bg-journal-grief-pencil - Refuge In Grief

Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Công Trứ

bg-journal-grief-pencil - Refuge In Grief

Tiểu sử nhà thơ Nguyễn Công Trứ

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ, húy là Củng, tự Tôn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn. Quê gốc làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách làng Tiên Điển của Nguyễn Du không đầy một dặm. Cha là Nguyễn Công Tấn, đậu Hương cống thời Lê mạt, đã từng làm Giáo thụ phủ Anh Sơn (Nghệ An), Tri huyện Quỳnh Côi, rồi Tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình). Lúc này, quân Tây Sơn tiến ra Bắc, chiếm Thăng Long. Hưởng ứng chiếu Cần vương, Nguyễn Công Tấn dấy binh chống lại, được triểu Lê phong tước Đức ngạn hầu. Không bao lâu, quân triều đình tan rã, Lê Chiêu Thống bỏ nước ra đi. Biết thế cùng lực tận, ông trở về quê, mở trường dạy học, cho đến lúc mất (1800). Đôi ba lần, vua Quang Trung mời ra làm quan, ông đều từ chối. Mẹ là con gái quan Quản nội thị Cảnh nhạc bá, họ Nguyễn, người huyện Thượng Phúc, tỉnh Sơn Nam (nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Nguyễn Công Trứ có sáu anh chị em ruột : ba trai, mà ông là con trưởng, ba gái, trong đó có một bà rất thông minh, giỏi thơ phú. được người đương thời gọi là Năng văn nữ sĩ. Góa chồng lúc 19 tuổi, bà không chịu tái giá, bỏ nhà đi tu, lấy hiệu là Diệu Điển thiền sư, được vua Minh Mệnh ban khen “Tiết hạnh khả phong”

Cuộc đời, con người và sự nghiệp Nguyễn Công Trứ có mấy điểm đáng chú ý sau đây :

Thuở nhỏ, lúc trưởng thành, Nguyễn Công Trứ theo đòi nghiệp nho. Tài năng nảy nở khá sớm. nhưng chưa gặp thời. Tình hình đất nước và xã hội đang trải qua biến thiên dữ đội : triều Lê – Trịnh sụp đổ, triều Nguyễn (Tây Sơn) chóng tàn, triều Nguyễn (Gia Long) mới thiết lập. Ông đã từng trải qua và đã từng nếm đủ mùi đời của cảnh bể dâu đó.

Hơn nữa cuộc đời, kể từ lúc sinh ra cho đến khi thì đậu, được bổ làm quan, ong sống trong cảnh bần bách. Cha từ quan hồi Nguyễn Công Trứ mới 9, 10 tuổi. Nhà nghèo lại đông con. Là con trưởng: ông phải vừa đi học, vừa làm đủ nghề để kiếm sống. Sau này, có gia đình riêng cuộc sống của ông càng thêm quẫn bách. Có thời kỳ ông phải làm nghề kép hát nữa. Dường như ông cũng say mê nghề này. Câu chuyện vui “Giang sơn một gánh giữa đàng, Thuyền quyên ứ hự…” cùng với non nửa sự nghiệp văn chương còn lại của ông là khúc hát ả đào đã nói lên điều đó. Thời bạch diện thư sinh, ông làm nhiều nghề, tiếp xúc nhiều hạng người, đi nhiều nơi, tự mắt thấy tai nghe nhiều sự kiện, nhiều cảnh ngộ. Do đó, cái vốn sống, cái bản lĩnh của ông không phải bắt nguồn từ sách vở của thánh hiền, từ những giáo huấn, giáo điều của nho gia mà từ cuộc sống thực phong phú, đa dạng và hết sức sôi động của thời đại ông – thời Lê Mạc, Nguyễn sơ. Vốn thông minh, tài hoa, lại nhiều từng trải, ông đã tự tạo cho mình cá tính, tư tưởng, hoài bão, phong cách mang tính độc đáo. Đó là anh đồ Trứ, ông Tổng đốc Củng, ông Thượng Trứ hồi hưu có một không hai.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Trần Quang Khải

Năm 1819, ông đậu Giải nguyên ở tuổi 42. Năm sau ông được bổ làm quan. 1820 : Hành tẩu ở Quốc sử quán. 1823 : Tri huyện Đường Hào (Hải Dương), 1825 : lĩnh chức Phủ thừa (Huế), được thăng chức Tham hiệp trấn Thanh Hoa (tức Thanh Hóa). 1826 : sung chức Tham tán quân vụ Bác thành rồi thăng Thị lang bộ Hình. 1828 : làm Doanh điền sứ coi việc khẩn hoang di dân ở miễn duyên hải Nam Định, Ninh Bình. 1830 : bị giáng làm Tri huyện nhưng năm sau lại được thăng đến Tổng đốc Hải An. 1836 : vì chuyện một tên tù vượt ngục, ông bị giáng 4 cấp. 1840 được cất cử làm Tham tán đại thần đi đánh thành Trấn Tay. 1841 : vì xin rút quân về nước nên bị giáng làm Tuần phủ An Giang. 1843 : bị vu cáo về tội buôn lậu, bị cách tuột chức tước và bị đày đi làm lính thú ở biên thùy Quảng Ngãi. 1845 : đưa về kinh cho làm Chủ sự bộ Hình. 1846 : giao chức Phủ thừa phủ Thừa Thiên và năm sau được thăng chức Phủ doãn phủ ấy. Năm 1848 : dưới triều Tự Đức, ông xin về hưu ở tuổi 70, sau 28 năm trên hoạn lộ gập ghềnh. Nguyễn Công Trứ tài kiêm văn võ, là viên quan thanh liêm nổi tiếng đã từng “Đem quách cả sở tồn làm sở dụng” và đã lập được nhiều công xuất sắc, nhưng triều thần nhà Nguyễn bảo thủ hẹp hồi, đa nghỉ, đã khống chế, thậm chí nhiều lần xử oan với ông.

Cuộc đời làm quan của ông có hai việc đáng chú ý là dẹp giặc và khẩn hoang.

Về dẹp giặc : Ông đã nhiều lần tham gia đánh phá các cuộc nổi dậy của nông dân như cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành ở Nam Định (1826), của Nùng Văn Vân ở Tuyên Quang (1833), của Lê Duy Lương ở Thanh Hóa (1838)… Theo quan niệm của ông : đã là bề tôi thì phải hết lòng đánh dẹp các cuộc chống triểu đình. Ông dẹp giặc cũng tích cực như lúc ông tiễu phỉ, diệt Tàu ô ở biên cương đất nước. Dĩ nhiên dẹp giặc là một hành động hạn chế biểu hiện quan niệm trung quân mù quáng. Có lẽ ông chỉ suy nghĩ đơn giản : dẹp loạn là “cứu chúa an dân”, là một cách thực hiện lý tưởng “trí quân trạch dân”!

Vẻ khẩn hoang : Nhiều năm làm quan ở đất Bắc, có dịp đi đây đi đó, ông xúc động trước tình cảnh đói nghèo, không ruộng đất, xiêu cư bạt quán của dân cày, trong lúc đồng đất mênh mông vẫn bỏ hoang hóa. Ông bèn dâng sớ xin triều đình cấp lương tiền để chiêu dân lưu tán, cung cấp ngưu canh điền khí để khai thác các vùng đất phù sa màu mỡ ở ven biển. Được chấp thuận, lại được cất nhắc làm Doanh điền sứ, ông đã tổ chức hướng dẫn, lập quy hoạch để nhân dân khai hoang lấn biển, dựng lên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) đông đúc trù phú. Một số vùng khác dọc theo bờ biển Nam Định, Quảng Ninh… hoặc noi gương ông, hoặc do ông tổ chức khai thác, đều biến thành ruộng đồng phì nhiêu, xóm làng trù phú. Nhân dân các vùng nói trên, đặc biệt là nhân dân Kim Sơn và Tiền Hải vô cùng biết ơn ông, đã lập sinh từ (đến thờ lúc còn sống) để ghi công ông. Với công tích này, lý tưởng “an dân”, “trạch dân” của ông đã vượt lên quan niệm “trí quân”, “cứu chúa” chung chung vốn từ lâu đã tồn tại như một công thức.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ, thiền sư Mai Trực

Vào năm 1858, lúc ông đã là đại lão, giặc Pháp bắn vào cửa bể Đà Nắng và lấn chiếm Lục tỉnh, triểu đình định cử ông cầm quân, nhưng vua Tự Đức còn lưỡng lự vì tuổi ông đã quá cao, ông liền dâng sớ tâu bày : “Thân già này còn thở ngày nào thì xin hiến cho nước ngày ấy! “. Vào tháng 11 năm đó, ông ngã bệnh và mất. Hành động cao đẹp cuối cùng này, một lân nữa chứng tỏ ông là tấm gương sáng của kẻ sĩ đất Việt !

Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ để lại nhiều văn chương, nhưng ông không có dụng ý viết thành thi tập, văn tập. Phần vấn xuôi là những bài sớ, tấu bằng chữ Hán còn lại không nhiều. Phần thơ ca, phú, câu đối viết theo ngẫu hứng để nói chí, tự vịnh, tự trào hay châm biếm, đã sưu tập được là bộ phận quan trọng nhất. Cho đến nay, thơ văn ông được tập hợp trong cuốn Thơ văn Nguyễn Công Trứ. Cuốn này gồm 53 bài thơ Nôm luật Đường, 1 bài thơ Hán, l bài phú Nôm, 21 câu đối Nôm, 8 câu đối Hán, 62 bài ca trù, 1 đoạn tuồng (Nôm), 13 bài sớ tấu chữ Hán và giấy tờ việc quan, 7 bài thơ Nôm tồn nghi. Phần thơ, phú, câu đối, ca trù hầu hết đều bằng chữ Nôm.

Thơ luật và ca trù của ông tập trung vào ba chủ đề chính: chí nam nhị, triết lý cầu nhàn và hưởng lạc, cảnh nghèo và thế tình đen bạc.

Ở chủ đề Chí nam nhi, lời thơ ca có lúc khoa trương khẳng định chí khí hoài bão to lớn và sự tồn tại hữu ích của con người, của đấng trượng phu. Trong chùm thơ ca viết về chủ đề này, bài Luận kẻ sĩ được coi là một tác phẩm tiêu biểu, một bản tuyên ngôn về lẽ sống, về quan điểm nhập thế của Nguyễn Công Trứ: kẻ sĩ có vai trò hết sức to lớn trong xã hội, lúc chưa thành đạt là người “hiếu đế” giữ vững “cương thường”, sống mẫu mực lạc quan, lúc gặp thời quyết “Đem quách cả sở tồn làm sở dụng”, lập được nhiều công to cả văn lẫn võ sao cho “bách thế lưu phương”… Khi về già, công và danh đã trọn vẹn, kẻ sĩ có quyền nghỉ ngơi, sống ngoài vòng cương tỏa. Dù còn bị ràng buộc bởi quan điểm trung hiếu, quân thần phong kiến, nhưng Chí nam nhi Nguyễn Công Trứ đã làm nên bản tráng ca, tự khẳng định mạnh mẽ, đã có tác dụng cổ vũ mọi người, nhất là tầng lớp thanh niên, vươn lên cuộc sống hữu ích và có nhiều cống hiến.

Đọc thêm  Giới thiệu tác phẩm Nam Quốc Sơn Hà

Triết lý cầu nhàn và hưởng lạc vốn cũng là chủ đề trong thơ văn trung đại. Nó thể hiện nếp sống nhàn tản, tự tại, thanh cao của các bậc ẩn sĩ hay trí sĩ. Với Nguyễn Công Trứ, thứ triết lý này được cường điệu, ít nhiều đậm tính sắc dục, phản ánh mặt tiêu cực của lý tưởng kẻ sĩ. Con người hành lạc “chơi đâu là lãi đấy” mâu thuẫn với con người hành động một thời sôi nổi của ông.

Phần thơ văn viết về thế tình đen bạc ít nhiều mang tính hiện thực. Thông qua cuộc đời từng trải của bản thân mình, Nguyễn Công Trứ đã nhìn nhận đúng và sắc sảo cảnh khổ nhục của người nghèo, bộ mặt lật lọng thay đen đổi trắng của bọn giàu có, quyền thế và tác hại ghê gớm của đồng tiền trong tay bọn chúng. Cùng với thơ văn của nhiều tác giả khác, ông đã góp phần phê phán và tố cáo bộ mặt xấu xa đen tối của xã hội đương thời.

Về mặt nghệ thuật thơ văn: Thơ Nôm luật Đường của Nguyễn Công Trứ viết theo thể hoàn chỉnh (không biến thể) mà giản dị, trong sáng, giàu chất liệu văn học dân gian. Trên đường Việt hóa thơ luật Đường, ông đã cùng với nhiều nhà thơ đương thời như Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan đạt được những thành công lớn.

Với thể ca trù, ông không phải là người đầu tiên tạo ra thể loại này, nhưng ông đã có công nâng thể ca trù thành thể tài thì ca. Ông đã biết khai thác triệt để lối diễn đạt phóng khoáng, vượt khỏi sự ràng buộc ngặt nghèo về niêm luật, về số câu số chữ của thể thơ luật Đường. Ca trù phần nào gần gũi với Thơ mới sau này. Chả thế mà Lưu Trọng Lư trong Tràng An báo số 107 – 1943, nhà Thơ mới nhiệt thành đã ghi nhận : “Cái thể ca trù nhờ phép thần của Nguyễn Công Trứ đã trở nên một thể cách hoàn toàn Việt Nam, rất thích hợp với những diễn xuất hùng mạnh… Tôi nhớ như có lần ông Huỳnh Thúc Kháng ví cái điệu thơ Ấy với thủy triều, thật không phải là lời nói vu vơ…”

Tóm lại, Thơ văn Nguyễn Công Trứ nhất là ca trù ngân lên một giọng điệu mới, phản ánh một khuynh hướng tư tưởng khác với trước đó, tập trung vào một số chủ để gắn bó với con người và cuộc đời của tác giả.

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top