White Notebook and Yellow Pencil · Free Stock Photo

Giới thiệu nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt

White Notebook and Yellow Pencil · Free Stock Photo

Tiểu sử nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883)

Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt. Quê gốc : làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định, nay là TP Hồ Chí Minh (cũng có sách nói rằng ông người Rạch Giá, Kiên Giang). Huỳnh Mẫn Đạt đậu ‘Cử nhân năm 1831, làm quan dưới triều Tự Đức, giữ chức Án sát Định Tường, rồi Tuần phủ Hà Tiên. Ông làm quan thanh liêm, luôn chăm lo những việc ích quốc lợi dân nên ở đâu cũng được nhân dân yêu mến và kính trọng (hiện nay ở Văn Xương Các, tức miếu, Văn Thánh, Vĩnh Long còn có bài vị thờ ông). Ông là bạn tâm giao và bạn thơ của Bùi Hữu Nghĩa, đã cùng góp phần vào việc hoàn thành kịch bản tuồng Kim Thạch kỳ duyên. Đương thời, ông nổi tiếng giỏi thơ Nôm ở đất Đồng Nai. Năm 1861, giặc Pháp tấn công Định Tường, Huỳnh Mẫn Đạt đang làm Án sát ở đó. Ông cùng binh sĩ ra sức chống cự nhưng thất bại. Ông lánh về Kiên Giang và ở đó cho đến lúc mất (1883). Đối với thực dân Pháp và triều đình phong kiến thỏa hiệp đầu hàng, ông trước sau vẫn giữ thái độ bất bình, không cộng tác và luôn luôn bày tỏ tấm – lòng ưu quốc, ái dân của mình. Trong hàng ngũ sĩ phu yêu nước lúc đó, ông là người đáng kính trọng.

Tác phẩm nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt 

Thơ của Huỳnh Mẫn Đạt có một số bài đối đáp với Tôn Thọ Tường rất được giới sĩ phu Nam Kỳ tán thưởng. Bài Ngộ hữu là do Bùi Hữu Nghĩa xướng, ông họa lại trong một dịp tình cờ gặp Tôn Thọ Tường. Lần đó, ông muốn tránh mặt nhưng không kịp, Tường đã thân mật chạy lại chào mời. Ông làm bài thơ này nhằm mỉa mai sự “vinh thăng” của hắn, nhờ dựa thế giặc Tây : “Hớn hở trẻ dong đường dặm liễu, Lơ thơ già núp cội cây còi”. Sau đó Tường họa lại, biện bạch một cách lúng túng. Bài Gái đĩ già đi tu, ông làm để đáp lại bài thơ của Tường, châm biếm cái thói điêu toa, giả trá, làm ra vẻ như hối hận, muốn tu tỉnh của hắn. Những bài thơ này của Huỳnh Mẫn Đạt đã góp thêm sức mạnh vào cuộc bút chiến sôi nổi thời đó để chống lại “mũi bút gian” “tráo chác khôn lường” của kẻ đầu hàng. Huỳnh Mẫn Đạt còn một số bài thơ Nôm khác như Chó già, Cây dừa, Mưa đêm, Trời chiều, Chiêu Quân xuất tái… ngụ ý cảm thán thời thế, đồng thời biểu thị tấm lòng trong sạch, thủy chung của mình đối với dân, với nước. Ông làm thơ Điếu Nguyễn Trung Trực, người anh hùng đã lập chiến công đầu rực rỡ trong cuộc chiến đánh Tây, đốt cháy tàu Hy Vọng của chúng trên sông Vàm Cỏ. Lời điếu của ông biểu dương chiến thắng và làm rạng rỡ tấm gương hy sinh anh dũng của Nguyễn Trung Trực, cũng như của các sĩ phu và nhân dân yêu nước đương thời : “Sông Nhật Tảo lửa hồng rực cháy, trời đất sáng choang, Đồn Kiên Giang lưỡi kiếm tuốt ra, quỷ thần sợ khóc… Bậc anh hùng cứng cổ, tiếng thơm thêm dài lâu. Làm cho bọn đang sống cúi đầu phục tùng kia phải thẹn chết đi được”.

Đọc thêm  Giới thiệu tác phẩm Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top