Tiểu sử tác giả Đặng Huy Trứ (1825-1874)
Đặng Huy Trứ tự Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân, Tỉnh Trai. Ông sinh ngày 19 tháng Ba, năm Ất Dậu (26.5.1825). Quê gốc : làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình nhà nho nghèo ở nông thôn. Ông nội và bố đều dạy học. Ông tư chất thông minh, 8 tuổi bắt đầu đi học, 18 tuổi đỗ Cử nhân (1843), được tập sự ở Quốc tử giám, vừa đi dạy học kiếm ăn, vừa học. Trong thời gian đó, ông gặp và yêu cô gái lái đò rồi lấy làm vợ, giấu gia đình (mãi năm năm sau gia đình ông mới công nhận và cô trở thành người vợ hiếu thảo mà ông nhắc đến nhiều trong thơ văn). Năm 1847, ông thi hội và thi đình đỗ Tiến sĩ, nhưng bị phát hiện phạm húy, bị phạt đòn và cách tuột cả học vị Cử nhân trước. Ông không nản chí, tiếp tục thi hương lại và đỗ Giải nguyên. Suối mười năm sau đó, ông phải đi dạy học ở nhiều tỉnh (Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên) để chờ được bổ nhiệm. Đến 1856, mới được cử đi quân thứ và chính thức ra làm quan, qua các chức Thông phán ở Ty bố chánh Thanh Hóa, Trị huyện Quảng Xương, Trị phủ Xuân Trường, Ngự sử, Bố chánh Quảng Nam, Biện lý bộ Hộ, Thương biện tỉnh vụ Hà Nội, Khâm phái thương biện quân vụ Sơn-Hưng-Tuyên, Bang biện quân vụ Lạng-Bằng- Ninh Thái… Đã mấy lần ông được cử đi công cán sang Trung Quốc, có lần còn phải cải trang thành người Thanh, sang Áo Môn, Hương Cảng để do thám tình hình. Làm quan, ông không tự cho mình là cha mẹ dân, mà lại nhận là “thứ dân chỉ tử ”,tức là con của người thường dân, bởi thế ông thường tâm niệm : “Dân không chăm sóc, chớ làm quan”. Suốt đời ông nêu tấm gương tận tụy với việc dân, việc nước, không nề hà bất cứ một công việc khó nhọc nào, sẵn sàng học hỏi, tìm mọi cách để lo cho dân giàu, nước mạnh. Ông kiên quyết trừng trị bọn tham quan ô lại, khuyến khích sản xuất, cố gắng cải thiện đời sống cho dân và còn lo lập nghĩa trang để thu nhặt những hài cốt vô thừa nhận về chôn cất tử tế. Đặng Huy Trứ còn là một nhà nho tiên tiến, dám chống lại những đầu óc thủ cựu, luôn tìm tòi hướng đi mới trong cách trị dân, hưng quốc. Ông sớm thấy vai trò của công thương nghiệp trong nền kinh tế quốc dân nên mạnh dạn đứng ra tổ chức các ngành nghề thủ công, khuyến khích sản xuất, mở hiệu buôn, mở rộng việc lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Ông lập Cục cơ khí, khai mỏ, mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc, tổ chức dạy nghề, mời cả chuyên gia nước ngoài giảng dạy kỹ thuật. Sau này, Phan Bội Châu đã xem ông như người “trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”. Khi thực dân Pháp xâm lược đất nước, đang còn là một viên quan tập sự, ông đã thể hiện ý chí quyết chiến của mình, sẵn sàng đứng vào mặt trận chống giặc để bảo vệ Tổ quốc. Ông theo Hoàng Kế Viêm đi thử pháo, dâng đối sách lên nhà vua mong sớm trừ được giặc Tây, phản đối biện pháp thương thuyết, phản đối cầu viện nước ngoài. Khi Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ thất thủ lần thứ nhất, ông đang làm Bang biện quân vụ Lạng- Bằng-Ninh-Thái đã rút về căn cứ Đồn Vàng cùng Hoàng Kế Viêm đánh trả. quân Pháp xâm lược một cách quyết liệt. Không bao lâu sau, ông bị bệnh nặng và mất tại đó, ngày 25 tháng Sáu năm Giáp Tuất (7.8.1874). Đặng Huy Trứ là một danh nhân văn hóa ở TK XIX. Sự nghiệp của ông thể hiện trên nhiều lĩnh vực : kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục, văn học, và ở mặt nào ông cũng có những đóng góp to lớn. Sách Đại Nam nhất thống chí đã đánh giá về ông : “Đặng Huy Trứ kháng khái, có chí lớn, đương trù tính nhiều việc, làm chưa xong đã mất, ai cũng tiếc”.
Tác phẩm của tác giả Đặng Huy Trứ
Đặng Huy Trứ làm thơ từ khi mới 15 tuổi và đã để lại một sự nghiệp văn chương khá đồ sộ : Đặng Hoàng Trung thi sao gồm 12 tập thơ với 1250 bài, một tập hồi ký, 4 tập văn, thể loại phong phú, đề cập đến nhiều lĩnh vực như chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự… cùng một số SGK và nghiên cứu khác. Thơ văn ông tất cả đều bằng chữ Hán, mãi đến 1990 mới được dịch và giới thiệu (Trong cuốn Đặng Huy Trứ – Con người và tác phẩm, NXB TP Hồ Chí Minh).
Đối với ông “Thơ là để nói chí… ngâm một câu, vịnh một câu đều là tâm huyết cả” (Tựa cuốn Đặng Hoàng Trung thi sao). Bởi thế thơ ông gắn liền với từng quãng đời, từng công việc ông làm, thể hiện rõ phẩm chất, nhân cách con người ông. Thuở hàn vi, sống tại quê hương, ông để lại hơn trăm bài thơ về nông thôn rất đặc sắc, miêu tả tỉ mỉ những cảnh vật, con người, công việc nhà nông, từ ánh sáng ban mai trên đồng, lửa chài trong đêm đến cây cải mọc trên đống phân, củ khoai lang đỡ đói, từ ông già đan đồ tre, người đàn bà chăn tằm, đến bà vú nuôi trẻ, mụ rí gọi hồn, từ việc thợ cày vực nghé, múc nước tưới rau đến việc thả lợn con vào chuồng, mùa lụt đánh cá… Tất cả đều hết sức chân thực, sống động và rất gợi cảm. Có lẽ ông đã là một nhà thơ nông thôn trước cả Nguyễn Khuyến. Cái tôi trữ tình của Đặng Huy Trứ bộc lộ qua cách nhìn cảnh, nhìn người, qua những chuyện riêng tư được nói tới một cách chân thành hiếm thấy như mối tình vụng trộm với cô lái đò bên sông Lựu, tâm sự ngày Đoan ngọ khi vợ đẻ, cảnh nghèo túng của gia đình… cho ta thấy một tâm hồn thuần hậu, chất phác, một trái tim đằm thắm, yêu thương. Thơ ông còn biểu hiện một ý chí lớn lao, một nghị lực phi thường, một khí phách mạnh mẽ của bậc quân tử hội tụ đủ những nét đẹp nhân, trí, dũng trong thời đại mình.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác