Tiểu sử nhà thơ Nguyễn Huy Hồ (1783 – 1841)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hồ, húy Nhậm, tự Cách Như, hiệu Hy Thiệu. Ông sinh ngày 21 tháng Tám, năm Quý Mão niên “hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), mất ngày 20 tháng Tám năm Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841). Ông sinh ra trong một gia đình nhiều đời khoa hoạn. Quê gốc : làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nội là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, cha đẻ là nhà thơ Nguyễn Huy Tự – tác giả truyện thơ Nôm Hoa tiên – mẹ là bà Nguyễn Thị Đài – con gái Tham tụng Nguyễn Khản. Lên 8 tuổi (1790) cha mất, ông ở với mẹ. Ông lấy bà vợ đầu tiên là Lê Thị Hậu, cháu vua Lê Hiển Tông. Mùa xuân năm Kỷ Tỵ (1809), ông có cuộc du chơi núi Chung Sơn, thăm người anh là Nguyễn Huy Vinh. Cuộc du chơi này đã gợi hứng cảm sâu sắc cho một tác phẩm văn học duy nhất của ông là Mai Đình mộng ký. Năm 1819, mẹ ông mất. Sau đó, ông được vời vào kinh làm thuốc, rồi có tham gia việc xem đất để lăng cho mẹ vua và cho vua. Năm 1839, việc xem đất thành công, ông được bạn làm Linh đài lang ở Khâm thiên giám. Ở chức được khoảng hơn một năm thì qua đời.
Mai Đình mộng ký được sáng tác khoảng sau 1809. Tác phẩm gồm 298 câu thơ viết bằng chữ Nôm, thể thơ lục bát (trừ hai bài đề, họa). Hình thức kết cấu như một truyện thơ Nôm trong tiểu loại giai nhân – tài tử. Nội dung câu chuyện có thể tóm lược như sau : khoảng ngày rằm tháng Giêng năm Kỷ Ty (1809), tác giả lên thuyền, ngược dòng sông Lam, mục đích là đi thăm anh ở núi Chung Sơn. Qua bến Phù Thạch, không khí mùa xuân rồi cảnh non nước hữu tình và hội “quan đăng” (xem đèn) đã khiến tác giả dạt dào cảm xúc. Ông bảo trẻ đem rượu uống, ngắm trăng sáng trên trời, nhìn cảnh vật mờ ảo bên sông nước rồi chìm đắm vào một cõi mộng, lúc nào không biết. Trong giấc mộng ông thấy mình lạc vào một nơi tiên cảnh, có rất nhiều thông, tùng cổ thụ và đình đài, lầu gác. Đến một nơi gọi là “Thưởng mai đình” có đầy đủ giấy, bút, nghiên mực và tiểu thư Đình Mai vừa đề thơ xong. Thấy động, nàng “rẽ ngang về mái Tây hiên”, nhưng hơi hướng dường như vẫn còn phảng phất, khiến khách thơ một phen ngẩn ngơ, luyến tiếc. Không biết làm sao, khách bèn làm thơ họa và liều bước vào trong đình, gặp một tiểu hoàn, đối đáp và gửi bài thơ họa. Lát sau, tiểu hoàn quay ra nói phu nhân (mẹ của tiểu thư) mời khách vào trong sảnh. Phu nhân hỏi khách về gia thế, quê quán. Nghe xong, phu nhân thấy gặp được người đồng cảnh ngộ, lại có tài năng bèn khuyên hãy gắng học hành, thi đỗ, rồi sẽ có duyên lành cùng con gái bà. Đến đây, tác giả chợt tỉnh mộng và cứ băn khoăn tự hỏi : Đó là mộng hay không phải là mộng ? Là thực hay không phải thực ? Điều này phù hợp với đoạn thơ trước giấc mộng khi tác giả nghĩ suy, trăn trở về công danh, tài tình, duyên phận – những lẽ thường mà mỗi người phải theo.
Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Huy Hồ
Tác phẩm thể hiện tư tưởng hoài Lê khá rõ. Cái giọng điệu buồn bã, cảm hoài bàng bạc trải suốt gần 300 câu thơ. Nhưng nhìn sâu hơn, Mai Đình mộng ký thực chất là ảnh hưởng tư tưởng Lão – Trang. Phải chăng những gì không thể tìm thấy trong thực tế thì người ta sẽ đi tìm trong mộng ảo ? Và việc cho thực là mộng, mộng là thực cũng là một cách để giải thoát, một liệu pháp tỉnh thần hữu hiệu.
Sau Hoa tiên và Truyện Kiều, Mai Đình mộng ký cũng là một đỉnh cao của nghệ thuật thơ lục bát Việt Nam. Các điển cố được sử dụng rất hợp tình, hợp cảnh và nhuần nhuyễn. Từng lời, từng chữ được trau chuốt công phu. Nhịp điệu câu thơ khá đa dạng, uyển chuyển. Các biện pháp đảo chữ, dùng từ láy, từ điệp, dùng tiểu đối rất chỉnh, chứng tỏ tác giả là người nắm vững nghệ thuật thơ lục bát và có công đẩy nó lên một tầm mức mới. Đặc biệt là bút pháp miêu tả thiên nhiên rất gợi cảm, trữ tình và sinh động. Thiên nhiên ở đây là một thiên nhiên Việt Nam cụ thể chứ không chỉ là những hình ảnh ước lệ như vẫn bắt gặp ở các tác phẩm văn học khác.
Mai Đình mộng ký là một trong số rất ít các tác phẩm không vay mượn cốt truyện từ bất cứ nguồn nào. Đây là một câu chuyện hoàn toàn do tác giả dàn dựng và sáng tạo. Điều này đánh dấu một bước trưởng thành của văn học Việt Nam thời đó. Theo khảo sát bước đầu thì hai bài thơ để và họa trong tác phẩm cũng là hai bài thơ ngũ ngôn bát cú viết bằng chữ Nôm đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc. Đây cũng là một đóng góp có giá trị của tác giả.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác