Giới thiệu Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập
Hồng Đức Quốc âm thi tập là tập thơ Nôm Đường luật của nhiều tác giả trong đó có Lê Thánh Tông với vai trò người chủ xướng, được sáng tác ở nửa cuối TK XV. Tuy không chỉ giới hạn trong 28 năm niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), nhưng phần lớn các sáng tác chắc đã được viết ra trong khoảng thời gian này và có thể cả trong những năm tồn tại sự hoạt động của Hội Tao đàn (1495-1497). Các bài thơ trong tập không để tên tác giả, nhưng chắc chắn họ là nhân sĩ thời Hồng Đức, một số người sau này có thể sẽ tham gia Hội Tao đàn. Một số bài được đoán là của Lê Thánh Tông, hoàn toàn không phải do lời văn “khẩu khí đế vương” mà chính do lời thơ rõ ràng là của người đứng đầu Nhà nước phong kiến ý thức được vai trò của mình đối với vương triều, với đất nước, người đứng đầu phong trào sáng tác thơ văn cung đình ý thức được địa vị chủ xướng, để các văn thần cùng họa.
Hồng Đức quốc âm thi tập hiện có 328 bài, chia thành năm môn loại : Thiên địa môn (môn loại về trời đất) 59 bài, gồm những bài vịnh về tết Nguyên đán, vịnh bốn mùa, vịnh mười hai tháng, vịnh năm canh, vịnh trăng, vịnh Hằng Nga.. Nhân đạo môn (môn loại về người) 4ó bài, phần lớn vịnh các nhân vật Lịch sử hoặc nhân vật truyền thuyết của Trung Quốc và Việt Nam, có một số bài nói về đạo làm người theo quan niệm, trung, hiếu, tiết, nghĩa, một số bài nói về lẽ tứ khoái…, Phong cảnh môn (môn loại về phong cảnh) 66 bài, có những bài vịnh phong cảnh thiên nhiên hoặc của Trung Quốc hoặc của Việt Nam, có bài vịnh di tích lịch sử trong nước, một số bài nói về tứ thú “ngư, tiều, canh, mục…” ; Phẩm vật môn (môn loại về phẩm vật) 69 bài, vịnh cảnh vật nói chung như vịnh “phong, hoa, tuyết, nguyệt, cầm, kỳ, thi, tửu”, vịnh các loại cây tùng, cúc, trúc, mai, một số bài vịnh các loài vật, đồ dùng… ; Nhàn ngâm chư phẩm (ngâm vịnh lúc thanh nhàn) 88 bài, có thể là những bài sót lại, không xếp vào những mục trên nên đề tài phức tạp, có những bài vịnh cảnh trí thiên nhiên, vịnh nhân vật lịch sử, có bài tự thuật. Đáng lưu ý ở phản này là có tới 45 bài thơ viết về chuyện Vương Tường, có lẽ do người sau chép lẫn vào. Hiện tượng chép lẫn vào Hồng Đức quốc âm thi tập có cả thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Trịnh Căn cũng là điều dễ hiểu, vì tác phẩm do người đời sau sưu tập.
Hồng Đức quốc âm thi tập mang đậm bản sắc thơ thời kỳ Hồng Đức – thơ nặng tính chất cung đình nhưng đồng thời thấm đượm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, dồi dào chất trữ tình. Tập thơ là sáng tác trong cung đình, lại do đích thân vua Lê Thánh Tông chỉ đạo, vì vậy không tránh khỏi những khuôn sáo mang tính chất quan phương từ quan niệm nghệ thuật đến nội dung, hình thức. Về quan niệm nghệ thuật, các tác giả thấm nhuần tinh thần “thi dĩ ngôn chí”, hướng nhiều tới những đề tài, chủ để cao quý. Về nội dung, tập thơ mang tính xướng họa, thù tạc, ca ngợi chế độ phong kiến, ca ngợi nhà vua, ca ngợi trật tự, lễ giáo phong kiến, đồng thời cũng ca ngợi đất nước, lịch sử, danh nhân dân tộc. Về hình thức, đôi khi nặng về trau lời đếo chữ, tính ước lệ tượng trưng khá phổ biến trong thi phẩm, song lại có nhiều sáng tạo rất đáng ghi nhận. Ra đời khi chế độ phong kiến đang ở đỉnh cao thịnh trị, Lê Thánh Tông là một trong những vị vua hiền minh nhất của lịch sử Việt Nam, giai cấp phong kiến vẫn đang là người đại diện cho dân tộc, Hồng Đức quốc âm thi tập đã thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu chính nghĩa, ý thức dân tộc và niềm tự hào dân tộc. Nhiều bài thơ trong mục Thiên địa môn, Phong cảnh môn, Nhàn ngâm chư phẩm thể hiện niềm yêu mến thiết tha đối với vẻ đẹp mỹ lệ của thiên nhiên đất nước, niềm vui sướng tuyệt đỉnh trước xã hội thái bình thịnh trị, từ đó toát lên lòng yêu giang sơn tổ quốc. Trong bài Bạch Đằng giang, tác giả vừa ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của non sông, vừa thể hiện niềm tự hào trước những chiến công huy hoàng trên dòng sông lịch sử, – niềm tự hào, niềm vui trước cuộc sống thanh bình mà nhân dân ta đang dựng xây, gìn giữ : “Nọ đỉnh Thái Sơn rành rành đó, Nào hồn Ô Mã lạc loài đâu ? Bốn phương phẳng lặng kình bằng thóc, Thong thả dầu ta búa lưỡi câu”. Chùm thơ Vịnh năm canh có những câu thơ ca ngợi cuộc sống thanh bình thịnh vượng, thể hiện niềm yêu đời, yêu đất nước : “Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc, Sườn núi chim gù ẩn lá xanh… Nhà nam, nhà bắc đều no mặt, Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình” (Vịnh canh một). Nhiều bài thơ trong mục Nhân đạo môn, Nhàn ngâm chư phẩm thể hiện ý thức dân tộc và niềm tự hào dân tộc qua ý thức về vai trò lịch sử của vương triều Lê Thánh Tông, ý thức về truyền thống dân tộc, ngợi ca những . người con ưu tú của đất Việt như Thánh Gióng, Trưng Nữ Vương, Triệu Ẩu… Trong các bài viếng Lý Ông Trọng, Nguyễn Trực, các tác giả đã so sánh nhân tài Việt Nam ngang hàng với nhân tài Trung Quốc, thậm chí công đức còn lan ra ngoài bờ cõi như trường hợp Lý Ông Trọng đã góp phần to lớn vào việc trị an ở Trung Hoa. Hồng Đức quốc âm thi tập có nhiều bài thơ khắc họa vẻ đẹp nghĩa tình giữa con người với con người như tình yêu tuổi trẻ, niềm hạnh phúc lứa đôi, tình bằng hữu v.v… làm ngời sáng lên truyền thống đạo lý, nhân nghĩa của người Việt Nam. Tác phẩm còn có những bài thơ mô tả khá chân thực đời sống nhân dân trong thôn xóm, nơi đồng ruộng với những cảnh lao động lam lũ, vất vả, những cảnh sinh hoạt bình đị, hồn nhiên… làm toát lên tư tưởng thân dân sâu sắc. Chùm thơ tứ thú không chỉ đơn thuần là sự xướng họa theo công thức “ngư, tiều, canh, mục” mà còn khắc họa được hình ảnh cuộc sống người bình dân, lam lũ, cực nhọc, nhưng thật hồn nhiên, chất phác. Ở những bài thơ khắc họa vẻ đẹp tình nghĩa của con người, nhất là trong tình yêu lứa đôi, nhiều tác giả đã có những rung động chân thành, những tình cảm “lãng mạn” vượt ra ngoài khuôn khổ cung đình. Các bài thơ Vịnh Mị Ê, Hoàng giang điểu Vũ nương (Vũ Thị Khiết) thể hiện niềm cảm thương trước những mối tình éo le, oan khốc, đồng thời khẳng định vẻ đẹp thủy chung trong sáng của người phụ nữ. Trong chùm thơ về Lưu Nguyễn nhập thiên thai, Ngưu Lang Chức Nữ,.tác giả vừa khắc họa những cảnh ngộ éo le của tình yêu, vừa thể hiện vẻ đẹp diễm tình của những mối tình “người tiên – kẻ phàm”.
Hồng Đức quốc âm thi tập có những đóng góp lớn trong việc trau dồi ngôn ngữ văn học dân tộc. Đây không những là biểu hiện của lòng yêu nước và ý thức dân tộc mà còn là sự phản ánh bước phát triển to lớn của văn học tiếng Việt. Từ thuần Việt trong tác phẩm có lúc còn vụng, thô, nhưng nhiều khi cũng đã đạt tới mức trau chuốt, vi diệu : “Người thơ, khách rượu rộn lời khuyên” (Lại vịnh cảnh mùa xuân) Hai từ “người thơ” thể hiện tài năng và mẫn cảm nghệ thuật của tác giả. Chính vì dùng từ “người thơ” chứ không phải từ “thi nhân” câu thơ bỗng trở nên xuất sắc, tân kỳ, lột bỏ sự cũ mòn, mang dáng vẻ hiện đại. Những thành ngữ, tục ngữ được vận dụng khá nhiều và khá thành công đã làm giảm bớt ấn tượng nặng nề về những điển tích, điển cố được dùng khá cầu kỳ ở không ít bài thơ. Trong việc sử dụng và sáng tạo từ láy, Hồng Đức quốc âm thi tập là một thành tựu rất lớn. Có những bài thơ được sáng tác chủ yếu bằng từ láy (Ngư Giang hiểu vọng, Họa vần bài Vịnh trăng – bài số 10). Có nhiều kiểu láy âm trong tiếng Việt đã xuất hiện, kể cả kiểu láy ba. Có những từ láy với khuôn vần khá hóc hiểm, được sử dụng một cách điêu luyện, tự nhiên. Có thể nói, Hồng Đức quốc âm thi tập là một thế giới từ láy với đầy những bất ngờ thú vị, những khám phá đáng kinh ngạc.
Hồng Đức quốc âm thi tập là một dấu mốc đáng lưu ý trong quá trình phát triển của thơ Nôm Đường luật. Mặc dù bị giới hạn trong khuôn khổ lối thơ xướng họa nhưng đề tài, chủ đề của tập thơ vẫn được mở rộng, thể hiện xu hướng phản ánh hiện thực cuộc sống và xu hướng tả thực của Đường luật Nôm trong quá trình phát triển. Ở thi tập này đã có hẳn một hệ thống thơ trào phúng, vừa tiếp cận với thơ trào phúng dân gian, vừa mang được nét hóm hỉnh, thâm thúy của văn chương bác học. Chất trào phúng phảng phất trong nhiều bài, nhiều mục, nhưng tập trung ở mục Phẩm vật môn như vịnh con cóc, con rận, con muỗi, cái cối xay, cái quạt, cây đu.. Mục Phong cảnh môn có – nhiều bài thơ mang nét trào phúng như bài Quở sơn (Núi muộn chồng), Tượng bà Banh, Kênh Trâm…Có thể nói Hồng Đức quốc âm thi tập đã góp phần mở ra khuynh hướng trào phúng trong thơ ca tiếng Việt, được các giai đoạn sau kế thừa và phát triển với những đại biểu xuất sắc như Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác