Hướng Dẫn Cách Viết Tóm Tắt Luận Văn Tốt Nghiệp - Kèm Mẫu Tham Khảo

Hướng dẫn viết tóm tắt khóa luận tốt nghiệp chi tiết

Tóm tắt luận văn là một bản luận văn rút gọn, tổng hợp một cách cô đọng nhất các nội dung được trình bày trong luận văn của bạn.

Hướng Dẫn Cách Viết Tóm Tắt Luận Văn Tốt Nghiệp - Kèm Mẫu Tham Khảo

Cấu trúc tóm tắt luận văn tốt nghiệp

Một bản tóm tắt luận văn nhất định phải có đầy đủ các phần sau:

Bạn cần phải trình bày cho giảng viên và hội đồng thấy được vấn đề nghiên cứu của bạn có giá trị phát triển kiến thức cũng có tính thực tiễn, ứng dụng giải quyết các tình huống cấp bách trong đời sống.

Ở phần này bạn cần nêu ra ba mục tiêu cơ bản:

– Mục tiêu nâng cao kiến thức.

– Mục tiêu nghiên cứu các vấn đề thực tiễn cấp bách có liên quan đến kiến thức được học.

– Mục tiêu ứng dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đang được nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu là yếu tố quan trọng đánh giá được sự hiểu biết và công sức, sức lực của bạn bỏ ra cho bài nghiên cứu. Bạn cần trình bày thật logic, khoa học để giảng viên của bạn và ban hội đồng thấy được khả năng tư duy nghiên cứu và ứng biến thực tiễn linh hoạt.

Tóm tắt các luận điểm chính của bài nghiên cứu bao gồm:

– Hệ thống lý luận, cơ sở lý thuyết

– Tình hình thực tiễn của vấn đề nghiên cứu, đánh giá ưu, nhược điểm và những tác động tới các khía cạnh cuộc sống

– Ứng dụng lý luận, kiến thức khoa học để giải quyết

– Đóng góp quan điểm cá nhân và đề xuất hướng giải quyết với các cơ quan ban ngành có liên quan

Trình bày lại kết quả nghiên cứu và những kiến thức, kinh nghiệm bạn đã đúc kết được trong quá trình thực hiện bài nghiên cứu này. Một vấn đề quan trọng nữa là bạn cần phải xác thực xem bài nghiên cứu của mình có đáp ứng được các mục tiêu ban đầu mà bạn đã đề ra hay không.

Để thể hiện sự hiểu biết của mình đồng thời lấy được lòng tin và sự tín nhiệm của giảng viên cũng như ban hội đồng bạn nên đưa ra hướng đi tiếp theo cho vấn đề nghiên cứu của mình. Bởi lẽ, với một đề tài luận văn thạc sĩ, quy mộ và độ sâu của kiến thức rất lớn, một bài luận văn của bạn khó mà có thể phân tích hết được.

Do đó, đưa ra hướng đi tiếp theo cho đề tài sẽ vừa là một biện pháp an toàn mà lại vô cùng hiệu quả mà bạn không thể bỏ qua nếu muốn nhận được sự đánh giá cao từ giảng viên và ban hội đồng.

Mẫu tóm tắt luận văn tốt nghiệp

Mẫu tóm tắt luận văn tốt nghiệp 1:

Tên đề tài: Hoàn thiện công tác phân tích hiệu quả hoạt động tại Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng.

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Phân tích hiệu quả hoạt động giúp doanh nghiệp tự đánh giá, xem xét việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế như thế nào, những mục tiêu kinh tế được thực hiện đến đâu, từ đó tìm ra những biện pháp để tận dụng một cách triệt để thế mạnh của doanh nghiệp, điều đó có ý nghĩa là phân tích hiệu quả hoạt động không chỉ là điểm kết thúc một chu kỳ kinh doanh mà còn là khởi đầu một chu kỳ kinh doanh tiếp theo. Kết quả của phân tích hiệu quả hoạt động là cơ sở quan trọng để ra quyết định quản trị trong ngắn hạn và dài hạn, giúp dự báo, đề phòng và hạn chế những rủi ro trong kinh doanh, dự báo hoạt động trong tương lai.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy, phân tích hiệu quả nhằm mục đích đánh giá một cách đầy đủ và chính xác mọi hoạt động của doanh nghiệp, đưa ra các mặt mạnh, mặt yếu trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, đưa ra các nguyên nhân cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả của doanh nghiệp, ngoài ra còn là căn cứ quan trọng để phục vụ cho việc dự đoán, dự báo xu thế phát triển kinh doanh của doanh nghiệp; từ đó có thể đưa ra các giải pháp để tăng cường hoạt động kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Là một Doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần lốp ô tô tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đang dần khẳng định vị trí của mình tại thị trường trong nước và nước ngoài. Nhưng để đạt được mục tiêu dẫn đầu trong ngành sản xuất và kinh doanh săm lốp ô tô, xe máy và xe đạt thì công ty phải kinh doanh có hiệu quả. Nhà quản trị của công ty phải quan tâm hơn đến việc phân tích hiệu quả hoạt động và hoàn thiện công tác phân tích hiệu quả hoạt động để giúp cho việc ra quyết định tốt hơn.

Xuất phát từ lý do trên, tôi chọn đề tài “Hoàn thiện công tác phân tích hiệu quả hoạt động tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng” để làm luận văn tốt nghiệp, với mong muốn đóng góp ý kiến của mình nhằm nâng cao chất lượng thông tin, phục vụ cho nhà quản trị của Công ty và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư với Công ty.

2. Mục tiêu nghiên cứu

– Luận văn hệ thống hóa lý luận về công tác phân tích hiệu quả tại công ty cổ phần, các chỉ tiêu phân tích hiệu quả hoạt động và các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.

– Khảo sát, đánh giá thực trạng về phân tích hiệu quả hoạt động của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng.

– Từ những vấn đề lý luận và thực trạng công tác phân tích tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng để đưa ra định hướng và đề xuất những giải pháp hoàn thiện công tác phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh tại Công ty.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu: Là công tác phân tích hiệu quả hoạt động tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng.

– Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính trong giai đoạn từ năm 2009 – 2012 tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng.

4. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng các phương pháp:

– Nghiên cứu cơ sở lý thuyết liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu; kết quả của các nghiên cứu của công ty và các đối thủ cạnh tranh cùng ngành.

– Thu thập tài liệu liên quan đến tình hình tài chính kinh doanh, tình hình tài chính tại bộ phận kế toán tài chính, bộ phận kinh doanh của Công ty. Thu thập tài liệu, phân loại và sử dụng thông tin liên quan đến công ty tại cổng thông tin vanmau.com.

– Thực hiện phân tích bằng việc sử dụng các phương pháp trong phân tích hoạt động kinh doanh: phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích ảnh hưởng của các nhân tố.

5. Kết cấu của luận văn

Với tên đề tài: Hoàn thiện công tác Phân tích hiệu quả hoạt động tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, ngoài các phần mở đầu, kết luận, mục lục, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục… luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận phân tích hiệu quả hoạt động trong công ty cổ phần

Chương 2: Thực trạng công tác phân tích hiệu quả hoạt động tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng.

Chương 3: Giải pháp hoàn thiện công tác phân tích hiệu quả hoạt động tại Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng.

6. Tổng quan tài liệu

KẾT LUẬN

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường sự biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế trong nước dưới sự ảnh hưởng lớn về kinh tế của các nước trong khu vực về thế giới. DN Việt Nam nói chung và CTCP Cao su Đà Nẵng nói riêng, ngày càng phải nâng cao vị thế của mình để đủ sức cạnh tranh với các DN trong và ngoài nước. Muốn vậy công ty phải luôn kiện toàn công tác quản trị bằng việc nghiên cứu tổ chức tốt công tác phân tích nói chung và phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh nói riêng.

Qua thời gian nghiên cứu lý luận cũng như tìm hiểu thực tế tại CTCP Cao su Đà Nẵng luận văn cơ bản giải quyết được một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về phân tích hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Thứ hai, tìm hiểu được thực trạng công tác phân tích hiệu quả hoạt động tại CTCP Cao su Đà Nẵng, từ đó đưa ra những đánh giá về công tác này.

Thứ ba, trên cơ sở nghiên cứu lý luận kết hợp với thực tiễn về phân tích hiệu quả hoạt động tại CTCP Cao su Đà Nẵng, luận văn đã đưa ra được định hướng và giải pháp hoàn thiện về công tác phân tích hiệu quả hoạt động; nội dung và phương pháp phân tích hiệu quả hoạt động; hệ thống thông tin phục vụ cho công tác phân tích hiệu quả hoạt động.

Thứ tư, kết quả nghiên cứu của luận văn có thể được áp dụng để nâng cao chất lượng công tác phân tích hiệu quả hoạt động tại CTCP Cao su Đà Nẵng.

Đọc thêm  Quy định trình bày luận văn tốt nghiệp chi tiết bạn đã biết chưa?

Mẫu 2:

Tên đề tài: Nhân vật tha hóa trong tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

– Vũ Trọng Phụng không chỉ là “ông vua phóng sự của đất Bắc” mà còn là một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Nhiều tiểu thuyết của ông như Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ được xếp vào hàng kiệt tác của nền văn học Việt Nam hiện đại. Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, nhiều tác phẩm (hoặc trích đoạn tác phẩm) của ông đã được được vào sách giáo khoa phổ thông, giáo trình Đại học-Cao đẳng ở Việt Nam.

– Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng vô cùng phong phú, đa đạng nhưng loại nhân vật “tha hóa” là một trong những đóng góp nổi bật của ông cho dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ 1930-1945 nói riêng và nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

– Tìm hiểu nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng không những góp thêm tiếng nói xác định những giá trị, những đóng góp to lớn của nhà văn cho nền văn học nước nhà mà còn giúp bản thân hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn học của Vũ Trọng Phụng.

Từ những lý do trên, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài: Nhân vật tha hóa trong tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.

2. Lịch sử vấn đề

Từ trước tới nay, có khá nhiều công trình nghiên cứu về nhân vật “tha hóa” nói riêng và nhân vật tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng nói chung. Những công trình và bải viết mà chúng tôi bao quát, tập hợp được là:

– Vũ Trọng Phụng, sức mạnh tưởng tượng tổng hợp và tiếng cười châm biếm của GS Nguyễn Đăng Mạnh (in trong Chân dung phong cách-Nxb Văn học, 2001) đã đề cập đến hiện thực rộng lớn và thế giới nhân vật đông đảo trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng.

– Vũ Trọng Phụng tác phẩm và lời bình (Nxb Văn học, 2014), tập hợp nhiều bài viết về cuộc đời và sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Đáng chú ý nhất là các bài viết: Sự thể hiện con người “tha hóa” trong các tiểu thuyết hiện thực của Vũ Trọng Phụng (Đinh Trí Dũng), Tiểu thuyết “Số đỏ” và tài nghệ của Vũ Trọng Phụng, Đọc lại “Giông tố”của Vũ Trọng Phụng (Nguyễn Đăng Mạnh), Nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng (Hà Minh Đức).

– Chuyên luận Nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng của Đinh Trí Dũng, Nxb Đông Tây, 2005, là một công trình khoa học nghiên cứu về nhân vật tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng.

Tuy nhiên, chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng phụng một cách đầy đủ, có hệ thống nhưng những bài báo, chuyên luận trên là những tài liệu quý báu giúp chúng tôi hoàn thành Khóa luận tốt nghiệp này.

3. Nhiệm vụ nghiên cứu

Nhiệm vụ chính của Khóa luận là nghiên cứu loại nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Số đỏ với các nội dung cụ thể sau:

– Giới thuyết về nhân vật “tha hóa” và nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.

– Tìm hiểu nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.

4. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của Khóa luận bao gồm những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng có xây dựng loại nhân vật “tha hóa” như Giông tố, Vỡ đê, Làm đĩ nhưng trọng tâm là tiểu thuyết Số đỏ.

5. Phương pháp nghiên cứu

Khóa luận kết hợp vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu: Phương pháp loại hình, phương pháp hệ thống-cấu trúc, phương pháp phân tích, tổng hợp…

6. Đóng góp mới của khóa luận

Đây là Khóa luận đầu tiên nghiên cứu nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng một cách tương đối toàn diện, có hệ thống nhằm làm sáng tỏ những đóng góp nổi trội của nhà văn cho nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam trên phương diện xây dựng nhân vật, phản ánh hiện thực, phơi bày bộ mặt xã hội thực dân phong kiến thối nát làm tha hóa nhân phẩm con người.

7. Cấu trúc khóa luận

Ngoài phần Mục lục, Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Khóa luận gồm có 2 chương:

Chương 1: Nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng

Chương 2: Nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ trọng Phụng

Chương 1

NHÂN VẬT “THA HÓA” TRONG TIỂU THUYẾT VŨ TRỌNG PHỤNG

1. Nhân vật văn học và nhân vật “tha hóa” trong văn học

1.1. Nhân vật văn học

Nhân vật văn học là con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện nghệ thuật. Nhân văn văn học có thể có tên riêng hoặc không có tên riêng. Cũng có khi khái niệm nhân vật văn học được sử dụng như một ẩn dụ để chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm như “chữ” trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật mang tính ước lệ, không thể đồng nhất với con người có thật trong đời sống xã hội, ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật.

Nhân vật văn học được miêu tả qua các biến cố, xung đột, mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật, là mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa tuyến nhân vật này với tuyến nhân vật kia. Nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian.

1.2. Nhân văn “tha hóa” trong văn học

Nhân vật “tha hóa” là nhân vật văn học, do nhà văn hư cấu, tưởng tượng xây dựng nên nhằm phản ánh hiện thực xã hội mục ruỗng, xấu xa đã làm biến đổi bản chất con người.

Nhân vật “tha hóa” là sản phẩm của chủ nghĩa hiện thực. Sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực tạo ra một bước ngoặt trong việc khám phá con người.

2. Nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng

Thế giới nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng rất đa dạng và phong phú. Chúng ta có thể phân nhân vật “tha hóa” thành hai loại là nhân vật tự tha hóa và nhân vật bị tha hóa.

2.1. Nhân vật tự “tha hóa”

Nhân vật tự tha hoá là những nhân vật “tính cách căn bản đã cố định từ đầu, nhân vật không thay đổi môi trường sống của mình”. Đó là những kẻ tham lam tiền bạc, vật chất, đam mê lối sống sa đoạ, tham vọng quyền lực đỉnh cao như Nghị Hách trong Giông Tố, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan trong Số đỏ, thầu khoán Khoát trong Vỡ đê,…

Nghị Hách trong Giông tố điển hình cho loại nhân vật này. Hắn là một điển hình nghệ thuật bất hủ về tầng lớp tư sản, đại địa chủ bản xứ trong quá trình làm giàu và thăng tiến đầy tội ác. Hắn có lối sống xa hoa, “hoang dâm vô độ”. Nhờ “lừa thầy phản bạn” và mánh khóe mà chẳng bao lâu hắn đã trở nên giàu có. Cách ăn chơi của hắn thì y như các vị công hầu khanh tướng trong tiểu thuyết Tàu, có mười một nàng hầu đặt dưới quyền một mụ quản gia.

Hình ảnh đầu tiên chúng ta bắt gặp trong Giông tố lại là một vụ lừa đảo, “cưỡng dâm có tổ chức”, một hình ảnh không mấy tốt đẹp mà kẻ cầm đầu, gây tội ác này không ai khác lại chính là Nghị Hách. Nhân lúc xe bị hỏng, hắn đã lừa một cô thôn nữ ngây thơ, trong trắng để cưỡng dâm trong thùng xe.

Hắn không những đang tâm “cưỡng dâm” con gái nhà lành mà còn “khép” cả nhà, cả làng người ta vào tội vu khống. Một xã hội lắm thị phi, đổi trắng thay đen, cái xã hội mà công lý nhường chỗ cho quyền lực và tiền bạc. Vũ Trọng Phụng tập trung tô đậm thói dâm đãng, xa hoa của những kẻ có tiền và có thói quen dùng tiền để giải quyết mọi việc, kể cả bẻ cong công lý, lẽ phải.

Một kẻ không có tính người, một hình mẫu “lý tưởng” của xã hội đảo điên, Nghị Hách là một trường hợp đặc biệt của tội ác: hiếp dâm, giết người, vu oan giá họa, cướp đoạt tài sản, … miễn sao đạt được mục đích thỏa mãn tính dâm dục và làm giàu tiến thân.

Trên nền tảng của cái xã hội Tây chả ra Tây, Ta chả ra Ta ấy, Vũ Trọng Phụng đã ném một quả bom vào một xã hội chó đểu khi xây dựng thành công một hình mẫu điển hình về mọi mặt, mọi phương diện là Nghị Hách. Mặt khác, qua nhân vật này, Vũ Trọng Phụng muốn lên tiếng cảnh báo về sự phát triển của cái ác đang âm thầm làm biến đổi xã hội, biến đổi bản chất tốt đẹp của con người.

2.2 Nhân vật bị “tha hóa”

Nhân vật bị tha hóa khác với nhân vật tự tha hoá ở chỗ họ tha hoá nằm ngoài ý muốn chủ quan của bản thân. Đối tượng của nhân vật bị tha hóa thuộc đủ các thành phần trong xã hôi, từ người nông dân cho đến người tri thức như Mịch, Long trong Giông tố, Huyền trong Làm đĩ,… Mỗi nhân vật có một quá trình bị tha hóa riêng nhưng cùng chung một quy luật nghiệt ngã: Quy luật của sự tha hóa. Đó là tình trạng con người bị bóp nghẹt bởi hoàn cảnh xã hội thối nát, con người không thể sống như mình mong muốn và dần đánh mất chất người của mình.

Đọc thêm  Top 10 Đề Cương Luận Văn Tốt Nghiệp Hay Không Thể Bỏ Qua

Mịch (trong Giông tố) là một cô gái hiền lành, chân chất, có đôi nét ngây thơ, khờ dại của những cô thôn nữ quanh năm sống dưới lũy tre làng. Cuộc sống của Mịch thay đổi chỉ sau một đêm. Cái đêm “Giông tố” mà Nghị Hách đã gây ra cho cô khi đi ngang sang làng Quỳnh Thôn. Hắn nhẫn tâm tước đoạt sự trong trắng của cô gái trẻ chỉ đáng tuổi con hắn, hắn đổ tai họa xuống gia đình cô khiến cô từ người bị hại trở thành kẻ vu khống bị cả làng xa lánh.

Mịch ban đầu là nhân vật tiêu biểu cho những người nghèo ở nông thôn bị ức hiếp, bị xâm phạm nhân phẩm bởi những kẻ có tiền và có địa vị. Mịch là một cô gái giàu lòng tự trọng, biết ý thức về nhân phẩm của mình.

Từ khi sau đêm “Giông tố”, Mịch đã biến thành một người đàn bà rắc rối, phức tạp và dâm đãng. Cô cư xử vô duyên, đáng ghét. Cô hách dịch, thẳng tay trách mắng kẻ ăn người ở theo kiểu bà lớn. Mịch từ một cô gái chân quê, mộc mạc đã dần dần trở thành một kẻ lì lợm, ngang ngạnh, táo bạo bất chấp mọi sự trên đời.

Nhân vật Mịch được Vũ Trọng Phụng khắc họa hết sức chân thực trong phần đầu nhưng càng về sau khối óc hoài nghi về phẩm chất con người của Vũ Trọng Phụng trỗi dậy đã dần đưa nhân vật Mịch ra khỏi tính chân thực vốn có, biến cô gái hiền lành ngày nào trở thành thiếu phụ dâm đãng, vô duyên, tự mãn về sự giàu có của mình

Phải chăng hoàn cảnh đã làm thay đổi bản chất tốt đẹp vốn có của con người? Vũ Trọng phụng đã để Mịch trở thành vợ lẽ của Nghị Hách rồi mới cho cô bộc lộ “bản tính dâm đãng” của mình. Dù tác giả đã đưa ra vô số những lý do minh chứng cho sự thoái hóa biến chất của Mịch nhưng các lí lẽ đưa ra không đủ sức biện minh cho những hành động ham muốn nhục dục vô độ của cô.

Kinh khủng nhất là hành động “ngoại tình bằng tư tưởng” của Mịch làm người đọc cảm thấy ghê tởm. Chính những chi tiết này đã làm lu mờ đi những ấn tượng tốt đẹp mà Vũ Trọng Phụng đã dày công xây dựng cho nhân vật Mịch trước đó.

Cũng giống như Mịch, nhân vật Long (trong Giông tố) đã để lại trong lòng người đọc nhiều trăn trở. Long là người vừa đáng thương vừa đáng ghét. Thương cho chàng trai có tình yêu trong trắng nhưng không thành. Ghét vì chàng sau khi đã quyết định tha thứ cho Mịch nhưng luôn tự vấn, dằn vặt bản thân về sự “mất tân” của người yêu. Và đáng lên án nhất là những hành động trái với luân thường đạo lý, trái với lương tâm.

Long, một người có tư tưởng tiến bộ, xuất hiện với tư cách là chồng chưa cưới của Mịch. Khi biết tin Mịch bị cưỡng hiếp đã không ruồng bỏ Mịch mà an ủi, động viên Mịch khi cô rối trí, muốn quyên sinh. Nhưng tình yêu và lòng vị tha của chàng không vượt qua được định kiến và sự cảm dỗ của đồng tiền, của danh vọng. Chỉ cần Tú Anh-con trai cả của Nghị Hách cũng là ông chủ của Long- khuyên nhủ vài câu và hứa hẹn sẽ gả em gái cho thì Long đã từ bỏ ngay người vợ chưa cưới của mình, gián tiếp đẩy Mịch vào con đường tha hóa.

Long và Mịch là hai con người có chung một số phận, chung hoàn cảnh và là nạn nhân của cái xã hội “chó đểu” Tây chả ra Tây, Ta chả ra Ta. Vũ Trọng Phụng xây dựng hình tượng nhân vật Long trở thành nhân vật “đa tính cách”. Một người đàn ông chung thủy, sắt son, có học thức nhưng chỉ vì một bước lầm lỡ tin vào kẻ đạo đức giả mà nhẫn tâm đẩy người mình yêu vào tay một kẻ hoang dâm vô độ.

Vũ Trọng Phụng đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một “vòng loạn luân thu nhỏ” dần hé mở, sự thật giấu kín được phơi bày. Những tình tiết độc đáo và bất ngờ làm câu chuyện thêm lôi cuốn, hấp dẫn. Long tự đưa mình đến với con đường sa đọa, đắm chìm trong “nàng tiên nâu”, “động bàn tơ” của các nhà chứa để rồi trái tim càng ngày càng đau đớn. Và cái chết trong vòng tay của cô gái làng chơi phải chăng là cái kết có hậu cho cuộc đời đầy bế tắc của Long?

Làm đĩ là một tiểu thuyết thực nghiệm, xoay quanh câu truyện về cuộc đời đầy gian truân của Huyền. Vũ Trọng Phụng để nhân vật tự kể về cuộc đời mình như một lời than vãn, khuyên nhủ con người. Nỗi đau khổ của người phụ nữ gắn liền với khao khát tình dục, những cảnh ân ái trần tục khiến cuộc đời Huyền thêm phần chua chát, đắng cay trong mắt độc giả. Tuy sống trong cảnh ô nhục nhưng Huyền không chôn vùi tâm hồn mình trong vũng bùn ấy. Cô vẫn ngày ngày viết lại nhật ký về cuộc đời mình và muốn lưu lại như một thứ “bằng chứng xác thực” cảnh tỉnh để những cô gái đang tuổi trăng tròn để họ không lặp lại vết xe đổ đó. Vũ Trọng Phụng để Huyền làm như vậy phải chăng chính ông cũng muốn làm điều gì đó có ích cho đời, cứu vãn những con người đang trên bờ vực sa ngã? Đằng sau cái lớp vỏ phê phán, mỉa mai, phải chăng là một niềm đau xót, cảm thông, xót thương cho kiếp “hồng nhan bạc mệnh” của Huyền nói riêng, của những người phụ nữ lầm lỡ nói chung.

Huyền là một cô gái thông minh, xinh đẹp, sinh trưởng trong một gia đình danh giá và được thừa hưởng nền giáo dục phong kiến hà khắc, khuôn mẫu. Như bao cô gái trẻ khác, Huyền luôn tò mò, khao khát tìm hiểu về vấn đề giới tính nhưng không được cha mẹ, người thân đáp ứng. Trong lúc Huyền đang say đắm trong thế giới riêng về những vấn đề nam nữ thì Nguyễn Lưu, người anh họ xa của cô xuất hiện. Vì tò mò, vì muốn khám phá sự bí ẩn của tình dục nên cô đã thông dâm với anh ta. Mối tình vừa chớm nở đã không đơm hoa kết trái bởi cha mẹ cô tìm cách gả cô cho một người có học thức, giàu có. Nguyễn Lưu tìm đủ mọi cách để hai người được bên nhau nhưng không thành. Nguyễn Lưu phải tìm đến cái chết còn Huyền phải lấy chồng.

Đêm tân hôn, khi Huyền vô cùng lo sợ về chuyện “mất tân” thì chồng cô lại tự thú là mình mắc bệnh giang mai đang chữa trị và cầu xin Huyền tha thứ. Chính những khao khát không được thỏa mãn đó là nguyên nhân dẫn đến tấn bi kịch trong cuộc đời Huyền. Cô đắm chìm trong cuộc tình vụng trộm với Tân và bị chồng phát hiện đuổi ra khỏi nhà. Cũng lúc ấy, cô phát hiện ra bộ mặt đểu giả, lừa đảo của Tân. Cô sụp đổ hoàn toàn, mọi thứ trước mắt cô chỉ toàn màu đen. Mọi cánh cửa đã khép lại với cô. Huyền buộc phải dấn thân vào con đường “bán trôn nuôi miệng”.

Môi trường gia đình và xã hội đã góp phần tạo lập nên tính cách con đĩ của Huyền nhưng cũng chính Huyền đã tạo cho xã hội một cánh nhìn mới về cái nghề mà mọi người xem là thấp hèn trong xã hội. Đó là cả một quá trình tha hóa và quá trình tìm lại nhân cách, tìm lại chữ “ người” của Huyền.

Vũ Trọng Phụng cho rằng môi trường, hoàn cảnh xã hội và gia đình quyết định tính cách của Huyền, nhưng cũng chính môi trường đó đã biến Huyền thành “con đĩ’ trong lớp vỏ là cô gái con nhà danh giá, có giáo dục. Có thể nói Huyền đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục để khẳng định quyền sống, quyền làm người bởi tình dục là một phần của tình yêu, là một nhu cầu tất yếu của con người cần được xã hội thừa nhận. Đó cũng chính là khát vọng giải phóng con người của nghệ sỹ của Vũ Trọng Phụng. Đây là logic tất yếu của sự tồn tại không thể nào đảo ngược và là căn nguyên sâu xa cho những lý lẽ khả dĩ đem lại một cái nhìn thật sự nghiêm túc về Làm đĩ của ông.

Chương 2

NHÂN VẬT “THA HÓA” TRONG TIỂU THUYẾT SỐ ĐỎ CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG

1. Thế giới nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Số đỏ

1.1. Nhân vật “tha hóa” là ông, bà chủ

Đại diện tiểu biểu cho những ông chủ, bà chủ thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỷ trước đã được Vũ Trọng Vũ dựng lên trong tiểủ thuyết Số đỏ là cụ cố Hồng, bà Phó Đoan.

1.2 Nhân vật “tha hóa” là trí thức

Điển hình cho loại nhân vật “tha hóa” trí thức là Văn Minh, ông Phán mọc sừng, Hoàng Hôn-vợ ông Phán mọc sừng, Tuyết, Cậu Tú Tân-con trai út cụ cố Hồng, Tip Phờ Nờ-nhà thiết kế trang phục Âu Hóa. Tất cả họ đều có điểm tương đồng là bịp bợm, giả dối, đểu cáng.

Đọc thêm  Danh Sách 62 Đề Tài Luận Văn Kinh Doanh Quốc Tế Chọn Lọc

1.3. Nhân vật “tha hóa” là những kẻ thi hành pháp luật và sư sãi

Nhân vật “tha hóa” đại diện cho những kẻ chấp pháp mù quáng như Min Đơ, Min Toa và Sư Tăng Phú-người sáng lập ra báo Gõ Mõ.

1.4. Nhân vật “tha hóa” là bình dân

Nhân vật “tha hóa” thuộc tầng lớp bình dân là lang Tỳ, lang Phế và điển hình là Xuân Tóc Đỏ.

2. Xuân Tóc Đỏ điển hình cho hình mẫu nhân vật “tha hóa”

Xuân Tóc Đỏ đúng như cái tên, bắt đầu bước vào câu chuyện cho đến khi kết thúc chuyện toàn gặp những chuyện may mắn. Hắn bịp người chỉ bằng một bài quảng cáo thuốc lậu. Hắn sử dụng câu học mót của TYPN: “Chúng tôi rất được hân hạnh” mỗi khi tiếp khách hàng nữ. Hắn đưa ra những lời khoe mẽ khi giới thiệu về bản thân: “Me sừ Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc Kỳ”. Những “phẩm chất” ấy đã tạo nên cái tên Xuân Tóc Đỏ.

Xuân Tóc Đỏ là sản phẩm của xã hội đường phố, của môi trường vô giáo dục, không ai dạy dỗ, kèm cặp, phải lang thang kiếm sống với nhiều nghề phức tạp nên sớm trở thành một kẻ lưu manh, tha hóa thực thụ. Bản chất lưu manh của hắn được thể hiện từ cách ăn nói tục tĩu “mẹ kiếp”, ‘nước mẹ gì” đến hành động nhìn trộm con gái tắm, nhìn trộm bà đầm thay đồ… Thế nhưng trong một hoàn cảnh đặc biệt hắn được nhập vào môi trường của những kẻ giàu có, những con người dang ôm ấp mộng Âu hóa và cải cách xã hội.

Bà Phó Đoan đã dang tay cứu vớt, đưa hắn từ môi trường hạ lưu lên địa vị thượng lưu, chuyên trách quảng cáo ở tiệm Âu Hóa.

Bằng miệng lưỡi, thủ đoạn, mánh lới của một gã chuyên rao bán thuốc lậu, Xuân Tóc Đỏ có đủ khả năng để tạo dựng chỗ đứng, lôi kéo khách hàng cho vợ chồng Văn Minh. Hắn tận dụng triệt để những gì hắn học mót được, những gì cuộc đời dạy hắn kết hợp với cái “Số đỏ” của mình để chứng minh cho người khác thấy gã là bậc tri thức, sinh viên trường thuốc. Chỉ bằng một đoạn trong bài quảng cáo thuốc lậu mà hắn đã khiến cụ cố Hồng bái phục.

Hắn chọn đúng thời điểm để nói (khi giúp ông Phán mọc sừng), để xuất hiện (đến viếng đám ma cụ cố tổ) để kiếm lời và trở thành “ân nhân” gia đình cụ cố Hồng: “Xuân tuy phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cáo cái tội trạng hoang dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết. Hai cái tội nhỏ, một cái ơn lớn”.

Từ một kẻ vô lại, vô học bỗng chốc Xuân Tóc Đỏ trở thành đốc tờ, triết gia, thi sĩ, nhà cái cách xã hội, anh hùng cứu quốc,…Nghịch lý này được Vũ Trọng Phụng vẽ ra bằng những nét nguệch ngoạc, tùy tiện tạo thành một bức chân dung biếm họa.

Trong trận đấu giao hữu với tay vợt hàng đầu nước Xiêm La, Xuân vô cùng hả hê, sung sướng khi được coi là “anh hùng cứu quốc”, là “một vĩ nhân” được người đời tung hô: “Xuân Tóc Đỏ vạn tuế! Sự đại bại vạn tuế”. Hơn thế, hắn còn dùng những lời lẽ huênh hoang, kênh kiệu, xấc xược để ngụy biện cho thất bại của mình trước công chúng.

Có thể nói, Xuân Tóc Đỏ bước từ thế giới hạ lưu sang thế giới thượng lưu chỉ là bước từ môi trường tha hóa này sang môi trường tha hóa khác. Bản chất của hai tầng lớp này có nhiều điểm chung: dâm đãng, bịp bợm, lừa lọc, đểu giả, chuyên hợm người và hợm mình. Chính vì thế mà Xuân không bỡ ngỡ, khó hòa đồng khi “sẩy chân” vào giới thượng lưu.

Từ đâu mà Xuân Tóc Đỏ lại “đỏ” thế? Được “quí nhân” phù trợ nhiều đến thế? Trong cuộc sống, chẳng ai muốn kết nạp một kẻ ma cà bông, vô lại, vô học, sống đầu đường xó chợ, làm đủ mọi nghề mạt hạng, có “sở thích” nhìn trộm phụ nữ thay đồ vào cái xã hội thương lưu cả. Chẳng qua, do bản chất bịp bợm, dối trá Văn Minh đã lỡ tâng bốc hắn trước mặt cụ cố tổ là “sinh viên trường thuốc”, “Đốc tờ Xuân” khi bảo hắn xem bệnh cho cụ. Cứ thế, các danh hiệu “trí thức”, “chuyên gia quần vợt”, “nhà cải cách xã hội”, “anh hùng cứu quốc”,… lần lượt được Văn Minh và giới thượng lưu “gắn” dần cho hắn để lăng xê cho tiệm Âu Hóa và phong trào cải cách xã hội của mình. Khi đã đưa Xuân lên mây, Văn Minh phải tự ép bản thân chấp nhận một thằng em rể vô lại dưới cái lốt đẹp đẽ, hào nhoáng do hắn tạo ra. Sau đó Văn Minh lại trát thêm một lớp vỏ nữa để che giấu bản chất đê tiện của kẻ vô học, vô lại cho Xuân khi tạo điều kiện cho hắn thi quần vợt, trở thành “anh hùng cứu quốc” được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh.

Vũ Trọng Phụng rất thành công khi xây dựng nhân vật điển hình Xuân Tóc Đỏ – một nhân vật có một không hai của thời đại. Một hình mẫu điển hình cho mẫu nhân vật ‘tha hóa”, tha hóa từ trong ra ngoài, từ suy nghĩ cho đến hành động. Ở hắn quy tụ đủ các yếu tố: dâm, đểu, dối trá, thủ đoạn, … Những yếu tố xấu xa vốn nẩy mầm trong con người hắn, sau đó học được nơi đầu đường xó chợ và tiêm nhiễm từ giới thượng lưu trong xã hội “chó đểu” của thời Âu Hóa trong xã hội nước ta những năm 30 thế kỷ XX.

KẾT LUẬN

1. Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà báo, nhà văn xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945 nói riêng và nền văn học hiện đại Việt Nam nói chung. Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại cho nền văn học nước nhà những kiệt tác. Những thiên phóng sự Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Cạm bẫy người, … đã nâng tên tuổi nhà văn họ Vũ thành “Ông vua phóng sự của đất Bắc”. Những tiểu thuyết Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ …nâng tầm “Ông vua phóng sự” thành một tiểu thuyết gia hàng đầu Việt Nam. Tác phẩm của ông “có khả năng chiếm lĩnh cuộc sống ở một tầm khái quát tổng hợp ít có ở những nhà tiểu thuyết đương thời”.

2. Trong thế giới nhân vật phong phú, đa dạng đó, Vũ Trọng Phụng đặc biệt thành công khi khắc họa nhân vật phản diện. Ngòi bút trào phúng của ông đã tạo nên một loạt chân dung những Nghị Hách, Vạn Tóc Mai, Phó Đoan, cậu Phước, Xuân Tóc Đỏ, cụ cố Hồng… Ông khá nhất quán trong việc lột trần cái “dâm”, cái “đểu”, cái bất lương, giả dối của bọn chúng. Những lúc đó ngòi bút ông sắc sảo “như roi quất”, “như dao chem”, “như đóng đinh chúng nó lên… cho thiên hạ muôn đời nguyền rủa”. Dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng các nhân vật có mối quan hệ ràng buộc, ảnh hưởng lẫn nhau. Người này là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tha hóa của người kia. Ví như Xuân Tóc Đỏ chỉ là thằng nhặt banh trong sân quần vợt được bà Phó Đoan cứu vớt, đưa về tiệm Âu Hóa của vợ chồng Văn Minh. Sau đó, được Văn Minh thổi phồng lên với các danh hiệu “sinh viên trường thuốc”, “nhà cải cách xã hội”, “giáo sư quần vợt”. Những danh hiệu rất kêu ấy, chẳng phải do Xuân Tóc Đỏ nghĩ ra và muốn thế mà người ta bắt hắn phải như thế.

3. Số đỏ là tiểu thuyết thành công nhất trong sự nghiệp cầm bút của Vũ Trọng Phụng. Nhà văn đã dựng nên nhiều bức chân dung biếm họa về nhân vật “tha hóa” mà điển hình cho hình mẫu của loại nhân vật này là Xuân Tóc Đỏ. Ở Xuân có sự kết hợp giữa cái ma mãnh, xấc xược, hỗn láo theo kiểu du côn của những kẻ đầu đường xó chợ với thói đểu giả, bịp bợm, dối trá, hợm hĩnh của tầng lớp thượng lưu đang chạy theo trào lưu Âu hóa trong xã hội đương thời. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ không chỉ điển hình cho loại người cơ hội, tha hóa trong xã hội thực dân phong kiến nước ta thời kỳ 1930-1945 mà ít nhiều có giá trị trong mọi thời đại.

Trên đây là bài viết tham khảo về cách viết tóm tắt luận văn tốt nghiệp, hy vọng qua bài viết này của Văn mẫu các bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức cũng như áp dụng chúng vào bài luận văn tốt nghiệp của mình.

Scroll to Top