Trang thơ Tế Hanh - Trần Tế Hanh (196 bài thơ, 157 bài dịch)

Giới thiệu nhà thơ Tế Hanh

Trang thơ Tế Hanh - Trần Tế Hanh (196 bài thơ, 157 bài dịch)

Tiểu sử nhà thơ Tế Hanh

Nhà thơ Tế Hanh, sinh ngày 20. 6. 1921, tên thật là Trần Tế Hanh. Quê gốc : xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1957). Thuở nhỏ, học ở trường làng, trường huyện, đến năm 15 tuổi, ông ra Huế học trung học. Vốn ham thích thơ, chịu ảnh hưởng của cha từ nhỏ, khi ở Huế lại được gặp gỡ các nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới, ông bắt đầu làm thơ. Năm 1939, ông nhận Giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn cho tập thơ Nghẹn ngào. Tham gia Cách mạng tháng Tám – 1945, Tế Hanh trải qua các công tác văn hóa, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng. Năm 1948, ông ở trong Ban phụ trách Liên đoàn văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Ủy viên thường vụ Chi hội văn nghệ TƯ. Năm 1954, tập kết ra miền Bắc, ông công tác tại Hội văn nghệ. Năm 1957, khi thành lập Hội nhà văn Việt Nam, Tế Hanh là Ủy viên thường vụ Hội khóa I, II . Năm 1963, ông là Ủy viên thường vụ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông tham gia nhiều khóa BCH Hội nhà văn Việt Nam, giữ các chức vụ : Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986). Tế Hanh đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Phạm Văn Đồng của Hội văn nghệ Liên khu V tặng cho tập thơ Nhân dân một lòng năm 1954, Giải thưởng Hồ Chí Minh của Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, 1996.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Nguyễn Văn Bổng

Tác phẩm của nhà thơ Tế Hanh

       Tác phẩm đã xuất bản : Hoa niên (thơ – 1945), Hoa mùa thi (thơ – 1948), Nhân dân một lòng (thơ – 1953), Lòng miền Nam (thơ – 1956), Gửi miền Bắc (thơ – 1958), Tiếng sóng (thơ -1960), Bài thơ tháng bảy (thơ – 1961), Hai nửa yêu thương (thơ – 1963), Khúc ca mới (thơ – 1966), Đi suốt bài ca (thơ – 1970), Câu chuyện quê hương (thơ – 1973), Theo nhịp tháng ngày (thơ – 1974), Giữa những ngày xuân (thơ – 1977), Con đường và dòng sông (thơ – 1980), Bài ca sự sống (thơ – 1985), Tế Hanh tuyển tập (thơ – 1987), Thơ Tế Hanh (thơ – 1989), Vườn xuân (thơ – 1992), Giữa anh và em (thơ – 1992), Em chờ anh (thơ – 1994), Tuyển tập thơ Tế Hanh (thơ – 1997). Ngoài ra, Tế Hanh còn xuất bản các tập tiểu luận và nhiều tập thơ viết cho thiếu nhi. Ông cũng đã dịch nhiều tập thơ của các nhà thơ lớn trên thế giới.

     Khi Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử đã lừng lẫy trên thi đàn Thơ mới thì Tế Hanh mới bắt đầu nhập cuộc. Tế Hanh đã đưa vào thơ mình những tình cảm chân thành, rụt rè, đầy thi vị và khá quyến rũ của một chàng trai mới lớn được gợi lên từ cuộc sống hàng ngày, từ những nếp sinh hoạt bình dị của dân cư và cảnh sắc thiên nhiên của một vùng sông nước quê hương mình (Quê hương, Lời con đường quê, Vu vơ, Ao ước). Tình yêu cũng là một nội dung của thơ Tế Hanh nhưng tình yêu trong thơ ông. lúc này là thứ tình yêu mới nhen trong tâm hồn chàng trai ở tuổi học trò, nó thường đượm buồn vì chỉ là mối tình đơn phương, mang ít nhiều mộng mơ và tiếc nuối. Cách mạng tháng Tám thành công, Tế Hanh bước vào những chặng đường thơ cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông viết những bài thơ phục vụ yêu cầu trước mắt của cách mạng, chưa có những sáng tác hay. Chỉ – từ khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc (1954) về sau, Tế Hanh mới thật sự lấy lại phong độ, bộc lộ bản sắc thi sĩ trong tác phẩm của ông. Tình yêu quê hương và tình yêu đôi lứa vẫn là cảm hứng xuyên suốt cả đời thơ Tế Hanh. Là người sinh ra và lớn lên ở miền Nam, sống trên đất Bắc, tình cảm dồn nén trong thơ Tế Hanh suốt cả một thời gian dài là khát vọng đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiều bài thơ hay của Tế Hanh được viết về đề tài này : Nhớ con sông quê hương, Chiêm bao, Em ở đâu, Gửi miền Bắc, Mặt quê hương, Điệu quê lương, Em chờ anh... Trong thế giới nghệ thuật của nhà thơ Tế Hanh, người ta nhận thấy hình ảnh dòng sông, con đường, mảnh vườn, bà mẹ, người yêu thường trở đi trở lại như những biểu tượng ám ảnh (Khúc ca mới, Đi suốt bài ca, Theo nhịp tháng ngày, Con đường và dòng sông, Bài ca sự sống). Thơ Tế Hanh với những cảm xúc nội tâm chân thành, tính tế dễ đi vào lòng người, được nhiều thế hệ độc giả mến mộ và thuộc (Nhớ con sông quê hương, Bài thơ tình Hàng Châu, Chiêm bao…).Tế Hanh còn là dịch giả của nhiều nhà thơ danh tiếng thế giới như : Hikmet, Ritsos, Aragon, Eluard. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Mậu Áng (1664 - 1717)

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top