Tiểu sử nhà thơ Lê Quát
(?-? khoảng TK XIV),
Nhà thơ Lê Quát, chưa rõ sinh và mất vào năm nào, tự Bá Đạt, hiệu Mai Phong, biệt hiệu Lương Giang, vốn dòng dõi Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh (quan chức triều Lý, TK XI). Ông sinh ở làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hoa, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ông là học trò giỏi của Chu Văn An, đỗ Tiến sĩ, làm quan các triều Trần Minh Tông (1314 – 1329) và Trần Dụ Tông (1341 – 1369). Đương thời ông từng giữ các chức vụ : Tả tư lang kiêm Hàn lâm viện phụng chỉ, Thượng thư hữu bộc xạ, Thượng thư hữu bật nhập nội hành khiển. Ông nổi tiếng có tài thơ văn, đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc thay đổi không khí học thuật, nhất là ý thức để cao Nho giáo.
Tác phẩm của nhà thơ Lê Quát
Tác phẩm hiện còn 7 bài thơ chữ Hán chép trong các sách Toàn Việt thi lục, Tinh tuyển chư gia luật thí và một đoạn văn bia được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Thơ Lê Quát thể hiện rõ chí hướng của một nho sĩ tận tụy với công việc, một lòng phò vua giúp nước. Với tỉnh thần nhập cuộc hành đạo, ông làm thơ đề vịnh đôi hổ ngồi ở góc thành và coi đó là biểu tượng của kẻ trung thần, có sức mạnh và khả năng trấn giữ đất nước. Ngay cả ở bài thơ Đăng cao (Lên cao) có lẽ được làm khi đã về già, ông vẫn để cao ơn vua, khắc ghỉ niềm tự hào của một bề tôi đã được trọng dụng. Tuy nhiên, trong thơ ông vẫn có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ về sự xa hoa; đôi khi bộc lộ tâm trạng hướng tới chữ “nhàn”, nỗi mong nhớ cố hương, nhất là khi cảm nhận sự thất vọng trước thời cuộc. Nhìn chung, với số lượng tác phẩm còn lại không nhiều, song thơ Lê Quát vẫn thể hiện chiều hướng khá nhất quán vai trò của một bề tôi, ý thức một nhà nho gắn bó và tôn phù triều chính. Ngoài thơ ca, Lê Quát còn để lại một đoạn văn xuôi Bắc Giang Bái thôn Thiện Phúc bỉ ký (Bài văn bia chùa Thiện Phúc ở thôn Bái, tỉnh Bắc Giang). Thực chất, bài văn bia không hề nhằm công kích, bài bác Phật giáo mà chủ yếu nhằm so sánh tâm thế xã hội trong tương quan giữa Nho giáo với Phật giáo, qua đó mong muốn Nho giáo cũng cần được hưng khởi, thịnh hành. Nhìn nhận một cách khách quan, bài văn bia cho thấy vai trò của Phật giáo đương thời vẫn còn rất mạnh (mà chính ngay bài văn bia của Lê Quát cũng là bia chùa), mặt khác cũng báo hiệu xu thế của tầng lớp quan lại đang hướng về Nho giáo trên bước đường xây dựng quốc gia Đại Việt tự chủ dưới thời phong kiến.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác