Tiểu sử Chính Hữu
Nhà thơ Chính Hữu tên thật là Trần Đình Đắc, sinh năm 1926 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Quê gốc : huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ học tiểu học và thành chung ở Vinh. Từ khi học thành chung đã rất mê thơ. Thơ Rembô và tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận đã kích thích lòng yêu thơ của Chính Hữu. Học tú tài ở Hà Nội (phần I ở trường Văn Lang, phần 2 [triết học] ở trường Louis Pasteur). Năm 1944, ông bắt đầu làm thơ, chủ yếu là thơ tình. Tháng 5 – 1945, tham gia Việt Minh bí mật (thanh niên cứu quốc). Cuối 1946, ông tham gia tự vệ thành, rồi trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Khi Trung đoàn rút khỏi Hà Nội, ông viết lời cho bài hát Ngày về của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Năm 1947, ông là Chính trị viên một đại đội chiến đấu. Năm 1949, ông là Phó ban Văn nghệ quân đội (tiền thân của phòng Văn nghệ quân đội). Năm 1952, ông là Chính trị viên phó, Chính trị viên Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1957, là Trưởng phòng Văn nghệ quân đội. Từ 1970 đến 1983 ông là Cục phó Cục tuyên huấn, Tổng cục chính trị, phụ trách văn hóa văn – nghệ. Sau đó ông chuyển ngành làm Phó tổng thư ký Hội nhà văn khóa III và Ủy viên BCH khóa IV.
Tác phẩm Chính Hữu
Tác phẩm chính : Năm 1946 viết bài Ngày về. Năm 1948 viết bài Đồng chí như là một “hiện tượng” của thơ kháng chiến, thơ bộ đội. Đầu súng trăng treo (thơ xuất bản lần 1 – 1966, xuất bản lần 2 – 1972, xuất bản lần 3 – 1984), Thơ Chính Hữu (thơ – 1997), Tuyển tập Chính Hữu (thơ – 1998).
Là người sớm tạo được cái tên trên thi đàn văn học cách mạng và kháng chiến, vậy mà trong suốt cuộc đời sáng tạo, Chính Hữu chỉ cho ra mắt bạn đọc hơn 50 bài thơ. Số lượng sáng tác của ông không nhiều nhưng thơ ông lại có nhiều nét đặc sắc, sớm định hình một phong cách riêng mang dấu ấn cá nhân. Một số bài thơ như Ngày về, Đầu súng trăng treo, Ngọn đèn đứng gác, Đường ra mặt trận… của Chính Hữu được phổ nhạc khiến thơ ông càng nhiều người biết đến.
Thơ Chính Hữu chân thành, mộc mạc nói ít, gợi nhiều, giàu tính khái quát, triết lý, có chiều sâu, khơi gợi những liên tưởng vượt ra ngoài giới hạn của bài thơ, tạo ra những giăng mắc, vấn vương trong ngôn từ, giọng điệu. Chính vì vậy, dù số lượng tác phẩm không nhiều song ông vẫn chiếm một vị trí xứng đáng trong đội ngũ các nhà thơ quân đội và là một trong những tên tuổi được trân trọng của nền thơ Việt Nam hiện đại.
Bài thơ Đồng Chí
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.