Tiểu sử nhà văn, nhà thơ Phạm Phú Thứ
Nhà văn, nhà thơ Phạm Phú Thứ, còn có tên là Hào, hiệu Trúc Đường, Giá Viên. Quê gốc: làng Đông Bàn, Huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn). Về năm sinh, sách Các nhà khoa bảng Việt Nam: ghí (1820-1880), nhưng khi dẫn giải tiểu sử lại viết : “Năm Tự Đức 34 (1881) thăng Thượng thư bộ Hộ, đổi bổ Tổng đốc Hải An, sung Thượng chính đại thần. Do có lần dâng sớ can vua Tự Đức đừng chơi bời xa xỉ nên bị giáng xuống Tham trí bộ Hình. Năm 68 tuổi xin về nghỉ rồi mất (Đại Nam liệt truyện)”. Nếu theo cách tính tuổi của sách Các nhà khoa bảng Việt Nam thì đó là năm 1887. Vậy nên ghi năm sinh, năm mất của Phạm Phú Thứ là 1820-1887. Họ Phạm thuộc hàng thế gia, đời đời có nhiều người đậu đạt và làm quan. Cụ tổ Phạm Phú Điều từ Đàng Ngoài di cư vào, Phạm Phú Thứ là đời thứ sáu. Anh ruột ông, Phạm Phú Duy đậu Cử nhân, làm quan đến chức Kinh lịch. Phạm Phú Thứ đậu đại khoa mở đầu rạng rỡ cho dòng họ. Bản tính thông minh, từ bé ông đã nổi tiếng là thần đồng. Vác lều chống đi thi, ông liên tục trúng đầu xứ, hương nguyên và hội nguyên, vào thí Đình ông đứng đầu hàng tam giáp đồng Tiến sĩ lúc mới 24 tuổi (1843).
Ông ra làm quan khi hãy còn rất trẻ. Trải qua gần 40 năm trên bước hoạn đồ chìm nổi, ông đã từng thụ chức : Tri phủ, Kinh điên khởi cư chú, Viên ngoại lang, Tả Tham tri bộ Lại sung Cơ mật viện, Tham tri bộ Binh, Tổng đốc Hải An (Hải Dương, An Quảng) kiêm Tổng lý Thương chánh đại thần, Thượng thư bộ Hộ. Ngoài ra, vào năm 1863, ông được cất nhắc làm Phó sứ đại thần, cùng với Bồi sứ Ngụy Khắc Đản tham gia sứ bộ Phan Thanh Giản sang Ba Lê (Paris) điều đình với chính phủ Pháp để chuộc lại ba tỉnh phía Đông Nam Kỳ. nhưng việc không thành. Về cuối đời, trên cương vị trọng thần, ông chỉ góp phần vào cuộc “nghị hòa” giữa triều đình Huế và bọn xâm lược Pháp. Khi “nghị hòa” lâm vào bế tắc, ông bị. Ngự sử đàn hạc và bị triệu về Kinh “hậu cứu”. Ông mất trong tình cảnh bi đát của đời mình và giữa những ngày rối bời của triều đình Nguyễn trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Sau khi ông mất, triều đình xét kỹ công lao, truy phục Khâm sai đại thần, hàm nhất phẩm với tước phong Vinh Lộc đại phu trụ quốc Hiệp biện đại học sĩ.
Ông làm quan trải qua hai triều Thiệu Trị và Tự Đức, đặc biệt dưới thời Tự Đức, đất nước rơi vào khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. Ông đã từng ra Bắc, vào Nam, chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân bị quan lại và cường hào hà hiếp, bị thiên tai dồn dập giáng xuống. nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng. Đất nước đang rơi vào hiểm họa bị xâm lược từ Nam ra Bắc mà triều đình thì bảo thủ, bất lực, bế quan tỏa cảng, nêu thuyết “chủ hòa” thực chất là lập luận đầu hàng.
Trên cương vị trọng thân, Phạm Phú Thứ đã hết sức vực dậy triều chính. Đặc biệt ông có nhiều bản điều trần canh tân đất nước về giáo dục, về học tập và ứng dụng khoa học kỹ thuật phương Tây, về mở rộng giao lưu với nước ngoài, và tự do tín ngưỡng… Người mở đầu tư tưởng canh tân chính là người sĩ phu đất Quảng họ Phạm này. Về sau, những sĩ phu thức thời khác như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện tiếp tục dâng lên Tự Đức nhiều bản điều trần canh tân rất cụ thể và đầy tâm huyết. Tất cả đều bị triều đình Huế xếp xó !
Tác phẩm nhà văn, nhà thơ Phạm Phú Thứ
Sự nghiệp sáng tác và trứ tác của ông khá lớn. Ông có Giá viên toàn tập. gồm 26 quyển, 13 quyển chép thơ và I3 quyển chép văn gồm nhiều thể loại như ký, tấu, phú, văn tế… Có thể coi đây là một bộ hợp tuyển đồ sộ ghi chép, phản ánh nhiều mặt của xã hội đương thời. Tập Tây phù thi lục và Tây hành nhật kí cũng gọi là Giá viên biệt lục được viết trong thời gian đương chức Phó sứ sang Pháp và một số nước như Tây Ban Nha, Y Pha Nho vào các năm 1863, 1864.
Vốn giàu lòng ưu ái, thơ văn Trúc Đường đề cập đến rất nhiều vấn đề lớn nhỏ của cuộc sống và xã hội đương thời. Về nạn nước, ông quan tâm đến giặc ngoài từ phương Tây đến đang rình rập ngoài bể Đông. Ông ao ước: “Chính trị khai thông, lòng người hòa hợp mối lo bên ngoài dứt” ; và “Kẻ ngoại dương biệt tăm”, cuối cùng ông nhấn mạnh : “Mới hay ngăn giặc có đường riêng, Há ở lũy đồn quanh đỉnh núi”.
Bên cạnh hàng chục bản sớ, tấu, điều trần về cải cách canh tân, trong Tây hành nhật ký ông ghi chép khá kỹ lưỡng những điều tai nghe mắt thấy về tình hình một số nước phương Tây phát triển, đặc biệt là sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, về chế độ giáo dục…, với hy vọng giúp nước nhà từng bước đổi mới.
Trong những năm làm quan, nhà thơ Trúc Đường có dịp tiếp xúc với nhân dân, đặc biệt là dân cày. Ông đã dành một phần thơ văn để viết về họ. Lúc qua Hà Tĩnh, đất nghèo nổi tiếng, ông xúc động ghi nhận : “Mưa gió bời bời, lụt lâu ngày rét còn đậm, nông phu hối hả làm lụng, than rằng : từ gieo đến gặt, thật là lắm đắng cay”. Thảng hoặc có năm “được mùa” (như lúc ông làm Tri phủ Lạng Giang, Kinh Bắc), thơ ông hòa vào niềm vui của nhân dân vùng đó
Thơ văn Phạm Phú Thứ đều viết bằng chữ Hán, nhưng là vốn quý, ghi nhận tấm lòng người sĩ phu thức thời, và ít nhiều phản ánh tình hình xã hội rối ren phức tạp dưới triều Thiệu Trị, Tự Đức, nửa sau thế kỷ XIX.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác