Tiểu sử nhà văn Nguyễn Trọng Thuật
Nhà văn Nguyễn Trọng Thuật, sinh năm 1883, mất ngày 25.02.1940 có biệt hiệu là Đồ Nam Tử. Quê gốc: làng Mạn Nhuế, xã Thanh Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông sinh trưởng trong một gia đình nho học, lúc nhỏ học giỏi chữ Hán. Năm 17 tuổi, ông chuyển sang học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 24 tuổi, ông tham gia Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1920, ông ra Hà Nội mở hiệu sách, viết cho các báo: Nam phong, Đuốc trệ (cơ quan của Hội Phật giáo Bắc Kỳ với bút danh Quảng Tràng Thiệt cư sĩ). Ông chủ trì báo Đông thanh. Ông tham gia Quốc dân Đảng thời Nguyễn Thái Học. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông thôi hoạt động chính trị, chỉ viết báo dịch sách và nghiên cứu đạo Phật. Ông là hội viên Hội khai trí tiến đức. Năm 1925, tác phẩm Quả dưa đỏ của ông được Hội khai trí tiến đức tặng Giải nhì về văn chương. Ông mất ngày 25.2.1940 tại Hà Nội.
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trọng Thuật
Tác phẩm đã xuất bản : Quả dưa đỏ (1925), Việt văn tình nghĩa (1928), Thơ ngụ ngôn (1928), Danh nhân Hải Dương, Một tập du ký của Lãn Ông : Thượng kinh ký sự…
Cùng với Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách… Nguyễn Trọng Thuật là một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ những năm đầu TK XX.
Ông viết không nhiều, ngoài tiểu thuyết Quả dưa đỏ được nhắc tới như một cái mốc đánh dấu sự mở đầu của tiểu thuyết Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, ông còn có Việt văn tình nghĩa, cắt nghĩa nguồn gốc và văn phạm tiếng Việt, tập Thở ngụ ngôn diễn giải những bài thơ ngụ ngôn cổ. Có thể coi ba cuốn trên là đáng kể nhất và tiêu biểu cho cuộc đời hoạt động văn học của ông. Ngoài ra ông là người dịch nhiều văn cổ và có một số bài khảo cứu văn học đăng trên các báo.
Ở thời kỳ truyện dịch đang còn chiếm vị trí chủ yếu trên các báo, Quá dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật ra đời đã gây được ảnh hưởng lớn trên văn đàn Việt Nam. Dựa trên một tích truyện cổ, Nguyễn Trọng Thuật đã đưa ra một quan niệm về lẽ sinh tồn bằng lối văn kể chuyện dung dị, chân thực, mà khúc chiết, thấm đượm chất thơ.
Mặc dù những sáng tác và công trình nghiên cứu của Nguyễn Trọng Thuật còn có những hạn chế nhất định, nhưng phải ghi nhận ông “là một nhà văn có chí hướng và lúc nào cũng muốn cho văn chương Việt Nam có cái đặc tính Việt Nam” (Vũ Ngọc Phan). Vị trí và đóng góp của ông trong buổi đầu hình thành thể tài tiểu thuyết viết bằng “chữ nước nhà” là điều không thể phủ nhận.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác