Tư liệu tác giả Hà Nhậm Đại hiệu Hoằng Phủ
(1525 -?)
Hà Nhậm Đại hiệu Hoằng Phủ, tự là Lập Nha, là quan chức, nhà thơ. Quê gốc : xã Bình Sơn, huyện Lập Thạch, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Ông đậu đồng Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1574) niên hiệu Sùng Khang thứ 9 đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ.
Tác phẩm tác giả Hà Nhậm Đại hiệu Hoằng Phủ
Người đời sau được biết đến sự nghiệp văn học của Hà Nhậm Đại chủ yếu qua tác phẩm Khiếu vịnh thi tập, còn gọi là Lê triểu khiếu vịnh thi tập. Bài tựa của tác phẩm được tác giả viết năm 1590. Đây là một tập thơ vịnh sử, vịnh các nhân vật lịch sử thời Lê sơ. Các nhân vật lịch sử được Hà Nhậm Đại đề vịnh gồm có 10 ông vua từ Lê Thái Tổ (1428 -1433) đến Lê Cung Hoàng (1522- 1527), cùng l7 vị công thần, 25 vị danh nho, 24 người tiết nghĩa, 6 sứ thần, 6 gian thần, mỗi nhân vật vịnh một bài. Về cách thức làm thơ vịnh sử, ông học theo lối thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm. Các nhân vật lịch sử được vịnh bằng một bài thơ thất ngôn tuyệt cú. Mỗi nhân vật đều có dẫn tiểu sử, hành trạng vắn tắt, cũng có những bài tiểu dẫn khá tỉ mỉ, chép theo cả giai thoại về người được vịnh. Chỉ với bốn câu thơ, người vịnh sử luôn cố gắng “chộp” lấy nét nổi bật nhất trong cuộc đời nhân vật, hoặc về đạo đức, sự nghiệp hoặc nhân cách. Mỗi người mỗi vẻ đều rất đặc sắc, rất riêng, sinh động. Hà Nhậm Đại đứng trên lập trường công luận của nhà nho chính thống để vịnh sử, cũng từ lập trường đó mà khen chê khuyến trừng. Thơ vịnh sử của ông không bao quát khoảng thời gian lịch sử đài như thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm, ông chỉ có ý làm tiếp công việc mà Đặng tiên sinh đã làm. Điều đó được ông bày tỏ trong lời tựa. Những nhân vật mà Hà Nhậm Đại vịnh đều không phải là những người quá xa xôi với thời của ông. Chính sử còn ghi chép tỉ mỉ về cuộc đời họ và hành trạng công lao sự tích của họ còn được người đương thời nhắc đến.
Ngòi bút vịnh sử của Hà Nhậm Đại mang đầy tính thần tự hào về vị đế vương sáng nghiệp oai hùng triểu Lê, người anh hùng dân tộc Lê Lợi, về những ông vua xuất sắc. Ông ca ngợi những tướng văn, tướng võ tài ba trong khởi nghĩa Lam Sơn, những nhà nho có sự nghiệp để đời, những nhà văn hóa dân tộc có cống hiến lớn, những sứ thần ứng đoái linh hoạt, bảo vệ uy danh của tổ quốc, không hổ thẹn là văn thần của Đại Việt. Ông đặc biệt ca ngợi những nhà nho nghĩa liệt tuẫn thân trong buổi giao thời Lê – Mạc như Đặng Minh Khiêm, Nguyễn Hữu Nghiêm, Đỗ Nhân, Nguyễn Tự Cường… Tuy là người triều Mạc nhưng Hà Nhậm Đại lại không tiếc lời ca ngợi những người trung liệt cuối Lê sơ, coi đó là tiếng nói khuyến khích, răn đe đối với người đời. Nhận xét về Khiếu vịnh thi tập, Lê Quý Đôn cho rằng khí phách âm điệu không bằng Đặng Thoát Hiện (chỉ thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm). Tuy nhiên, tác phẩm vẫn được đánh giá là mạnh dạn, xác đáng. Từ Thoát Hiện vinh sử thi đến Khiếu vịnh thi tập, thơ vịnh sử đã thành dòng mạch, nó là bộ phận quan phương của văn chương nhà nho, là nét riêng của văn chương TK XVI.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác