Tiểu sử nhà văn Đặng Trần Phất (1902 – 1929)
Nhà văn Đặng Trần Phất, sinh năm 1902, từng học ở trường Albert Sarraut (Hà Nội) và đỗ Tú tài Tây, ra làm công chức bưu điện.
Tác phẩm của nhà văn Đặng Trần Phất
Các tác phẩm chính : Cành hoa điểm tuyết (tiểu thuyết – 1921), Cuộc tang thương (tiểu thuyết – 1923).
Việc xuất hiện của hai cuốn tiểu thuyết trên ở thập kỷ 20 của TK XX, được ghi nhận như là những cuốn sách quan trọng đánh dấu chặng đầu phát triển tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, được Thạch Lam nhắc lại trong bài viết của mình. Trong “Mấy nhời nói đầu” tiểu thuyết Cành lê điểm tuyết, Đặng Trần Phất viết: “Một xã hội hay hay dở cũng bởi về đạo đức phong tục. Phong tục dở, đạo đức nguy vong, là cái cơ một xã hội sắp đến lúc suy đổi vậy, bởi vì bao giờ lòng người còn biết theo cái lẽ đoàn thể tối yếu biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau thì thiên hậu đạo đức mới còn, phong tục mới hay, xã hội mới khỏi vong bản… Một văn sĩ Thái Tây đã có câu : “Muốn cho người ta yêu mình, không gì làm cho người ta biết cảm bụng mình”. Thế thì những truyện cảm động ai oán như Kim Vân Kiều chẳng phải là tình nhân loại tương ư ru ?… Bởi vậy ký giả, không hiềm tài sơ học thiểu, hiến độc giả chư quân tử một quyển tiểu thuyết về phong tục này, lời lẽ quê mùa, may ra có lọt được đến tai các ngài, ấy là cái may mà thôi, còn khen chê, hay hay dở, kẻ thơ sinh đâu mà dám. Tiểu thuyết này rất cảm động, những người chủ động trong truyện, trải các cảnh ngộ rất ai bi, ký giả nghĩ muốn dễ cảm hóa lòng người; không chỉ bằng cái buồn, cái thảm, cái khổ, như truyện Kim Vân Kiều trên kia đã nói, có phải dễ làm cho lòng người cảm động bao nhiêu, cái thân thể hồng nhan bạc mệnh của cô Kiều ai là người không ngậm ngùi thương tiếc” (Theo sách Khảo về tiểu thuyết, NXB Hội nhà văn, 1996, tr. 39 – 41).
Trong tiểu luận văn học Theo giòng (1941), Thạch Lam viết: “Tiểu thuyết là thể văn từ xưa tới nay được người ta yêu chuộng nhất. Ngày trước ta có rất ít tiểu thuyết, chỉ phỏng theo hay dịch của Tàu. Rồi chúng ta bắt chước viết tiểu thuyết, từ quyển Cành lê điểm tuyết của Đặng Trần Phất, đến Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, qua những tiểu thuyết dịch của Từ Trầm Á như Tuyết Hồng lệ sử và Ngọc lê hồn, đó là thời kỳ tiểu thuyết bắt đầu nảy nở trong văn chương ta”.
Ông Bùi Xuân Học, có thời làm chủ nhiệm tờ Ngọ báo đã viết Lời giới thiệu tiểu thuyết Cuộc tang thương của Đặng Trần Phất : “Việc phê bình quyển sách này xin để các nhà thi sĩ Việt Nam, cùng các báo quán công luận. Ký giả chỉ xin nói rằng Đặng quân đã khéo quan sát cái hiện tình về phương diện đạo đức xã hội, mà làm nên quyển tiểu thuyết này, thì tất cũng không phải là vô giá trị vậy… Có thể nói, xã hội ta như một cái thành có hai mặt: mặt ngoài trông cao vòi vọi mà đẹp đẽ, nhưng có ai biết đâu mặt trong đổ nát. Bề ngoài thanh lịch, nghiêm trang, nhân nghĩa đủ lối, mà bề trong thì cục cần, tối tăm… Quyển sách này thực là tả đủ các hạng người trong xã hội, câu chuyện rất ly kỳ, mà khi đọc đến có thể tưởng tượng như mình có trông thấy vậy” (Theo sách Khảo về tiểu thuyết, Sđd, 1996, tr. 42)
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác