Tiểu sử nhà thơ, nhà nghiên cứu Phạm Huy Thông
Nhà thơ, nhà nghiên cứu Phạm Huy Thông, sinh ngày 22.11.1916 mất ngày 23.06.1988. Quê gốc: làng Đào Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Phạm Huy Thông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu có, được rèn giữa và học hành đến nơi đến chốn. Năm 17 tuổi ông đỗ Tú tài, 20 tuổi đậu Cử nhân Luật. Từ năm 1937 đến năm 1945, ông du học ở Pháp, đã đậu Thạc sĩ Sử học, Tiến sĩ Văn học, Tiến sĩ Luật học. Từ năm 1940 đến 1945, ông tham gia tổ chức Ái hữu của Việt kiều tại Pháp.
Năm 1946, ông là Thư ký cho Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Fontainebleaux ở Pháp. Cuối năm I952 ông bị trục xuất khỏi Pháp. Từ 1953 đến 1955, ông hoạt động ở Sài Gòn trong tổ chức đấu tranh đòi hòa bình. Từ sau năm 1955, ông đã giữ nhiều trọng trách trong lĩnh vực khoa học xã hội : Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học cộng hòa dân: chủ Đức, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội du lịch Hà Nội, đại biểu Quốc hội khoá II, khóa III, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tác phẩm nhà thơ, nhà nghiên cứu Phạm Huy Thông
Tác phẩm đã xuất bản : Yêu đương (thơ – 1933), Tiếng địch sông Ô (thơ – 1935), Tần Ngọc (thơ – 1937).
Năm 16 tuổi, Phạm Huy Thông đã có thơ in trên báo. Những bài thơ mang âm điệu trữ tình và bi tráng. Ông là một trong những người tiên phong của phong trào Thơ mới và có đóng góp ở thể loại kịch thơ. Vở kịch thơ Anh Nga được nhắc đến như một đóng góp cho nền kịch thơ Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng. Đặc biệt, tác phẩm Tiếng địch sông Ô vừa ra đời đã được đánh giá cao. Hoài Thanh nhận xét trong Thi nhân Việt Nam : “Hơi văn mà đến thế thực đã đến bậc phi thường. Anh hùng ca của Victo Huygô tưởng cũng chỉ thế”. Cảm hứng thơ của Phạm Huy Thông chủ yếu bắt nguồn từ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, những người có lòng yêu nước nồng nàn. Một hồn thơ bi hùng và dữ dội có khả năng tạo dựng những hình tượng hoành tráng. Sự nghiệp văn học của Phạm Huy Thông tập trung chủ yếu ở những năm đầu của tuổi thanh niên (1932 – 1937).
Với những tác phẩm đã được công bố, Phạm Huy Thông đã được ghi nhận là một trong những nhà thơ xuất sắc của những năm 30 thế kỷ XX. Từ năm 1937, Phạm Huy Thông chuyển sang nghiên cứu khoa học xã hội. Ở Iĩnh vực này ông cũng đã gặt hái được những thành tựu lớn. Phạm Huy Thông còn là dịch giả của công trình dịch tập truyện Nguyễn Ái Quốc từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Hơn 50 năm hoạt động khoa học, Giáo sư – viện sĩ Phạm Huy Thông ít có điều kiện trở lại với thơ, nhưng suốt đời ông vẫn mang một nỗi nhớ tiếc, như lời tâm sự của ông trong buổi gặp mặt các nhà thơ tiền chiến : “Tôi không tiếc đã phải hy sinh, dù là hy sinh thơ để đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc… Nhưng tôi không nguôi nhớ thơ, luyến tiếc một sự nghiệp thơ còn dang dở”.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác