Tiểu sử nhà thơ, nhà viết sử Phan Thanh Giản
(1796 – 1867)
Nhà thơ, nhà viết sử Phan Thanh Giản, tự Tĩnh Bá và Đạm Như, hiệu Lương Khê và Ước Phu, biệt hiệu Mai Xuyên. Quê gốc : làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông sớm mồ côi mẹ, nhà lại nghèo. nuôi chí lập nghiệp bằng con đường khoa cử và đã thành đạt. Năm 1825, dự thi Hương, ông đậu Cử nhân. Năm sau ra kinh đô Huế dự thi Hội và thi Đình, ông trúng Tiến sĩ. Ông là người khai khoa Tiến sĩ cho sĩ tử Lục tỉnh Nam Kỳ. Hơn 40 năm bôn ba trên chốn hoạn trường, ông cũng đã từng nếm trải vinh nhục của những bước thăng trầm như hầu hết quan lại dưới triều Nguyễn. Làm quan trải qua ba triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, lúc quan trong, khi quan ngoài, ông là vị đại thần mẫn cán, cương trực và liêm khiết. Tại triều, ông từng sung Cơ mật viện, Tổng tài Quốc sử quán, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư bộ Hình, bộ Hộ. Đã mấy lần ông được cử làm Chánh sứ cầm đầu sứ bộ sang Bắc Kinh, vượt biển đến Nam Dương, Tân Gia Ba và đến tận Paris (Ba Lê) kinh đô nước Pháp. Lúc tình thế nguy cấp ông lại nhận Kinh lược sứ đại thần lo thu xếp việc ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Cả cuộc đời làm quan của Phan Thanh Giản, nhất là những năm cuối đời, ông và triều đình Huế, đứng đầu là vua Tự Đức, đã sai lầm khi giữ thuyết “nghị hòa” với thực dân Pháp. Trước sức ép, ngày càng mạnh, Triều đình lui từng bước và cuối cùng đầu hàng giặc, nước ta trở thành thuộc địa Pháp. Năm 1863,ông sang Pháp thương thuyết để xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ nhưng không thành, ông cảm thấy bị quan lo cho thế yếu của mình. Năm 1867, khi làm quan Kinh lược sứ, ông không có cách gì chống giặc khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ nên phải đem đất dâng cho chúng. Sau đó ông nhịn ăn và uống thuốc độc tự tử. Triều đình truy tội, cho đục tên ông ở bia Tiến sĩ (tại Huế), cũng chỉ là hành động bi kịch muộn màng phải trả giá cho chủ thuyết “nghị hòa”. Tất nhiên ông bị lên án gay gắt, câu kết tội “Phan, Lâm mãi quốc…”, nhưng phần nào sĩ phu và nhân dân Lục tỉnh cũng ít nhiều hiểu và thông cảm với ông. Phan Thanh Giản cũng có lòng thương dân, muốn cho đất tổ toàn vẹn mà không phải đổ máu. Ông không phải là hạng bán nước cầu vinh. Văn điếu ông của nhà yêu nước nổi tiếng Nguyễn Đình Chiểu đã nói lên được điều đó. Sau này, hai con trai ông Phan Tôn và Phan Liêm liều mình đánh bọn xâm lược Pháp, làm khác cha và khẳng định lòng yêu nước của dòng họ Phan thời đó.
Tác phẩm của nhà thơ, nhà viết sử Phan Thanh Giản
Là nhà sử học, với cương vị Tổng tài Quốc sử quán, ông đã góp phần rất đáng kể vào việc biên soạn bộ chính sử lớn Việt sử thông giám cương mục và các bộ Đại Nam thực lục, Minh Mệnh chính yếu… l
Là nhà thơ, ông làm thơ rất sớm, những ngày cuối của đời mình, ông còn viết bài Tuyệt cốc. Thơ ông gồm có các tập : Dư kinh, tập thơ đầu tay, Toái cẩm, tập thơ phúng viếng bạn, Xứ Thanh thi tập (1832), Tây phù nhật ký hay Sứ trình nhật ký (1863) sáng tác nhân chuyến đi sứ sang nước Pháp. Các di sản trên sau này được tập hợp lại thành hai bộ sách là : Lương Khê thi thảo (thơ) gồm 18 quyển và một quyển “bổ di” gồm 474 bài thơ. Lương Khê văn thảo (văn) gồm 3 quyển và một quyển “bổ di” gồm 103 bài tấu, Sớ, biểu, luận, thuyết… phần lớn bài mang tính chất hành chính.
Ông làm thơ tự sự, ngụ tình, tả cảnh, vịnh người, vịnh vật, phản ánh khá đa diện cuộc đời từng trải và con người nhà nho trung hậu, có hoài bão trí quân trạch dân, đồng thời cũng có những vần thơ trăn trở, đau buồn khi bị giáng chức hay khi thất bại. Thơ chữ Hán của ông chiếm tỷ lệ cao, thơ Nôm còn lại không nhiều nhưng là những bài thơ lưu loát, chải chuốt, lời thơ giản dị, trong sáng, gợi cảm như bài Ký nội (Giã vợ đi làm quan) khá nổi tiếng.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác