về nghệ thuật được gửi gắm, đan cài trong tác phẩm, các em có thể tìm hiểu thêm: Phân tích nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Cách nhìn cuộc sống và con người của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Về nhân vật người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
2. Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, mẫu số 2 (Chuẩn)
Là một trong những cây bút tiên phong của nền văn học hiện đại, nhà văn Nguyễn Minh Châu luôn dùng ngòi bút của mình để “đi tìm hạt ngọc ẩn sâu” trong tâm hồn con người. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Thông qua thiên truyện ngắn về câu chuyện của một gia đình làng chài ven biển quanh năm gắn bó với chiếc thuyền ngoài khơi xa, tác giả đã thể hiện những ý niệm triết lí sâu sắc về quan điểm nghệ thuật và quan niệm về cuộc đời, con người.
Trước hết, trong tác phẩm, tác giả đã xây dựng tình huống truyện độc đáo qua hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng. Bàn về ý nghĩa của tình huống truyện, nhà văn Nguyễn Minh Châu từng phát biểu: “…những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống… nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại”. Với quan điểm đó, ông đã xây dựng thành công tình huống truyện mang tính nhận thức, khám phá trước một hiện tượng đầy nghịch lí của cuộc sống qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng – người nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn đi tìm cái đẹp. Sau những ngày “phục kích” ngoài bãi biển, Phùng đã bắt gặp một khoảnh khắc trời cho tuyệt đẹp về hình ảnh một chiếc thuyền ngoài xa ẩn hiện trong sương sớm: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào ban sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng của ánh sương mai chiếu vào”. Trong cảnh vào buổi sáng tinh mơ và chớm bình minh ấy, chiếc thuyền ngoài xa hiện lên “loè nhoè”, mơ hồ như thực, như ảo. Đó quả thật là một khoảnh khắc tuyệt diệu như chính Phùng đánh giá: đó là một “cảnh đắt trời cho”: “Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi”. Cảnh không chỉ có sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người mà bức tranh đó còn hài hòa từ đường nét đến màu sắc, ánh sáng: “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Vẻ đẹp tuyệt bích đó đã làm trái tim người nghệ sĩ rung động, thăng hoa, Phùng trở nên “bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào” và thể hiện cảm hứng triết lí về nghệ thuật. Khoảnh khắc bắt gặp tác phẩm nghệ thuật cũng chính là “khám phá chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.
Nhưng ngay sau đó, người nghệ sĩ lại chứng kiến một cảnh tượng trớ trêu và đầy nghịch lí diễn ra ngay từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như tranh vẽ. Đó là người chồng hùng hổ rút chiếc thắt lưng “chẳng nói chẳng rằng quất tới tấp vào lưng người đàn bà”. Người phụ nữ cao lớn với những đường nét thô kệch không hề kêu lên một tiếng, chỉ cam chịu trước trận đòn roi của chồng mà không hề chống trả, cũng không hề tìm cách chạy trốn. Khung cảnh đó hiện lên khiến Phùng ngỡ ngàng và cay đắng nhận ra: đằng sau vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên là cảnh đời đen tối, đằng sau cái vẻ đẹp thơ mộng của chiếc thuyền ngoài xa chính là bi kịch bạo lực gia đình. Sau khi chứng kiến, Phùng đã có những suy ngẫm về hiện thực gồ ghề, ngang trái và gai góc ẩn chứa bên trong cuộc sống của con người.
Bài văn Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Hai phát hiện đầy sự mâu thuẫn, nghịch lí về cảnh chiếc thuyền ngoài xa tuyệt bích và cảnh bạo lực gia đình đã khiến Phùng – người nghệ sĩ luôn đi tìm cái đẹp trăn trở, suy tư. Và người đàn bà hàng chài và câu chuyện đời tự kể đã giúp Phùng tìm ra lời giải đáp cho những suy ngẫm của mình. Xuất hiện tại tòa án huyện, người phụ nữ đã có những lí giải sâu sắc khiến Phùng và Đẩu “vỡ nhẽ” ra nhiều điều. Người phụ nữ thô kệch, thô mộc, xấu xí đó lại ẩn chứa những vẻ đẹp đáng quý của sự vị tha, nhẫn nhục chịu đựng cùng đức hi sinh cao cả. Khi được mời đến tòa án huyện, ban đầu, chị sợ sệt, lúng túng, tìm đến một góc tường để ngồi với những hành động dè chừng và cẩn thận. Chị rón rén ngồi vào chiếc ghế mà Đẩu mời. Trái với dự đoán của Phùng và Đẩu, khi được đưa ra lời khuyên về việc “bỏ chồng”, người đàn bà lại “van xin” chính quyền đừng bắt chị rời bỏ người chồng vũ phu: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Hành động kiên quyết không bỏ chồng bằng mọi giá ẩn chứa nhiều nghịch lí khiến Phùng và Đẩu không giấu nổi sự bất ngờ. Dù phải chịu đựng những trận đòn roi tàn nhẫn: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” nhưng chị vẫn cam chịu, nhẫn nhục. Vậy điều gì đã khiến người đàn bà khốn khổ ấy kiên quyết không rời bỏ người chồng hung bạo? Từ cách xưng hô: “con, quý tòa” của kẻ thiếu tự tin, bị động, yếu thế, chị đã thay đổi thành vị thế chủ động, bình đẳng qua cách xưng hô “chị, các chú” để lí giải về lí do “đừng bắt tôi bỏ nó”. Câu chuyện bắt đầu từ việc chị vốn là người đàn bà xấu xí, không ai cưới hỏi, chính người đàn ông đã chấp nhận cưu mang và cho chị một gia đình. Bằng sự đồng cảm, chị còn đưa ra những lí lẽ để giải thích cho những hành động vũ phu của người chồng: đám đàn bà đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật, và gia đình làng chài trên biển cần có một người đàn ông để chèo chống và trên thuyền cũng có những phút giây đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc bên nhau. Thậm chí, để biện minh cho hành động tàn bạo của người chồng, người đàn bà còn tự nhận trách nhiệm về mình: giá đẻ ít đi. Với tâm thế của một người từng trải và có hiểu biết nói với người đang lắng nghe, người đàn bà bộc bạch: “là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết nỗi vất vả của một người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Qua câu chuyện của người đàn bà, độc giả có thể thấy được tấm lòng vị tha cùng bản năng hi sinh của một người mẹ luôn sống vì con chứ không sống vì mình. Người đàn bà hàng chài ít nhiều mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Hình tượng người đàn bà hàng chài với số phận đau khổ, bất hạnh cùng tính cách vị tha, nhân hậu, am hiểu lẽ đời chính là sự lí giải cho hiện thực đời sống nghịch lí mà Phùng và Đẩu “không thể hiểu được”.
Như vậy, “Chiếc thuyền ngoài xa” đã thể hiện rõ sự chuyển biến về khuynh hướng sáng tác cùng quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Trước năm 1975, những tác phẩm thời chiến của ông được sáng tác theo cảm hứng sử thi lãng mạn mang vẻ đẹp rực rỡ. Sau năm 1975, hòa chung với nhịp sống mới của nhân dân, dân tộc, nhà văn đã hướng ngòi bút của mình khám phá những giá trị nhân bản đời thường qua cảm hứng mang tính chất triết luận. Thiên truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” khép lại nhưng bóng hình người đàn bà hàng chài vẫn ẩn hiện sau chiếc thuyền chài ngư phủ trong sương sớm và để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng độc giả về bản chất con người trong cuộc mưu sinh.
3. Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, mẫu số 3 (Chuẩn)
Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, các tác phẩm của ông có nhiều ảnh hưởng đến nền văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng như đầu thời kỳ đổi mới. Xứng đáng với vai trò là nhà văn mở đường tinh anh và tài hoa giai đoạn hậu chiến, các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu không còn chú ý xoay vần trong sự khắc nghiệt của chiến trường thay vào đó ông mở rộng khai thác về số phận cá nhân của những con người nhỏ bé không ai nhớ mặt đặt tên trong xã hội, tập trung vào các vấn đề đạo đức, nhân sinh. Từ đó đưa ra cho độc giả những bài học chiêm nghiệm đầy sâu sắc về cuộc đời, về những mặt trái, và cả những nỗi đau âm thầm do tàn dư của hai cuộc chiến tranh để lại trên đất nước. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu khi đã mở ra một cánh cửa mới, một nhận thức đầy mới mẻ về sự gắn bó mật thiết giữa cuộc đời và nghệ thuật, cũng như bộc lộ rõ số phận, vẻ đẹp nhân cách con người và cả những trăn trở về cuộc đời của hàng triệu những con người nhỏ bé, những con người lầm lũi giữa sự chuyển mình của đất nước.
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa mang đậm phong cách tự sự triết lý, dưới cách nhìn của một nghệ sĩ nhiếp ảnh trong con đường đi tìm “cảnh đắt trời cho” để đặt vào cuối lịch in dịp cuối năm. Trong hành trình của mình Phùng đã đặt chân đến một miền biển nghèo, anh đã phục ở đây hàng chục buổi trời, tuy nhiên vẫn chưa thể nào có cho mình một bức ảnh ưng ý. Cho đến một buổi sáng tờ mờ sương sớm nọ, một chiếc thuyền đánh cá dần cập bến trong anh ban mai đã mang đến cho Phùng khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời cầm máy. Mà theo như anh nói đó là một cảnh “đắt” trời cho, tựa như “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, mang vẻ đẹp “thực đơn giản và toàn bích” khiến cho trái tim người nghệ sĩ như bị bóp thắt vào, đầy bối rối. “Mũi thuyền in một nét mơ hồ, lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”. “Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Khung cảnh tuyệt vời ấy khiến Phùng tưởng mình đã khám phá thấy “chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, và “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Không ngần ngại lâu, người nghệ sĩ đã lập tức đưa máy lên bấm “liên thanh” một hơi hết phần tư cuốn phim, trong lòng thầm vui sướng tột độ vì bản thân bắt được cái đẹp quá đỗi toàn mỹ, đồng thời bản thân anh hoàn thành được nhiệm vụ được giao sau nhiều ngày tìm kiếm.
Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, văn mẫu lớp 12
Tuy nhiên ngay vào lúc nghệ sĩ Phùng đang lâng lâng hạnh phúc vì những chân lý mình vừa khám phá ra, thì một sự thật khắc nghiệt đã làm anh chao đảo, lập tức phá vỡ hết những gì anh vừa thầm nhận định. Chiếc thuyền cập bến, tiếng quát “Cứ ngồi nguyên đấy, động đậy tao giết cả mày bây giờ” dường như xé tan cái không khí yên bình thơ mộng trước mắt người nghệ sĩ. Rồi lần lượt những con người lam lũ, mệt mỏi bước xuống, một người đàn bà trạc 40 tuổi, khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt, lấm chấm đầy rỗ, một người đàn ông dữ dằn, với mái tóc tổ quạ, bước chân chữ bát đi theo sau. Cảnh người đàn ông rút thắt lưng quất túi bụi vào người đàn bà kèm những tiếng rít đầy căm thù “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”, còn người đàn bà thì chỉ cắn răng chịu đựng, không chống trả, cũng không kêu khóc, và cả cảnh đứa con trai lao ra giành lấy chiếc thắt lưng, đánh lại cha để bảo vệ mẹ. Những gì diễn ra trước mắt khiến Phùng đứng sững lại, không kịp phản ứng, bởi lẽ chỉ mới vài phút trước thôi trước mắt Phùng còn là một cảnh đẹp thật toàn bích và “đạo đức” ấy vậy mà giờ đây lại biến thành cảnh bạo lực gia đình đầy tàn nhẫn, cùng với sự khốn khổ của những con người miền biển đang dần hiện ra. Tất cả dường như đã đập tan hết tất cả những ảo vọng của Phùng về cái đẹp hoàn mỹ mà anh vừa mới gây dựng một cách đầy mãn nguyện và đắc chí. Bởi vốn dĩ rằng Phùng cứ ngỡ rằng bên trong chiếc thuyền vừa cập bến có lẽ cũng là một gia đình đơn sơ và hạnh phúc, chứ chẳng ngờ rằng nó lại tan hoang và khủng khiếp đến mức này. Đằng sau những cái đẹp hoàn mỹ nhất cũng lại ẩn chứa những hiện thực tối tăm và xấu xa nhất, chúng chỉ cách nhau một bức màn rất mong manh, chứ không hề giản đơn, toàn bích và đầy đạo đức như Phùng vẫn hằng nghĩ.
Quay lại với nhân vật trung tâm của câu chuyện – người đàn bà làng chài, hiện thân của cuộc sống nghiệt ngã và số phận cá nhân nhiều bi kịch, đại diện cho nhiều số phận con người miền biển những năm tháng chiến tranh vừa đi qua. Nguyễn Minh Châu đã xây dựng một nhân vật mà không cho chị một cái tên cụ thể, chỉ tập trung về cuộc đời đầy những bất hạnh của một người đàn bà. Chị mang dáng dấp thô kệch, xấu xí, thêm việc lúc nhỏ bị trúng một cơn đậu mùa, khiến khuôn mặt chị chằng chịt những nốt rỗ, chính vì thế dù hoàn cảnh gia đình có khá giả nhưng chị vẫn phải chịu cảnh ế chồng. Đúng lúc số phận trêu ngươi ấy thì chồng chị xuất hiện cứu vớt lấy cuộc đời chị, đồng thời cũng đưa chị đi vào những bất hạnh khác. Cuộc sống lam lũ quanh năm ngày tháng, liên tục hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn người đàn bà tội nghiệp. Cái nỗi lo sợ đói kém luôn rình rập, khi mà có những ngày biển động không làm ăn gì được, cả gia đình chị đã phải ăn cả xương rồng luộc chấm muối để gắng gượng qua ngày. Không chỉ vậy, cuộc đời chị vốn vất vả, lại càng vất vả hơn khi liên tiếp sinh hạ đến trên dưới mười đứa con tất cả, nhà vốn nghèo, thêm mấy mươi miệng ăn lại càng trở nên khó khăn, thiếu thốn hơn rất nhiều. Nhưng nếu chỉ dừng ở việc nghèo đói, cơ cực có lẽ người đàn bà làng chài vẫn còn may mắn. Ấy thế mà thật bất hạnh thay, bởi ngay cả người chồng gắn bó của chị cũng đổi nết từ hiền lành, ít nói thành một kẻ cục súc vũ phu theo năm tháng, đánh đập hành hạ chị liên tục, cứ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Đồng thời những câu nói cay nghiệt thốt ra từ người đầu gối tay ấp lại càng làm tổn thương trái tim nhiều mệt mỏi người đàn bà miền biển. Thế nhưng đời chị khổ cực nữa cũng không sao, chị chỉ mãi lo sợ một nỗi, ấy là những đứa con tội nghiệp của chị sẽ ra sao nếu chúng nó thấy cảnh bố đánh đập mẹ tàn nhẫn, chị sợ rằng chúng nó sẽ bị sang chấn tâm lý, không thể lớn lên một cách bình thường và hạnh phúc. Đến cuối cùng, chị vẫn chỉ sống vì một lẽ duy nhất ấy là con cái, tấm lòng người mẹ ấy thật bao la và rộng lớn biết bao.
Chứng kiến những bất hạnh mà người đàn bà làng chài phải gánh chịu, Phùng và Đẩu đã khuyên chị ly hôn với tên chồng vũ phu, trả lại tự do cho cuộc đời mình rồi tự nuôi con. Những tưởng trước sự giúp đỡ của những người đại diện cho luật pháp và sự công bằng chị sẽ chấp nhận ly hôn chồng để giải thoát bản thân khỏi những bất hạnh mà chị phải gánh chịu. Thế nhưng trái ngược so với tưởng tượng của mọi người, chị kiên quyết không chịu ly hôn chồng, một lần nữa nghịch lý trong câu chuyện của Nguyễn Minh Châu lại được đặt ra, vén màn những sự bất đắc dĩ, những cái khó mà không phải ai cũng thấu hiểu của người đàn bà làng chài. Người phụ nữ ấy không muốn bỏ chồng, bởi lẽ chị vẫn nhớ cái ơn cứu vớt cuộc đời chị khỏi sự lẻ loi cô độc ngày trước. Và ít nhất cũng đã từng có lúc người chồng ấy hiền lành, yêu thương chị, sở dĩ chồng chị trở nên cục súc, vũ phu là vì ngày xưa trốn lính, nhà cửa túng quẫn, khổ cực quá, chị lại đẻ nhiều, bao nhiêu gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của hai vợ chồng. Thành thử chồng chị cần một chỗ để giải tỏa những bực dọc, những đớn đau trong lòng, và chị chấp nhận gánh chịu những cơn giận dữ, cuồng nộ ấy. Có thể nói rằng người đàn bà làng chài có một tấm lòng bao dung và thông cảm vô cùng sâu sắc, dù ít học, dù lam lũ vất vả quanh năm thế nhưng trước nghịch cảnh chị vẫn sẵn sàng ôm hết phần lỗi về mình “giá mà tôi đẻ ít đi”, tìm mọi cách để bào chữa cho cái người đã gây cho chị nhiều đau khổ, chỉ duy nhất chị không chịu bao dung cho bản thân mình.
Đi sâu vào câu chuyện người đàn bà làng chài từ chối việc ly hôn chồng, ngoài tấm lòng bao dung, sự biết ơn với người chồng tàn ác, thì cái người ta thấy thực rõ ràng ấy là tấm lòng yêu thương con sâu sắc của người mẹ. Chị không bỏ chồng, không phải là không thể dứt tình, mà hơn hết là vì các con của chị, vì hơn chục miệng ăn vẫn còn đang chờ trên chiếc thuyền nhỏ bé. Chính vì thế chị cần “một người đàn ông chèo chống lúc phong ba”, đối với chị “ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ” cho nên họ “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”. Con cái là cả cuộc đời của người mẹ, chị sẵn sàng hi sinh cuộc đời mình để chúng nó được bữa ăn no, và đôi khi được nhìn thấy các con ăn ngon, gia đình quây quần “hòa thuận vui vẻ” là chị cũng đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi. Một lý do nữa khiến chị không muốn ly hôn chồng, ấy là chị muốn cho các con của mình một gia đình đầy đủ, để chúng được sống trong vòng tay của cả cha lẫn mẹ, dù đôi lúc vòng tay ấy chưa được trọn vẹn. Đó cũng làm ta chợt nghĩ đến việc chị cầu xin chồng có đánh mình thì hãy đi xa khỏi tầm mắt các con, rồi muốn đánh sao chị cũng chịu, không kêu la nửa lời. Chị làm vậy cốt là để bảo vệ các con, bảo vệ hình ảnh gia đình trong tâm hồn trẻ thơ của chúng, để chúng được trưởng thành một cách bình thường nhất. Có thể nói rằng, dù ít chữ, nhưng tâm hồn, sự thấu hiểu sâu sắc và tấm lòng người mẹ của người đàn bà làng chài là điều không thể phủ nhận.
Bên cạnh lòng bao dung, tình mẫu tử sâu nặng, thì ở người đàn bà làng chài Nguyễn Minh Châu còn cho chúng ta thấy sự thấu hiểu lý lẽ, sự từng trải của một cuộc đời lắm gian lao. Chị rõ ràng rất hiểu cái công bằng mà Phùng và Đẩu muốn tìm lại cho chị, cũng hiểu rằng ly hôn thì có lẽ cuộc đời chị sẽ bớt đớn đau hơn một chút, thế nhưng đời không thể cứ theo như ý muốn của mình được. Thế nên chị đã dùng chất giọng như nhìn suốt cuộc đời này của chị, mà mở lòng nói cho Phùng và Đẩu những lý do chị không thể bỏ chồng, mở ra cách nhìn mới về những nghịch lý trong cuộc đời, có những chuyện mà bản thân chị, cũng như nhiều những con người khác sống trong xã hội này không thể làm trái đi được, dù biết rằng nó ngược ngạo với lẽ công bằng ở đời. Cũng từ những lời tâm sự của người đàn bà làng chài, Phùng và Đẩu dường như “vỡ” ra trong lòng một thứ gì đó rất mới, chưa từng thấy bao giờ. Họ hiểu rằng trong xã hội còn nhiều tối tăm và nghèo đói này, đôi lúc chỉ lòng tốt và pháp luật không thôi thì cũng chưa đủ để giải phóng cho số phận những con người khốn khổ, bất đắc dĩ, mà họ cần nhiều hơn thế nữa. Cũng nhận ra rằng con người ta không thể chỉ nhìn nhận sự việc một cách phiến diện, nhất thời, mà còn cần lắng nghe, cần nhìn sâu vào trong những cái tưởng chừng như nghịch lý nhưng lại chính là cái có lý. Và người nghệ sĩ cần phải có một đôi mắt đa diện, nhiều chiều, đủ cảm thông để suy xét và tìm hiểu, khai thác nghệ thuật từ trong cuộc sống, từ trong những cuộc đời bình thường nhiều nghịch lý nhất, để có được những hạt minh châu quý giá làm nên nghệ thuật chân chính.
“Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…” không chỉ là tiếng lòng riêng của Nam Cao mà còn là tiếng lòng chung của nhiều tác giả, trong đó Nguyễn Minh Châu là một trong những tác giả kế thừa đầy đủ nhất tư tưởng này. Đối với ông “Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan”, cuộc sống này lấy đâu ra cái cảnh toàn mỹ, toàn bích như bức tranh mà nhân vật Phùng chớp được lúc sương sớm, đằng sau nó chẳng phải vẫn ẩn chứa những cảnh tượng khủng khiếp, phá tan cái định nghĩa “nghệ thuật vị nghệ thuật” của bao người, trong đó có cả Phùng. Cũng từ những cái nghịch lý ấy, Phùng đi sâu vào cuộc đời bất hạnh của người đàn bà làng chài, anh mới lại tìm ra một chân lý mới ấy là “nghệ thuật vị nhân sinh”, nghệ thuật phải gắn liền với thực tại cuộc sống, phải phản ánh được những giá trị hiện thực và nhân văn, chứ không phải chỉ thỏa mãn cái đẹp đẽ, hào nhoáng, không mang nhiều ý nghĩa xã hội.
4. Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, mẫu số 4 (Chuẩn)
Nguyễn Minh Châu sinh năm 1930, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, một vùng quê có truyền thống hiếu học lâu đời. Ông là một nhà văn rất có trách nhiệm với cuộc đời, luôn khát khao đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu bên trong mỗi con người. Những tác phẩm của ông thường nhẹ nhàng mà thấm đẫm những triết lý sâu sắc, đó cũng là nét nổi bật làm nên phong cách văn học của Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm thành công và gây nhiều ấn tượng trong lòng đọc giả của ông.
Tác phẩm được ra đời vào năm 1983, đó là khoảng thời gian sau ngày dân tộc thống nhất, cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Hai miền Năm Bắc sum họp, cả nước đoàn kết cùng nhau đứng lên dựng xây đời mới để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Song, đây cũng là thời điểm mà những hậu quả do chiến tranh để lại vẫn còn rất lớn, nhiều thách thức đặt ra trong đời sống của nhân dân, đặc biệt là cái nghèo, cái đói.
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh một người nghệ sĩ Phùng bắt gặp được cảnh “đắt trời cho” vào một buổi sớm mai. Từ xa xa, trong từng làn sương mờ ảo, huyền diệu, bóng một con thuyền thấp thoáng tiến vào bờ, trong khoảnh khắc ấy, ánh mặt trời bình minh mang màu hồng nhạt đang chiếu vào con thuyền tạo nên vẻ toàn bích. Trong con mắt của người nghệ sĩ khát khao đi tìm kiếm cái đẹp lúc ấy thật hạnh phúc khi được ngắm nhìn một vẻ đẹp “xưa nay chưa từng có”. Cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, hài hoà trong vẻ đẹp lao động của người ngư phủ, cả sắc màu, ánh sáng, đường nét đều hoàn mỹ. Trước bức tranh tuyệt đẹp ấy, người nghệ sĩ đã vô cùng rung động, vô cùng cảm xúc và vẫn không quên nhiệm vụ của mình, bấm máy ảnh liên tục ghi lại khoảnh khắc ấy. Đây là một bức tranh đẹp mà tạo hóa đã ban tặng, những không phải lúc nào cũng có thể bắt gặp được, một người nghệ sĩ như Phùng phải mải miết mà tìm kiếm, phải đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, phải lao động nghiêm túc trên hành trình đi tìm cái đẹp ấy mới có thể gặp gỡ và tạo ra sản phẩm đáng tự hào.
Bài văn Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Niềm vui chưa được bao lâu thì Phùng lại đón nhận một sự thật sững sờ đằng sau bức ảnh ấy. Trước mắt người nghệ sĩ xuất hiện một người đàn bà không mấy xinh đẹp, da mặt thì bị rỗ, khuôn mặt cúi xuống, bước từng bước đi trong vẻ cam chịu. Đi theo sau là một người đàn ông cao to, vẻ mặt tức giận, rất hùng hổ, mũi đỏ gay. Người đàn ông ấy dáng những trận đòn tới tấp bằng chiếc thắt lưng trên tay ông ta vào người đàn bà. Lúc ấy, người đàn bà kia vẫn không nói một lời, lẳng lặng chịu đòn roi. Phùng bàng hoàng, há hốc mồm nhìn trong kinh ngạc, trái tim lúc ấy như ” chết lặng”. Phùng lúc này mới nhận ra rằng hiện thực tàn nhẫn hơn ta tưởng, đằng sau cái đẹp mà mới mấy phút trước đây Phùng còn không ngớt lời ngợi khen là cả một câu chuyện thương tâm về bạo lực gia đình. Cuộc sống vốn chẳng hề hoàn mỹ như ai đó vẫn tưởng, trong cái tốt còn cả những cái xấu, đúng – sai chẳng thể rạch ròi. Bởi thế, đừng vội vã nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá, hãy đi sâu, hiểu kỹ để thấy được những mảng màu khác nhau trong đời sống.
Không thể cầm lòng trước hành động tàn nhẫn và sai trái ấy, Phùng đã vội chạy tới cần ngăn. Bất bình trước cảnh bạo lực tàn nhẫn, mong muốn được giúp đỡ người đàn bà giải thoát khỏi cuộc sống như địa ngục, vì vậy dù đã hoàn thành xong nhiệm vụ được giao, Phùng vẫn quyết định ở lại để cùng Đẩu giúp đỡ người đàn bà.
Tại tòa án huyện, người đàn bà khốn khổ trạc vào tuổi bốn mươi kia xuất hiện trong vẻ lúng túng và sợ hãi. Chị ta ngồi nơi mép ghế, lạ lẫm với mọi thứ vì vốn người đàn bà ấy chỉ quen với cảnh sông nước, thuyền chài. Người đàn bà ấy lặng lẽ, vẻ mặt đầy bình yên như chưa hề có chuyện gì xảy ra trước đó, có lẽ, nêu không có cuộc gặp gỡ này, chẳng ai có thể biết hết vẻ đẹp trong con người ấy.
Chị vốn là con của một gia đình có điều kiện ở phố, ngày xưa vì một trận đậu mùa mà để lại trên khuôn mặt chị những vết rỗ xấu xí. Từ khi lấy người đàn ông hàng chài, cuộc sống nghèo khổ cứ mãi đeo bám. Trên con thuyền chật chội của sông nước, hai vợ chồng và chín mười người con bám víu lấy nhau trong khổ cực, túng quẫn. Chồng chị vốn là một người hiền lành ít nói nhưng cũng vì sự túng thiếu mà đâm ra cộc cằn, đổi nết. Khi nghe chánh án Đẩu khuyên chị bỏ người chồng tàn nhẫn đi. Chị không hề chấp nhận. Điều nghịch lý là tại sao sống với một người đàn ông bạo lực như thế nhưng chị lại không chịu bỏ chồng? Còn nguyên nhân gì sâu xa khác?
Khi nghe người đàn bà ấy nói về chồng, về những lý giải thấu tình ta mới thấy hết được những nghĩ suy đầy tốt đẹp nơi chị. Chị là người hiểu cuộc sống của mình, hiểu lẽ đời và suy nghĩ đầy chín chắn, sâu sắc. Với chị, việc bỏ chồng là điều không thể, bởi cuộc sống trên thuyền, ngày bình thường thì còn gắng được nhưng những ngày mưa gió, bão giông nào thể thiếu bàn tay người đàn ông chèo chống. Thứ hai, mình chị không thể nào đủ sức để nuôi chín mười đứa con thơ dại, cho chúng có ái ăn cái mặc. Chị có thể thiếu chồng nhưng con cái làm sao có thể vắng đi sự chăm sóc, lắng lo của người cha. Và thứ ba, chị luôn nhớ đến những phút giây hạnh phúc bên gia đình nhỏ, quây quần bên bữa cơm, dù ít ỏi nhưng đó là những khoảnh khắc mà chị trân trọng, giữ gìn, nó xoa dịu hết tất thảy những khổ đau, xót xa mà chị phải gánh chịu. Người đàn bà tội nghiệp ấy đâu có nghĩ gì đến cho mình, chị chỉ cần thấy con hạnh phúc, ấm êm, chị chỉ cần những phút giây bình an giản đơn như thế.
Chị là người phụ nữ yêu con và cũng rất mực thương chồng. Dù ai đó nói gì về chồng chị thì chị vẫn thấy được những ưu điểm nơi chồng. Chị sẵn sàng bao dung và thứ tha cho lỗi lầm của người đàn ông ấy. Sâu thẳm nơi đáy lòng của người đàn bà ấy là tình thương con bao la, chị hy sinh cả bản thân mình để đánh đổi cho con một gia đình trọn vẹn, chị sợ những trận đòn roi tàn nhẫn từ bố sẽ làm vấy bẩn tâm hồn non nớt của các con nên chị đã cầu xin người chồng mang mình lên bờ để đánh, gửi Phát về sống với ông ngoại. Chị là đại diện đẹp đẽ của những người phụ nữ Việt Nam, yêu thương, nhân hậu và bản lĩnh, dù nhỏ bé, dù nghèo khổ, lam lũ những ánh lên những vẻ đẹp của tâm hồn đầy đáng quý, đáng được ngợi ca.
Sâu phiên xử ấy, Phùng đã vỡ lẽ ra hơn nhiều điều trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Đối với cuộc sống cần có cái nhìn đa chiều hơn, sâu sắc hơn. Đối với nghệ thuật muốn đạt đến sự chân chính phải phục vụ con người, phải gắn với hiện thực đời sống.
Bằng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, lối kể chuyện đầy bất ngờ, hấp dẫn cùng hành văn chiêm nghiệm sâu sắc Nguyễn Minh Châu đã mang đến cho người thưởng thức những cảm xúc đầy mới mẻ mà ta chưa từng có được .
5. Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, bài mẫu số 5 (Chuẩn)
Với Nguyễn Minh Châu nhà văn tồn tại ở đời là để nâng giấc cho những con người cùng đường, tuyệt lộ, những người bị cái ác và sự xui rủi dồn đến chân tường tuyệt vọng, để bênh vực cho những con người không có ai bênh vực. Niềm khát khao bênh vực, bảo vệ những con người bị chà đạp, đày đọa hắt hủi như thế cùng với tấm lòng thiết tha truy tìm những vẻ đẹp tiềm ẩn sâu tận đáy tâm hồn của mỗi con người, đã trở thành nguồn sáng giúp Nguyễn Minh Châu viết nên tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, một trong những tác phẩm kiệt tác của nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tác phẩm chứa đựng những giá trị nhân văn, những triết lý sâu sắc về đời người bằng ánh nhìn đa diện nhiều chiều của tác giả, về mối liên quan chỉ cách nhau một ranh giới thật mỏng manh là hiện thực cuộc đời và nghệ thuật.
Nguyễn Minh Châu nổi tiếng với nhiều tác phẩm như Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Cỏ lau,… nhà văn Nguyễn Trung Thành từng ca ngợi “Nguyễn Minh Châu thuộc vào trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng” nhất của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Suốt cuộc đời cầm bút, ông luôn trăn trở, tìm tòi cái hạt ngọc quý vẫn ẩn giấu trong tâm hồn của mỗi con người bình thường nhất. Chiếc thuyền ngoài xa ra đời tháng 8/1983, in trong tập Bến quê (1985), sau trở thành nhan đề chung cho tập Chiếc thuyền ngoài xa. Tác phẩm là câu chuyện về chuyến công tác xa của một nhiếp ảnh tên Phùng, sau chuyến công tác ấy anh đã nhận ra những quan niệm mới mẻ về nghệ thuật, về cái đẹp và về đời người đầy những vết nham nhở, sần sùi.
Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa để thấy được những quan niệm về nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu
Chiếc thuyền ngoài xa bắt đầu bằng một cốt truyện độc đáo và bất ngờ, nếu nói mạch cảm xúc và cấu tứ là cái để người ta vịn vào tìm hiểu nội dung của một văn bản thơ, thì tình huống truyện chính là một khởi điểm chắc chắn để khai thác, tìm tòi những cái đặc sắc của một tác phẩm văn xuôi. Đó là những sự kiện éo le, bất ngờ, khác lạ để mở ra một câu chuyện dài ở phía sau, mà theo như ý của Nguyễn Minh Châu thì tình huống truyện là “cái tình thế mà ở đó sự sống hiện ra một cách đậm đặc, cái khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người”. Từ tình huống truyện tính cách, số phận của nhân vật được gợi mở, cũng từ tình huống truyện mà chủ đề cũng như những giá trị mà tác giả xây dựng được hé lộ một cách tinh tế và độc đáo.
Trong chuyến công tác dài ngày, sau nhiều buổi sáng “phục kích” tại bãi biển thì cuối cùng may mắn cũng đã đến với nhiếp ảnh gia là Phùng, một “cảnh đắt trời cho” đã xuất hiện ngay trước mắt mà có lẽ suốt cả cuộc đời cầm máy ảnh anh chưa từng được thấy bao giờ, đó là một cảnh được ví như là “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Phùng sướng điên người, đến mức giơ máy ảnh lên bấm “liên thanh” hết cả một phần tư cuốn phim. Cảnh chiếc thuyền lưới vó cập bến, dưới cái ánh nắng “hồng hồng” tờ mờ hơi sương quả thực là tuyệt mỹ, khiến người ta lặng người, tim thắt chặt lại bởi cái sự “đơn giản và toàn bích”. Như vậy phát hiện thứ nhất của Phùng chính là “khám phá ra cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, rằng vẻ đẹp của nghệ thuật là đạo đức.
Nhưng những tưởng một cảnh đẹp ấy sẽ là mãi mãi không có một tỳ vết thì phát hiện thứ hai của Phùng lại dường như lật ngược lại vẻ toàn mỹ, phá tan đi cái sự toàn bích, toàn thiện, phá tan đi cái “im phăng phắc” của một buổi sớm mai đẹp đẽ bình yên. Một người đàn bà thô kệch, lam lũ lững thững bước ra từ “bức tranh mực tàu”, một người đàn ông thô lỗ, cục súc bước theo sau kèm theo tiếng quát dọa “giết” thật đáng sợ. Cảnh bạo lực gia đình diễn ra ngay trước mắt Phùng người đàn ông thẳng tay quất chiếc thắt lưng vào lưng người đàn bà, hắn ta vừa đánh điên cuồng vừa thốt những lời nguyền rủa độc địa “Mày chết đi cho ông nhờ! Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”. Không có một sự chống trả, người đàn bà lặng im chịu đựng trận đòn roi, không chạy trốn, dường như đã chai sạn, chán chường và nhẫn nhục. Phùng chết sững bởi chỉ mới trước đó thôi những con người ấy còn đóng một vai trong cái cảnh toàn bích, hoàn mỹ, mà trước mắt bây giờ lại là hiện thực tàn nhẫn, điều ấy như giáng một cái tát đau điếng vào tâm hồn của người nghệ sĩ yêu cái đẹp. Với tâm hồn lương thiện và đạo đức của một con người Phùng quăng ngay máy ảnh, định lao vào can ngăn cái cảnh khốn nạn kia, thế nhưng bất ngờ hơn khi đứa con trai của họ đã lao vào giằng lấy thắt lưng của người bố đánh trả để bảo vệ mẹ, lão đàn ông cho nó một cái tát như trời giáng, rồi bỏ đi. Ôi! Chuyện gì đang diễn ra giữa một buổi sáng thế này, Phùng bàng hoàng, Phùng sốc trước cảnh chồng đánh vợ, con đánh bố, rồi bố đánh con, thật hỗn loạn, phá nát hết cái vẻ đẹp tuyệt mĩ mà anh vừa mới nhận ra. Lúc này đây anh mới vỡ lẽ hóa ra ranh giới giữa cái vẻ đẹp toàn mỹ, toàn bích và sự thật nghiệt ngã xấu xa của cuộc sống chỉ cách nhau một bức màn mỏng manh, chúng chẳng thể chịu được sự tàn phá của hiện thực cuộc đời đầy xấu xí.
Hiện thực và nghịch lý cuộc sống hầu như thể hiện một cách rõ nét trên hình ảnh người đàn bà hàng chài, chị là hiện thân cho nỗi khốn khổ, nhọc nhằn của những người phụ nữ miền biển của nước ta sau ngày đất nước giải phóng không lâu. Cuộc đời người phụ nữ nào phải nói là quá bất hạnh khi phải gánh trên lưng ba nỗi khổ lớn, thứ nhất là ngoại hình xấu xí, dáng dấp cao lớn, “đường nét thô kệch”, khuôn mặt lại chằng chịt những nốt rỗ sau một trận đậu mùa thời nhỏ, nét mặt thì nhợt nhạt vì thức đêm nhiều, lại phải lao động vất vả cả đêm. Bà vốn xuất thân khá giả nhưng khốn nỗi vì quá xấu nên không ai lấy, bởi vậy nên việc xấu xí đã là một bất hạnh to lớn trong cuộc đời người phụ nữ. Sau khi lấy chồng, sinh con thì chị lại tiếp tục mang trên vai nỗi khổ nghèo túng, nhà đông con thuyền thì nhỏ, cuộc sống quá đỗi vất vả, nhọc nhằn, đến nỗi có những ngày đằng đẵng phải ăn cả xương rồng luộc chấm muối. Cái nghèo đã hành hạ thể xác, còn hành hạ cả về tâm hồn của người phụ nữ này khi phải lo toan bộn bề cuộc sống. Sống vốn đã vất vả chị còn có nhiều con, mang nặng đẻ đau tới trên dưới mười đứa con tất cả, càng đẻ, cuộc sống càng khó khăn càng đè nặng trên đôi vai của chị, cuộc sống càng thêm túng quẫn. Đó là một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Nghèo đói, đông con đã gần như làm đôi vai người đàn bà ấy sụp xuống thế nhưng chị vẫn phải tiếp tục chịu đựng sự vũ phu với những cơn đòn “ban ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” từ người chồng. Điều ấy không những đem lại đau đớn vô hạn về thể xác mà còn gây tổn thương sâu sắc đến tâm hồn của người đàn bà làng chài, khi bị người đầu ấp tay gối hằng ngày đánh đập, chì chiết. Và hơn cả là nỗi lo lắng về sự mất niềm tin, về những sang chấn tâm lý mà những đứa con nhỏ của chị phải gánh chịu, chị sợ chúng nó bị tổn thương ám ảnh về những kỷ niệm ấy thơ tàn nhẫn mà bố gây ra cho mẹ chúng nó.
Phùng chứng kiến cái cảnh khốn khổ của người phụ nữ bất hạnh, nhiều lần khuyên chị ly hôn để giải thoát khỏi cái gã chồng vũ phu, nhưng chị một hai không đồng ý. Bề ngoài chắc có nhiều người lắc đầu vì sự cố chấp của người đàn bà ấy, nhưng mấy ai có thể hiểu vén lên cái bức màn nghiệt ngã, thì bao nhiêu uẩn khúc, bao nhiêu cái bất đắc dĩ mới dần lộ ra. Trong cái khốn khổ, bất hạnh của một người đàn bà xấu xí ta lại bất chợt nhận ra những vẻ đẹp tâm hồn thật đáng quý, chị không muốn bỏ chồng, trước là vì đã từng chịu ơn hắn ta, lòng biết ơn chồng vì đã cứu rỗi cuộc đời chị, đã cho chị một mái ấm gia đình mặc dù bây giờ nó cũng sứt sẹo, chẳng mấy hạnh phúc. Nếu như những người như thằng Phác, Phùng, chánh án Đẩu đều thấy lão chồng là một kẻ đáng ghét, man rợ, đáng bỏ thì chị lại cho rằng chồng chị là một người đáng thương cần được thông cảm, sẻ chia. Chị nhớ về những ngày xưa, nhớ về những điều tốt đẹp của người chồng “cục tính nhưng hiền lành không bao giờ đánh đập tôi”, vì trốn lính mà gia đình đâm túng quẫn , chính cái nghèo đói đã khiến chồng chị trở thành một kẻ vũ phu, cục súc. Người đàn bà khốn khổ vơ hết lỗi về mình “giá mà tôi đẻ ít đi”, chị nhẫn nhục chịu đựng, lại có tấm lòng bao dung vô bờ bến, nhìn và thấu hiểu những nỗi khổ mà người khác gánh chịu để cảm thông, chỉ duy nhất chị không bao dung cho bản thân mình.
Người phụ nữ ấy hy sinh, nhẫn nhục cũng không chỉ vì lòng biết ơn, lòng thông cảm hay tình yêu với chồng mà trên tất cả là vì những đứa con thân yêu của mình. Lòng người mẹ lúc nào cũng bao la mà rộng rãi đến thế, chị còn phải nuôi hơn chục đứa con thơ dại, chị cần “một người đàn ông chèo chống lúc phong ba”. Chị mặc định “ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ” cho nên họ “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”, cả cuộc đời người đàn bà làng chài có lẽ chỉ có hy sinh, với chị nhìn con được ăn no cũng là hạnh phúc lắm rồi, rồi cũng có những lúc gia đình chị “hòa thuận vui vẻ”.
Người đàn bà làng chài còn là một người có suy nghĩ thâm trầm sâu sắc, hiểu lý lẽ, thấu tình đời, chị dễ dàng nhận ra cuộc sống trong đôi mắt của Phùng và chánh án Đẩu quá ngây thơ, quá giản đơn. Chị dùng những lý lẽ hết sức thuyết phục, chị mở lòng nói về đời mình để cho hai người họ hiểu được rằng tại sao chị không thể bỏ chồng, chị cũng biết khổ biết đau đớn chứ, nhưng đã vào trong cái khốn khổ ấy người ta mới phát hiện có những chuyện không thể nào làm khác.
Đó chính là nghịch lý của cuộc sống, phải lúc này đây nhân vật Phùng mới thông suốt được, anh nhận ra rằng không thể giải phóng con người khỏi đói nghèo, khỏi bạo lực gia đình chỉ bằng lòng tốt và pháp luật . Cũng nhận thức được việc không thể chỉ dùng cái nhìn phiến diện một chiều để đánh giá toàn thể sự việc, mà phải dùng đôi mắt trực quan nhiều chiều để suy xét và tìm hiểu. Hơn cả là bài học rút ra rằng nghệ thuật phải gắn liền với cuộc đời, phải đi ra từ những hiện thực khốn khổ, phải đào sâu tìm kỹ, khai thác cho được cái hạt minh châu chôn giấu trong tâm hồn mỗi một số phận con người, đó mới là làm nghệ thuật chân chính.
Nguyễn Minh Châu, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng đều là những người có nhận thức rất sâu sắc và tinh tế về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Nam Cao từng thốt lên rằng “Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…”, còn Nguyễn Huy Tưởng viết trong Vũ Như Tô rằng: “Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi”. Nguyễn Minh Châu cũng đồng những quan điểm vậy, ông sâu sắc nhận ra rằng “Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan”, làm chi đâu có cảnh toàn bích, toàn mỹ, chẳng qua ấy chỉ là bề nổi, ẩn sâu sau đó là những hiện thực phũ phàng. Mà từ đó người nghệ sĩ phải dùng một đôi mắt đa diện, thấu hiểu để nhìn nhận những vẻ đẹp đạo đức và nhân văn, chớ nên chạy theo những vẻ đẹp dẫu hào nhoáng mà trống rỗng, vô hồn.
(Tác giả: Admin Taimienphi.vn – Vui lòng ghi nguồn bài viết khi sử dụng lại bài văn này)
6. Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, bài mẫu số 6:
Nghệ thuật và hiện thực luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, một tác phẩm chân chính muốn tỏa sáng phải có sự hòa quyện với vẻ đẹp của cuộc sống chân thực. Nhà văn Nam Cao từng nói: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…”. Nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo mới mẻ nhưng phải gắn với con người thì mới giữ nguyên được giá trị chuẩn mực vốn có. Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một bức tranh hiện thực đầy màu sắc, ẩn sau đó chứa đựng cả câu chuyện về số phận, cuộc đời con người. Tác giả đã nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đa diện, nhiều chiều, phản ánh đúng bản chất thật sau vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài của hiện tượng.
Nguyễn Minh Châu quê ở xã Quỳnh Hải (nay là Sơn Hải), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm hai mươi tuổi ông gia nhập quân đội cho đến năm 1962 thì chuyển sang con đường sáng tác văn học. Trước thập kỷ 80 ngòi bút của ông thiên về tính sử thi hào hùng, lãng mạn với những tác phẩm tiêu biểu: Cửa sông (tiểu thuyết, 1967), Những vùng trời khác nhau (tập truyện ngắn, 1970), Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972),… Cho đến những năm 80 đổ về sau, Nguyễn Minh Châu tập trung nghiên cứu về cuộc sống nhân dân, những tác phẩm của ông đều lấy cảm hứng từ các vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh, đặc sắc với những truyện ngắn: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Cỏ lau (1989),… Chiếc thuyền ngoài xa được ông sáng tác năm 1987, kể về chuyến đi công tác của người nhiếp ảnh gia và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về cái đẹp và cuộc đời. Có thể nói Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc, là nhà “mở đường tinh anh” cho nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm văn học có tình huống truyện hết sức độc đáo, cuốn hút người đọc ngay từ những câu văn đầu tiên. Có thể nói tình huống truyện chính là chiếc chìa khoá để vận hành cả cốt truyện, là điểm tựa để người đọc khám phá trọn vẹn một tác phẩm văn xuôi. Tình huống truyện chính là những sự kiện éo le, bất ngờ, mới lạ,… Là điểm nhấn then chốt hấp dẫn người đọc, nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng tình huống truyện là “tình thế của câu chuyện, là khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, sự kiện nổi bật ấy có thể là bước ngoặt thay đổi nhận thức,số phận của cả một đời người. Tình huống truyện cũng là khoảnh khắc mà ở đó nhận vật bộc lộ rõ tính cách, bản chất của mình từ đó chủ đề tư tưởng của truyện được thắp sáng. Bằng tài năng và phong cách nghệ thuật của mình, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng tình huống truyện nhận thức đầy bất ngờ và chứa đựng những nghịch lý cuộc đời, đó chính là hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng.
Những bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất
Vào một buổi sáng tinh mơ, trời đầy sương mù, những hạt mưa nhỏ lác đác rơi, Phùng vẫn tiếp tục công việc “phục kích” để tìm cho ra một bức ảnh chiếc thuyền đánh cá thu lưới khi bình minh. Người nghệ sĩ đã bỏ ra nhiều công sức nhưng chưa có một bức ảnh nào thật đặc sắc, mới lạ để in trong lịch tết năm sau. Trong lúc đang lúi húi thay phim, lúc ngẩng lên anh đã chứng kiến một chuyện hơi lạ, một cảnh sắc đẹp ngỡ ngàng làm cho trái tim người nghệ sĩ dường như rung động mãnh liệt đó là “một chiếc thuyền lưới vó” đang trèo thẳng đến trước mặt anh. Cả một cuộc đời làm nghệ thuật có lẽ chưa bao giờ Phùng được trông thấy một cảnh “đắt” trời cho như thế, một cảnh sắc được tác giả miêu tả “đẹp như một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”. Mũi thuyền ẩn hiện, loè nhoè trong bầu sương mù trắng xoá có pha “ đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào”, trên thuyền là những bóng người ngồi im phăng phắc như tượng sáp. Tất cả khung cảnh ấy đang tiến đến ngày một gần như “cánh của con dơi”, bức tranh hài hoà từ đường nét đến ánh sáng và mang một vẻ đẹp “thực đơn giản và toàn bích”. Là một người nghệ sĩ với tâm hồn nhạy cảm, đứng trước cảnh sắc tuyệt mỹ ấy Phùng bỗng thấy bối rối, trong trái tim anh “như có cái gì bóp thắt lại”. Dường như cảm xúc hạnh phúc đang dâng trào mãnh liệt, trong khoảnh khắc trong ngần ấy người nghệ sĩ đã nhận ra cái chân – thiện – mỹ của cuộc đời ngay trước mắt mình. Cái đẹp phải chăng là đạo đức ? Chẳng cần lựa chọn hay xê dịch gì nữa, Phùng đưa mắt ảnh bấm “liên thanh” như sợ cảnh sắc tuyệt mỹ kia sẽ tan biến trong phút giây.
Nghịch lý cuộc đời bắt đầu từ đây, khi chiếc thuyền tiến gần vào bờ, hình ảnh một cặp vợ chồng đang rời thuyền, họ lội qua một quãng bờ phá, nước ngập tới tận đầu gối. Trong giây lát tiếng người đàn ông cất lên văng vẳng quát tháo những đứa con đang ở trên thuyền. Hình ảnh cặp vợ chồng lam lũ bước ra từ chiếc thuyền đẹp như thiên đường, người chồng cao to, thô lỗ, vẻ mặt dữ tợn, còn người đàn bà khuôn mặt thô kệch toát lên đầy sự mệt mỏi. Chỉ bằng một vài câu văn miêu tả ngoại hình tác giả phần nào đã khiến cho người đọc vỡ mộng, đằng sau vẻ hào nhoáng kia của chiếc thuyền thì con người lại hiện ra chân thực, chẳng hề mang vẻ đẹp hoa mỹ nào. Nhưng nghiệt ngã hơn chính là cảnh bạo hành vợ của gã đàn ông thô bạo kia, hắn rút ra “một chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa”, chẳng ai nói với nhau lời nào, hắn trút cơn giận như lửa cháy dùng hết sức lực quật tới tất vào lưng người đàn bà, vừa đánh vừa thở hồng hộc, răng nghiến ken két. Mỗi một nhát quất xuống hắn lại cất lên những câu chửi nguyền rủa bằng cái giọng “rên rỉ, đau đớn”: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!” Người đàn bà vẫn ngồi im “cam chịu, nhẫn nhục” không một lời van xin hay oán trách, chẳng chống trả cũng không hề chạy trốn. Sự việc xảy đến quá nhanh, quá bất ngờ đến nỗi nghệ sĩ Phùng không thể tin vào chuyện gì đang diễn ra trước mắt. Anh bàng hoàng, sửng sốt trong mấy phút đầu chỉ biết “đứng há mồm ra mà nhìn”. Thằng Phác từ đâu lao đến nhanh hơn cả mũi tên, giật lấy chiếc dây lưng quất vào “tấm ngực trần vạm vỡ cháy nắng” của cha nó. Cảnh tượng người chồng đánh đập vợ dã man, người vợ cam chịu, đứa con đánh lại cha trái ngược hoàn toàn với vẻ đẹp của con thuyền ngư phủ. Tác giả đã vẽ nên bức tranh hiện thực cuộc sống ẩn sau vẻ đẹp hào nhoáng bằng một hiện thực nghiệt ngã, nếu chỉ nhìn sự vật ở bên ngoài chúng ta sẽ không thể nhìn thấu hết bản chất của nó, không thể đánh giá một cách toàn diện hiện tượng. Vẻ đẹp của nghệ thuật chưa đủ sức mạnh để làm nên phẩm chất đạo đức, nhân cách của một con người.
“Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan” hiện thực không đơn giản, một chiều mà luôn tồn tại với nhiều mảng màu đối lập chẳng thể giải đáp. Nghịch lý không dừng lại ở đó mà tiếp tục được tác giả đi sâu vào khai thác trong nhân vật người đàn bà hàng chài. Người phụ nữ đã trạc ngoài bốn mươi, dáng người đặc trưng của miền biển, cao lớn với những “đường nét thô kệch”. Vẻ ngoài xấu xí, mặt chằng chịt rỗ sau một bận lên đậu mùa, sắc mặt tái bệch đi sau một đêm dài thức trắng. Xuất thân trong một gia đình khá giả, nhưng vì xấu nên không ai lấy. Lúc đầu khi được chánh án Đẩu mời lên tòa án, người đàn bà lúng túng, sợ sệt, tìm đến một chỗ để ngồi. Khi được chánh án khuyên bỏ chồng, bà ta lo lắng, sợ hãi vô cùng van xin toà: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Thật là kỳ lạ, một gã chồng vũ phu suốt ngày đánh đập “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” thì có gì đáng để bà ta phải lưu luyến mà không bỏ quách đi. Một người chồng một khi dám xuống tay đánh vợ và chửi rủa như thế, thì còn thiết tha hạnh phúc gì nữa, vậy mà người đàn bà nhất định không chịu bỏ đi. Nếu chỉ nhìn vào những gì đang thấy trước mắt, thì người phụ nữ này quả thật là rất đáng trách, trách vì đã để bản thân mình chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, trách vì sự kém cỏi hèn nhát của bản thân.
Thế nhưng không, cuộc đời vốn dĩ chẳng phô bày ra trước mắt ta những uẩn khúc nghiệt ngã. Đằng sau vẻ nhút nhát của người đàn bà làng chài là cả một sự hy sinh cao cả vì đàn con, vì gia đình yên ấm, bà thấu hiểu được nỗi khổ của người chồng. Qua lời kể của bà, người chồng khi còn trẻ tuy cục tính nhưng hiền lành, bà mang ơn ông vì đã cứu lấy danh dự mình, vẫn cưới dù biết bà có mang với người đàn ông khác. Hoàn cảnh đã nghèo khó, lại thêm đông con, gánh nặng cơm áo như đè nặng hết lên vai người chồng. Những khi trời đổ giông bão cả nhà chỉ ăn “cây xương rồng luộc chấm muối”, người đàn bà chép miệng như đang “nhìn suốt cả đời mình”, bà nhận hết lỗi về mình “giá tôi đẻ ít đi”. Quả là một người phụ nữ đáng trân trọng dù bản thân có chịu đựng bao khổ nhục cũng chưa từng oán thán, bà luôn nhìn thấy nỗi khổ của người khác để thấu hiểu, bao dung cho lỗi lầm của họ. Quanh năm lênh đênh trên biển – nguồn sống duy nhất của cả gia đình từng ấy miệng ăn, người đàn bà nhẫn nhục vì thương con, chúng còn thơ dại nếu không có bàn tay chăm sóc của người mẹ sẽ ra sao? Liệu người đàn ông khô khan, thô bạo kia có dạy dỗ, quan tâm, bảo ban được chúng? Phụ nữ làng chài cần có người đàn ông chèo lái con thuyền mỗi khi trời đổ phong ba, họ sức yếu vai mềm chẳng thể một mình chống đỡ lại với bão táp ngoài biển khơi, “ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ” cho nên họ “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi duy nhất của người phụ nữ là khi nhìn đàn con “chúng nó được ăn no”, ngay cả khi vui sướng hay hạnh phúc thì cũng là vì nghĩ cho con chưa một lần nào nghĩ cho bản thân mình. Vẻ mặt người đàn bà ửng sáng lên như một nụ cười khi nghĩ đến những lúc vợ chồng con cái sống vui vẻ, hoà thuận. Dường như tình thương con cũng như nỗi đau, sự thấu hiểu về những thăng trầm của lẽ đời “mụ” chẳng bao giờ bộc lộ ra ngoài mà giấu kín trong trái tim mình. Vẻ đẹp của đàn bà hàng chài đã gợi cho ta bao suy nghĩ về cuộc đời, không thể nhìn sự việc một cách phiến diện, một chiều mà phải đặt nó trong một khía cạnh toàn diện để đánh giá, suy xét. Nghệ thuật phải là một tấm gương phản chiếu hiện thực đấy mới là nghệ thuật chân chính.
Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, hình ảnh biểu trưng “chiếc thuyền ngoài xa” là nghệ thuật ẩn dụ cho kiếp người đơn độc, lênh đênh trên biển lớn cuộc đời. Nghệ thuật tự sự độc đáo, người trần thuật là Phùng một nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm, từng trải trên chiến trường. Ngôn ngữ truyện chân thực, giàu hình ảnh sáng tạo, hấp dẫn người đọc.
Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm văn học xuất sắc của Nguyễn Minh Châu, để lại cho chúng ta những bài học quý giá về triết lý nhân sinh của cuộc đời, biết đồng cảm, sẽ chia với những mảnh đời khốn khó. Từ tình huống truyện có ý nghĩa như một nút thắt để người đọc khám phá về sự thật cuộc đời, từ những thay đổi trong nhận thức con người, tác giả đã chỉ rõ mối liên hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Nhà văn cũng như thư ký của thời đại, phải có trách nhiệm tái hiện cuộc sống trong ngòi bút nghệ thuật của mình.
-HẾT-
Sau khi học xong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, các em có thể chuẩn bị bài soạn cho tác phẩm Thuốc và Số phận con người. Để hỗ trợ các em trong việc soạn và tìm hiểu tác phẩm, Vanmmau.com giới thiệu đến các em bài văn mẫu hay cảm nhận về truyện ngắn thuốc của Lỗ Tấn để cónhiều ý văn hay cho phần bài nghị luận sắp tới của mình.