Giới thiệu nhà thơ Lê Anh Tuấn (1671 – 1736)
Nhà thơ Lê Anh Tuấn, hiệu Địch Hiên, người xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong, nay thuộc làng Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Thời trẻ, Lê Anh Tuấn thông minh, học giỏi, nổi tiếng văn chương. Năm 24 tuổi, ông thi đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất, đời Chính Hòa (1694). Khi mới thi đỗ, Lê Anh Tuấn được phong hàm Tự Khanh. Năm Ất Mùi (1715), ông được cử làm Chánh sứ sang cống triều Thanh. Trên đường đi sứ, Lê Anh Tuấn tỏ rõ là người có tài văn chương ứng tác. Khi ở Trung Quốc, ông vào triều kiến vua Khang Hy đã biện bác để vua Trung Quốc miễn cho nước ta cống phẩm ngà voi thay bằng vàng, cho đỡ công vận chuyển khó nhọc. Khang Hy nghe theo. Khi về nước, chúa Trịnh Cương rất khen ngợi, giao làm Bồi tụng ở phủ chúa Trịnh, sau thăng làm Tham tụng dự vào hàng Tế tướng. Ông là người có tư tưởng yêu nước thương dân, có tài an dân định quốc. Năm 1726, ông được gia phong Thiếu bảo, kiêm Đại học sĩ Đông các. Năm 1730, ông được thăng Thượng thư bộ Hộ, gia Thái tử Thái bảo. Từ khi Trịnh Cương mất, thế tử Trịnh Giang lên thay, tin dùng bọn hoạn quan, nịnh thần, dung túng kiêu binh làm loạn. Nghe lời gièm pha, năm 1732, Trịnh Giang điều Lê Anh Tuấn lên làm Đốc trấn ở Lạng Sơn và Thái Nguyên. Năm 1734, giáng ông xuống làm Thừa chính sứ Lạng Sơn. Năm 1736, chúa Trịnh ngờ ông có tham gia âm mưu phản loạn nên bắt ông phải chết, thọ 66 tuổi. Năm 1741, Trịnh Doanh lên ngôi chúa, phục lại chức cũ cho ông. .
Phan Huy Chú, tác giả Lịch triều hiến chương loại chí ghi chép về ông : “Tính ông trầm tĩnh, kín đáo, nghiêm nghị, chắc chắn. Lúc trẻ do có tiếng hay chữ nên được vào làm Tể tướng, mưu kế và công trạng của ông đáng ghi. Cuối cùng bị ngờ mang tội, trong kinh ngoài trấn, ai cũng thương”.
Tác phẩm của nhà thơ Lê Anh Tuấn
Lê Anh Tuấn sáng tác nhiều thơ, nhất là thời gian đi sứ. Hiện còn l7 bài thơ cổ thể và một bài thơ cận thể chép trong Toàn Việt thí lục. Những bài thơ viết trên đất nước Trung Quốc đã thể hiện tình cảm sâu nặng của ông với quê hương, người thân và bạn bè. Ngoài ra, ông còn có một số bài thơ tặng, đối đáp, thù tạc với các quan chức lễ tân Trung Quốc, biểu hiện tình cảm tốt đẹp của ông đối với họ. Lê Anh Tuấn còn là tác giả của 5 bài văn bia (hiện lưu trữ ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm). Bài thơ cận thể Tư thân thuật hoài dài 80 câu, sáng tác theo thể thất ngôn (7 chữ) đã tả thực, ghi thực lại tâm trạng của tác giả về sự việc và phong cảnh trên đường đi sứ đã là một tập nhật ký hành trình sứ giả. Nhiều đoạn, nhiều câu rất bình dị. Tác giả không hề giấu kín tâm tư mà bày tỏ nỗi lòng của người xa tổ quốc nhớ về cố hương (Đứng sững bên sông trên mũi đất, Bỗng đôi dòng lệ cúi mắt sa).
Bài Khuê oán Liêm lão nữ thán cung họa (Kính họa lại bài thơ Bà láo Liêm oan thán trong khuê phòng) tác giả đã kêu thương cho thân phận một phụ nữ tài đức bị bạc đãi. |
Bài Đáo Hồ Khẩu huyện thị Nhạc Vũ mục vương miếu (Đến thăm miếu Nhạc Vũ mục vương huyện Hồ Khẩu), tác giả chia sẻ tâm trạng oan ức của một bậc trung thần gặp nạn.
Thơ của Lê Anh Tuấn khá hay, uẩn súc và uyên bác, lại giàu tình người. Khi tả cảnh tả tình, nhiều đoạn sinh động bình dị, trữ tình. Tác giá luôn chọn hình thức thích hợp để bộc lộ ý tưởng trước cảnh thực, người thực mà không bị ràng buộc vào khuôn khổ chỉ một thể thơ thất ngôn bát cú như nhiều tác giả cổ điển đồng thời với ông. Người bấy giờ thường truyền tụng câu nói : “Văn chương Lê Anh Tuấn, chính sự Nguyễn Đình Hiền”.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác