Tiểu sử nhà thơ, thiền sư Mai Trực
(999 – 1099)
Nhà thơ, thiền sư Mai Trực, đời Lý, đạo hiệu Viên Chiếu. Ông sinh năm Kỷ Hợi (999), mất ngày 26 tháng Chạp, năm Canh Ngọ, niên hiệu Quảng Hựu thứ sáu (18.1.1099) ; Quê gốc : đất Phúc Đường, huyện Long Đàm (nay thuộc địa phận huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Ông là con người anh hoàng hậu Linh Cảm, vợ vua Lý Thái Tông (1000 – 1054). Lúc nhỏ, ông thông minh mẫn tuệ, hiếu học, thụ nghiệp với trưởng lão Định Không (2 – 1050) ở núi Ba Tiêu. Sư thông thạo kinh Viên giác, pháp Tam quán và trở thành người đứng đầu thế hệ thứ bảy dòng thiền Quan Bích.
Tác phẩm của nhà thơ, thiền sư Mai Trực
Tác phẩm chủ yếu có Dược sư thập nhị nguyện văn, Tán viên giác kinh, Thập nhị Bồ tát hành tu chứng đạo tràng, Tham đồ hiển quyết…, song đều đã thất truyền. Riêng sách Tham đồ hiển quyết có lẽ đã được trích tuyển phần lớn trong sách Thiền uyển tập anh. Hình thức gồm những câu hỏi của đệ tử và câu trả lời của Viên Chiếu. Điều khác biệt là các câu trả lời được hiểu như những “công án”, những cách nói ngẫu nhiên, đột ngột nhằm khơi gợi trực giác của môn đệ, thậm chí có lúc sư thầy trả lời bằng cách hỏi ngược lại học trò. Tổng cộng có 26 đôi câu ngũ ngôn, 53 đôi câu thất ngôn, có l đôi câu sáu chữ và 1 đôi câu chín chữ. Nội dung hướng về các vấn để thiền học như các quan hệ “thể” và “dụng”, “hữu” và “vô”, “lý” và “hình”, “sự nói” và “sự hiểu” v.v… Các câu trả lời dường như đều lệch pha, không ăn nhập gì với câu hỏi. Tuy nhiên, cả người hỏi và người trả lời đều triệt để vận dụng các hình ảnh, hình tượng thiên nhiên (hoa cúc, chim oanh, ngọn gió, dòng nước…), các liên tưởng gần cận với thuật ngữ, điển cố nhà Phật (đáo ngạn sang bờ, hồi đầu – quay đầu, ưng vô vấn – không nên hỏi, rồi những Như Lai, Tào Khê, luân hồi, kiếp, pháp, tâm…) in đậm cảm quan Phật giáo. Đáng chú ý là những câu thơ tả cảnh sinh động, gần với đời sống tự nhiên, có thể coi là những áng thơ đẹp.
Mai Trực còn để lại một bài kệ trước lúc mất theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Bài kệ là một chứng dẫn sâu sắc cho định hướng thuyết giáo, tuyên truyền giáo lý nhà Phật vốn rất phổ biến ở loại hình văn học tôn giáo. Trước khi đọc bài kệ, thiền sư Mai Trực đã có lời thuyết giảng về mối quan hệ giữa hai phạm trù sắc – không của nhà Phật và sử dụng các hình ảnh tượng trưng như vương thịt, gân cốt, khung nhà, ru mè rơi rụng… thì lời thơ cũng nâng cấp và chuyển hóa thành rường vách, lòng không, sắc tướng, ẩn hiện… Đây là hiện tượng nằm trong quy luật chung của loại văn học thuyết xướng tôn giáo, trong đó có sự phối hợp giữa văn xuôi và thơ ca – phần văn xuôi có chức năng thể hiện chất liệu tự sự, còn thơ ca để nâng các chất liệu này lên hình thức, tỉnh luyện, dễ nhớ và dễ lưu truyền.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác