Tiểu sử nhà văn Nguyễn Công Hoan
Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903 mất năm 1977. Quê gốc : làng Xuân Cầu, xã Nghĩa , Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại nho học thất thế. Lúc nhỏ, ông học ở trường Bưởi, nay là trường Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1922, ông học trường sư phạm. Cũng từ năm ấy, ông viết những tập Truyện thế gian giúp Tản Đà thư điếm ở Hà Nội. Sau bốn năm học sư phạm, ông làm nghề dạy học ở nhiều nơi. Từ năm 1930, ông thường xuyên có bài trên mục Xã hội ba đào ký của báo An Nam tạp chí, hầu hết là những truyện ngắn trào lộng, phê phán xã hội. Năm 1935, tập truyện ngắn Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan được xuất bản gây một tiếng vang lớn và đưa ông lên vị trí hàng đầu những nhà văn hiện thực xuất sắc lúc bấy giờ. Cho đến trước 1945, nhà văn đã viết hàng trăm truyện ngắn và hàng chục cuốn tiểu thuyết vừa hiện thực vừa lãng mạn. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm Giám đốc báo chí Hà Nội rồi Phó giám đốc Sở tuyên truyền Bắc Bộ. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhà văn gia nhập bộ đội, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân, Giám đốc Trường văn hóa quân nhân, Chủ nhiệm báo Quản nhân học báo… Hòa bình lập lại 1954, nhà văn công tác ở Hội văn học nghệ thuật Việt Nam với cương vị Ủy viên hoặc Chủ tịch Hội nhà văn. Ông tiếp tục viết truyện ngắn, tiểu thuyết và nhiều bài về kinh nghiệm sáng tác, nghiên cứu bình luận văn chương. Ông mất ngày 6.6.1977 tại Hà Nội và để lại một di sản văn học khá đồ sộ : 300 truyện ngắn, 30 truyện dài, và hàng trăm bài viết về kinh nghiệm sáng tác, phê bình và nghiên cứu văn học.
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan
Trong sự nghiệp sáng tác Nguyễn Công Hoan, phải khẳng định, bộ phận quan trọng nhất là những tác phẩm viết trước Cách mạng tháng Tám 1945 thuộc trào lưu văn học hiện thực phê phán. Trong đó, những truyện ngắn trào phúng chiếm vị trí tiêu biểu hơn cả.
Dưới đây là những tác phẩm đặc sắc nhất của ông.
Truyện ngắn : Kép Tư Bền, Ngựa người người ngựa, Mất cái ví, Đồng hào có mà, Đào kép mới, Hai thằng khốn nạn, Xuất giá tòng phu, Một tín buồn, Nỗi lòng ai tỏ, Thật là phúc, Tinh thần thể dục, Tôi cũng không hiểu tại làm sao ? Chiếc quan tài, Sáu mạng Người, Thịt người chết, Sáng, chị phu mỏ…
Truyện dài : Tắt lửa lòng, Lá ngọc cành vàng, Cô giáo Minh, Ông chủ, Bà chủ, Bước đường cùng, Cái thủ lợn, Thanh đạm…
Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Công Hoan ít viết truyện ngắn, nhất là loại truyện ngắn trào phúng mà ông vốn sở trường. Truyện dài có : Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Đống rác cũ…
Đóng góp độc đáo nhất và có ý nghĩa nhất của Nguyễn Công Hoan đối với lịch sử văn học là những truyện ngắn trào phúng.
Đó là những truyện ngắn rất ngắn ra đời từ khoảng trước sau năm 1930 và được sáng tác dồi dào nhất trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 – 1939),
Nhìn một cách thật bao quát, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thường viết về hai đề tài : một là đề tài phản ánh bất công xã hội (chiếm số lượng lớn), hai là đề tài phản ánh phong trào đổi mới theo khuynh hướng Âu hóa của nam nữ thanh niên tròng quan hệ hôn nhân, gia đình, quan hệ luyến ái.
Viết về đề tài thứ nhất, Nguyễn Công Hoan tỏ ra là một cây bút rất tiến bộ. Ông lên án xã hội thực dân, phong kiến, tư sản xây dựng trên quan hệ hết sức bất công vô lý giữa người giàu (đúng ra là kẻ có tiền và có quyền) chủ yếu là thực dân, quan lại, tư sản, địa chủ, cường hào, lính tráng…, và người nghèo, bao gồm phu xe, kép hát, con sen, thằng nhỏ, hát xẩm, ăn mày, ăn cắp vặt – nói chung là dân nghèo thành thị và nông dân, thợ thuyền…
Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan viết về đề tài xã hội đều xoay quanh mâu thuẫn giàu – nghèo nói trên, và bao giờ tác giả cũng đứng hẳn về phía người nghèo, lên án bọn nhà giàu là những kẻ vô tích sự không làm gì cả mà no nê phè phỡn, lại hết sức vô đạo đức : tham lam, độc ác, tỉ tiện, dâm ô, đểu giả… Rõ ràng, ở đây, nhà văn đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa hiện thực, của tinh thần dân chủ và chủ nghĩa nhân đạo rất tiến bộ. Tuy nhiên, ở những truyện viết về đề tài thứ hai (ít hơn) Nguyễn Công Hoan lại tỏ ra là một người mang nặng tư tưởng bảo thủ phong kiến. Truyện thường xoay quanh mâu thuẫn giữa nam và nữ, giữa thế hệ già và thế hệ trẻ, và nói chung ông đứng về phía nam giới và phía người già cổ hủ. Ở những truyện này, trong nhiều trường hợp, ông tỏ ra không thật trung thành với chủ nghĩa hiện thực (Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn, Cô Kếu tân thời, Truyện Trung Kỳ v.v…).
Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Phạm vi hiện thực được phản ánh rộng và sâu hơn. Chịu ảnh hưởng phong trào cách mạng, quan điểm giàu – nghèo để gần tới quan điểm giai cấp, truyện Nguyễn Công Hoan với kỳ này đạt tới tính chiến đấu cao hơn và tinh thần nhân đạo sâu sắc hơn. Ngòi bút phê phán của nhà văn trào phúng đã đụng tới bản chất chính trị phản động của bọn quan lại (Thịt người chết, Sáu mạng người v.v…), bản chất giai cấp của bọn tự sản (Tấm giấy một trăm…), địa chủ (Hai thằng khốn nạn…), tính chất lừa bịp của những thủ đoạn chính trị, xã hội, văn hóa của bọn thực dân thống trị (Đào kép mới, Tinh thần thể dục v.v…), có khi còn ra đòn thẳng vào những “ông “chủ Tây dâm ác, hách dịch trên tinh thần dân tộc, dân chủ (Sáng, chị phụ mổ, Tôi cũng không hiểu tại làm sao? …).
Nói đến Nguyễn Công Hoan là nói đến một cây bút trào phúng lớn. Năng khiếu trào phúng của ông thể hiện ở chỗ nhìn vào hiện thực, đâu ông cũng phát hiện ra được những mâu thuẫn nực cười, đặc biệt là thế giới của bọn có tiền và có quyền trong xã hội cũ. Thế giới ấy, đối với ông, chỉ là một sân khấu hài kịch, trên đó, bọn “nhà giàu” diễn ra đủ trò hề bỉ ổi trên tấm lưng gầy guộc của những người dân nghèo. Mọi hành vi của chúng đều là dối trá, bịp bợm một cách trâng tráo, đểu giả : chính phủ thì diễn trò “Đào kép mới”, quan lại và hương lý làng Ngũ Vọng thì diễn trò. “Tinh thần thể dục”, lão chủ xe ô tô Con Cọp thì diễn trò “Béo hiếu trả nghĩa cha”, “Báo hiếu trả nghĩa mẹ”, viên tham tá nọ thì diễn trò “mất cái ví” v.v… Những người dân nghèo đôi khi cũng phải diễn trò, nhưng là diễn một cách bất đắc đĩ vì miếng cơm manh áo – trường hợp này không phải là hài kịch mà là bị hài kịch (Ngựa người người ngựa, Kép Tư Bền v.v…).
Sở trường trong nghệ thuật trào phúng của Nguyễn Công Hoan không phải ở chỗ xây dựng nhân vật mà chủ yếu là ở tài trần thuật tạo được kịch tính hấp dẫn, với nhiều thủ pháp nhầm phóng đại mâu thuẫn trào phúng đến một mức nào đấy rồi kết thúc một cách bất ngờ, đột ngột, tạo ra tiếng cười đả kích bạo khỏe, bốp chát. Tiếng cười của Nguyễn Công Hoan rất gần với truyền thống trào phúng dân gian – truyền thống của tiếu lâm, truyện Trạng Quỳnh của lối chơi chữ hóm hỉnh… Ông cũng có nhiều sáng tạo độc đáo trong cách ví von, so sánh và trong ngôn ngữ tạo hình… Ông có một kho từ vựng rất phong phú và đầy chất sống thực tế (tuy có khi chưa rửa sạch bùn đất).
Nguyễn Công Hoan cũng là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết. Nhưng tiểu thuyết không phải sở trường của ông.
Tác phẩm tiểu thuyết đặc sắc nhất của ông là Lá ngọc cành vàng, Ông chủ và Bước đường cùng.
Ở Lá ngọc cành vàng quan điểm xã hội tiến bộ của tác giả đã tỏ ra lấn át tư tưởng bảo thủ phong kiến, tạo nên giá trị tố cáo mạnh mẽ của tác phẩm đối với một nhân vật quan lại trong vấn để hôn nhân gia đình. Quan niệm “môn đăng hộ đối” trong việc dựng vợ gả chồng đã khiến viên trí phủ này chà đạp một cách hết sức tàn nhẫn hạnh phúc của cô con gái “Lá ngọc cành vàng” của mình chỉ vì trót yêu thương một anh học sinh con nhà nghèo.
Ông chủ và Bước đường cùng ra đời trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, được viết theo cảm hứng hiện thực chủ nghĩa. Hai tác phẩm này lên án quyết liệt bản chất giai cấp hết sức tham lam, tàn ác của bọn địa chủ đối với nông dân lao động. Bước đường cùng đề cập đến một chủ đề rất táo bạo: mô tả một cách có hệ thống quá trình phá sản đi đến “Bước đường cùng” của một anh nông dân tên là Pha, nạn nhân của bọn địa chủ, cường hào, quan lại cấu kết với nhau đẩy anh ta vào chuyện kiện tụng để đực nước béo cò, dẫn anh đến chỗ mất ruộng, vợ chết, con chết, bản thân phải đi tù. Đó cũng là quá trình anh Pha cũng như những người cùng cảnh ngộ ngày càng nhận rõ kẻ thù giai cấp của mình và đứng lên đấu tranh – tuy chỉ dừng ở mức độ đấu tranh liêu lĩnh, tự phát. Tác phẩm đã xây dựng được hai nhân vật điển hình tương đối có giá trị : Pha – điển hình nông dân, và Nghị Lại – điển hình địa chủ gian. ác. Do chủ đề nói trên, tác phẩm đã bị chính quyền thực dân cấm lưu hành, tàng trữ trong toàn cõi Đông Dương.
Trong số tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan có cuốn Tắt lửa lòng là một cuốn truyện tình lãng mạn. Tuy giá trị văn chương không cao nhưng lại có tiếng vang rộng rãi do được chuyển thể sang kịch bản cải lương khá mùi mẫn : Lan và Điệp.
Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Công Hoan chuyển sang viết tiểu thuyết về đề tài lịch sử cách mạng : Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Đống rác cũ … Ngoài ra ông còn dựng chân dung một số chiến sĩ cộng sản như trong Những ngày tháng Tám ở Côn Đảo, Người cặp rằng hầm xay lúa ở ngục tù Côn Đảo năm 1930, và viết nhiều bài nghiên cứu, bình luận văn chương.
Ông còn biên soạn tập hồi ký Đời viết văn của tôi, ghi lại những kinh nghiệm sáng tác của mình trong nửa TK cầm bút.
Năm 1996, Nguyễn Công Hoan được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn chương – học thuật đợt 1.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác