Giới thiệu tác phẩm Sử thi anh hùng ca
Sử thi anh hùng ca của người Ê Đê. Nguyên ở tiếng Ê Đê đọc là Kiei khan Đam Săn, dịch ra Việt văn là Truyện Đam Săn, Truyện Đam San hoặc Bài ca chàng Đam Săn. Tác phẩm thuộc loại hình khan (sử thi dân gian) bằng tiếng Ê Đê, phổ biến ở vùng người Ê Đê. Cư dân Ê Đê theo thống kê năm 1979 có gần 150 ngàn người, sinh sống ở tỉnh Đắc Lắc và một phần ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Bản trường ca thườngđược kể ở vùng Buôn.Ma Thuột, Buôn Hỏ, Ma Đrắc. Những dị bản tác phẩm này cũng được lưu hành ở một số sắc tộc gần gũi với người Ê Đê như M’nông, Gia Rai, Chăm… Trường ca được phát hiện lần đầu bởi học giả người Pháp Léopold Sabâtier (1923). Sau 1954, nhiều nhà nghiên cứu người Việt và người địa phương sưu tầm thêm nhiều dị bản đã được cố định trong các bản dịch tiếng Việt, đôi khi in kèm cả nguyên tác tiếng Ê Đê (như bản của Đào Từ Chí, 1959, 1977, bản của Ngọc Anh, 1963, bản của Nguyễn Hữu Thấu và Y Yung 1983, 1988, bản của Y Wang Mlo Duon Du, 1992).
Trường ca gồm trên 2.000 câu có vần và nhịp, xen lẫn lời nói thường, kể lại (dưới dạng lời thuật chuyện và các đoạn đối thoại mang tính chất tái hiện) câu chuyện về chàng Đam Săn, một tù trưởng trẻ tuổi, tài giỏi, hùng mạnh của xã hội thị tộc Ê Đê cổ xưa. Truyện kể rằng : theo tập tục cuê nuê (đọc là chuê nuê, nghĩa là “nối nòi”, nối dây, để chỉ việc truyền nối và duy trì quan hệ hôn nhân giữa hai thị tộc), chàng Đam Săn buộc phải lấy hai chị em H nhí và H’bhí (có người đọc là Hbhi), tuy chàng vẫn thích các cô gái khác. Đam Săn ngang ngạnh tìm mọi cách phá vỡ cuộc hôn nhân nhưng ông Trời đã kịp thời can thiệp : lấy ống điếu đánh 7 lần vào đầu Đam Săn khiến cho chàng chết đi sống lại. cuối cùng miễn cưỡng phải nghe theo. Do chịu làm chồng H”nhí và H”bhí, Đam Săn trở thành một tù trưởng giàu mạnh, chỉ huy tôi tớ và cả buôn làng đi làm rẫy, bắt cá, bắt voi. Trong lúc đó. nghe nói chị em H”nhí đẹp, các tù trưởng trong vùng là M’tao Grư (tù trưởng “chim ó”) và M’tao Mxây (tù trưởng “sắt”) lừa khi Đam Săn mải chơi hoặc đi sản vắng nhà, bèn đến cướp H’nhí. Đan Săn đánh bại cả hai, giành lại vợ. lại đoạt được nhiều của cải, tôi tớ, trở nên một tù trưởng giàu mạnh nhất vùng. Sau đó, Đam Săn đi đến chỗ cây smuk – cây thần, cây tổ tiên mà linh hồn của cây đã sinh ra Hnhí và H’bhí – cố sức chặt gãy cây. Cây thần đổ, hai chị em cùng chết. Đam Săn thương tiếc, hối hận bèn lên xin ông Trời cho hai nàng sống lại. Nhưng Đam Săn vẫn không thích sống ở nhà với hai nàng. Chàng cưỡi ngựa đi lên Trời, toan bắt Nữ thần Mặt Trời về làm vợ, nhưng không được. Trên đường về, cả người lẫn ngựa bị lún xuống bùn. Đam Săn chết ngập trong rừng sáp đen của bà Sun Y Rít, hồn chàng hóa thành con ruồi bay vào miệng người chị ruột là H’âng, đầu thai vào Đam Săn – cháu. Cảnh kết thúc thiên sử thi lặp lại cảnh mở đầu : họ hàng nhà H“nhí đến nhà H’âng (chị ruột Đam Săn – cậu) để hỏi Đam Săn – cháu về làm chồng Hˆnhí, tiếp tục ngôi vị của một tù trưởng”giàu mạnh.
Nhân vật Đam Săn trong thiên sử thi dân gian này thuộc kiểu anh hùng thời thị tộc – bộ lạc. Kích thước của nhân vật anh hùng có tầm vóc khổng lồ về thể chất, khổng lồ về ý chí, là sự hợp nhất của các thủ lĩnh có uy tín và công tích, khi con người đã biết sử dụng công cụ đồng, sắt. Những biến cố chiến tranh và kỳ tích của nhân vật trong chiến đấu là nội dung chính của hành động anh hùng. Bên cạnh đó, nhân vật cũng được mô tả với những nét của kiểu anh hùng văn hoá (chỉ huy làm rẫy, bắt cá, thuần phục voi, v.v…). Tuy nhiên, dù nhân vật tù trưởng đó có anh hùng kỹ vĩ đến đâu thì vẫn phải chịu sự sắp đặt của ông Trời, vẫn phải tuân theo tập tục của chế độ mẫu quyền. Trong bộ lạc, quyền tù trưởng ở người đàn bà. Trong gia đình, người đàn bà là chủ. Đam Săn khi ngỡ là H’nhí, H’bhí đã chết, chàng đã khóc : *“Tiếc thay, người mà thần lính đã cho tôi lấy để tôi được trở thành một tù trưởng giàu mạnh… Tôi là lá đa, tôi quyến luyến với gốc đa”. Sự ca ngợi nhân vật anh hùng Đam Săn không có nghĩa là ca ngợi cá nhân Đam Săn, mà là ca ngợi chất anh hùng của cả thị tộc.
Thất bại của Đam Săn trong ý đồ bắt Nữ thần Mặt Trời về làm vợ dường như là thất bại của người tù trưởng dũng mãnh này trước trật tự mẫu quyền lúc đó còn đương ràng buộc. Mặt khác trường hợp cái chết của Đam Săn dường như là ký ức về một kinh nghiệm thất bại khi các tộc người vùng cao thử mở rộng địa bàn cư trú xuống vùng ruộng nước ở đồng bằng.
Về mặt nghệ thuật, khan Đam Săn được coi là tiêu biểu và ưu tú nhất trong số các thiên sử thi sưu tầm được ở các sắc tộc Tây Nguyên. Tác phẩm tồn tại ở dạng kể diễn xướng của nghệ nhân được thực hiện bằng ngôn ngữ hình ảnh theo thủ pháp liệt kê và lặp lại, ước lệ và tượng trưng.
Sau đây là một đoạn văn ví dụ : “Họ ra đi người đen như đám mây, xám như dây khua, đông như mối, như kiến. Họ đến suối, rồi đến đầu làng. Làng thật to lớn. Nương rẫy ở cửa rừng đều làm cỏ sạch sẽ. Rẫy chiếm các đỉnh đồi cao. Làng ở lưng chừng sườn đồi. Trên sườn đồi, trâu lố nhố đen như những quả dưa chín. Bò đỏ như dưa ương, trâu bò lúc nhúc như mối trắng. như kiến đen. Nhà cửa nhiều như cát…” (Bản dịch của Đào Tử Chí).
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác