Trang thơ Thanh Thảo - Hồ Thành Công (82 bài thơ, 7 bài dịch)

Giới thiệu nhà thơ Thanh Thảo

Trang thơ Thanh Thảo - Hồ Thành Công (82 bài thơ, 7 bài dịch)

Tiểu sử nhà thơ Thanh Thảo

       Nhà thơ Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công. Quê gốc: xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Thanh Thảo vào công tác ở chiến trường miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Sau 1975, ông chuyên hoạt động văn học nghệ thuật. Hiện là Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi.

Tác phẩm nhà thơ Thanh Thảo

       Tác phẩm : Những người đi tới biển (trường ca – 1977), Dấu chân qua trảng cỏ (tập thơ – 1979), Những ngọn sóng mặt trời (trường ca – 1982), Khối vuông Rubic (tập thơ – 1985), Tàu sắp vào ga (tập thơ – 1986), Bạch đàn gửi Bạch dương (tập thơ – 1987), Bến cá chiều thu (tập thơ, in chung – 1988), Từ một đến trăm (thơ – 1988), Ngón thứ sáu của bàn tay (tiểu luận phê bình – 1995), Trẻ con ở Sơn Mỹ (trường ca – 1997). Ngoài ra, Thanh Thảo còn dịch thơ Boris Pastemak.

        Xuất hiện vào cuối phong trào thơ chống Mỹ, với trường ca Những người đi tới biển và tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ (từng được Giải thưởng thơ Hội nhà văn Việt Nam 1979), thơ Thanh Thảo vừa có sự tiếp nối chắc chắn, khỏe và tươi trẻ của thơ trẻ chống Mỹ, vừa góp phần làm phong phú thêm dòng thơ này nhờ những chất liệu thẩm mỹ mới và một giọng điệu mới. Cũng khai thác hiện thực chiến tranh, hướng tới khắc họa chân dung người lính, nhưng thơ ông không dừng ở sự quan sát, miêu tả, mà đi vào khám phá thế giới tỉnh thần của một thế hệ trẻ “xoay trần đánh giặc”. Bằng giọng điệu thông minh, sắc sảo, trầm tĩnh, sự suy cảm sâu sắc, hình tượng thơ khái quát, giàu chất suy tư, thơ Thanh Thảo không chỉ là sự bày tỏ, mà còn có sức khơi gợi. Đó thực sự là tiếng nói tâm đắc, sâu xa về những vấn đề của cuộc sống, của thế hệ ông và thời cuộc. Thanh Thảo dùng nhiều thể thơ một cách linh hoạt, câu thơ phóng khoáng, có sức biểu đạt những cảm xúc đa diện, mạnh mẽ. Những đặc điểm ấy ngày càng sâu đậm và ổn định thành nét riêng trong thơ Thanh Thảo ở những tập thơ sau đó : Khối vuông Rubic, Từ một đến trăm…

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Hà Tông Quyền

       Thanh Thảo viết nhiều trường ca, và đó là thể loại chính ghi nhận những thành công, đóng góp đáng quý của thơ ông. Sau trường ca Những người đi tới biển, Thanh Thảo cho xuất bản tiếp các trường ca : Những nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bùng nổ của mùa xuân, Trể con ở Sơn Mỹ. Với những tập trường ca này, Thanh Thảo trở về lý giải cội nguồn sâu xa làm nên chiến thắng của dân tộc. Trường ca cũng là nơi thể hiện đậm nét dấu ấn cá tính sáng tạo của ngòi bút Thanh Thảo : ý tứ sâu xa, giọng thơ trầm, giàu suy tư với những liên tưởng độc đáo, bất ngờ mang chiều sâu khái quát. Những năm gần đây, ngoài sáng tác thơ, Thanh Thảo còn hướng sự chú ý tới sáng tác của bạn bè, đồng nghiệp. Độ lượng và trân trọng, mỗi tiểu luận của Thanh Thảo trong tập Ngón thứ sáu của bàn tay là một phát hiện tâm đắc về những nét đáng quý riêng của bạn hữu đồng nghiệp và thêm một đóng góp của ông vào đời sống văn học đương thời.

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top