Tiểu sử tác giả Đặng Đề (1526 -?)
Đặng Đề tự Hối Khanh, hiệu Tùng Pha. Sách Các: nhà khoa bảng Việt Nam (NXB Văn học, H, 1993) ghi là Đặng Hiển, có tiểu sử đúng như tiểu sử Đặng Đề. Chưa rõ vì sao ông lại đổi tên từ Hiển thành Đề. Quê gốc : làng Uông Thượng, huyện Thanh Lâm, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Tài liệu cũ ghi “Không rõ ông sinh và mất năm nào ?”. Căn cứ vào bài thơ Dịch thứ tân niên (Đón năm mới trên đường trạm) thì năm ông đi sứ là năm Giáp Thân (1584), lúc đó ông 59 tuổi (âm lịch), đến năm Ất Dậu (1585) ông đã ở tuổi “nhĩ thuận” tức tuổi 60 thì năm sinh của ng có thể đoán định phải chăng là 1585 – 59 (tính theo dương lịch) bằng 1526. Vậy ta có thể ghi ông sinh năm 1526 (2) còn năm mất thì chưa tra cứu được. Cũng sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (đã dẫn) ghi : “40 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Thuần Phúc (1565) đời Mạc Mậu Hợp”. Căn cứ vào đây cũng suy ra năm sinh của ông là 1526.
Năm Ất Sửu (1565), niên hiệu Thuần Phúc 4, đời Mạc Phúc Nguyên, ông thi đỗ Tiến sĩ. Đến năm Giáp Thân (1584) niên hiệu Diên Thành 7, ông được cử đi sứ Trung Quốc. Khi đi sứ trở về, ông được thăng chức Thượng thư và phong tước Tùng Lĩnh bá. Ông học rộng, thơ hay, lời văn thanh nhã và có thơ để lại cho đời.
Tác phẩm của tác giả Đặng Đề
Tác phẩm của ông có Tùng Pha thi tập 4 quyền, chưa tìm được. Hiện còn 44 bài chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn.
Cũng như nhiều quan chức nhà nho thời ấy, Đặng Đề hiểu rất rõ nhiệm vụ đi sứ của nhà nho quan chức. Ông từng có câu thơ trong bài Dịch thứ tân niên : (Phận sự của nhà nho ta là làm sứ giả. Mừng rằng vẫn giữ được trọn vẹn cả hai điều con hiếu, tôi trung). Câu thơ cho thấy, ông quan niệm phận sự nhà nho thật rành rõ: miễn là giữ trọn vẹn được hai điều con hiếu, tôi trung (đi sứ không làm nhục mệnh vua, làm dược trọng trách của đất nước giao phó) và trở về gia đình mạnh khỏe, an toàn. Ước mong giản dị của người đi sứ được ông nêu ngay ở bài thơ Bắc sứ Nhị Hà tảo phát : (Mong lúc trở về thời tiết tốt. Không chỗ nào trong thành là không có cánh hoa bay). Cũng như phần đông các nhà đi sứ khác, Đặng Đề cũng có những nỗi niềm quê hương da diết. Gặp một dáng núi một áng mây ông lại liên tưởng đến người thân yêu nơi quê hương (Bài Trạm Nhân Lý). Chỉ gặp một dáng núi Mẹ Con, lòng nhà thơ đã trỗi dậy nỗi nhớ đấng song thân, chứng tỏ nhà thơ là một người con chí hiếu. Câu thơ như một sự dẫn lòng, cố nén trước nỗi nhớ nhà. Ở một bài thơ khác, bài Dạ bạc Tiên Than tâm, ông lại viết: “Lòng muốn trở về của khách không cách gì giữ được, Đêm đêm theo giấc chiêm bao thanh thản thả hồn về Tràng An” thì dù tác giả đang ở trên đất Trung Hoa mà hồn phách ông đã trở về nơi quê hương đất nước rồi. Nhưng, cuối cùng trọng trách của đoàn sứ bộ, lại giữ ông ở lại đất Trung Hoa để làm tròn nhiệm vụ. Và để cho đến khi về nước, ông vẫn được vẹn toàn con hiếu, tôi trung.
Thơ đi sứ của Đặng Để còn có những bài hoàn toàn viết về đề tài Trung Quốc. Ở những bài ấy, ông xuất lộ những ý thơ mới mẻ khác với những quan niệm chính thống đương thời, như những bài Cô Tô hoài cổ, và Hoàng Sào thành. Điều đó cho thấy một nét riêng trong thơ ông.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác