Limited Edition Journal and Pen Set | GoWesty

Giới thiệu nhà thơ Cao Bá Quát

Limited Edition Journal and Pen Set | GoWesty

Tiểu sử nhà thơ Cao Bá Quát

(1808 – 1855)

Nhà thơ Cao Bá Quát tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, cũng có hiệu Mẫn Hiên. Quê gốc : làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Cha làm nghề dạy học, thường gọi là ông đồ Giảng, có đức độ,được quan tỉnh đề cử làm hiền lương. Cao Bá Đạt và Cao Bá Quát là hai anh em sinh đôi. Sau khi lập gia đình riêng, ông dời nhà sang vùng gần hồ Tây, thành Thăng Long.

Thiếu thời, Cao Bá Quát nổi tiếng thần đồng. Tương truyền, lúc lên mười, ông đã đọc thông kinh truyện và đã làm được nhiều thể văn thơ “trong một bài văn thường có những thần cú”, tiếng tăm lừng lẫy. Dự khảo hạch, ông đứng đầu xứ, dự thi hương, ông đậu á nguyên (thứ nhì) tại trường thí Hà Nội năm 1831. Đã mấy lần ông trảy kinh dự thi hội nhưng đều hỏng cả. Cao Bá Quát phải lắm phen lận đận ở chốn trường thi, vì không chịu theo khuôn phép của lối văn cử tử. Tuy đã đậu Cử nhân, nhưng suốt mười năm trời (1831 – 1841) ông không được bổ dụng, cuộc sống bần bách kéo dài. Có khi mở trường dạy học, nhưng chủ yếu ông buông mình sống những năm tháng nhàn phóng, thường đi du ngoạn khắp nơi. Chính trong thời gian này, vương triều Minh Mệnh đang dốc sức thu gom nhân tài, vật lực của cả nước, để xây dựng cung điện, lăng tẩm, đỉnh vạc, xây dựng hoàng thành uy nghi đồ sộ, để tạo bề thế cho triều đại. Nạn lao dịch và thuế khóa nặng nề, thiên tai liên tiếp, nạn tham nhũng và chế độ chính trị hà khắc,…. dẫn đến nhân dân than oán, vùng lên khởi nghĩa khắp nơi.

Là kẻ sĩ Bắc Hà, ông rất có ý thức về tài năng và trách nhiệm, lại là chứng nhân và nạn nhân của chế độ chuyên chế, bảo thủ, độc đoán của vua tôi Minh Mệnh, ông đã nhiều phen bày tỏ nỗi bất bình. Vào năm 1841, lúc Thiệu Trị lên ngôi, thấy rằng phải dùng Cao Bá Quát để ràng buộc ông, nên đã xuống chiếu triệu ông vào kinh, giao cho chức Hành tẩu bộ Lễ, sau cất nhắc lên làm Chủ sự bộ ấy. Trong một kỳ thi hương tại Thừa Thiên, ông được sung chức Sơ khảo. Khi chấm thi, thấy một số quyển văn hay, nhưng lại có sơ suất phạm quy, ông bèn cùng với bạn thân là Phan Nha, cứu thí sinh có tài bằng cách lấy muội đèn hòa với son làm mực, sửa chữa một sai sót, chứ không đánh hỏng. Sự việc bại lộ, ông bị bắt giam và bị kết tội “trảm giam hậu”, đồng thời phải chịu những nhục hình man rợ. Để chuộc tội chết, ông phải tháp tùng sứ bộ Đào Trí Phú, sang Nam Dương (Inđônêxia) mua hóa phẩm cho triều đình. Chuyến “dương trình hiệu lực” này đã ảnh hưởng đến cái nhìn của nhà nho Cao Bá Quát thời bấy giờ. Sau đó, ông được trở lại bộ Lễ, nhưng từ đây, ông chán ngán đường công danh, cứ sống ngang tàng, không bao giờ chịu luồn cúi. Cuối cùng, triều đình Huế đẩy ông ra đất Bắc, với chức Giáo thụ phủ Quốc Oai, chức học quan thấp nhất, tại tỉnh Sơn Tây (Hà Tây ngày nay). Thời đó, pha Quốc Oai, kiêm lý huyện Yên Sơn, là vùng rừng rậm, thưa dân, làm gì có trường học mà có đông học trò. Tương truyền, ông hết sức bất bình về cách đối xử này, và viết thành hai đôi câu đối : ” Mô phạm năm ba thằng mặt trắng, Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng” (dán ở nhà). “Nhà trống ba gian : một thầy, một cô, một chó cái, Học trò dăm đứa : nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” (dán ở trường). Tính chính xác về truyền miệng hai đôi câu đối này đến mức nào còn phải tìm hiểu thêm, nhưng cảnh ngộ trớ trêu của ông Giáo thụ thì đã được khắc họa sinh động.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Nguyễn Kiên

Tác phẩm của nhà thơ Cao Bá Quát

Chính trong khoảng thời gian này, vào khoảng hè thu 1853, ở Bắc Hà, thiên tai dồn dập, đặc biệt nạn châu chấu phá hoại mùa màng nghiêm trọng, nạn đói hoành hành nhiều nơi mà triều đình thì bỏ mặc, bọn tham quan ô lại thừa cơ thao túng sách nhiễu. Dân chúng bất bình nổi dậy chống triều đình khắp nơi. Từ vùng núi huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai, lá cờ nghĩa thêu 14 chữ vàng phất cao, nêu rõ mục đích : Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn Mục Da, Minh Điều hữu Vũ, Thang 

Ở Bình Dương, Bồ Bản không còn những vua hiền như Nghiêu, như Thuấn (thì)

Ở Mục Dã, Minh Điển phải có những anh quân như vua Vũ, như vua Thang (thay thế)

Nghĩa quân Mỹ Lương – sử gia nhà Nguyễn gọi là giặc Châu Chấu – suy tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, Cao Bá Quát làm quân sư, phát triển rộng ra các vùng Ứng Hòa, Thanh Oai (Hà Đông), Quốc Oai (Sơn Tây), Vĩnh Tường (Vĩnh Yên),… Triều đình Huế đã phải huy động nhiều đạo quân đến bao vây và đàn áp. Nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm. Quân sư Cao Bá Quát xông pha trận mạc, quyết chiến với kẻ thù. Trong một cuộc giao tranh quyết liệt ở vùng Yên Sơn, phủ Quốc Oai, không may Cao Bá Quát bị tên suất đội Định Thế Quang bắn chết tại trận ! Sau đó, Lê Duy Cự và nhiều yếu nhân lần lượt bị bắt. Phong trào tạm lắng xuống để rồi lại bùng lên ở các vùng khác như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên,… cuối cùng cũng bị thất bại. Cao Bá Quát tử trận. Triều đình Tự Đức kết án tru di tam tộc để trả thù. Dòng họ Cao ở Phú Thị tẩu tán khắp nơi, đổi tên giấu họ để tránh nạn tuyệt diệt !

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ

Là nhà thơ, Cao Bá Quát đã để lại những di sản đồ sộ, hiện còn lại 12 đầu sách như : Cao Bá Quát tú tập, Cúc Đường thi tập, Cúc Đường thi thảo, Mẫn Hiên thi tập, Mẫn Hiên thi thoại (?), Mẫn Hiên thuyết loại, Mẫn Hiên thi văn tập…

Di sản kể trên đã được sơ bộ chọn lọc, trích tuyển, phiên dịch, qua đó chúng ta có thể nêu lên một số nội dung sau đây :

– Qua thơ văn có thể khẳng định rằng : Cao Chu Thần không phải là con người chỉ biết khinh thế ngạo vật một cách tầm thường. Ông là một nhà nho thức thời và đã: có cái nhìn hiện thực khá sắc sảo. Xuất thân từ môn đồ Khổng học, ông cũng có hoài bão “trí quân trạch dân”, “đem quách cả sở tồn làm sở dụng” như Nguyễn Công Trứ, song ông đã thất vọng hoàn toàn. Cái thời mị dân của các vua Nguyễn đã chấm dứt. Cái chế độ thống trị bảo thủ, độc đoán, hà khắc, đố kỵ đang xiết chặt! Ông đã phát hiện ra thực trạng đó với việc giãi bày bằng tiếng nói tâm trạng đầy băn khoăn xao động hoặc ông hình dung ra trước mắt mình con đường đời thăm thẳm, bế tắc, tiến thoái lưỡng nan. Qua những vần thơ “về đêm” (Dạ) ông đã gửi gắm tâm sự riêng chung đầy thao thức, trăn trở, đặc biệt với bài Hàn dạ tức sự, phần nào tác giả đã nói lên được cái nhìn bi phẫn và tâm trạng phấn động đối với hiện thực xã hội đương thời.

Khi có dịp ra nước ngoài, dù là thân phận của người tử tù đi chuộc tội, sĩ phu thức thời họ Cao đã sớm nhận ra con đường canh tân đất nước. Ông đã hé mở cho mọi người thấy một nền văn minh khác, sau này được gọi là văn minh Thái Tây vượt xa Việt Nam, Trung Quốc đương thời chỉ lo “nhai văn nhá chữ”.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ, thiền sư Mãn Giác

– Không chỉ thể hiện cái nhìn sắc sảo, thơ văn ông còn là tấm lòng bao la của ông đối với con người và cuộc đời, nhất là đối với những con người bị chà đạp và những kiếp người bản hàn cơ nhỡ.

Hình ảnh ông già Phúc Lâm uất ức vì cảnh quan lại hà hiếp dân (Phúc Lâm lão), cảnh ngộ người con gái nghèo qua cầu lúc chập tối, giữa trời đông lạnh giá, cởi chiếc áo đang mặc đem đổi lấy tấm cám nuôi người thân đang đứt bữa (Mộ kiều quy nữ), số kiếp buồn tủi vô vọng của các ả đào nương (Đề đào nương xá) khi năm cùng tháng tận, số phận của lớp nho sĩ nghèo gần gụi với nhà thơ đang thất cơ lỡ vận (Đạo phùng ngã phu)… và biết bao thân phận, cảnh ngộ éo le đau buồn khác dường như hối thúc ông cân phải làm gì. Phải chăng đây cũng là một nguyên cớ khiến cho , nhà thơ trở thành quân sư trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương ?

– Cao Bá Quát còn dành những vần thơ trữ tình đằm thắm viết về nghĩa vợ chồng, cha con, anh chị em, về tình làng nghĩa xóm, nơi quê cha đất tổ. Thơ tả cảnh của ông có nhiều nét khá đặc sắc : một cảnh biển hùng vĩ (Hoành Sơn vọng hải ca) ; muôn dãy quần sơn uốn khúc “như đàn rồng” ở Tam Đảo; thắng.cảnh đế đô Thăng Long cũ được thu gọn và kết tỉnh vào Hồ Tây có một không hai. Ông viết Du Tây Hồ bát tuyệt (Tám bài tứ tuyệt về thú du ngoạn ở hồ Tây) trong đó có những tứ thơ, những hình ảnh độc đáo bất ngờ.

Cao Chu Thần không chỉ làm thơ, ông còn phát biểu quan niệm của mình về thơ. Theo ông, thơ hay vừa có quy cách, vừa thể hiện tính linh. Người làm thơ phải có sự rung cảm chân thành mới có thơ hay. Nếu chỉ ham bắt chước, sính bay bướm, ưa sao chép thì thơ trở nên vô vị và vô bổ. Giữa quy cách và tính linh phải rất coi trọng tính linh. Quả là thi sĩ họ Cao của nửa đầu thế kỷ trước đã đề cập khá đúng đắn mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của sáng tác văn học.

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top