Pin on White paper

Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Văn Lạc

Pin on White paper

 

Tiểu sử nhà thơ Nguyễn Văn Lạc

(1842-1915)

Nhà thơ Nguyễn Văn Lạc, tên thường gọi là Học Lạc, biệt hiệu Sầm Giang. Quê gốc : làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho. Ông là một nhà nho nghèo rất uyên bác, lại tính thông nghề thuốc, nghề bói Dịch. Đương thời, Học Lạc nổi tiếng tài hoa, hay thơ, hay cả đàn và họa. Tính ông rất khẳng khái, cương trực, ngang tàng, không ham địa vị và rất khinh miệt những kẻ cậy quyền thế hà hiếp dân lành. Có lẽ chính vì thế mà suốt đời ông không đi thi cử gì, chỉ sống bình dị ở làng quê, dạy học, bốc thuốc, bói Dịch, gắn bó khăng khít với những người dân quê hiền lành, chất phác. Khi giặc Pháp đánh chiếm Mỹ Tho, ông dời về ở xã Thuộc Nhiêu (cũng thuộc tỉnh Mỹ Tho) và ở đấy cho đến lúc mất. Ông không trực tiếp chống Pháp. nhưng là một trong những nhà nho yêu nước ngay từ đầu đã tỏ rõ thái độ bất hợp tác với giặc, sống trong sạch cho đến lúc chết.

Tác phẩm nhà thơ Nguyễn Văn Lạc

Học Lạc nổi tiếng với những vần thơ trào phúng sâu cay nhằm vào bọn cường hào, địa chủ ở nông thôn. Ông sáng tác nhiều, nhưng chỉ được phổ biến bằng phương thức truyền miệng hoặc chép tay, nên đến nay đã thất truyền nhiều, chỉ còn sưu tầm được một số bài như : Ông làng hát bội, Tạ hương đẳng, Con tôm, Ngôi trăng, Chó chết trôi, Ăn tiên lân ở Mỹ Tho, Thuộc Nhiêu tức cảnh, Mỹ Tho tức cảnh, Tức cảnh bạn chiều…

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn, nhà thơ Phạm Phú Thứ

Thơ trào phúng của Học Lạc mang đậm dấu ấn cá tính của ông, cũng  ngang tàng, ngông ngạo, đập thẳng vào mặt bọn “bợm làng”, bọn hương chức, hội tế một cách không kiêng nể. Ông  dám ngang nhiên để vào “vành mâm xôi” hai chữ “Thằng Lạc” để đem cúng  làng (Tự hương đảng). Có lúc ông còn  mượn hình ảnh Con tôm để chế giễu  chúng lúc nào cũng vênh vang khoác lác mà “Chẳng biết mình va cứt lộn đâu”. Đối với bọn Việt gian bán nước cầu vinh, ông đành cho chúng một hình ảnh thật cay độc Chó chết rồi : “Vần vện sắc còn phơi lẫn dẫn, Thối tha danh hãy nổi lêu bêu”. Học Lạc cũng có . những bài trữ tình thể hiện một tấm lòng gắn bó thiết tha với đất nước quê hương, gợi nhớ những cảnh vật bình dị mà thân thiết :”Phố cát vẽ vời xanh tợ lục, Buổm dong lên xuống trắng như cò” (Mỹ Tho tức cảnh). Thơ Học Lạc được nhân dân, đặc biệt là nhân dân Nam Kỳ yêu thích, nhất là những bài thơ trào phúng vần trắc của ông. Nó có sắc thái riêng và có sức mạnh đả kích lớn.

Scroll to Top