Tiểu sử nhà thơ Quách Tấn
Nhà thơ Quách Tấn tự là Đăng Hảo, hiệu Trường Xuân. Quê gốc: thôn Trường Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Quách lần học chữ Hán từ nhỏ, samới học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Năm 1929, sau khi đậu bằng Cao đẳng tiểu học, ông lần lượt làm việc tại tòa sứ Huế, Đồng Nai rồi Nha Trang. Quách Tấn chính thức bước vào làng thơ từ năm 1932 với nhiều bài thơ Đường luật. Trong kháng chiến chống Pháp, Quách Tấn cùng gia đình tản cư về Bình Định.Ông làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến huyện Bình Khê rồi dạy học ở các trường THPT An Nhơn, Bình Sơn trong huyện.
Từ sau năm 1954, Quách Tấn ở lại Nha Trang (vùng thuộc quyền kiểm soát của Mỹ – ngụy). Ông làm công chức khoảng 20 năm, rồi về hưu từ 1965. Cũng từ đây, Quách Tấn dành nhiều thời gian cho hoạt động sáng tác văn học, dịch thuật, biên soạn.
Tác phẩm của nhà thơ Quách Tấn
Tập thơ đầu tay của Quách Tấn mang tên Một tấm lòng xuất bản năm 1939, chủ yếu tập hợp các bài thơ đã in trên các báo trong khoảng 6, 7 năm trước đó. Năm 1941, Quách Tấn xuất bản tiếp Mùa cổ điển – tập thơ được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác văn học của ông. Thời gian sau kháng chiến chống Pháp và sau khi về hưu, ông cho xuất bản nhiều tập thơ như Đọng bóng chiều (1965), Mộng Ngân Sơn (1966), Giọt trăng (1973), Giàn hoa lý (1979)… Ngoài sáng tác thơ, Quách Tấn còn viết truyện ký về các bạn bè văn nghệ sĩ gần gũi với mình, như Đôi nét về Hàn Mặc Tử, Đời Bích Khê … Ông còn viết nhiều cuốn địa phương -chí ca ngợi danh lam thắng cảnh của các miền đất nước như Cảnh cũ còn đây, Nước non Bình Định (1968), Xứ Trầm Hương (1969).
Sáng tác giữa những năm tháng phong trào Thơ mới phát triển rầm rộ, thế giới thơ Quách Tấn dường như vẫn chịu rất ít vang động của xu hướng thơ ca này mà chịu ảnh hưởng lớn của thơ ca thi sĩ Tản Đà. Từ Một tấm lòng đến Mùa cổ điển, Quách Tấn cứ trọn vẹn thủy chung với thể thơ Đường luật. Quách Tấn đã tạo nên một thế giới thơ riêng, một vùng trời thơ tĩnh lặng và huyền diệu. Một thế giới xa cách với những xôn xao, náo động của cuộc đời thực tại. Ở đây, mọi vật đều mờ mờ và đẫm một thứ hương mầu nhiệm. Thế giới thơ này cũng thường mang nỗi sầu thương, nhớ nhung xa vắng.
Bên trong cái thế giới thơ có vẻ “cũ”, bên trong Mùa cổ điển được tạo nên bằng một ngòi bút điêu luyện, điều thú vị là ta vẫn có thể nhận ra một điệu tâm hồn, lối rung cảm có những nét mới của thời đại. Ấy là niềm suy tư và nỗi buồn bâng khuâng, là mối sầu nhớ mông lung và tâm trạng bơ vơ của một cái tôi cô đơn.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác