Tư liệu nhà thơ Phạm Thái
(1777- 1813)
Nhà thơ Phạm Thái còn có tên là Phạm Phượng Sinh, tự Đan Phượng, hiệu Chiêu Lỳ, đạo hiệu Phổ Chiêu thiền sư. Quê gốc : thôn Yên Thị, xã Yên Thường, tổng Xuân Dục, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Cha là Thạch Trung hầu Phạm Đạt, một võ tướng triều Lê – Trịnh, từng tụ họp quân sĩ chống Tây Sơn nhưng cuối cùng bị thất bại.
Phạm Thái lớn lên cũng theo chí cha phò Lê, nên bị truy nã và phải lánh ẩn ở nhiều nơi. Ông từng làm một bài Quản yếu dâng cho Nguyễn Đoàn – một người cũng tự binh chống Tây Sơn, nhưng bài đó không được để ý tới. Thất chí, Phạm Thái bỏ đi tu, lấy đạo hiệu là Phổ Chiêu, thường qua lại chùa núi Tiêu Sơn (Kinh Bắc) và theo Lại Ngọc Cang thì có nhiều khả năng ông trụ trì ở Kim Sơn (Ninh Bình). Ông có người bạn là Trương Đăng Thụ, tước Thanh Xuyên hầu, Tây Sơn vẫn cho làm Trấn thủ Lạng Sơn. Hai người có gặp gỡ và ngầm bàn bạc việc phò Lê. Nhưng rồi Trương Đăng Thụ mất, Phạm Thái về viếng bạn ở làng Thanh Nê, huyện Kiến Xương, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Ở đó, ông quen em gái bạn là Trương Quỳnh Như. Hai bên xướng họa và yêu nhau, nhưng. tình duyên không thành. Lý do theo nhà văn Ngô Tất Tố thì Quỳnh Như bị một võ quan ép lấy làm lẽ, còn nhà nghiên cứu Lê Dư lại cho là bà mẹ của Quỳnh Như tham của, ép nàng lấy một người nhà giàu tên là Trịnh Nhị. Vì lẽ đó, Quỳnh Như đã tự tử, còn Phạm Thái thì đau đớn mà bỏ đi.
Tác phẩm của nhà thơ Phạm Thái
Khoảng 1801, sau khi bài Trưng Táy hồ phú của Nguyễn Huy Lượng ra đời, Phạm Thái viết Chiến tụng Tây hồ phú để đả lại. Ông còn sáng tác 7 bài thơ Nôm luật Đường, 2 bài song thất lục bát, 1 bài lục bát, 4 bài văn, l bài văn tế, một số thơ xướng họa với Quỳnh Như… Thơ văn Phạm Thái in đậm cá tính tác giả, một con người tài hoa, ngang tàng, phóng túng nhưng có một tâm hồn khao khát yêu đương mãnh liệt. Khoảng 1804, ông sáng tác Sơ kính tân trang.
Sơ kính tân trang là một truyện thơ Nôm gồm 1.482 câu thơ, trong đó chủ yếu là thơ lục bát. Cốt truyện kể : nhà họ Phạm quê ở Từ Sơn, Kinh Bắc kết thân với nhà họ Trương ở Kiến Xương, Sơn Nam. Phạm công theo nghiệp văn, Trương công theo nghiệp võ, cả hai đều học hành, cử thí. và làm quan, lại ước hẹn gả con cho nhau. Của làm tin là gương vàng và lược ngọc. Về sau, Phạm công sinh con trai, đặt tên là Kim. Khi Phạm Kim lớn lên, trong nước có biến, cha chàng mưu việc phục quốc thất bại, nhà cửa tan nát. Chàng lánh đến Thúy Hoa Dương và quen với Quỳnh Thư, con- gái một ông quan họ Trương, nhưng không hề biết đó là người giữ “lược ngọc”. Hai người xướng họa, cảm mến và yêu nhau. Rồi Quỳnh Thư bị một tên Đô đốc Đàng Trong tới ép lấy hắn. Quỳnh Thư phẫn uất bèn tự vấn. Trước đó, nàng đã kịp tới chỗ Phạm Kim hẹn gặp ở kiếp sau với hai chữ “Quỳnh Nương” ở lòng bàn tay. Phạm Kim thì bỏ đi tu ở Kim Sơn.
Sau, vợ lẽ của Trương công sinh được một gái, ông nhớ lời ước với Phạm công khi xưa, bèn đặt tên là Thụy Châu. Thụy Châu lớn lên, xinh đẹp, tính lại thích cải trang làm đạo sĩ đi ngao du. Chính vì thế, Thụy Châu gặp được Phạm Kim. Phạm Kim đến xin làm gia sư ở nhà Trương công, lại nhận ra “đạo sĩ” Thụy Châu, lấy “gương vàng, lược ngọc” ra sao thì đúng như lời hẹn của hai nhà. Trương công cho Hai người lấy nhau, nhưng Phạm Kim vẫn tưởng nhớ Quỳnh Thư. Chỉ đến khi xem tay Thụy Châu, nhận ra hai chữ “Quỳnh Nương”thì Phạm Kim mới tin đấy chính là hậu thân của Quỳnh Thư.
Sơ kính tân trang là một tác phẩm có nhiều giá trị độc đáo. Xem qua cốt truyện, cũng thấy ngay rằng đây là một tác phẩm có nhiều yếu tố tự thuật. Tác giả đã lấy chuyện của chính cuộc đời mình để viết nên tác phẩm. Do vậy, Sơ kính tân trang là một trong số rất ít truyện Nôm hoàn toàn là sáng tạo của tác giả chứ không vay mượn từ bất cứ nguồn cốt truyện nào. Thêm nữa, cấu trúc tác phẩm khá tùy hứng, lỏng lẻo, không nhất thiết phải theo lôgíc suy diễn. Các đoạn thơ luật, ca từ… xen kế khá nhiều trong tác phẩm có lẽ cũng là một chủ ý nghệ thuật của tác giả. Các đoạn tả cảnh, tả người với một sắc thái ngôn từ mới lạ cũng ít thấy ở các tác phẩm văn học cùng thời.
Sơ kính tân trang ẩn chứa một lời nhắn gửi rằng : hôn nhân (do cha mẹ sắp đặt, định ước) chỉ trở nên thật sự tốt đẹp khi trước đó người con trai và người con gái có điều kiện để tự tìm đến nhau và yêu nhau.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác