
Tiểu sử nhà văn, nhà thơ Phùng Quán
Nhà văn, nhà thơ Phùng Quán, sinh tháng 1.1932 mất ngày 22.01.1995. Quê gốc: xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông tham gia quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau chuyển sang làm công tác văn hóa. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Nhà văn đã được nhận giải Ba, giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam (1954-1955) với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo giải A, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội (1988).
Tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Phùng Quán
Tác phẩm chính : Vượt Côn Đảo (tiểu thuyết – 1955), Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (trường ca – 1957), Trên bờ Hiên Lương (bút ký – 1956), Thạch Sanh chán Bác Hồ (1956), Cuộc đời một đôi dép cao su (1956), Tuổi thơ dữ dội (1988), Dũng sĩ Chép Còm, Người dầu kích hói đầu (1990), Tiếng đàn trong rừng thẳm (1991), Thơ Phùng Quán (1995). Phùng Quán bắt đầu làm thơ từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhưng cho đến năm 1955, khi tiểu thuyết Vượt Côn Đảo ra đời mới thực sự ghi một dấu ấn quan trọng trên con đường hoạt động văn học của ông. Cuốn sách được đánh giá cao và được nhận Giải thưởng của Hội văn nghệ Việt Nam. Trong vòng ba năm, từ 1955 đến 1957, cuốn sách đã được tái bản tới bốn lần, chiếm con số kỷ lục thời bấy giờ. Vượt Côn Đảo là một câu chuyện có thực, nói về cuộc vượt ngục mưu trí, gan dạ của một nhóm chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị thực dân Pháp đày ở nhà tù Côn Đảo. Câu chuyện giản dị, chân thực đã làm xúc động người đọc một cách sâu sắc. Một thành công nữa trong đời văn của Phùng Quán là bộ tiểu thuyết dành cho thiếu nhi Tuổi thơ dữ dội (1988) gồm 3 tập : Tập 1 : Đi tìm thuốc cho mẹ. Tập 2 : Ba lần vượt ngục. Tập 3 : Núi mẹ con em Mừng. Nhân vật chính của bộ tiểu thuyết là cậu bé Mừng – một em nhỏ thông minh, nhanh nhẹn và dũng cảm, một lòng một dạ gắn bó với cuộc chiến đấu bảo vệ mặt trận Thừa Thiên – Huế trong những ngày đầu – chống Pháp. Nhiều trang viết hấp dẫn, sinh động với những tình tiết bất ngờ, thú vị đã gây hứng thú đặc biệt cho các bạn nhỏ tuổi.
Phùng Quán có sở trường về thể loại thơ dài, mang tính chất tráng ca. Ngay từ năm 1954, ông đã sáng tác trường ca Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo ca ngợi gương hy sinh bất khuất của chị Võ Thị Sáu, sau này là Trường ca cây cà, Bài ca anh Trỗi, Trăng hoàng cung (tiểu thuyết tình bằng thơ)… Phùng Quán là tác giả của những bài thơ được nhiều người nhắc đến như Lời mẹ dặn, Hôn… là những tác phẩm từng đem đến cho ông nhiều phiền phức. Thơ Phùng Quán hàm súc, mộc mạc, giản dị. Những quan niệm về cuộc sống, vẻ con người được ông thể hiện bằng một ngôn ngữ thơ chắc khỏe và giàu tính biểu cảm. Văn cũng như thơ của ông bao giờ cũng là tiếng nói của một con người nồng nhiệt và tâm huyết, say mê văn chương và những điều tốt đẹp của cuộc đời.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác