Giới thiệu tác phẩm Tống Trân Cúc Hoa
Truyện thơ Nôm khuyết danh, thể lục bát, gồm I.689 câu, xuất hiện khoảng giữa thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Chuyện kể rằng, có chàng Tống Trân vốn là con cầu tự, lên ba tuổi thì cha mất. Tám tuổi phải dắt mẹ đi ăn xin khắp làng. Một hôm, hai mẹ con tới một nhà giàu xin ăn. Có một người con gái tên là Cúc Hoa, con nhà Trưởng giả, thương tình đem gạo ra cho. Cha nàng bắt gặp, bèn bắt nàng lấy Tống Trân, sau đó từ con, bỏ rể. Nhưng Cúc Hoa đảm đang chẳng những nuôi được mẹ chồng mà còn đi mời thầy về dạy học cho chồng. Đến kỳ, Tống Trân lên kinh dự thi và đỗ Trạng nguyên. Vua muốn gả công chúa cho Tống Trân nhưng chàng khước từ. Con gái vua tức giận bèn xui cha cử Tống Trân đi sứ ở bên Tàu mười năm. Sẵn lòng tức giận, lại được con gái xúi giục, vua bèn truyền . lệnh cử ngay Tống Trân đi sứ sang Tàu. Tống Trân từ biệt mẹ và Cúc Hoa lên đường. Với trí thông minh và tài khôn khéo của mình, Tống Trân đã vượt qua nhiều thử thách của vua Tàu, giúp vua Tàu xử thành công nhiều vụ án rắc rối. Vua Tàu từ chỗ khinh thường chuyển sang mến phục, phong cho Tống Trân lưỡng quốc Trạng nguyên và gả công chúa cho chàng. Nhưng Tống Trân đã từ chối. Ở trong nước, Cúc Hoa một mình nuôi mẹ chồng, chờ chồng. Được bảy năm, thấy Tống Trân không về, gia đình Cúc Hoa bèn ép nàng lấy một người khác có chức sắc trong làng là Đình trưởng. Cúc Hoa không nghe, cha nàng bèn nhốt nàng lại, đánh đập tàn nhẫn, rồi tống cả mẹ Tống Trân xuống chuồng trâu ở. Quá đau khổ và để thủ tiết với chồng, Cúc Hoa đến núi Sơn Vị định tự tử. Thần Sơn Tính thấu rõ cảnh tình của Cúc Hoa đã hóa phép thành con mãnh hồ đi sang nước Tàu để đưa thư Cúc Hoa cho Tống Trân. Nhận được tin và biết rõ sự tình ở nhà, Tống Trân đem thư trình lên vua Tàu. Vua Tàu cho chàng về nước trước kỳ hạn ba tháng. Ba năm ở rể của Đình trưởng đã mãn hạn, cha Cúc Hoa bèn tổ chức lễ cưới linh đình và cho rước Cúc Hoa về nhà chồng. Cúc Hoa lòng dạ rối bời vẫn một lòng kiên trinh, vừa nấn ná đợi chồng, vừa chuẩn bị quyên sinh để giữ trọn tình nếu đến giờ chót Tống Trân không về. Giữa lúc mọi người đang trong cỗ tiệc thì Tống Trân xuất hiện. Đám cưới tan vỡ. Mẹ gặp con, vợ gặp chồng, cả nhà sum họp xiết bao mừng túi. Cha mẹ Cúc Hoa bị vạch mặt vô cùng xấu hổ và nhục nhã, còn công chúa nước Tàu bấy lâu vẫn một dạ yêu thương Tống Trân đã xin vua cha cho sang nước Việt để gặp chàng. Trên đường biển đến nước Việt, thuyền gặp bão lớn, công chúa bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, được hươu nai cứu sống rồi chăm sóc, nuôi nấng. Một hôm, Tống Trân đi săn hươu trong rừng, bắt gặp công chúa bèn đưa công chúa về nhà. Cúc Hoa vui lòng để cho Tống Trân lấy công chúa. Thế là Tống Trân, Cúc Hoa và công chúa nước Tàu sống bên nhau hạnh phúc sau bao năm tháng phân cách, khổ đau, đợi chờ.
Tống Trân – Cúc Hoa là chuyện về tình yêu và lòng chung thủy. Thông qua câu chuyện tình, tác giả lên án gay gắt những kẻ có tiền, có quyền đã ngăn cản, chà đạp lên tình yêu con người, ngợi ca lòng dũng cảm, kiên trinh, chiến đấu không khoan nhượng trước bất cứ một thế lực nào cho cuộc sống, tình yêu của những người con gái, con trai trong xã hội cũ.
Suốt cả câu chuyện, Tống Trân là hình ảnh của một con người có chí học hành, thông minh, tài trí, không ham giàu sang phú quý, chức quyền. Chàng giữ trong người tình yêu thương với người mẹ già nghèo khổ, lòng chung thủy sắt son với người vợ đã phải chịu sự hắt hủi ruồng đuổi của gia đình để đến với mình trong những tháng năm khốn khó, đã kiên trinh chống lại mọi thế lực, quyền uy gần mười năm trời để giữ trọn tình yêu chờ chàng trở về.
Với những đức tính ấy, Tống Trân đã thành đạt trong cuộc đời, được vua nước Nam phong Trạng nguyên, học vị cao qúy nhất thời phong kiến, được vua Tàu phong lưỡng quốc Trạng nguyên và được hai người con gái cao quý nhận làm chồng. Tất cả là ước vọng, là lý tưởng thẩm mỹ của người dân trong xã hội có bất công. Phần thưởng ấy chính là phần thưởng từ tâm thức quần chúng. Được miêu tả đậm nhất, nhiều tình tiết, nhiều sự kiện nhất và với tình cảm đặc biệt nhất có lẽ là nhân vật Cúc Hoa. Là một cô gái con nhà giàu nhưng Cúc Hoa có lòng thương người nghèo khổ. Gặp Tống Trân dắt mẹ đi xin ăn, Cúc Hoa lấy gạo ra cho và hỏi han ân cần với sự đồng cảm tự tấm lòng của một người con gái :
Lấy một đấu gạo mang ra
Gọi là cứu giúp con nhà bồ côi
Qua song gạn hỏi máy lời
Chẳng hay quê quán mà người ở đâu
Hãy xin kể hết tình đâu
Thấy chàng tôi cũng khổ đau vì chàng
Ở người phụ nữ, tình thương người là gốc của mọi hành vi. Vì tự trọng gia tộc, người cha Cúc Hoa đã trừng phạt nàng bằng cách bắt nàng lấy người con trai ăn xin làm chồng. Chính trong cảnh ngộ ấy và từ đấy, toàn bộ phẩm chất, cá tính của Cúc Hoa được thể hiện ra một cách trọn vẹn và vô cùng logic. Vì lòng thương người, nàng đã đến với Tống Trân, nuôi chàng ăn học và chăm sóc mẹ già của chàng. Bằng ý chí và lòng tự trọng, nàng hết lòng chăm lo việc học hành của chồng chờ ngày đỗ đạt, vinh quy, bước lên tầng lớp cao sang trong xã hội ; vì tình yêu thiết tha, nàng đã dũng cảm, khôn khéo vượt qua tất cả mọi cản trở, hiểm nguy, thắng được mọi thế lực xấu để giữ lòng chung thủy, trinh tiết với chồng, đem lại cuộc sống gia đình êm ấm. Cũng vì lòng tự trọng, biết bảo vệ danh dự cho mình và cho Tống Trân mà nàng đã tỏ thái độ rõ ràng với người cha khi ông ta đến tìm cách dựa vào Cúc Hoa và Tống Trân để tiến thân sau khi Tống Trân đỗ Trạng nguyên. Truyện viết “Cha xưa hắt hủi chúng tôi. Bây giờ chễm chệ lên ngồi sao yên”. Cũng vì có lòng thương người mà nàng có được lòng vị tha cao cả, để cho công chúa nước Tàu có được một cuộc đời bình yên, hạnh phúc bên cạnh chồng mình. Đức hạnh của Cúc Hoa làm xúc động sâu xa ông vua một nước lớn :
Nước Nam sao lắm người hay
Mới mười mấy tuổi biết nay thờ chồng
Thật là tận hiếu tận trung
Trẻ trung biết đạo tam tòng va nay
Ước gì nàng ấy sang đây
Trấm nuôi tức khắc để rày làm con.
Có thể nói, Cúc Hoa là nhân vật lý tưởng của tác giả truyện, là nỗi khát khao của người bình dân thời xưa.
Cậy thế giàu có, hống hách, hãnh tiến, nhẫn tâm, trơ tráo, vô nhân cách là những nét nổi bật của cha Cúc Hoa, một kẻ trưởng giả tàn bạo đáng bị người đời lên án, phê phán.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác