Tiểu sử nhà văn Kim Lân
Nhà văn Kim Lân, sinh ngày 1.8.1920, có tên thật là Nguyễn Văn Tài. Quê gốc: làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kim Lân chỉ được học hết bậc tiểu học. Ông vừa làm thợ (sơn guốc, khắc tranh bình phong), vừa viết văn. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, Kim Lân lần lượt công tác cho các báo Chỉ lăng (Khu ủy Khu XII, Xông pha (Quân đội Khu XII, Dân quân Việt Bắc Từ 1948, ông chuyển về công tác ở Hội văn nghệ Việt Nam. Từ 1954, ông lần lượt công tác ở nhiều cơ quan văn nghệ TƯ, từng là Ủy viên Ban phụ trách NXB Văn học, Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ, tuần báo Văn nghệ, NXB Tác phẩm mới.
Tác phẩm của nhà văn Kim Lân
Tác phẩm đã in thành sách : Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn – 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn – 1962).
Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Trong những năm 1941 – 1944, Kim Lân viết khá đều trên những tờ Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Thế giới nghệ thuật của ông chỉ tập trung ở khung cảnh làng quê cùng với hình tượng người nông dân. Ở những tác phẩm đầu tay (Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Via v.v…) ít nhiều có tính chất tự truyện nhưng vẫn có ý nghĩa xã hội nhất định. Những con người của quê hương ông, thân thiết ruột thịt với ông, từ cuộc sống đói nghèo lam lũ trực tiếp bước vào tác phẩm, tự nó toát lên ý nghĩa hiện thực, mặc dù nhà văn chưa thật có ý thức tự giác về vấn đề này.
Kim Lân viết rất hay về những cái gọi là “thú đồng quê” hay “phong lưu đồng ruộng”. Đó là những thú chơi mang màu sắc văn hóa truyền thống của người nhà quê như chơi cây cảnh, cá vàng, đánh vật, nuôi chó săn, gà chọi v.v… Những truyện của Kim Lân viết về phong tục (Đuổi tà, Đôi chim Thành, Con mã mái…) hấp dẫn không chỉ vì đã cung cấp được những tri thức về phong tục mà chủ yếu là vì – nhà văn đã làm hiển hiện lên được cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam truyền thống tuy nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời. Những con người thẳng thắn thật thà, chất phác, nhưng thông minh, hóm hỉnh và tài hoa biết bao ! Họ đã đặt tất cả niềm say mê mãnh liệt của mình vào những thú chơi giản dị mà hết sức tỉnh vi ấy chẳng khác gì những tâm hồn nghệ sĩ say mê sáng tạo nghệ thuật.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Kim Lân vẫn tiếp tục viết về làng quê Việt Nam. Ông thường viết về những cảnh tội nghiệp, cuộc sống khốn khó đến cùng cực của người nông dân dưới. chế độ cũ và sự đổi đời của họ nhờ cách mạng. Ngòi bút của ông tập trung khai thác những phương diện xã hội chính trị của đời sống nông dân gắn liền với vận mệnh chung của đất nước. Trong số những tác phẩm viết về đề tài này, Làng, Vợ nhặt xứng đáng thuộc loại những truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại.
Trong cả hai giai đoạn sáng tác, tuy viết không nhiều, nhưng Kim Lân đều có những đóng góp đáng kể trong thể tài truyện ngắn viết về đề tài nông thôn. Thành công của Kim Lân chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh và một vốn sống tự nhiên của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng một lòng đi về với “đất”, với “người ” với “thuần hậu nguyên thủy” (chữ của Nguyên Hồng) của cuộc sống nông thôn.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác