Tiểu sử nhà văn Ngọc Giao
Nhà văn Ngọc Giao tên thật là Nguyễn Huy Giao, sinh ngày 5.5.1911 mất ngày 8.7.1997. Quê gốc: huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1957). Nhà văn Ngọc Giao sáng tác từ thời kỳ Pháp thuộc, đã đỗ bằng Tú tài. Ông làm báo, viết văn, có tác phẩm in từ đầu thập kỷ 30. Ngọc Giao là Thư ký tòa soạn và là cây bút trụ cột của tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy (ra đời 1934). Cách mạng tháng Tám, tiếp đến kháng chiến toàn quốc, ông ở lại Hà Nội, tiếp tục làm báo, viết văn.
Tác phẩm của nhà văn Ngọc Giao
Tác phẩm đã xuất bản : Một đêm vui (truyện ngắn – 1934), Phấn hương _ (truyện ngắn – 1939), Có gái làng Sơn Hạ (truyện ngắn – 1942 – 1989), Đất (truyện dài – 1940), Xã Bèo, người của đất (truyện dài – 1951, 1952), Ông chọc tiết (phóng sự 1950), Cầu sương (truyện dài – 1953), Quán gió (truyện dài – 1954). Ngọc Giao là một cây bút truyện ngắn ;nổi tiếng sớm từ những năm 30 của TK này. Ông là một tác giả thường xuyên có mặt trên những trang truyện ngắn của tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy (cùng một vài báo khác như Ngọ báo, Tri tân, Phổ thông bán nguyệt sơn…). Những truyện đăng báo, sau đó hầu hết đều được in thành tập. Những tập truyện ngắn : Một đêm vui, Phấn hương, Cô gái làng Sơn Hạ đã làm nên một gương mặt được bạn đọc đương thời yêu mến.
Cảm hứng chung trong các sáng tác của Ngọc Giao là âm điệu buồn. Những truyện ngắn thuộc loại hay của ông đều là những truyện gợi mối thương cảm,xót xa nơi người đọc. Ông là một cây bút sở trường về lối văn tình cảm, ướt át. Câu văn của Ngọc Giao được gọt giũa, trau chuốt, rất mềm mại và du dương. Đôi khi không tránh khỏi sa vào biển ngẫu thiếu tự nhiên. Truyện của Ngọc Giao nói nhiều đến cái chết, nhiều kiểu chết, nhiều cảnh chết đã tạo nên một cảm giác có phần u ám nơi người đọc. Vũ Ngọc Phan đã nhận xét : “Những cái chết ấy vẽ ra trước mắt người đọc những cảnh tượng thảm sầu như có một dãy xe tang đen ngòm, không kèn, không trống, nối đuôi nhau mà đi từ từ vào sương mù“. Đọc truyện của Ngọc Giao thấy ông là người giàu tình cảm. Ông thường vẽ ra những cảnh điêu tàn, tan vỡ, thê lương, để tỏ bày những xúc động của mình. Ông là một nhà văn hay thương tiếc và khóc than, là người luôn ngoái nhìn về quá khứ, với một niềm thương tiếc khôn khuây. Phần lớn những truyện trong tập Phấn hương đều ít nhiều nói đến niềm lưu luyến với những điều đã qua. Ngòi bút Ngọc Giao về cơ bản, thường nghiêng về phía hoài cảm và trữ tình. Để biểu đạt các tình huống và tâm trạng đó, ông thường sử dụng một lối văn êm ái, mượt mà. Tập truyện Cô gái làng Sơn Hạ cũng vẫn nằm trong mạch cảm xúc như ở Một đêm vui và Phấn hương. Nhưng ở cuốn sách này, nhà văn đã chú ý nhiều hơn đến cảnh sống và số phận của những người nghèo khổ trong xã hội (Xóm nghèo ăn tết chó, Ba ngày tết của lão già bán săng, Con chim bạc má, Đào châu…). Ý hướng và cảm quan hiện thực cũng đã chiếm một phần đáng kể trong các truyện ngắn của Ngọc Giao. Ông còn là nhà văn luôn cố gắng giữ gìn và bảo vệ những nguyên tắc đạo lý truyền thống, trong các quan niệm về gia đình, về tình yêu, về trách nhiệm và nghĩa vụ (Cô gái làng Sơn Hạ, Điêu tàn, Chén rượu bên sông Hồ, Một truyện của lòng…). Trong thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, Ngọc Giao có viết được một vài truyện ngắn như : Cát bụi, Cụ Quận ăn tết vui, giàu chất phê phán hiện thực hơn so với các truyện ngắn trước 1945. Trong phóng sự : Buôn xác, Ông chọc tiết, Ông kễnh, Hoang thai, hội già, ngòi bút của ông đã đi vào phanh phui những mặt tàn nhẫn, dơ dáy của hiện thực. Trước cũng như sau 1945, Ngọc Giao đều có viết truyện đài. Những truyện về tình yêu theo cảm hứng lãng mạn, và về nông thôn theo cảm hứng hiện thực. Tác phẩm được ông dành cho nhiều tâm huyết nhất đề cập đến một vấn đề lớn của người nông dân là sống chết với đất đai làng mạc, với quê cha đất tổ, là bộ truyện Đế và Xã Bèo, người của đất.
Sau nhiều chục năm gác bút, vào những năm cuối đời, ở tuổi ngoài 80. Ngọc Giao lại xuất hiện trên văn đàn với hàng loạt bút ký và chân dung văn học, ghi lại dấu ấn của một thời. Những bài viết của Ngọc Giao về các bạn văn cùng thời như : Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Lan Khai, Tam Lang, Vũ Đình Long, Nguyễn Bính… cũng là những tư liệu văn học rất đáng quý.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác