Tiểu sử nhà thơ Tố Hữu
Nhà thơ Tố Hữu sinh ngày 4.10.1920 tại Hà Nội, tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành. Quê gốc: làng Phù Lai, nay thuộc thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sinh ra trong một gia đình nhà nho, từ lúc 6, 7 tuổi ông đã được ông thân sinh dạy làm thơ. Tốt nghiệp bậc học thành chung, ông tham gia cách mạng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Tháng 4 năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt, giam giữ ở nhiều nhà lao các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 3 năm I942, ông vượt ngục Đaklay, tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng Tám 1945, ông là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế. Năm 1948, ông tham gia BCH Hội văn nghệ Việt Nam. Từ 1951 ông đã từng giữ các chức vụ : Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên chính thức TƯ Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ.
Tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu
Tố Hữu đã được nhận giải Nhất của Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955 (tập thơ Việt Bắc), Giải thưởng văn học Asean (1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật (đợt I-1996).
Tác phẩm đã xuất bản : Từ ấy (thơ – 1946), Việt Bắc (thơ – 1954), Gió lộng (thơ – 1961), Ra trận (thơ – 1972), Máu – và hoa (thơ – 1977), Xây dựng một nền nghệ thuật lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận – 1973), Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận – 1981), Một tiếng đờn (thơ – 1992).
Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng. Thơ ông là sự phản ánh đầy đủ, chân thực và sâu sắc từng chặng đường lịch sử quan trọng của đất nước. Đối với ông, thơ và cách mạng là một. Ông làm thơ để phục vụ cách mạng, và tìm thấy ở cách mạng nguồn cảm hứng và chất liệu của thơ ca.
Từ ấy là tập thơ đầu, cũng fã những cảm xúc đầu tiên của một hồn thơ trẻ trung lần đầu đến với cách mạng. Trong thơ, ông bộc lộ sự đồng cảm sâu sắc với quần chúng nghèo khổ (những em nhỏ mồ côi, những cô gái giang hồ, lão đầy tớ, chị vú em…), chỉ ra những bất công và những áp bức giai cấp trong xã hội cũ, qua đó góp phần thức tỉnh và kêu gọi mọi người đứng lên hành động. Sức hấp dẫn của Từ ấy chính là sức hấp dẫn của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, của nhân sinh quan cộng sản. Có thể nói, Từ ấy là tiếng hát yêu thương đối với những kiếp người nghèo khổ, là bài ca chiến đấu và chiến thắng của một thanh niên say sưa với lý tưởng cách mạng.
Nhưng trong Từ ấy “không phải chỉ có yêu thương, có dịu dàng và nhỏ nhẹ. Tiếng hát của Tố Hữu còn là tiếng hát phấn đấu” (Hoài Thanh). Ông đã ghi lại quá trình chuyển biến về tư tưởng để đến với cách mạng, đến với lý tưởng cộng sản của mình (Từ ấy, Tranh đấu…). Sự gắn bó với Đảng, với quần chúng giúp Tố Hữu có đủ nghị lực và sức mạnh để đứng vững qua những thử thách ác liệt của đấu tranh cách mạng. Xuyên suốt tập thơ Từ ấy còn là tiếng hát chiến thắng của một người thanh niên đã chiến thắng chính mình và chiến thắng kẻ thù.
Tiếp nối Từ ấy, Việt Bắc ghi dấu bước phát triển mới của lịch sử đấu tranh để giải phóng dân tộc. Đó là tập thơ tiêu biểu nhất của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc mang đậm âm hưởng của chủ nghĩa yêu nước anh hùng, nó phản ánh khí thế đi lên và bước phát triển thắng lợi của cuộc kháng chiến từ những ngày đầu gian khổ đến khi kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch SỬ. Với Việt Bắc, “nhà thơ của thời đại” đã giương cao lá cờ chiến đấu của thơ. Tập thơ tập hợp mười năm thơ cách mạng, trong đó ghi dấu từng chặng đường lịch sử mà đất nước đã trải qua. Cuộc kháng chiến bùng nổ, bài thơ xuất sắc đầu tiên trong giai đoạn này là bài Cá nước. Bài thơ đã trở thành điển hình cho một tình cảm mới của thời đại, đó là tình quân dân. Bài Phá đường cũng là một trong những bài gây nhiều ấn tượng và khá phổ biến trong công chúng. Hình ảnh bà mẹ Việt Bắc trong Bà mẹ Việt Bắc là một hình ảnh khá xúc động bởi sự tận tụy hy sinh của mẹ đối với những đứa con bộ đội thương yêu của mình. Ngoài ra Lượm, Em bé Triều Tiên cũng là những bài được Tố Hữu dành nhiều tình cảm thương mến. Nhưng hay nhất trong tập Việt Bắc vẫn là 7œ đi tới và Việt Bắc. Ta đi tới phản ánh khí thế vươn lên mạnh mẽ của cả dân tộc trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Hồn thơ, mạch thơ thực sự có sức hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Việt Bắc được coi là đỉnh thơ cao nhất của Tố Hữu, bởi vì trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa “hồn thơ” và “nghề thơ “của ông. Việt Bắc đã khái quát khung cảnh Việt Bắc trong một thời gian dài với bao biến động được thể hiện một cách sinh động qua con người và vùng đất ở đây. Bài thơ bộc lộ sự xúc cảm mạnh mẽ và sâu sắc của Tố Hữu đối với khu căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến.
Khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tố Hữu có ngay tập thơ Gió lộng. Với cảm hứng lãng mạn sôi nổi, tập thơ đã bày tỏ niềm vui bất tận của nhân dân trong không khí dựng xây cuộc sống mới. Niềm vui chiến thắng hòa quyện với niềm vui xây dựng, đó là âm hưởng chính của tập thơ. Chưa bao giờ tiếng ca vui của nhà thơ lại đạt đến đỉnh cao như Bài ca mùa xuân 1961. Bài thơ thể hiện không khí sôi động của đất nước trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa, nhưng vẫn không quên những khó khăn của một nước nông nghiệp lạc hậu, đòi hỏi mọi người phải đoàn kết để xây dựng đất nước. Niềm vui mới với cuộc sống đổi thay ở miền Bắc không làm nhà thơ nguôi ngoai nỗi nhớ vẻ miền Nam. Những dòng thơ về miền Nam thấm đượm giọng căm phẫn và đau xót. Bài thơ được coi là thành công nhất trong các bài thơ về miền Nam là bài Người con gái Việt Nam, viết về nữ anh hùng Trần Thị Lý.
Ngoài ba tập thơ tiêu biểu : Từ ấy, Việt Bắc và Gió lộng, Tố Hữu còn có nhiều tập thơ khác viết về Bác Hồ và các chặng đường khác nhau của cách mạng. Ra trận là khúc ca chiến đấu hào hùng của cả dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông đã sáng tạo được nhiều bài thơ có giá trị nghệ thuật cao và mang rõ dấu ấn của lịch sử. Với Ra trận, ít nhiều Tố Hữu đã có những đổi thay về hình thức như có xu hướng tiếp cận câu văn xuôi, tăng yếu tố tự sự, suy tưởng…
Tiếp theo Ra trận là Nước non ngàn dặm, Máu và hoa, cho ta thấy sự tiếp nối nhất quán trong cảm xúc thơ cũng như chất lý tưởng cách mạng trong con người Tố Hữu. Tuy nhiên, Một tiếng đờn lại nghiêng về hướng bộc bạch tâm sự đời thường của ông và cũng vẫn là ông trong cuộc sống đời thường : “Có khổ đau nào đau khổ hơn, Trái tim tự xát muối cô đơn, Em ơi nghe đó… Trong đêm lạnh, Đằm thắm bên em, Một tiếng đờn”. Nhận xét về Một tiếng đờn, nhà nghiên cứu Phong Lê viết “Không là người lĩnh xướng trong các hợp ca, Tố Hữu đã kịp trở về tư thế của người đơn ca, có lúc độc ca. Có điều, trong đơn ca, ông vẫn là ông” (Một số gương mặt văn chương – học thuật Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục, H, 2001). Gần trọn cuộc đời gắn bó với thơ, Tố Hữu đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng vào nền thơ ca Việt Nam hiện đại trên cả hai phương diện : nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Cuộc đời thơ và nhân cách của ông là một bài học quý giá cho giới cầm bút.