Tiểu sử nhà thơ Phạm Nguyễn Du
(1739 – 1786)
Nhà thơ Phạm Nguyễn Du nguyên tên là Vĩ Khiêm, tự Hiếu Đức, hiệu Thạch Động, Dưỡng Hiên. Quê gốc làng Đặng Điền, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông đậu Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi (1779) dưới triều Lê Cảnh Hưng. Bảy năm làm quan dưới thời Lê – Trịnh, ông đã kinh qua các chức : Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, Đốc đồng Nghệ An. Nhân Đàng Trong rối loạn, quân chúa Trịnh vượt sông Gianh vào chiếm cứ Thuận An, thủ phủ của chúa Nguyễn, Phạm Nguyễn Du được phái vào kinh lý cùng Phạm Ngô Câu tiếp quản Thuận An. Ít lâu sau ông nhậm chức Đốc đồng Nghệ An. Vào năm 1786, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ ra Thăng Long, đến đâu đánh thắng đó. Quan quân của triều đình ở Nghệ An tan rã. Phạm Nguyễn Du đành trốn lên miền sơn cước, rồi mất tại đó. Ông là anh rể của Nguyễn Hữu Chỉnh, cũng người Chân Phúc (Nghi Lộc). Tuy vậy, Nguyễn Hữu Chỉnh là chính khách cơ hội, còn Vĩ Khiêm tuyệt đối tôn phò chính thống.
Tác phẩm nhà thơ Phạm Nguyễn Du
Về sáng tác, ông để lại : Đoạn trường lục, Nam hành ký đắc lục, Độc sử si tưởng, Thạch Động thi văn sao.
Độc sử si tưởng là một cuốn vịnh sử Trung Quốc gồm 169 bài, viết về 150 nhân vật như vua chúa, văn thần, võ tướng… thuộc nhiều triều đại trong lịch sử Trung Quốc nhưng ông mới viết được từ đời Bàn Cổ đến đời Đường thì dừng lại. Thơ vịnh mang tính bình luận của tập này không có mấy đặc sắc,thường khen chê theo quan điểm nho gia chính thống.
Nam hành ký đắc lục có nhiều đặc sắc hơn. Trong sách, ngoài tác phẩm của mình, Phạm Nguyễn Du còn dành một phần ghi lại, sau khi đã sưu tập được thơ văn của nhiều tác giả Đàng Trong ít được biết tới như Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Hồ Tôn Diên, Mạc Thiên Tích, Phạm Loan Ánh, Nguyễn Dưỡng Hạo, Trần Thụy v.v… Ông đã lưu giữ được ít nhiều di sản quý của các cây bút kể trên. Phần sáng tác của ông xoay quanh thực trạng bi đát của xã hội do chúa Nguyễn thống trị. Nhà thơ Vĩ Khiêm nêu lên hai cảnh đối lập : một bên là cuộc sống xa hoa, trụy lạc chồng chất tội ác của chúa Nguyễn và bọn quần thần ; một bên là cuộc đời đói khổ, cơ cực, xiêu cư bạt quán của quảng đại quần chúng nhân dân. Các bài Kiến Nguyễn thị di cung (thơ), Nguyễn thị di cung (phú) tố cáo tội ác vét sạch mỡ xương của dân để dựng lên đài tạ lộng lẫy. Trong nhiều bài khác như Đồ gian ngầu ký (Ngẫu nhiên ghi lại cảnh đi đường), Đư vã cảm tác (Cảm cảnh mưa dâm), Điếu ngạ tử (Viếng người chết đói), Cảm dân cư tán lạc I và II (Cảm cảnh dân cư tân lạc) nêu lên thực trạng vô cùng đen tối của người dân.
Đặc biệt, khi phải nói tới thảm cảnh “quái gở” ghê rợn : vì đói mà mẹ con phải ăn thịt lẫn nhau, vượt lên nỗi xúc động bình thường, lòng nhà thơ quặn đau, vì cuộc đời oan nghiệt đến thế. Trong Văn cùng dân mẫu tử tương thực hữu cảm (Cảm vì nghe chuyện dân đói mẹ con ăn thịt nhau) có đoạn viết : “Con người vượt hẳn mọi loài, ấy tình mẫu tử, tuyệt vời tình thương ! Bước đường cũng hết đạo thường, chuyện nghe quái gở đoạn trường đòi phen”.
Những vần thơ hiện thực, sắc sảo như vậy quả là hiếm có trong thơ ca truyền thống. Có điều là, vì làm tôi trung của Lê – Trịnh nên Ví Khiêm không nhìn ra cái hiện thực không kém phần bị đát ở Đàng Ngoài.
Trong văn nghiệp của mình, có lẽ Đoạn trường lục là tiếng nói độc đáo của trái tim nhà thơ. Đây là tiếng khóc vợ đầy cảm xúc bị ai. Xưa nay cũng có nhiều bài khóc người bạn đời đột ngột ra đi, nhưng dành cả một tác phẩm như ông và như danh sĩ Ngô Thì Sĩ thì quả là hiếm có. Đoạn trường lực như là một tập thơ “nhật ký” viết về cái chết của người vợ muôn vàn yêu quý tại quê nhà, kể từ lúc lâm chung, lúc đưa linh cữu nàng xuống thuyền về cố quận cho đến lúc trở lại kinh đô…, lời lẽ trong tập thơ chân thành, thống thiết như đứt từng khúc ruột. Dù vốn dày đặn với bản lĩnh “khắc kỷ” của nho gia, tiếng khóc vợ lâm ly não nuột của Phạm Nguyễn Du đã ghi nhận sự xâm nhập mạnh mẽ của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa đương thời vào tầng lớp kẻ sĩ vốn hay vâng theo giáo điều chính thống.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác