Tiểu sử tác giả Đặng Minh Khiêm (1456 ? – 1522 ?)
Đặng Minh Khiêm, tự là Trình Dự, hiệu Thoát Hiên. Quê gốc : huyện Thiên Lộc, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sau di cư đến làng Mao Phổ, huyện Sơn Vi, nay thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông là con cháu của Đặng Tất, Đặng Dung, những bậc nghĩa liệt Hậu Trần. Cha Đặng Minh Khiêm là Đặng Di đậu Hoàng giáp đời Lê Nhân Tông. Bản thân ông đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), làm quan trải các chức : Hàn lâm thị thư, Tả thị lang bộ Lại, sau thăng Thượng thư bộ Lễ, kiêm Sử quán phó đô tổng tài, coi việc ở Chiêu văn quán và Tú lâm cục. Đặng Minh Khiêm từng hai lần đi sứ Trung Quốc vào các năm 1502 và 1509. Ông nổi tiếng là người trung liệt, một danh nho đời Lê. Năm 1522, ông theo vua Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa lánh nạn, rồi mất ở Hóa Châu (khoảng những năm từ 1522 đến 1526).
Tác phẩm của tác giả Đặng Minh Khiêm
Tác phẩm của Đặng Minh Khiêm có Việt giám vịnh sử thi tập (còn gọi là Thoát Hiên vịnh sử thi tập), Giang tông khúc thuyền thi tập, có lẽ là tập thơ đi sứ nay đã thất truyền. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Canh Thìn, niên hiệu Quang Thuận (1520), Đặng Minh Khiêm được vua sai soạn sách Đại Việt lịch đại sử ký nay không còn thấy. Có người ngờ Đại Việt lịch đại sử ký chính là Việt giám vịnh sử thi tập nhưng điều đó rất thiếu chứng cứ. Mặt khác trong lời tựa Việt giám vịnh sử thi tập, Đặng Minh Khiêm có ý nói đó là do sở nguyện của cá nhân chứ không phải do chỉ dụ của hoàng đế : “Dưới sự ghi chép của những tác phẩm ấy (chỉ chính sử và truyện ký đã dẫn ở trước), mở mà duyệt đọc, tàng trữ mà khảo cứu và dựa theo đó mà ca vịnh, ngày qua tháng lại, tích lũy được một số bài góp thành toàn tập… Nhưng đối với việc truyền thụ và học tập của gia đình về tư liệu sử học thì chưa hẳn là không có phần nào bổ ích”. Như vậy Đại Việt lịch đại sử ký được nhắc đến chỉ là việc biên soạn quốc sử mà ông có tham gia khi làm việc ở Quốc sử quán. Đến nay người ta biết tới sự nghiệp văn chương của Đặng Minh Khiêm chủ yếu qua tác phẩm Việt giám vịnh sử thi tập. -`
Việt giám vịnh sử thi tập là tập thơ chữ Hán, chia làm ba quyển, vịnh các nhân vật lịch sử và huyền sử của Việt Nam. Căn cứ vào lời tựa của tác giả, cuốn sách được hoàn thành năm 1520. Ông cũng nói rõ là đã dựa vào các sử liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và Đại Việt sử ký của Phan Phu Tiên, Việt điện u linh tập lục của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp. Toàn bộ tác phẩm của Đặng Minh Khiêm vịnh 125 nhân vật, bao. gồm các đế vương, từ Kinh Dương Vương đến Trần Quý Khoáng (1414), những người tôn thất và danh thần từ Ngô Xương Ngập đến Đặng Tất, các danh nho, hậu phí, công chúa, tiết phụ, gian thần… Mỗi một nhân vật được vịnh thơ đều thể hiện ở dạng thơ thất ngôn tuyệt cú (bốn câu bảy chữ). Trước mỗi bài thơ vịnh đều có một bài tiểu dẫn giới thiệu tổng quát về lai lịch, hành trạng của nhân vật. Ở một số bài còn phụ chép cả thơ của người được vịnh và thơ của người khác nói về họ.
Đương thời Đặng Minh Khiêm nổi tiếng là người học vấn bác nhã, chí khí khảng khái, cương trực. Làm quan trong buổi triều chính rối ren, tư tưởng kẻ sĩ phân hóa, toàn bộ tâm trí, tài năng và nỗi niềm tâm sự của ông dồn cả cho hoạt động sử học mà Việt giám vịnh sử thi tập là tác phẩm tiêu biểu còn lại. Đặng Minh Khiêm có tư tưởng rõ ràng trong việc đề vịnh các nhân vật lịch sử. Ông ngụ trong những bài thơ cái ý bao biếm khuyến trừng đã có nguồn từ Xuân Thu, Sử ký. Người đời sau thường khen thơ Thoát Hiên : “Khen chê lấy bỏ đều có ý sâu, đáng gọi là danh bút” (Lê Quý Đôn). Hà Nhậm Đại, một cây bút vịnh sử tiêu biểu của giai đoạn sau cũng phải thốt lên thán phục “đi đến đâu cũng nghe nói đến thơ Thoát Hiên”. Thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm không chỉ được nho gia đời sau hâm mộ, bởi tính công luận của sử bút, mà còn được ca ngợi bởi văn chương tao nhã, uẩn súc, được đem ra làm phương tiện luận sử.
Chỉ bằng bốn câu của bài thơ vịnh, tác giả đã thâu tóm, lột tả được cái tiêu biểu, cái riêng độc đáo ở mỗi nhân vật. Qua thơ vịnh của ông, từng nhân vật hiện lên không ai giống ai. Mỗi bài thơ là một định luận về một cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách, phẩm hạnh của một nhân vật. Chẳng hạn, ông vịnh Trần Thuận Tông, một ông vua hôn u, nhận lấy một kết cục bi thảm với ý vị mỉa mai trào lộng : “Triều đình trao áo kẻ bồ hoàng (chỉ Hồ Quý Ly), Luyện khí mong lên cõi thọ trường, Đừng trách Ngọc Thanh (nơi vua bỏ ngôi đi tu đạo) vừa tuyệt thực, Tu tiên tịch cốc cũng là phương”. Chịu ảnh hưởng của hệ ý thức tư tưởng thẩm mỹ Nho giáo, lúc này vẫn đang là hệ ý thức chính thống đối với một số nhân vật lịch sử, ông có cá nhìn có phần khát khe cứng nhắc, đó là đặc điểm mang tính thời đại, đồng thời nó cũng cho người đời sau thấy được cách đánh giá tiêu biểu của nhà nho về một số nhân vật lịch sử. Tác phẩm rõ ràng có tính chất sùng cổ, giáo huấn theo quan điểm nhà nho. Tuy nhiên, do đặc điểm của lịch sử dân tộc, hầu hết nhân vật lịch sử đều ít hoặc nhiều gắn bó với quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước, nên nét nổi bật trong tác phẩm vẫn là niềm tự hào về lịch sử quang vinh và phẩm chất cao quý của dân tộc. Nhân vật mà nhà thơ ca tụng có khi là anh hùng dân tộc, nhà ái quốc vĩ đại, tướng lĩnh có công đuổi giặc giữ nước, những gương tuẫn thân báo quốc, muôn đời bất hủ, có khi là danh nhân văn hóa, những nhà chính trị, giáo dục,, ngoại giao v.v… yêu nước, thương nòi, đạo cao đức trọng, lại có khi là những mình quân, hiền thần có công tích và hoài bão dựng xây đất nước ngày một giàu mạnh. Nhà thơ nghiêm khắc phê phán những hành động, âm mưu phản dân hại nước, gian ác, tham nhũng của hôn quân, bạo chúa, tặc tử, loạn thần. Cho nên, thơ vịnh sử ở đây vẫn hướng con người tới những phẩm chất cao đẹp thuộc về truyền thống dân tộc. Nhiều bài thơ vịnh sử xứng đáng là những bài củ yêu nước và tự hào dân tộc. Với Việt giám vịnh sử thi tập, Đặng Minh Khiêm xứng đáng là người mở đầu một cách thành công cho loại hình vịnh Nam sử bằng chữ Hán.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác